Thứ Năm, 8 tháng 12, 2016

Thế giới đã sang trang và những vấn đề đặt ra cho VN

Thế giới đã sang trang
và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam
Nguyễn Trung
Bài 3[1]
 Hà Nội, ngày 06-12-2016 
         Sự vận động của lịch sử, nhất là tại một bước ngoặt cụ thể, thường gắn với sự xuất hiện nhân vật lịch sử cụ thể. Điều này cho thấy, tính cách của nhân vật lịch sử cụ thể có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn sự vận động của lịch sử. Còn 6 – 7 tuần lễ nữa Trump mới chính thức tuyên thệ nhậm chức (khả năng kết quả bầu cử bị lật ngược tuy đã được đặt ra, nhưng hầu như sẽ không có thay đổi gì), rồi chính quyền Trump sẽ làm gì 4 năm tới?.. – đấy là những chuyện đang ở phía trước.  
Song những gì đã thấy được trên thế giới và tại nước Mỹ hôm nay, cùng với những ý đồ hoặc khuynh hướng đã lộ ra phần nào của Donald Trump tranh cử, có thể giúp chúng ta rút ra một số nhận định tiếp theo (sau bài 1).


I.

Nhìn rõ hơn nữa thế giới đã sang trang
và hiện tượng Trump

         Hầu như có sự nhận định thống nhất của nhiều học giả Mỹ có tên tuổi các trường phái khác nhau, không ít trong số họ đã được giải thưởng Nobel (trải dài từ tả sang hữu – ví dụ như từ Chomsky, Stiglitz… … đến Kissinger):
         Trật tự thế giới hình thành từ các giá trị ra đời sau chiến tranh thế giới II đã bị xáo động, thế giới xuất hiện nhiều vấn đề mới khiến quyền lực tại nhiều mước có xu hướng đẩy lợi ích quốc gia lên vị trí ưu tiên chiến lược cao nhất, hiện tượng Trump là cú sốc toàn cầu (a global upheaval) kể từ sau chiến tranh thế giới II.  
Nhận định này được chia sẻ rộng rãi trên thế giới, mặc dù có sự đánh giá rất đa dạng về các nguyên nhân của hiện tượng. 
Dưới đây xin lưu ý những diễn biến nổi bật trong thế giới hôm nay. 
Các thể chế vận hành quá trình toàn cầu hoá kinh tế trong những thập kỷ gần đây một mặt thúc đẩy quan trọng sự phát triển kinh tế thế giới; đặc biệt là quá trình tự do hoá các mối quan hệ kinh tế và các tiến bộ của khoa học và công nghệ (nhất là thế giới đã bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư – the industrial revolution 4.0) đã tạo ra những thành tựu phát triển mới tại cả 2 nhóm nước phát triển và đang phát triển. 
Song mặt khác, như một hệ luỵ khách quan tất yếu, chính sự phát triển này gây nên những thay đổi, tích tụ dần thành nhiều chấn động lớn, có thể khái quát dưới đây:  
(1)    Chấn động do những dòng chảy của 4 yếu tố kinh tế cơ bản là hàng hoá, vốn, công nghệ, và nguồn nhân lực trong những thập kỷ toàn cầu hoá vừa qua đã thay đổi, vượt lên trên khả năng vận hành của các thể chế và sự thích nghi của con người.  
Nguyên nhân cơ bản là tự do hoá kinh tế trong quá trình toàn cầu hoá và sự phát triển của khoa học và công nghệ những thập niên vừa qua đã phá vỡ nhiều thể chế hiện hành trong mỗi quốc gia hay trong các mối quan hệ kinh tế - chính trị quốc tế; sự vận động này mang lại nhiều phát triển mới, nhưng đồng thời cũng gây ra nhiều bất cập hoặc thậm chí những rối loạn mới, những thách thức mới (Michael Spence). Rõ thấy nhất là các hiện tượng: một số ngành nghề biến hẳn tại các nước phát triển với nhiều hệ quả kinh tế - chính trị - xã hội lâu dài; sự di chuyển lao động tự nó đã tạo ra nhiều áp lực mới, lại càng trở nên đặc biệt nhạy cảm tới mức nhiều nước hầu như không thể chịu đựng nổi do các vấn đề nhập cư, di tản..; những hệ quả mặt trái của công nghệ thông tin chưa thể kiểm soát được như: ăn cắp bản quyền, dòng tiền đen, sự lũng đoạn của nạn tin tặc… vân vân… và nhiều hệ luỵ kèm theo. 
(2)    Chấn động do sự phân hoá mới không thể tránh được, với hệ luỵ làm trỗi dậy chủ nghĩa quốc gia (nationalism) trong quá trình toàn cầu hoá. 
Tại hầu hết các nước phát triển – được coi như đầu tầu của con tầu thế giới – đều xuất hiện nhiều vấn đề chưa từng có – như một hệ quả tất yếu: có quá nhiều nhóm người hay các tầng lớp bị thiệt thòi và trở thành nạn nhân của quá trình toàn cầu hoá, nhiều giá trị cơ bản từng tạo nên trật tự và đời sống tinh thần của những quốc gia này bị lung lay, nảy sinh vấn để “xét lại” (revise, revaluate) nhiều quan niệm và niềm tin liên quan đến toàn cầu hoá và hội nhập mà họ từng theo đuổi…  
Sự phân hoá mới xuất hiện trong đời sống kinh tế - chính trị - xã hội là không thể tránh khỏi. Đồng thời sự già cỗi hay tha hoá theo thời gian có tính tất yếu của các thể chế hiện hành càng làm cho quá trình phân hoá mới này nghiêm trọng thêm, bởi vì không có một thể chế nào có thể toàn mỹ vĩnh viễn.  
 Trong khung cảnh ấy đáng chú ý là chủ nghĩa quốc gia (nationalism) trỗi dậy trở lại. Khuynh hướng này mang những biểu hiện của chủ nghĩa dân tuý (populism), tại một số nước đã nhuốm màu sắc chủ nghĩa phát xít hoặc chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.  
Tóm lại, đây là sự phân hoá trong lòng mỗi quốc gia trong bối cảnh đồng thời diễn ra sự phân hoá giữa các quốc gia với nhau bên trong hoặc bên ngoài các tổ chức quốc tế và khu vực. 

(3)    Chấn động do cục diện quốc tế một siêu đa cường đã chín muồi, đang làm xuất hiện nhiều điểm nóng mới và những vấn đề mới, chiến tranh lạnh II đã xuất hiện, phảng phất không khí chiến tranh thế giới III. 
Sau chiến tranh lạnh I quá trình toàn cầu hoá kinh tế phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên nhiều điểm nóng trên thế giới và những thách thức truyền thống hoặc phi truyền thống tiếp tục tồn tại hoặc có những hình thức vận động mới.  
Hiện tại nổi lên là các sự kiện (i) Nga tham chiến ở Syrie và chiếm Krym trong bối cảnh quan hệ với Mỹ-NATO ngày càng căng thẳng, (ii) cán cân quyền lực đang lên của Trung Quốc thao túng nhiều vấn đề trên thế giới và đặc biệt tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương – Biển Đông, (iii) các vấn đề nóng ở Trung Đông và vấn đề IS không có lối ra, (iv) vai trò suy yếu tiếp tục của Mỹ và rạn nứt của EU là những hiện tượng trực tiếp làm cho cục diện thế giới đi vào thời kỳ căng thẳng mới, với đụng độ và nguy cơ đụng độ khu vực đang gia tăng. Chiến tranh lạnh II đã xuất hiện, phảng phất không khí chiến tranh thế giới III.  
Thực tế này đã tạo ra xu thế đẩy quyền lợi quốc gia lên vị trí ưu tiên chiến lược cao nhất như một phản ứng tất yếu. Những sự kiện nổi bật là Brexit, Putinism, giấc mơ Đại Trung Hoa, và bây giờ là Trumpism ở Mỹ.  
Không chỉ như vậy, tại một số nước Đông Âu như Hungarie, Bulgarie và Balan đã có hơi hướng xoay trục xa EU vì không thể chấp nhận thu nạp di tản từ Bắc Phi; Đông Nam Á có hiện tượng Rodrigo Duterte vì vấn đề tệ nạn ma tuý và vấn nạn ly khai trong nước không giải quyết được, và đồng thời vì nhiều lý do khác nữa nên đang muốn bỏ Mỹ để đi với Trung Quốc – Nga; trong ASEAN cũng có những biểu hiện xoay trục –  rõ nhất là qua những vấn đề liên quan đến Biển Đông, có thể vì chiến lược xoay trục của Mỹ quá yếu trong khi bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc gần như là bất khả kháng.  
Những hiện tượng tương tự như vậy của chủ nghĩa dân tuý cũng đã xuất hiện ở một số nước châu Mỹ Latinh. 
Đáng lo ngại cho EU là tại Pháp có hiện tượng Marine Le Pen với Mặt trận Dân tộc (FN), đang công khai đi theo những quan điểm của Pétain xưa kia (trong đó có vấn đề bỏ đồng minh để hợp tác với Đức Quốc xã. FN đang tìm mọi cách nhảy vào nắm chính quyền trong cuộc bầu cử tới ở Pháp. Tại nhiều nước EU khác cũng bắt đầu xuất hiện những hiện tượng của chủ nghĩa dân tuý rất nhạy cảm. Báo chí phương Tây mô tả đó là xu thế “exit” (ví dụ như Brexit - tạm gọi là xu thế ra đi”), mà động lực cốt lõi vẫn là quan điểm lợi ích quốc gia trên hết – như là một hệ luỵ của quá trình toàn cầu hoá.
Trên thực tế hiện tượng exit đang nở rộ thành phong trào, được đặt cho cái tên “mùa thu của những người châu Âu yêu nước”... Thậm chí đã có những dự báo sau Brexit có thể sẽ là Francit, hoặc nguy cơ EU tách đôi: một mảng do Đức cầm đầu, mảng kia do Pháp… 

(4)    Chấn động Mỹ. Sự phát triển của Mỹ trong những thập niên toàn cầu hoá gần đây, cùng với những tác động đối nội và đối ngoại của quá trình này và những hệ luỵ tất yếu, cuối cùng đã tạo nên cơn sốc ngay trong lòng nước Mỹ (đến mức nước Mỹ cũng phải quẫy lên– bài 1).
 Vì là chấn động của siêu cường số 1, nên nó đã tạo ra cú sốc toàn cầu hôm nay.
Phân tích sâu hơn, có thể nói chấn động Mỹ - hay là hiện tượng Trump – bắt nguồn từ những nguyên do sau đây: 
Sự bất mãn của các tầng lớp và các nhóm dân cư Mỹ phải trả giá cho những bất cập của quá trình toàn cầu hoá; nhiều giá trị và quan điểm chiến lược của chính nước Mỹ bị quá trình toàn cầu hoá thách thức nghiêm trọng – nhiều lúc được mô tả là rối loạn, suy tàn.., 
tâm trạng trong lòng nước Mỹ cho rằng Mỹ đang tạo ra ấn ượng thoái lui (retreat) trong chiến lược toàn cầu do những giải pháp nửa vời hoặc chưa đủ cứng rắn suốt 8 năm Obama, 
vấn đề Frankenstein Trung Quốc chưa có giải pháp, sự bế tắc của tình hình Syrie với sự tham gia của Nga làm cho các vấn đề ở Trung Đông nan giải hơn,  
sự ỷ lại vào cái ô bảo trợ Mỹ của NATO, của nhiều đồng minh và các liên minh khác trở thành gánh nặng ngày càng không kham nổi đối với Mỹ, hạn chế Mỹ tập trung vào những ưu tiên của riêng mình, và ngày càng đẻ ra cho Mỹ những thách thức mới, giữa lúc trên thế giới xuất hiện ngày càng nhiều vấn đề nóng. 
- Vân vân.
Đáng chú ý chấn động Mỹ xảy ra trong bối cảnh kinh tế Mỹ 8 năm thời Obama là nền kinh tế khoẻ mạnh nhất trên thế giới – với nghĩa ổn định và bền vững hơn so với hầu hết các cường quốc công nghiệp khác (xếp thứ hai là kinh tế Đức). Song Mỹ vẫn phải quẫy lên như vậy, chứng tỏ chấn động này là không cưỡng nổi, tạo ra mảnh đất giúp Trump thắng cử với khẩu hiệu trung tâm “We make America great again!”, đồng thời dấy lên cao điểm chưa từng có của chủ nghĩa dân tuý mới ở Mỹ kể từ sau chiến tranh thế giới II. 
Sau chiến tranh thế giới II, nước Mỹ từng có những chấn động lớn trong nước, thường xuất phát từ những nguyên nhân bên ngoài. Có một số chấn động lớn xuất phát từ những nguyên nhân trong nước – điển hình như phong trào của người Mỹ gốc Phi đòi quyền bình đẳng và xoá nạn phân biệt chủng tộc với nhân vât thần tượng Martin Luther King, đấy thường là những chấn động thúc đẩy xu thế tiến bộ ở Mỹ. Cú sốc Trump có thể được coi là một chấn động từ bên trong, nhưng lần này là làm phân hoá nước Mỹ, đánh dấu một suy yếu mới của Mỹ, đồng thời cũng phản ánh một đặc tính Mỹ: luôn quẫy lên để tìm lối ra. 

II. 
Hai kết luận sơ bộ có thể rút ra sau cú sốc toàn cầu
  
         Nhiều học giả Mỹ và trên thế giới cho rằng còn khó đoán tổng thống đắc nhiệm thứ 45 của Mỹ sẽ làm gì cho đến khi chính quyền Trump chính thức đi vào hoạt động. Song đều có nhận định chung: Trước mắt Mỹ có  một thời kỳ chưa biết kéo dài bao lâu chứa đựng nhiều bất định, kéo theo nhiều tác động toàn cầu. 
Tuy nhiên, thể rút ra kết luận đầu tiên:  
Sau chiến tranh thế giới II, cục diện quốc tế bước sang một trang mới với sự ra đời của một trật tự mới khác hẳn so với trước. Mô tả theo quan điểm tập hợp lực lượng, đó là sự hình thành một thế giới gồm chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa tư bản và phong trào độc lập dân tộc. Hồi ấy ngôn ngữ chính thống của “phe ta” gọi trật tự ấy là thế giới của hai phe bốn mâu thuẫn.
 Thế giới đã sang trang hôm nay không xuất xứ từ những nguyên do chiến tranh, mà là do quá trình phát triển năng động và thịnh vượng nhất cho đến nay của toàn cầu hoá kinh tế thế giới 3 thập niên sau chiến tranh lạnh đã tích tụ nhiều vấn đề mới phải giải quyết. Đây là mặt trái của tấm huân chương. Sự sang trang này diễn ra trong bối cảnh trật tự quốc tế một siêu đa cường đã chín muồi, với những thách thức truyền thống và phi truyền thống hoàn toàn mới.
 Thế giới sang trang hôm nay làm phá sản moi ý thức hệ và mọi thứ chủ nghĩa, không còn vấn đề “Ai phải lựa chọn phe nào?”; nhưng lại đặt ra không thể tránh né cho mọi quốc gia – hầu như không có ngoại lệ, dù là Mỹ hay là bất kỳ một nước đang phát triển nào – câu hỏi nguyên thuỷ vốn mang tính mất / còn. Khácchăng là hôm nay câu hỏi nguyên thuỷ này trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết trong lịch sử đương đại.
Đó là: 
-   Quốc gia hôm nay phải được phát triển như thế nào, cùng đi với cả thế giới ra sao để tồn tại và phát triển?”, – tất yếu dẫn tới câu hỏi tiếp theo: “Làm gì, làm thế nào để có được nội lực quốc gia đáp ứng được thách thức mới này?”  
Trả lời được câu hỏi mất / còn nguyên thuỷ nhưng hôm nay trở nên vô cùng cấp thiết này, sẽ dẫn tới kết luận: Sức mạnh nội lực quốc gia và ý chí dân tộc là yếu tố quyết định trong thế giới sang trang 
Đặc biệt là trong thế giới hôm nay, sẽ không thể nào phát huy được nội lực quốc gia, nếu không thông qua hội nhập sâu sộng vào sự vận động của thế giới trong quá trình toàn cầu hoá đang tiếp tục phát triển không ngừng nghỉ, song hiển nhiên với những phương thức mới và đòi hỏi mới.  
Thành tựu đạt được của mọi quốc gia trên con đường toàn cầu hoá 3 thập niên vừa qua khẳng định: Trong thời đại toàn cầu hoá, con đường giải phóng nội lực, đồng thời tạo ra khả năng cùng dấn thân cho những đòi hỏi chung của cả thế giới để giành thắng lợi, đó là con đường dân tộc và dân chủ[2], nhưng hôm nay đòi hỏi nhiều hơn về chất lượng con người và thể chế vận hành quốc gia. Đây có lẽ là kết luận quan trọng nhất cho nước ta trong tình hình thế giới đã sang trang hôm nay. 
Kết luận 2: Cục diện Châu Á Thái Bình Dương trở nên nóng hơn, đặc biết tại địa bàn Biển Đông có thể xẩy ra những đụng độ quyết liệt nếu Trung Quốc không bị kiềm chế thoả đáng. 
Cùng với quá trình phát triển manh mẽ của toàn cầu hoá, Châu Á Thái Bình Dương từ vài thập kỷ nay đang ngày càng trở thành khu vực phát triển năng động nhất của thế giới. Trong cục diện thế giới mới hôm nay, Châu Á Thái Bình Dương càng nổi lên là trận địa chính tranh giành ảnh hưởng Mỹ - Trung và chi phối sâu sắc bàn cờ thế giới. 
Trong tranh cử, Trump đã làm nổi bật sự thật: Đối thủ hàng đầu đang gây cho Mỹ nhiều thách thức lớn là Trung Quốc trên các phương diện kinh tế, chính trị và trong các vấn đề toàn cầu, đang trực tiếp uy hiếp mạnh nhất vị thế của Mỹ. Nội dung tranh cử cũng cho thấy Trump đặt Nga là đối thủ số 2, và đã nêu ra hướng cùng hợp tác giải quyết một số vấn đề - trước hết ở châu Âu và Bắc Phi. Nếu nhìn vào những mối nguy tiềm tàng của liên kết Nga – Trung (còn được mô tả là cuộc hôn nhân bất đắc dỹ) đang diễn ra, càng thấy rõ Trump không muốn để liên kết bất đắc dỹ này thành mối nguy lớn, và Mỹ càng không thể coi nhẹ trận địa Châu Á Thái Bình Dương.  
Để xem rồi đây giữa nói và làm sẽ khác nhau như thế nào, song những phê phán gay gay gắt của Trump về thương mại của Trung Quốc với Mỹ, và việc tuyên bố tăng cường lực lượng hải quân, ít nhiều hé ra những gì Trump có thể sẽ làm với Trung Quốc.  
Gần đây nhất, một biểu hiện mới nữa trong thái độ đối với Trung Quốc – ngày 3-12-2016, Trump đã phá lệ và trở thành tổng thống đầu tiên kể từ thời Carter nói chuyện (điện đàm) với tổng thống Đài Loan. Cuộc điện đàm này do phía Đài Loan lobby và chỉ mang tính xã giao, nhưng đã đụng chạm thẳng vào vấn đề cốt lõi trong quan hệ Mỹ - Trung: “quy chế một nước Trung Quốc”. Trung Quốc đã có phản đối chính thức của Bộ Ngoại giao. Mặc dù Trump đã nói sẽ rút khỏi TPP, song hiển nhiên Trump đang tiếp cận vấn đề Trung Quốc khác với Obama (bị Trump phê phán là bạc nhược). Trước sự chỉ trích của một số chính khách và nhà báo Mỹ về cuộc điện đàm này, nhóm cố vấn của Trump giải thích: Trump hoàn toàn biết ông ta nói gì (ý nói không hớ hênh và hiểu sự nhậy cảm của vấn đề) và bình lun: Làm như Trump tác dụng sẽ còn mạnh hơn những gì thời Obama đã làm cho xoay trục (pivot)! Phản ứng của báo chí Trung Quốc sục sôi: Điện đàm này là một trò tiểu xảo, chỉ tạo dịp cho Mỹ sẽ được nếm sức mạnh của Trung Quốc!.. Ngày 05-12-16 Trump lại tiếp tục phê phán, đại ý: Trung Quốc có hỏi ý kiến Mỹ việc giữ tỷ giá thấp đồng tiền của họ, đánh thuế cao hàng Mỹ vào Trung Quốc, xây dựng các căn cứ quân sự giữa lòng Biển Đông không? Làm như thế có được không?..   
Nghĩa là Trump vẫn rắn lên. Song vẫn phải chờ trong hành động rồi mới rõ được giữa Mỹ và Trung Quốc ai sẽ là hổ giấy trong chuyện này. Dư luận cũng rất chú ý Kissinger lúc này đang thăm Trung Quốc (từ 03-12-2016). 
Thực tế đang diễn ra là: Từ thời Giang Trạch Dân đến nay, Trung quốc đã triệt để khai thác 4 yếu tố có lợi thế lớn để khẳng định quyền lực  của mình tại Biển Đông và bành trướng ảnh hưởng trên thế giới. Đó là: thời gian, ưu thế tại chỗ, sức mạnh mềm, sự nhân nhượng của đối phương.  
Hôm nay Trung Quốc đã giành được lợi thế áp đảo và thách thức trực tiếp các nước trong khu vực, uy hiếp con đường hàng hải huyết mạch Malacca, đã lên tiếng muốn Mỹ chia đôi Thái Bình Dương. Đồng thời Trung Quốc đã xúc tiến được những bước quan trọng chiến lược “một vành đai, một con đường” với cái tên con đường tơ lụa Trung Quốc. Đặc biệt Trung Quốc ngày nay trở thành thị trường xuất khẩu rất quan trọng không thể thiếu đối với tất cả các nền kinh tế lớn – kể cả Mỹ.  
Tóm lại, trong vòng 3 thâp kỳ kể từ thời Giang Trạch Dân, Trung Quốc từ cường quốc thứ 5 đã bước lên cường quốc thứ hai sau Mỹ, trực tiếp uy hiếp vị thế của Mỹ; tranh chấp Mỹ - Trung trở thành nhân tố chính chi phối bàn cờ thế giới hôm nay. Sự phát triển này của Trung Quốc ngoài những nguyên nhân tự thân, còn có 2 nguyên nhân bên ngoài quan trọng khác:  
(a)    Bằng mọi thủ đoạn và hầu như bằng mọi giá, Trung Quốc đã khai thác tối đa mọi cơ hội vơ vét làm giầu trong quá trình tham gia toàn cầu hoá,
(b)    tận dụng mọi sai lầm và các nhân nhượng của phía Mỹ nói riêng và cả thế giới phuơng Tây nói chung.
Không phải ngẫu nhiên trong giúp Trump tranh cử, nhóm cố vấn đã nêu ra: Không thể chấp nhận Trung Quốc đang thách thức cả thế giới mà hôm nay vẫn cứ hưởng mọi quy chế dành cho nước đang phát triển!
Ngay sau khi nhậm chức nhiệm kỳ đầu, Obama đã tìm cách kiềm chế qúa trình phát triển nói trên của Trung Quốc với dự án hợp tác Mỹ Trung G2. Nhưng kết quả đạt được là: Không có G2, Trung Quốc năm vào cuối cùng của chính quyền Obama đã mạnh thêm nhiều so với cách đây 8 năm, hiếu chiến hơn, lấn thêm được những bước mới quan trọng, và ngày nay thách thức Mỹ quyết liệt hơn.
Trung Quốc hiện nay tuy ngày càng nhiều khó khăn nghiêm trọng bên trong (hai chục năm nay liên tục có những dự báo về sự sụp đổ của Trung Quốc mà chưa thấy đổ!), vấp phải không ít phản ứng của bên ngoài. Song trong thế giới đang phân hoá thành những cực khác nhau, 8 năm Obama vừa qua cho thấy sự uy hiếp của Trung Quốc vẫn đang tiến triển, hoặc chưa thấy xuất hiện những yếu tố nào có thể chặn lại sự tiến triển này.
Cách tiếp cận quyết liệt của Trump phải chăng cho thấy Trump muốn thay đổi thực tế nói trên trước khi quá muộn?
 Tuy một ngày không xa kinh tế Trung Quốc sẽ có quy mô lớn hơn Mỹ, nhưng khoảng cách phát triển của Trung Quốc so với Mỹ và phương Tây còn lớn. Có những dự báo cho rằng còn một thời gian nhất định nữa Trung Quốc không thể thách thức Mỹ trong chiến tranh lớn, và cả Mỹ và Trung Quốc cũng đều tránh nguy cơ đối đầu nhau trực tiếp. Song 8 năm thời Obama còn cho thấy Trung Quốc thường xuyên sử dụng thế mạnh áp đảo tại chỗ, liên tục thực hiện được những bước nhỏ có tính toán trong khu vực Biển Đông mỗi khi có cơ hội hoặc tình hình đòi hỏi.
 Có thể dự báo quan hệ Mỹ - Trung thời Trump sẽ nóng lên trên mặt trận tranh chấp kinh tế. Mỗi bên đều có những “võ” ăn miếng trả miếng nhau, khó mà nói rằng bên nào sẽ nuốt chửng ngay được bên nào – ít nhất vì các lý do:
 ·  sự lệ thuộc của Mỹ vào thị trường Trung Quốc không nhỏ, hầu hết các nước phương Tây khác cũng như vậy, việc tập hợp đồng minh cho mình của mỗi bên Mỹ - Trung trên trận địa này rất phức tạp, tính nguy hiểm của quyền lực mềm gia tăng (hiện tượng Duterte là ví dụ điển hình);
·   không thể một sớm một chiều thực hiện những chiến lược kinh tế có tính đảo ngược – ví như từ outsourcing quay trở lại reshoring;
·   trong toàn cầu hoá ngày nay các biện pháp của chủ nghĩa bảo hộ càng khó chống lại sự vận động của các quy luật kinh tế…
·    khả năng ăn miếng trả miếng nhau rất năng động: Trump rút TPP, ngay lập tức tại hội nghị cấp cao APEC 11-2016 (Peru) Tập Cận Bình tuyên bố: Trung Quốc là cơ hội cho thế giới, đưa ra đề nghị lập Khu vực mậu dịch tự do Châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP).  Trung Quốc cũng đã ướm với phía Mỹ mô hình G2, nhưng theo cách nghĩ của Trung Quốc…
·   Vân vân…
 Đương nhiên mặt trận tranh chấp kinh tế Mỹ - Trung này còn tuỳ thuộc vào những diễn biến tới trên thế giới, sẽ cuốn hút sự can dự hay dính líu của nhiều nước khác trong và ngoài Châu Á Thái Bình Dương với tính cách là nước đi với một bên, hoặc với tính cách là nước bên thứ ba. Như vẫn thường xuyên diễn ra trong trò chơi tranh giành quyền lực, một khi mỗi bên Mỹ - Trung phải huy động các biện pháp phụ trợ khác hậu thuẫn cho mặt trận tranh chấp kinh tế này của mình hôm nay, khu vực Biển Đông vốn rất nhạy cảm hiện nay lại được nhận thêm một tia lửa kích hoạt mới – trước hết bởi hai lẽ:
 (1)  dựa vào thế áp đảo tại đây, Trung Quốc có những khả năng trả đũa khả thi hơn ở những nơi khác;
(2)    một sơ xuất, hoặc một bước lùi dù chiến lược hay chiến thuật của Mỹ tại đây đều có hệ quả nghiêm trọng.
        Tới đây có thể kết luận một cách chắc chắn: Trump tiếp cận vấn đề Trung Quốc quyết liệt hơn Obama.
Tuy nhiên, vẫn còn một nghi vấn lớn:
 - Tiếp cận này báo hiệu một bước đi chiến lược? Hay đây chỉ là việc Trump giọn dẹp đường xá, tạo thế cho một chiến lược? Bởi vì trong bàn cờ mới của Trump vẫn không thể thiếu Trung Quốc. Vả lại, trong giới giang hồ thường phải bạt tai nhau vài cái rồi mới nói chuyện – đấy là cách cư xử vẫn thấy.
 Dù thế nào, liên quan đến nước ta, có thể nói ngay: Đông Nam Á và trước hết là Biển Đông đang nóng lên – cả kinh tế, chính trị, quân sự.


III. Phần kết:
Trump/Kissinger và thế giới

Hiện tượng Trump là cú sốc đánh dấu thế giới sang trang đi vào một thời kỳ vận động mới. Bài 1 đã đưa ra 5 đặc điểm của thời kỳ mới này như một phán đoán để tham khảo. Còn nhiều điều phải tìm hiểu nội dung sang trang. Chưa ai biết Kissinger đã cố vấn cho Trump những gì trong các cuộc gặp gần đây. Song giữa những gì Kissinger đã viết ra trong World Order (2014) và những phát biểu của Trump tranh cử hình như có một sắc thái giống nhau: sắp xếp lai bàn cờ thế giới, thay đổi luật chơi, tất cả vì sức mạnh Mỹ trên hết! – dù rằng họ có thể hiểu theo cách khác nhau.  
 Theo Niall Ferguson (American Interest 21-11-2016), Kissinger cho rẳng:  
·   Quyền lực đang chuyển dịch từ Tây sang Đông trong một thế giới có những hỗn loạn mới, lợi ích của Mỹ là phải tìm cách tăng cường sức mạnh thật, chứ không phải là giương cao ngọn cờ đạo lý. Vì  thế phải hành động thực tế và cứng rắn. Đặt vấn đề như vậy, Kisinger ngưỡng mộ một chuẩn mực của tổng thống Theodor Roosevelt – người đã nói và làm: “Nếu phải lựa chọn giữa một bên là thép và máu, một bên là sữa và nước lã, tôi thà chọn thép và máu, bởi vì điều đó tốt cho Mỹ, và về lâu dài cũng là cho cả thế giới!”
·    Bởi không nhận ra đặc điểm mới nói trên, chính giới Mỹ nói chung (cả Cộng Hoà và Dân Chủ) và chính quyền Obama nói riêng cứ bám vào đạo lý, nên đã thất bại toàn diện. Hệ quả: (1) làm hỏng (deteriorate) quan hệ Mỹ - Trung và dễ rơi vào cái bẫy Thucydides; (2) phá vỡ quan hệ Nga – phương Tây; (3) Âu châu  tiếp tục rệu rã, ngoại giao không có sức mạnh làm hậu thuẫn, xảy ra Brexit, NATO kém cỏi; (4) không giải quyết được các vấn đề ở Trung Đông, trong khi đó nạn khủng bố ngày càng gia tăng, đặc biệt là thời Obama.
·   Sự vận động của lịch sử và văn hoá trong thế giới đang chuyển dịch như nói trên, sẽ tạo ra một trật tự thế giới của sự vận động 3 quyền lực Mỹ, Trung Quốc, Nga chi phối thế giới; vì vậy Mỹ nên cùng với những quyền lực này lập ra cho thế giới một trật tự của một loại hình bộ ba (a tripartite arrangement) Mỹ - Trung – Nga do Mỹ dẫn đầu. Lý giải như vậy, Kissinger (a) xếp châu Âu và tất cả những đồng minh khác theo các giá trị westphalian (các giá trị phương Tây và Cơ đốc giáo hiện nay – bao gồm EU, Canada, Úc, Nhật…) chỉ là những lực lượng đứng trong cánh gà của Mỹ, (b)chủ trương phân chia thế giới Hồi giáo thành những nước nhỏ dưới sự ảnh hưởng của một số nước nổi bật và Israel, và còn coi đây là cách hạn chế hữu hiệu nhất thiết phải thực hiện đối với Iran.
·   Kissinger khuyên Trump:
1. Không đối đầu toàn lực với Trung Quốc dù là trong thương mại hay trong vấn đề Biển Đông, mà nên thương thuyết toàn diện (comprehensive discussion) nhằm đối thoại và cùng phát triển. Để thuyết phục Trump, Kissinger cho rằng Tập là người có tính nguyên tắc (regularly) và khác Mao; khuyên Trump đặt mình vào vị trí của Tập sẽ rõ mọi chuyện.
2.  Nên coi Nga thời hậu đế chế với Putin đứng đầu là một quyền lực lớn (great power) và cần đối sử bình đẳng, chứ không phải là một đối tác phụ thuộc.
3.  Nên tận dụng Brexit kéo châu Âu ra khỏi trạng thái hướng nội quan liêu (burocratic introspection) và đòi họ phải tăng cường trách nhiệm chiến lược.
4.  Nên giải quyết vấn đề Syrie theo hướng liên bang hoá như đã làm với Bosnia, tận dụng xu thế chống Iran và chống ISIS theo hướng phân chia nhỏ châu Phi (kantonization - thành các nước nhỏ) như vừa nêu trên. 
Chưa rõ Trump sẽ nghe Kissinger đến đâu, song trong những phát biểu của Trump về Nga, về Châu Âu, về NATO… rõ ràng có hơi hướng Kissinger.  
Riêng các phát biểu của Trump về Trung Quốc còn đầy ngờ vực – vì có thể Trump “nói dzậy mà không phải dzậy!”, hoặc là nói nhiều làm ít. Cũng có thể còn vì Trung Quốc là vấn đề khó, v… v…
       Giới trí thức Mỹ phê phán gay gắt cả Kissinger và Trump, coi hiện tượng Trump ở Mỹ và các hiện tượng mang mầu sắc dân tuý châu Âu (bao gồm cả Brexit) là các biểu hiện suy đồi (decay) của trào lưu tiến bộ, là một bước thụt lùi của dân chủ, gây thêm những bất ổn định mới trên thế giới, cho rằng tình hình này nguy hiểm cho các nước nhỏ yếu: nguy cơ bị bỏ rơi và bị giành giật trong trò chơi quyền lực mới trên thế giới, giữa lúc các nước phát triển có xu hướng chỉ quan tâm trên hết đến lợi ích quốc gia của chính mình, thân ai nấy lo… 
         Xin nhắc lại, không phải vô lý nhiều học giả Mỹ cho rằng với Trump nước Mỹ và thế giới đang bước vào một thời kỳ có nhiều bất định và chưa biết được nó kéo dài bao lâu. 
         Điều chắc chắn là sự vận động và phát triển của kinh tế khiến cho quá trình toàn cầu hoá hiện nay không thể đảo ngược được, mặc dù nhiều luật chơi phải thay đổi, buộc người tham gia cuộc chơi phải thay đổi và thích nghi.
         Riêng những điều Kissinger khuyên Trump về Trung Quốc, khiến người Việt Nam nhớ lại tâm trạng bị thí và thảm kịch đẫm máu đã xẩy ra sau Thông cáo chung Thượng Hải năm 1972: Chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam và trên toàn chiến trường Đông Dương bước vào thời kỳ ác liệt nhất – tới mức hôm nay, nhân dịp Kissinger xuất hiện trở lại trên diễn đàn chính trị, một số ý kiến ở Mỹ muốn quy kết Kissinger là tội phạm chiến tranh. Rồi sau đó là chiến tranh 17-02-1979 của Trung Quốc ập tới nước ta, vào lúc khói bom đạn của chiến tranh Mỹ vừa tắt./.

 (Dự định sẽ còn bài/các bài tiếp theo)
  

[1] Bài 1: Hiện tượng Trump và Việt Nam, 23-11-2016; bài 2 “Vài suy nghĩ về khởi nghiệp
[2] Trước đây một phần tư thế kỷ, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đặt vấn đề như vậy trong bức thư của mình gửi Bộ Chính trị ĐCSVN ngày 09-08-1995.

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 7-12-16
http://www.viet-studies.com/NguyenTrung/NguyenTrung_TheGioiDaSangTrang.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét