Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2017

Bỏ xứ (Việt) mà đi

Bỏ xứ mà đi
PHẠM GIA HIỀN, Nhà báo, WEBSITE HÀ NỘI, VIỆT NAM
Tôi không đi khỏi Hà Nội được, sau mấy lần loay hoay, cuối cùng lại trở về. Sáng sáng, chiều chiều, lại hòa vào dòng người tham gia tắc đường như là lẽ sống. Cuối tuần lại tha thẩn đi bộ Bờ Hồ thi thoảng sơ ý giẫm vào phân chó. Nhưng tôi vẫn muốn gặp lại cô bạn mình, mời cô ấy uống nốt bữa cà phê còn dở, và trả lời rằng: Hà Nội thì cũng là quê mà. Cứ đi đi, rồi nhớ thì về. Tình yêu còn nguyên đấy, làm sao bỏ nó mà đi được?

Một hôm đang lướt Facebook, tôi khựng lại vì thấy một gương mặt quen thuộc. Đó là tấm ảnh chụp bà Bích, vốn là chủ quán cà phê nhỏ xíu ở tầng 2 con phố nhìn xuống hồ Gươm. Tấm ảnh rất đẹp, bà Bích ngồi bên bàn cà phê, cạnh bình hoa loa kèn trắng muốt, mặc chiếc áo dài màu vàng nhạt, cười rạng rỡ.

Đó là nụ cười mà cả một lứa học sinh, sinh viên Hà Nội 20 năm trước rất quen. Thời ấy, chúng tôi xúm xít nhau trong quán cà phê đó, biến nó thành quán cà phê sinh viên đầu tiên của Thủ đô.

Chúng tôi nghe nhạc rock, uống cà phê, tập tành hút thuốc và ngượng nghịu nắm tay nhau lần đầu tiên. Và bà Bích, người chủ quán rộng rãi nhất mà tôi từng biết, không những bán cà phê với giá rất rẻ mà còn cho chúng tôi ghi sổ nợ, cho vay tiền, cho ăn cơm khi đến bữa, luôn luôn với nụ cười hiền lành trên môi.

Đó là chuyện của thời tuổi trẻ, gần 20 năm trước. 5 năm trước, bà Bích mất, tôi nhận được tin lúc đang công tác ở Sài Gòn, không về được. Khi ấy, tôi đã suy nghĩ rằng sẽ bỏ Hà Nội mà đi, xây dựng lại sự nghiệp (hay cái gì đấy từa tựa như thế) ở phương Nam. Dứt khoát lắm.

Một cô bạn làm nghề viết, bỗng một ngày gọi tôi ra quán cà phê, rồi bảo mai em đi du học đây, em đi rồi sẽ không về nữa.

Thế là bỏ xứ à? Tôi giật mình.

Anh định cho con anh lớn lên ở một nơi như thế này à? - Cô bạn trả lời tôi bằng một câu hỏi khác.

Tôi không chuẩn bị tinh thần để trả lời ngay cho câu hỏi đó, nó làm tôi suy nghĩ suốt nhiều ngày sau. Đến lúc tôi nghĩ rằng mình có thể trả lời, thì bạn đã đi rồi. Từ ấy, tôi và cô bạn gần như không còn trò chuyện gì nhiều. Tôi vẫn theo dõi trang Facebook của cô, thấy cô hòa nhập nhanh chóng với môi trường mới, ngôn ngữ mới, xã hội mới, nếp sống mới. Mới và khác biệt hoàn toàn.

Cô bạn đôi khi cũng viết vài dòng nhớ về quê cũ, về thành phố của chúng tôi, nhưng đó là nỗi nhớ không sinh sôi. Tức là tương tự như bạn giở cuốn album ảnh cũ của gia đình, xuýt xoa với từng khoảnh khắc kỷ niệm này kia, nhưng không còn có thể trở lại để tham gia vào bất cứ khoảnh khắc nào. Bỏ xứ mà đi, cả nỗi nhớ cũng không được mang theo nguyên vẹn.

Hà Nội bây giờ rộng gấp đôi, gấp ba. Thế mà không hiểu sao lại trở nên chật hẹp với những đứa con của mình. Mấy lứa người, hoặc đã đi, hoặc còn ở lại thì chỉ chực tìm cách để đi - thế hệ “vừa ở vừa than thở”. Không còn lý do gì để yêu thành phố này hay sao?

Hãy nhìn những vỉa hè nát bấy bởi bánh xe, hàng vạn bánh xe chen chúc phi lên mỗi sáng mỗi chiều, sẽ hiểu rằng người ta đã cạn kiệt kiên nhẫn, cạn kiệt tình yêu cho thành phố này đến mức nào. Và còi xe, và rác thải, và chửi bới, và phân chó, và vật liệu xây dựng, và bún mắng cháo chửi, và những ban-công chuồng cọp….

Cuộc sống như là sự chịu đựng. Đến mức, có anh bạn tôi, việc đầu tiên mỗi ngày là chụp ảnh bản báo cáo chỉ số ô nhiễm không khí, và nguyền rủa việc mình phải hít thở. Như thể, anh vô can trong mấy triệu dân cùng phát thải mỗi ngày. Mấy triệu dân ở đây, có khi bây giờ quá nửa cũng là đến từ một nơi nào khác, cũng là bỏ xứ mà đến đây.

Một nhà văn trẻ
với tư duy rất độc đáo và đã có những tác phẩm được công chúng đón nhận, bỗng nhiên cách đây mấy năm đột nhiên biến mất. Nghe nói, anh sang Singapore, có mức lương rất ổn tại một công ty lớn, và không còn viết nữa. Thế rồi tháng trước, đột nhiên lại thấy sách của anh trên quầy.

Đọc ngấu nghiến hơn 200 trang sách, mấy vạn chữ, chỉ thấy mênh mang là nỗi nhớ quê. Quê anh, một làng nghèo khó ở miền Trung, quay quắt ám ảnh đến từng giấc mơ. Đọc thấy cay mắt, mà thương, và tiếc. Bởi vì nỗi nhớ ngắt ra vời vợi, nó không làm cho sức văn của anh mạnh hơn chút nào. Bỏ xứ mà đi, quê hương cũng nhạt nhòa như khói, mỏng manh như khói.

Bây giờ là mùa đông, đã vào tháng Chạp rồi. Thế mà trời vẫn nóng. Buổi trưa, nếu không mặc sơ mi mỏng hay áo phông ngắn tay, là sẽ đổ mồ hôi. Có câu đùa mới được truyền tai: “Mùa đông năm nay mát hơn mùa hè năm ngoái”. Thời tiết Hà Nội không biết đã bao giờ kỳ quái như thế? Và thế là đủ để người ta lên một cơn chán ghét mỉa mai. Chả nhẽ người ta có thể bỏ xứ mà đi, chỉ để có thể mặc cái áo len rất mốt, đắp cái chăn lông cừu Nhật Bản tiền triệu mua từ tháng trước mà trời cứ nóng mãi chưa dùng được?

Tôi không đi khỏi Hà Nội được, sau mấy lần loay hoay, cuối cùng lại trở về. Sáng sáng, chiều chiều, lại hòa vào dòng người tham gia tắc đường như là lẽ sống. Cuối tuần lại tha thẩn đi bộ Bờ Hồ thi thoảng sơ ý giẫm vào phân chó. Đôi khi lỡ ngu ngơ vào phải quán lạ, nghe chủ quán chửi như hát hay, hoặc kiên gan nghe nhạc sàn đập thùm thụp vào thái dương trong một quán cà phê cũ kỹ.

Nhưng tôi vẫn muốn gặp lại cô bạn mình, mời cô ấy uống nốt bữa cà phê còn dở, và trả lời rằng: Hà Nội thì cũng là quê mà. Cứ đi đi, rồi nhớ thì về. Tình yêu còn nguyên đấy, làm sao bỏ nó mà đi được?

https://www.facebook.com/giahien.journalist

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét