Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2016

Tại sao đất nước ta mãi nghèo?

Tại sao đất nước ta mãi nghèo? 
Tại sao đất nước ta mãi nghèo? Tại sao Việt nam mãi mãi thua kém các đất nước khác kể cả các nước có cùng điều kiện khí hậu, địa lý trong khu vực như Singapore, Thailand, Malaysia, Indonesia, Philippines…? Thậm chí gần đây nhiều mặt cả Cambodia và Laos đều đã vượt Việt Nam.


Tôi biết rất nhiều bạn sẽ đổ lỗi cho thể chế, đổ lỗi cho chính quyền, các bạn cho rằng thể chế, chính quyền đã kéo đất nước tụt hậu, nhưng các bạn cứ bình tĩnh, bởi trong suốt 4000 năm lịch sử, dù ở bất cứ thể chế nào, chính quyền nào, chưa bao giờ Việt Nam phát triển hơn các dân tộc khác. Đấy là một thực tế. Nếu bất cứ thể chế nào, bất chứ chính quyền nào, trong giai đoạn lịch sử nào Việt Nam cũng thua kém các dân tộc khác thì nguyên nhân hiển nhiên phải từ những điểm yếu cố hữu của dân tộc Việt.

TRONG LỊCH SỬ CHƯA BAO GIỜ VIỆT NAM HƠN CÁC DÂN TỘC KHÁC

Chỉ cần nhìn các di tích, công trình lịch sử từ thời cổ cũng đủ thấy chưa có công trình kiếm trúc nào do con người xây dựng nên của Việt Nam có thể sánh ngang các công trình cổ của các nước khác.
Không so sánh với các nước Âu, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, bởi nó quá cách biệt, chỉ cần so sánh với Thailand, Myanmar, Indonesia, Cambodia… Cũng dễ dàng nhận ra điều đó.

Các công trình kiến trúc cổ lớn của Việt Nam chỉ có thành nhà Hồ, kinh thành Thăng Long (chỉ còn lại dấu vết), kinh thành Huế. Các công trình ấy không thể so sánh được với chùa Vàng (Golden Buddha), chùa Phật Ngọc, chùa Doi Suthep, cung điện Hoàng Gia của Thái Lan; Càng không thể sánh được với Chùa Vàng (Yangon), chùa Vàng Shwezigon, đền Shwesandaw, đền Mahamuni (Mandalay) của Myanmar; Càng không thể sánh được với đền thờ Prambanan, quần thể đền thờ phật giáo Borobudar (lớn nhất thế giới) của Indonesia; Càng không thể sánh được với quần thể Angkor Thom, Angkor Wat của Cambodia (Angkor Wat có diện tích 40.000 ha ~ 401 km2). Đến cả dân tộc Chăm (nay đã thành một phần của nước Việt). Công bằng mà nói về lịch sử chúng ta hơn dân tộc Laos.

(các bạn xem ảnh các công trình kiến trúc của Thailand, Myanmar, Indonesia, Cambodia trên google sẽ thấy rõ điều đó).

Trong 4000 năm lịch sử, chúng ta luôn luôn kém, chưa bao giờ hơn, vậy thì làm gì có chuyện chúng ta tụt hậu, làm gì có ai đó kéo chúng ta tụt hậu.

ĐÂU LÀ NGUYÊN NHÂN

Nếu bất cứ thể chế nào, bất chứ chính quyền nào, trong giai đoạn lịch sử nào Việt Nam cũng thua kém các dân tộc khác thì nguyên nhân hiển nhiên phải từ những điểm yếu cố hữu của dân tộc Việt.
Theo tôi dân tộc Việt có 4 điểm yếu cố hữu sau đã cản trở sự phát triển:

(1) Lười biếng – Dễ hài lòng
(2) Tư duy nhỏ – Quanh quẩn xó nhà
(3) Áp đặt suy nghĩ của mình cho người khác
(4) Nền tảng triết học yếu lại không chuẩn

Tôi sẽ lần lượt phân tích chi tiết 4 điểm yếu cố hữu trên.

(1) LƯỜI BIẾNG – DỄ HÀI LÒNG

Cuối tháng 6, tôi vừa qua Singapore, từ sân bay Changi về trung tâm tôi quan sát thấy một sự thực là tất cả các công việc giản đơn như kéo xe đẩy, dọn vệ sinh, lau chùi nhà WC đều do những ông cụ, bà cụ cỡ 65-75 tuổi làm. Đi taxi thì hầu hết lái xe đều do các cụ ông tóc bạc tuổi từ 65-75 lái. Trong thành phố tất cả những người nhặt rác, dọn vệ sinh đều do các cụ bà tuổi từ 65-75 làm. Hiển nhiên là tất cả những việc nặng nhọc, công nghệ cao đều do những người trẻ tuổi và trung niên làm (kể cả dưới 65 tuổi).

Trong khi đó người Việt Nam ta 60 tuổi đã lên lão, nữ 55 tuổi, nam 60 tuổi đã về hưu và về hưu là không làm việc. Người Việt rất hứng thú “vui thú tuổi già”, “vui thú điền viên”, “sum vầy bên con cháu”…
Không biết từ bao giờ quân đội có qui định độ tuổi về hưu cho quân nhân chuyên nghiệp vô cùng bất hợp lý như sau

– Cấp Uý: 50 tuổi (nếu không lên được Thiếu tá)
– Thiếu tá: 52 tuổi (nếu không lên được Trung tá)
– Trung tá: 54 tuổi (nếu không lên được Thượng tá)
– Thượng tá: 56 tuổi (nếu không lđen được Đại tá)

Với qui định này, chúng ta có hàng vạn cán bộ về hưu tuổi mới chỉ 50, 52, 54, 56 tuổi không làm việc, không lao động.

Ở Nông thôn (chiếm 70% dân số) thì chỉ lao động vất vả mấy tháng mùa vụ còn phần lớn thời gian trong năm là không có việc làm và rất nhiều người coi đấy như một sự hiển nhiên.

Ở Thành phố số thanh niên thất nghiệp, không việc làm, ngày ngày la cà quán sá, cà phê, chơi bài cả ngày. Họ than thở, oán trách đổ lỗi cho chính quyền mà ít người có ý chí lập nghiệp Star-up. Rất ít người nghĩ mình tự lập nghiệp, tự tạo ra công ăn việc làm cho chính mình và cho xã hội. Những người có việc làm ở công sở thì hoặc sáng đến muộn giờ, hoặc đến đúng giờ chỉ để điểm danh rồi đi ăn sáng, giữa giờ làm việc thì lại chốn ra quán cafe giải khát ngồi tán gẫu. Không ở đâu lại có nhiều quán cafe, giải khát, quán nước vỉa hè nhiều như Việt Nam mà quán nào cũng đông khách cả trong giờ làm việc.

Lười lao động, thích ăn chơi thể hiện rất rõ trong câu ca dao:

Tháng giêng là tháng ăn chơi
Tháng hai cờ bạc, tháng ba rượu chè

Như vậy trong quá khứ ông cha ta một năm ít nhất đã chơi, không lao động 3 tháng. Ngày nay có khá hơn chút ít, các công nhân xây dựng, cầu đường, giao thông… vẫn giữ nếp là nghỉ hết tháng giêng. Có lẽ nghỉ cả tháng tết hiện chỉ có ở Việt Nam mà thôi.

Trong xu thế tuổi thọ con người ngày càng tăng, hầu hết các nước đều nâng tuổi về hưu (Mỹ 67 tuổi, Nhật 68 tuổi, Pháp 62 tuổi…) thì Việt Nam vẫn giữ nữ 55, nam 60 từ cách đây 62 năm khi mà tuổi thọ thấp hơn hiện nay 10 tuổi. Khi có dự thảo nâng dần tuổi về hưu thì nhất loạt phản đối, họ gán ngay cho lãnh đạo tham quyền cố vị muốn ngồi ghế lâu nên sửa luật, họ bất chấp luật hưu trí qui định khi tuổi thọ của Việt Nam chỉ có 62.5, trong khi hiện tại tuổi thọ đã tăng lên đến 72.5, bất chấp xu thế tăng tuổi nghỉ hưu của cả thế giới.

Một đất nước đã có nhiều lợi thế như Singapore (HUB của khu vực) mà lại chăm chỉ lao động, ai ai cũng làm việc, kể cả những người già 65-75 tuổi thì họ giầu có là điều hiển nhiên.
Một đất nước đã không có nhiều lợi thế mà lại lười lao động, thanh niên không chịu lập nghiệp, nằm chờ người khác tạo công ăn việc làm cho mình, giờ làm việc thì bớt xén giờ giấc, người còn sức lao động, chưa già đã muốn nghỉ “an nhàn tuổi già”, “xum vầy bên con cháu” thì mãi mãi nghèo cũng là chuyện không thể khác.

Không chỉ lười lao động, người Việt còn lười học, lười suy nghĩ, lười vận động.

Trên Facebook hoặc trên các diễn đàn không ít bạn “bàn phím” nhanh hơn “mắt”, chưa kịp đọc hết nội dung, chưa kịp hiểu hết ý người khác đã vội vã comment, vội vã bình luận, thậm chí chửi bới. Cuộc sống là của mình, hạnh phúc là của mình mà rất nhiều người luôn trông chờ vào “nhà nước” vào “chính quyền”.

Trừ các học sinh trường chuyên, đa số những trường khác, học sinh rất chi là lười, đặc biệt là rất lười đọc sách, rất lười tự học. Cứ nhìn số lượng các hiệu sách, số lượng độc giả đến hiệu sách thì sẽ hiểu người Việt lười đọc sách thế nào.

Người Việt rất lười vận động, họ rất lười đi bộ, chỉ cần khoảng cách 100 mét họ cũng đi xe máy thay vì đi bộ (chúng ta đều biết ở nước ngoài đi bộ 500 m – 1 km là chuyện bình thường). Không chịu vận động làm cho người thiếu sức dẻo dai, ảnh hưởng đến năng xuất lao động. Đi xe máy khi không cần thiết sẽ làm tăng ùn tắc giao thông, tăng ô nhiễm môi trường, tăng tai nạm giao thông, lãng phí tiền xăng.

(2) TƯ DUY NHỎ – QUANH QUẨN XÓ NHÀ

Tư duy nhỏ bé của người Việt thể hiện rất rõ trong giao thông: thời trước khi Pháp xâm lược Việt Nam (1858) giao thông của nước Việt chỉ là những con đường nhỏ cho người đi bộ, ngựa, trâu, bò và xe 2 bánh người kéo (xe kéo chở người, xe chở hàng hoá). Không có con đường nào rộng đủ cho xe 4 bánh ngựa kéo hay ô tô có thể đi lại được (Các đường quốc lộ, tỉnh lộ, liên huyện, đường xe điện, đường tàu hoả đều do người Pháp xây dựng sau khi vào Việt Nam).

Giao thông toàn đường nhỏ cho người và xe 2 bánh rất lợi hại cho phòng thủ đất nước, chống xâm lược. Chỉ cần rút lui, vườn không nhà trống rồi tuyệt đường tiếp vận là quân xâm lược tự thua và rút về nước. Đọc lịch sử Việt Nam thì thấy hầu hết các triều đại, khi ở thế yếu các tướng lĩnh, vua, chúa Việt Nam đều dùng chiến thuật vườn không nhà chống này để chống xâm lược phương Bắc và đều giành chiến thắng.

Thế nhưng để phát triển kinh tế, giao thương thì đường giao thông nhỏ bé là lực cản, là hạn chế lớn nhất. Con người và hàng hoá không được lưu thông, kinh tế không thể phát triển. Với đường giao thông nhỏ như vậy thì Việt nam không có công trình nào to cũng dễ hiểu.

Vì tư duy nhỏ bé nên biểu tượng của Hà Nội là chùa một cột, một ngôi chùa có lẽ bé nhất thế giới. Trong công viên “Thế giới thu nhỏ” ở Thâm Quyến, mỗi quốc gia người ta xây dựng một công trình biểu tượng (Pháp thì có tháp Epphen, Mỹ thì có tượng nữ thần tự do, Italia thì có đấu trường La Mã…). Mỗi công trình người ta thu nhỏ 1/25 so với kích thước thật, riêng chùa một cột vì quá bé nên người ta thu nhỏ tỷ lệ 1/8. Chúng tôi đi thăm thì tất cả các biểu tượng của các nước khác đều có thể đi vào bên trong, đi lại được, chỉ có chùa một cột là đứng bên cạnh và nóc chùa chỉ đến ngang vai. Vừa đứng bên cạnh biểu tượng chùa một cột vừa nhìn biểu tượng của các quốc gia khác mà sống mũi tôi cứ cay cay.

Tư duy nhỏ bé còn thể hiện trong việc ruộng đất được chia nhỏ theo từng thửa, thường là 1 sào 360 m2, với thuở ruộng bé như vậy thì chỉ có thể làm thủ công với hiệu xuất thấp, không thể tổ chức sản xuất lớn, không thể cơ giới hoá. Khoán 100 năm 1981 và khoán 10 năm 1988 đã thiết lập nên kinh tế hộ gia đình, người nông dân làm chủ mảnh đất của mình, đã tạo ra cú huých, đột phát đưa nước ta từ chỗ thiếu lương thực thành nước xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới. Nhưng như cái lò so bị nén được giải phóng đã bung hết cỡ, những năm gần đây nông nghiệp không còn lực phát triển nữa, bởi bản chất kinh tế hộ gia đình vẫn là lối tư duy nhỏ bé. Phải làm lớn, tích tụ ruộng đất lớn để sản xuất với qui mô lớn, đưa máy móc, tự động hoá vào, đặc biệt phải đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao theo công nghệ của Nhật Bản, Israel. Chỉ có như vậy Nông nghiệp và Nông thôn Việt Nam mới có bước phát triển mạnh mẽ, mới có năng xuất và hiệu suất cao.

Tư duy nhỏ bé còn thể hiện trong việc tổ chức buôn bán thông qua chợ cóc, buôn bán vỉa hè. Vì chợ cóc buôn bán vỉa hè nên xe máy là phương tiện giao thông thích hợp nhất vì có thể dừng bất cứ lúc nào, bất cứ chỗ nào. Khi xe máy ít thì đúng là rất thuận tiện, nhưng bây giờ khi Hà Nội có 5 triệu xe và Hồ Chí Minh có 8 triệu xe, nạn kẹt xe thường xuyên xẩy ra thì hiệu quả của cả xã hội rất thấp, mỗi ngày người dân tốn thêm trung bình 45 phút – 75 phút cho việc đi đến công sở và trở về nhà. Bây giờ chúng ta mới bắt đầu nghĩ đến đường sắt đô thị, metro thì ít nhất phải 10-15 năm nữa Hà Nội, Hồ Chí Minh mới có hệ thống đường sắt đô thị, metro.

Tư duy nhỏ bé còn thể hiện trong các doanh nghiệp. Ai cũng biết doanh nghiệp nhỏ thì năng động hơn, nhưng doanh nghiệp lớn mới có tiềm lực, có thể đảm nhận những công trình lớn, mới có thể cạnh tranh quốc tế. Rất nhiều doanh nghiệp Việt nam sau một vài năm thành lập, phát triển thành công một tý, lớn một tý là tách làm hai, làm ba, kể cả những công ty do 2-3 người bạn thân cùng góp vốn.

Nếu chúng ta không có những công ty lớn thì không thể cạnh tranh quốc tế, không thể làm được những việc lớn. Nếu chúng ta không có tư duy lớn thì chúng ta chỉ làm những việc bé. Đất nước mở cửa, hội nhập kinh tế thế giới đã 22 năm mà hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam chỉ làm thầu phụ ngay trên chính sân nhà của mình, nếu có làm tổng thầu thì cũng chỉ là những dự án vốn của nhà nước, của chính phủ, cứ dự án đấu thầu quốc tế sòng phẳng là hầu hết doanh nghiệp Việt Nam lại trở lại thân phận làm thuê, làm thầu phụ ngay.

Hội nhập kinh tế thế giới là tất yếu, nhưng sau 22 năm hội nhập, đáng buồn là chúng ta đã mất đi nhiều thương hiệu Việt nổi tiếng một thời vào tay các hãng nước ngoài chỉ vì các doanh nhân Việt không dám nghĩ lớn, không dám đương đầu cạnh tranh sòng phẳng với các hãng nước ngoài, dù là trên sân nhà của mình. Các thương hiệu Việt bị các hãng nước ngoài nuốt chửng, mất luôn tên tuổi có thể kể đến kem đánh răng Dạ Lan bị Colgate Palmolive nuốt, kem đánh răng PS về tay Unilever, bia Huế về tay Carlsberg Đan Mạch, Tribeco về tay Uni-President, Phở 24 và Highland Coffe về tay Jollibee Ford…

Một điểm yếu nữa của người Việt là không có máu chinh phục, không có máu kinh doanh quốc tế, không có khát vọng toàn cầu hoá, trong khi Tây vào tận nước mình, kinh doanh, thôn tính, kiếm tiền của mình, thì các Doanh nghiệp Việt chỉ quanh quẩn trong đất nước mình, thậm chí thành phố mình, tỉnh mình.

Năm 1998 FPT quyết định chiến lược Toàn cầu hoá Xuất khẩu phần mềm, anh Trương Gia Bình đã gặp rất nhiều lực cản cả từ bên trong lẫn bên ngoài. Rất nhiều lãnh đạo FPT sợ thất bại, sợ mất tiền, để thể hiện quyết tâm anh Trương Gia Bình đã phải ra nghị quyết đầu tư 1 triệu USD cho xuất khẩu phần mềm (một con số gấp 2.5 lần toàn bộ Doanh thu phần mềm trong nước của FPT năm 1998).

Chưa đủ, anh Trương Gia Bình còn thể hiện quyết tâm bằng khẩu hiệu “dù phải đốt cả dãy Trường Sơn cũng phải xuất cho được phần mềm”. Nếu không có những quyết tâm cao độ đó thì hôm nay FPT không có 10.000 người làm xuất khẩu phần mềm với doanh thu 300 triệu USD năm 2016.

Đến giai đoạn xuất khẩu lần thứ 2 của FPT, kiếm được hợp đồng từ các nước đang phát triển đã khó nhưng để có chuyên gia sẵn sàng đi nước ngoài triển khai hợp đồng cũng khó không kém, chúng tôi đã phải xây dựng chính sách ưu đãi cho Toàn cầu hoá như tiêu chuẩn ăn, ở, đi lại, công tác phí, phụ cấp toàn cầu hoá, 3 tháng về thăm nhà một lần thế mà cũng không ít cán bộ tự nguyện đi Toàn cầu hoá. Chưa hết chúng tôi còn làm qui đổi doanh số Toàn cầu hoá được nhân hệ số 4, tức cứ 1 triệu USD doanh số Toàn cầu hoá bằng 4 triệu USD doanh số ở thị trường Việt Nam.

Hiện tại tuy Việt Nam đã đạt kim ngạch xuất khẩu 162 tỷ USD (năm 2015) nhưng hầu hết là xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản, thuỷ hải sản, nông sản, thực phẩm và hàng gia công chứ rất ít từ dịch vụ, từ công nghệ, tức giá trị chất xám của người Việt còn chiếm tỷ lệ rất thấp.

Về tinh thần thì số doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài (không tính Cambodia và Laos) chinh chiến, hoạt động thương mại, sản xuất, kinh doanh tại các quốc gia khác chỉ đếm trên đầu ngón tay, nếu phải kể tên thì cũng chỉ có các tên sau Vietel, FPT, Hoàng Anh – Gia Lai…

Chúng ta không kiếm được tiền của các nước khác mà lại để doanh nghiệp các nước khác kiếm tiền của mình, trên sân nhà mình thì chúng ta nghèo hơn người ta là đúng thôi.

(3) ÁP ĐẶT SUY NGHĨ CỦA MÌNH CHO NGƯỜI KHÁC

Cuối năm 1990 tôi sang Pháp 8 tháng nên có gặp gỡ nhiều anh chị Việt Kiều Pháp và Đức. Tôi có được đọc một bài trả lời phỏng vấn của một đạo diễn nổi tiếng trên tạp chí Quê Hương, sau khi được các anh chị Việt Kiều mời anh sang Pháp, Đức, Mỹ 3 tháng làm phim về Việt kiều, vị đạo diễn đã trả lời đại ý như sau:

– Hỏi: Anh có cảm giác gì sau 3 tháng sang Pháp, Đức, Mỹ làm phim và tiếp xúc với nhiều Việt Kiều thành đạt?

– Trả lời: Tôi thất vọng về dân tộc Việt.

– Hỏi: Anh cũng là người Việt, sao anh lại nói vậy.

– Trả lời: Trước khi sang đây tôi tưởng Việt nam nghèo vì sai lầm về thể chế về chế độ chính trị, nhưng sau khi sang đây tiếp xúc với nhiều anh, chị, tôi thấy các anh chị tuy sống ở Mỹ, Pháp, Đức được coi là những nước tự do, dân chủ hàng đầu thế mà các anh chị vẫn có tật là áp đặt suy nghĩ của mình cho người khác, các anh chị không chấp nhận người không cùng chính kiến với mình, cùng là chống cộng, nhưng những người chủ trương bạo động và những người chủ trương bất bạo động cũng coi nhau như kẻ thù. Nếu chỉ là sai lầm về thể chế, chế độ chính trị thì chúng ta dễ sửa, còn áp đặt suy nghĩ của mình cho người khác, không chấp nhận người khác chính kiến của mình là bản tính của dân tộc Việt thì rất khó sửa.

Sau khi đọc bài trả lời phỏng vấn ấy, tôi suy nghĩ nhiều và thấy ông đạo diễn nói có cơ sở. Hoá ra áp đặt suy nghĩ của mình cho người khác, không chấp nhận người khác chính kiến của mình là bản tính xấu của người Việt. Ngay từ thói quen ăn uống, người Việt đã áp đặt nhau: Người Việt ăn món gì thấy ngon thì luôn nghĩ người khác phải ăn thế mới ngon, mình ăn hành, ăn tỏi, ăn mắm tôm, ăn thịt chó thì người khác cũng phải ăn, “không ăn phí nửa đời người”, “ăn tốt cho sức khỏe”, “ăn ngon lắm”… họ đâu có biết người không ăn được thì hoặc cơ thể họ không tiếp nhận hoặc với họ ăn như một cực hình.

Trong nhà hàng hay mời khách đến nhà ăn, người Việt không có thói quen hỏi người khác kiêng cái gì hoặc người Việt quan niệm “Nam vô tửu như cờ vô phong”, trên bàn tiệc bắt tất cả đều phải uống rượu, đều phải 100%, nếu không 100% là không thật lòng, không cần biết người ta có uống được không, có đang điều trị bệnh gì không.

Trên Facebook chúng ta thường xuyên thấy những người tự nhận là đấu tranh cho dân chủ, thế nhưng bất cứ ai nói khác với họ là họ qui ngay là DLV, là ăn lương của nhà nước, là ngu… Đến cả những người đang giương cờ đấu tranh cho dân chủ mà cũng thế thì hết cách chữa.

Đất nước đã thống nhất 41 năm thế mà vẫn chưa thể hoà giải giữa những người hai bên chiến tuyến, một bên thì vẫn chưa bỏ được mối thù, cứ có dịp là biểu tình chống cộng, một bên thì vẫn chưa bỏ được định kiến. Một bên thì bảo anh thắng trận anh phải quảng đại, anh phải chìa tay ra chứ, một bên thì bảo tôi đã chìa tay ra rồi mà anh có bắt đâu.

Hệ quả của việc áp đặt suy nghĩ của mình cho người khác, không chấp nhận người khác chính kiến cùa mình là vô cùng lớn:

[1] Đầu tiên là anh thiếu kiềm chế, anh hung hăng nên rất khó tìm lời giải tối ưu khi đất nước đứng trước nguy cơ bị xâm lược, nguy cơ chiến tranh, dẫn đến việc chúng ta không giữ được hoà bình, xẩy ra chiến tranh nhiều. Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao trong lịch sử 4000 năm Việt Nam lại xẩy ra chiến tranh nhiều đến thế, có bạn nói tại ông bạn hàng xóm xấu tính, thế thì Sơn Tinh đánh nhau với Thủy Tinh, Đinh Bộ Lĩnh loạn 12 xứ quân, Trịnh Nguyễn phân tranh 200 năm là tại ai?. Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao trong lịch sử Thái Lan và các nước xung quanh ít chiến tranh hơn Việt Nam?

[2] Tiếp theo là chúng ta thiếu tính kế thừa, ai có quyền cũng muốn không giống người tiềm nhiệm, muốn ghi dấu ấn của mình thành ra các công trình cổ bị đập đi, làm lại. Trong khoa học, công nghệ chúng ta không có thói quen làm tiếp, tiếp quản thành quả của người khác mà thích làm lại từ đầu. Tất cả dẫn đến lãng phí của cải chung của cả xã hội và giá thành sản phẩm cao và chậm nhịp độ phát triển.

[3] Một hậu quả xấu nữa là hoặc là tổ chức sẽ thiếu tính sáng tạo vì không có người phản biện hoặc là tổ chức sẽ thiếu sự đoàn kết và không phát huy hết các tài năng cá nhân vì những người khác quan điểm hoặc sẽ phải dời bỏ hoặc ở lại thì thụ động, không dám thể hiện hết mình.

(4) NỀN TẢNG TRIẾT HỌC YẾU LẠI KHÔNG CHUẨN

Triết học của Việt Nam gốc là Nho Giáo sau này chuyển sang Khổng Giáo, Khổng Giáo độc tôn ở Việt nam cho tới thế kỷ 20. Cuối thế kỷ 16 khi các nhà truyền giáo Châu Âu vào giảng đạo, Thiên Chúa Giáo bắt đầu hình thành và phát triển và triết học Khổng Giáo dần bị lai tạp bởi Thiên Chúa Giáo. Với sự thay đổi và phát triển như vậy triết học của Việt Nam là lai tạp, pha trộn và ảnh hưởng của nước ngoài (Trung Quốc và phương Tây) nên nền tảng không vững chắc, cộng thêm Việt Nam không có triết gia nên các hệ thống lý luận và giá trị vừa yếu vừa không chuẩn.

Trên nền tảng triết lý Khổng Giáo lai tạp ấy rất nhiều giá trị, nhiều vai trò của các thành phần trong xã hội không chuẩn, thậm chí bị sai lệch, từ đó dẫn đến đảo lộn các qui tắc hành xử, ứng xử trong xã hội cũng như trong phát triển kinh tế.

[1] Điểm sai lệch thứ nhất nghiêm trọng nhất là đánh giá thấp vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp và thương mại. Không những đánh giá thấp mà còn bị coi thường: dậy học và chữa bệnh thì được gọi là “thầy”: “thầy giáo”, “thầy thuốc” (điều này không sai), còn buôn bán, thương mại thì gọi là “con” là “bọn” (“phường con buôn”, “bọn con buôn”). Trong khi doanh nghiệp (bao gồm cả nhà máy, xí nghiệp sản xuất, ngân hàng) là trung tâm của xã hội, tạo công ăn việc làm cho 70% lao động trong xã hội, đóng thuế nuôi bộ máy chính phủ, duy trì an ninh quốc phòng, đầu tư cho giao thông, hạ tầng xã hội, đầu tư cho giáo dục, đầu tư cho y tế, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ người nghèo và các chính sách xã hội…

Đã bước vào thế kỷ 21, hội nhập quốc tế đã 22 năm, thời đại Internet, thời đại toàn cầu hoá rồi mà hiện tại rất nhiều học giả, rất nhiều người có tri thức vẫn có luận điểm chia những người kinh doanh Việt Nam ra 3 loại: Doanh nhân, thương nhân và con buôn (trong khi thế giới chỉ dùng một từ duy nhất là Businessman). Tệ hại hơn có người còn kết luận hiện thời Việt Nam chưa có doanh nhân.

Một thành phần chính, lực lượng chính, hoạt động trung tâm của việc tạo ra của cải cho xã hội, của phát triển kinh tế, làm giầu cho cá nhân, tập thể và đất nước lại bị đánh giá thấp nhất, bị coi thường, bị miệt thị thì mãi nghèo cũng là chuyện tất yếu, không thể khác.

Người Việt chúng ta hiểu hoàn toàn sai về thương mại và doanh nhân, họ coi buôn bán, thương mại là lừa gạt, là bất nhân. Thực chất thương mại và doanh nhân buộc người ta phải đi lại, gặp gỡ, giao lưu, buộc người ta phải thuyết phục đối tác, khách hàng; muốn vậy buộc người ta phải tìm hiểu tâm lý, thói quen, nhu cầu của khách hàng; muốn vậy buộc người ta phải đặt mình vào địa vị của khách hàng để hiểu tâm lý, thói quen, nhu cầu, để khám phá xem khách hàng muốn gì; muốn vậy buộc người ta phải nghiên cứu, áp dụng khoa học và công nghệ để sản xuất ra các sản phẩm tốt nhất, phù hợp nhất; Tiếp theo người ta phải tìm cách chinh phục khách hàng, thuyết phục khách hàng đồng ý mua sản phẩm, dịch vụ của mình thay vì mua sản phẩm dịch vụ của nhà cung cấp khác, của quốc gia mình mà không phải quốc gia khác. Muốn làm được điều đó doanh nhân phải là một người lịch sự, chân thành, lễ độ, nghiêm túc, hiểu biết, giữ chữ tín, đáng tin cậy, đáng yêu và có trách nhiệm với xã hội, đôi khi là cả lòng dũng cảm, đi tiên phong.

Chân thành, tin cậy, đáng yêu, có trách nhiệm với xã hội là bốn đức tính đáng quí nhất của một doanh nhân, thiếu bốn đức tính đó thì không thể là một doanh nhân lớn, không thể thành công trong thương mại, nếu có thành công thì chỉ là thành công nhỏ, tạm bợ mà thôi.

Một đất nước, một nền văn hoá, loại bỏ thương mại, thiếu vắng thương mại sẽ dần biến đất nước, biến xã hội thành một đất nước, một xã hội không văn minh, thiếu lịch sự, đôi khi lỗ mãng.

Chính vì bị đánh giá thấp, bị coi thường nên doanh nghiệp và nghề buôn (thương mại) không được phát triển ở Việt nam. Mà thương mại và doanh nghiệp không được phát triển thì tất yếu đất nước sẽ nghèo.

[2] Điểm sai lệch thứ hai cũng nghiêm trọng là đánh giá sai lệch về tiền bạc. Không chỉ sai lệch mà chúng ta còn có thái độ bệnh hoạn và tội lỗi đối với tiền bạc.

Người Việt chúng ta có hai thái cực trái ngược nhau đầy mâu thuẫn về tiền bạc. Thái cực thứ nhất là coi khinh đồng tiền: “Tôi coi khinh đồng tiền”, “tiền bạc lắm”; đã coi khinh đồng tiền, coi tiền là bạc bẽo thì hiển nhiên sẽ không bao giờ kiếm được nhiều tiền, không bao giờ giầu có. Thái cực thứ hai là tuyệt đối hoá đồng tiền: “Có tiền mua tiên cũng được”, “tiền là vạn năng”, “tiền là tất cả”; đã tuyệt đối hoá đồng tiền họ sẽ kiếm tiền bằng mọi giá, không quan tâm đến chữ tín, không quan tâm đến nhân cách, bất chấp hậu quả.

Với triết lý vừa tuyệt đối hoá vừa coi khinh đồng tiền dẫn đến một bộ phận người Việt Nam không dám công khai kiếm tiền, coi kiếm tiền như một sự vẩn đục, họ cố làm ra vẻ coi khinh đồng tiền, coi khinh sự giầu có và hãnh diện với sự thanh bần của mình. Mặt khác họ cũng hiểu quyền lực của đồng tiền, họ cũng cần tiền và muốn có nhiều tiền thành thử họ kiếm tiền và làm giầu một cách giấu giếm.

Các xã hội phát triển, văn minh họ đánh giá đúng giá trị đồng tiền, họ không tuyệt đối hoá, họ không coi khinh đồng tiền, họ coi đồng tiền là phương tiện trao đổi hàng hoá, đồng tiền là thước đo giá trị lao động, đồng tiền giúp họ có cuộc sống tốt hơn, đào tạo nâng cao trình độ, chăm sóc sức khoẻ tốt hơn, báo hiếu cha mẹ, giải trí, du lịch và làm công tác xã hội.

[3] Điểm sai lệch thứ 3 cũng nghiêm trọng là đánh giá sai các giá trị:

Người Việt chúng ta quan niệm lệch lạc về người giỏi. Thời phong kiến là giỏi làm thơ (xuất khẩu thành thơ), giỏi đối đáp (câu đối), trong khi đó xã hội cần bao nhiêu người tài trong các lĩnh vực khác nữa: khoa học tự nhiên và kinh tế – thương mại là hai lĩnh lực quan trọng nhất giúp kinh tế phát triển thì thời phong kiến không được quan tâm, không được đánh giá là người tài. Nửa cuối thế kỷ 20 ở miền Bắc lại quan niệm người giỏi là giỏi các môn tự nhiên, đặc biệt là môn Toán, tất cả những học sinh giỏi nhất lên đại học đều học Toán, Vật Lý, Cơ học..

Người Việt chúng ta không đánh giá cao, không ca ngợi những nguyên lý cơ bản về hệ thống, bài bản mà thường đánh giá cao sự lanh trí xử lý theo tình huống, khôn vặt kiểu Trạng Quỳnh: “Dê đực chửa”, “Hâm nước mắm”, “nhúng 10 đầu ngón tay vẽ giun”, “đố vua ị mà cấm đái”… Với tư duy ấy chúng ta chỉ có thể làm tốt những hệ thống nhỏ, đơn lẻ, khi hệ thống lớn hơn, cần nhân rộng, cần phát triển lâu dài thì sự lanh trí, khôn vặt lại chính là lực cản của sự phát triển.

Người Việt chúng ta rất coi trọng bằng cấp, coi trọng đến mức cứ thi đỗ trạng nguyên, thám hoa, bảng nhãn thì bổ làm quan. Trong khi đó thám hoa, bảng nhãn cũng chỉ giỏi văn thơ, làm sao mà lãnh đạo một tổng, một huyện, một tỉnh, làm sao lãnh đạo phát triển kinh tế. Đồng hành với coi trọng bằng cấp là coi nhẹ thực hành: ngày trước đi học chỉ dậy văn thơ, câu đối, ngày nay chỉ dậy lý thuyết mà ít dậy thực hành.

NHẤT ĐỊNH ĐẤT NƯỚC TA SẼ GIÀU HÃY TIN VÀ HÃY KHÁT VỌNG

Từ hôm tôi post stt đầu tiên về chủ đề VÌ SAO ĐẤT NƯỚC TA MÃI NGHÈO, chỉ ra nhiều điểm yếu cố hữu của người Việt, rất nhiều bạn đồng quan điểm, rất nhiều bạn tự thấy bản thân sẽ tự thay đổi để hạn chế điểm yếu, một số bạn không chia sẻ, đặc biệt tôi nhận được vài ý kiến của một số bạn lo ngại: “anh viết về điểm yếu của người Việt làm cho bọn em và một số người bi quan và nản”.

Tuy chỉ ra 4 điểm yếu cố hữu của người Việt, nhưng tôi không bi quan, tôi vẫn rất lạc quan, tôi luôn tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc Việt, của đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta. Tôi tin tưởng sâu sắc rằng NHẤT ĐỊNH ĐẤT NƯỚC TA SẼ GIÀU, nhất định chúng ta sẽ đuổi kịp Thailand, nhất định chúng ta sẽ vượt Philippines trong một thời gian không xa nữa.

Cơ sở để tôi tin tưởng bao gồm:

[1] NGƯỜI VIỆT CHÚNG TA CÓ RẤT NHIỀU ƯU ĐIỂM VƯỢT TRỘI
[2] TỐC ĐỘ PHÁT TRIỂN KINH TẾ 15 NĂM QUA (2000-2015) CỦA VIỆT NAM NHANH NHẤT ASEAN
[3] VIỆT NAM ĐÃ CÓ NHỮNG ĐIỂM SÁNG VƯỢT CÁC NƯỚC ASEAN
[4] TRONG KỶ NGUYÊN THẾ GIỚI SỐ, VIỆT NAM CÓ NHIỀU LỢI THẾ
[5] NHẬN RA ĐIỂM YẾU, CHÚNG TA CÙNG KHẮC PHỤC
Tôi sẽ phân tích lần lược 5 cơ sở trên.

NGƯỜI VIỆT CHÚNG TA CÓ RẤT NHIỀU ƯU ĐIỂM VƯỢT TRỘI

Nói về ưu điểm của người Việt sẽ có nhiều nhận định, nhiều ý kiến khác nhau, cá nhân tôi cho rằng người Việt có một số ưu điểm có tác động lớn đến phát triển kinh tế đất nước, đó là:

(a) Người Việt yêu quê hương đất nước
(b) Người Việt kiên cường, bất khuất trước xâm lược, cường quyền
© Người Việt đoàn kết rất cao khi gặp khó khăn, nhất là khi ở hoàn cảnh ngặt nghèo
(d) Người Việt có lòng tự hào, tự tôn dân tộc với truyền thuyết con RỒNG cháu tiên
(e) Người Việt thông minh, sáng dạ, học nhanh, nhất là công nghệ mới
(f) Người Việt ham học (tuy lười đọc sách, lười tự học), bố mẹ đầu tư mạnh mẽ cho việc học tập của con cái
(g) Người Việt thân thiện và mến khách

Những ưu điểm trên, nếu biết phát huy (từng cá nhân, từng doanh nhân tự phát huy, từng doanh nghiệp, từng tổ chức, lãnh đạo quốc gia biết khơi dậy, biết tổ chức, biết khai thác) thì nó sẽ tạo thành sức mạnh, tạo thành năng lực cạnh tranh quốc tế, giúp nâng cao năng suất lao động, giúp sáng tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao từ đó sẽ làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước cao hơn nhiều so với giai đoạn trước.

TỐC ĐỘ PHÁT TRIỂN KINH TẾ 15 NĂM QUA CỦA VIỆT NAM NHANH NHẤT ASEAN

Trong thời gia qua chúng ta có nhiều bài báo nói Việt Nam càng ngày càng tụt hậu, khoảng cách giữa Việt Nam với các nước Asean ngày càng xa, nhưng với số liệu thống kê của tổ chức tiền tệ quốc tế IMF thì lại cho kết quả hoàn toàn ngược lại.

Theo thống kê của tổ chức tiền tệ quốc tế IMF thì trong 15 năm qua (2000-2015) tốc độ phát triển kinh tế, tăng trưởng GDP của Việt Nam cao nhất khu vực Asean, khoảng cách giữa Việt Nam với các nước đã được rút ngắn đáng kể (có số liệu của IMF xác nhận, các bạn xem ảnh ở kèm sẽ có các số liệu chi tiết).

Theo bảng thống kê này thì tốc độ tăng trưởng GDP đầu người (normal per capita) giai đoạn 2010-2015 các nước ASEAN thứ tự như sau:

(1) Việt Nam: tăng trưởng 71.35%, từ 1.267$ lên 2.172$
(2) Laos: tăng trưởng 66.82%, từ 1.070$ lên 1.785$
(3) Cambodia: tăng trưởng 45.78%, từ 782$ lên 1.140$
(4) Philippines: tăng trưởng 36.94% từ 2.155$ lên 2.951$
(5) Myanmar: tăng trưởng 27.15% từ 998$ lên 1.269$
(6) Singapore: tăng trưởng 14.29% từ 46.569$ lên 2.172$
(7) Malaysia: tăng trưởng 12.93% từ 8.920$ lên 10.073$
(8) Indonesia: tăng trưởng 7.49% từ 3.178% lên 3.416$
(9) Thailand: tăng trưởng 7.2% từ 5.063$ lên 5.426$

Cũng theo bảng thống kê này thì khoảng cách về GDP trên đầu người (normal, per capita) giữa Việt Nam và các nước Singapore, Malaysia, Thailand, Indonesia, Philippines từ năm 2000 đến năm 2015 đã rút ngắn đáng kể như sau:

(1) Singapore: từ gấp 59.19 lần xuống còn gấp 24.52 lần
(2) Malaysia: từ gấp 10.65 lần xuống còn gấp 4.94 lần
(3) Thailand: từ gấp 5.05 lần xuống còn gấp 2.5 lần
(4) Philippines: từ gấp 2.52 lần xuống còn gấp 1.36 lần
(5) Indonesia: từ gấp 2.21 lần xuống còn gấp 1.57 lần

Như vậy, nếu cứ giữ tốc độ này, Việt Nam đuổi kịp Philippines, Indonesia, Thailand là hoàn toàn có thể xẩy ra trong thời gian không xa lắm.

VIỆT NAM ĐÃ CÓ NHỮNG ĐIỂM SÁNG VƯỢT CÁC NƯỚC ASEAN

Về GDP trên đầu người của Việt Nam đúng là còn kém Singapore, Malaysia, Thailand, Indonesia, Philippines, tức kinh tế Việt Nam còn chậm phát triển hơn, Việt Nam còn nghèo hơn, thế nhưng không phải lĩnh vực nào chúng ta cũng kém họ, ít nhất chúng ta có những doanh nghiệp như Viettel, Vinamilk, FPT có những mặt đã vượt các doanh nghiệp cùng lĩnh vực của các nước Asean.

VIETTEL

Tuy về qui mô kinh doanh, doanh số, lợi nhuận, số nhân viên Viettel vẫn còn thua các doanh nghiệp Viễn thông của các nước Singapore, Malaysia, Indonesia, Thailand, nhưng về tinh thần Toàn cầu hoá, về sự có mặt, hiện diện kinh doanh ở nhiều quốc gia, nhất là châu Phi và châu Mỹ la tinh thì chắc chắn Viettel đã vượt các hãng Viễn thông của các nước Singapore, Malaysia, Thailand, Indonesia.

Đến năm 2015, Vittel đã có mặt, hiện diện tại 10 quốc gia, với số thuê bao lên đến 250 triệu (gấp 2.7 lần dân số Việt Nam, tương đương dân số Indonesia).

Theo kế hoạch đến năm 2020, Viettel sẽ hiện diện tại 20 đến 25 quốc gia, với khoảng nửa tỷ thuê bao, khi ấy có thể Viettel sẽ là hãng viễn thông có số lượng thuê bao đứng đầu Asean.

VINAMILK

VINAMILK là doanh nghiệp có vốn hoá lớn lớn nhất Việt Nam với giá trị công ty lên đến 9 tỷ USD. Cuối tháng 6 năm 2016 tập chí Nikkei (Nhật Bản) đã xếp Vinamilk là doanh nghiệp lớn thứ 22 châu Á (trừ Nhật Bản). Có thể nói trong lĩnh vực sữa, Vinamilk đã trở thành doanh nghiệp lớn nhất Asean.

VINAMILK cũng là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực Toàn Cầu hoá, hiện Vinamilk đã có 15 nhà máy sữa ở Việt Nam, 3 nhà máy sữa ở New Zealand, Ba Lan, Mỹ.

FPT

Trong lĩnh vực CNTT, Việt Nam chúng ta tự hào có FPT là doanh nghiệp CNTT lớn nhất Đông Nam Á. Với doanh thu tỷ gần 2 tỷ USD và 30.000 nhân viên, hiện diện trên 20 quốc gia FPT đã vượt xa nhiều lần các doanh nghiệp CNTT của các nước Singapore, Indonesia, Malaysia, Thailand, Philippines.

Ở một đất nước tổng GDP thấp hơn nhiều lần, qui mô thị trường CNTT bé hơn 3-5 lần mà FPT có qui mô kinh doanh vượt tất cả các công ty CNTT các nước Asean 5-7 lần thì là một kỳ tích và Việt Nam chúng ta rất đáng tự hào.

VIETTEL, VINAMILK, FPT là một minh chứng rất thuyết phục rằng người Việt Nam chúng ta cũng như đất nước chúng ta hoàn toàn có thể ngang hàng và vượt các nước khác trong khu vực.

(5) LỜI GIẢI NÀO ĐỂ THOÁT NGHÈO SÁNH VAI VỚI BẠN BÈ QUỐC TẾ

Đi tìm lời giải để Việt Nam thoát nghèo tôi đã suy nghĩ và tìm câu trả lời cho 3 câu hỏi sau:

(1) Tại sao người Việt lại mắc một số yếu điểm cố hữu mà các dân tộc khác lại không mắc hoặc mắc ít hơn, mắc nhẹ hơn và làm cách nào để khắc phục hoặc ít nhất hạn chế các điểm yếu cố hữu của người Việt.

(2) Tại sao sao các nước Phương Tây (Châu Âu, Mỹ, Australia), Nhật Bản lại giầu có vượt trội so với phần còn lại của thế giới (không tính các nước dầu mỏ Trung Đông do nguồn tài nguyên dầu mỏ khí đốt thiên nhiên ban tặng).

(3) Tại sao các nước Châu Phi, Nam Á, ASEAN (trừ Singapore) lại nghèo.
Mỗi câu hỏi sẽ có nhiều câu trả lời khác nhau, nhưng câu trả lời chung nhất cho cả ba câu hỏi trên là các nước Phương Tây văn minh hơn, dân trí cao hơn, tính khoảng 1000 năm trở lại đây thì hầu hết các phát minh vĩ đại nhất làm thay đổi thế giới loài người từ bánh xe, đầu máy hơi nước, bóng đèn, động cơ điện, điện thoại, tivi, máy tính, Internet… đều do người phương tây phát minh.

Sở dĩ người Việt chúng ta mắc những tật xấu cố hữu là vì người Việt chưa văn minh, dân trí thấp, giao lưu quốc tế ít, nên không mở rộng tầm mắt nhìn nhận thế giới văn minh.

Tương tự như vậy sở dĩ các nước Châu Phi, Nam Á, Asean nghèo cũng là vì các nước ấy chưa văn minh, dân trí thấp, dù họ có theo thể chế nào: phong kiến, quân chủ, chuyên quyền, độc tài, dân chủ, cộng hoà hay xã hội chủ nghĩa. Đơn giản là vì văn minh, dân trí thấp thì dù có theo thể chế nào thì người dân cũng không đủ hiểu biết, tri thức để sử dụng đúng đắn nhất vai trò và quyền lợi của mình, chưa kể còn bị lợi dụng dẫn đến chính họ lại là lực lượng cản trở sự phát triển của đất nước.

ĐI TÌM LỜI GIẢI ĐỂ VIỆT NAM THOÁT NGHÈO

Đi tìm lời giải để Việt Nam thoát nghèo, tôi đã nghiên cứu các lời giải thoát nghèo của các học giả, các chuyên gia cả trong nước lẫn ngoài nước; Tôi đã nghiên cứu, suy nghĩ, phân tích sâu các lời giải đó. Có rất nhiều điểm trong lời giải đó thuyết phục tôi, nhưng cũng rất nhiều điểm không thuyết phục được tôi, tôi đã tìm thấy thực tế rất nhiều phản ví dụ là nhiều quốc gia Asean, Nam Á đã đưa ra lời giải gần giống như vậy cho quốc gia, dân tộc mình 30-40-50 năm nay, tức học tập mô hình dân chủ hoặc cộng hoà nhưng hiện tại quốc gia họ vẫn chưa thật sự thoát nghèo.

Các lời giải để Việt Nam thoát nghèo do các chí sĩ yêu nước, các học giả, các chuyên gia trong nước lẫn ngoài nước bao gồm:

(1) Nâng cao dân trí của hai cụ Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu
(2) Học tập mô hình các nước tiên tiến Âu, Mỹ, Nhật Bản
(3) Học tập mô hình, con đường đi của Singapore, South Korea (gần chúng ta nhất)
Chúng ta hãy cùng nhau nghiên cứu 3 lời giải thoát nghèo trên:

(1) NÂNG CAO DÂN TRÍ của cụ PHAN CHU TRINH và PHAN BỘI CHÂU

Cách đây 111 năm, đầu thế kỷ 20, cụ Phan Chu Trinh cùng với cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Trần Quí Cáp là những người thấy rõ những điểm yếu cố hữu của con người và xã hội Việt Nam. Các cụ chủ trương phải thay đổi từ gốc rễ bằng cách nâng cao DÂN TRÍ, đặc biệt là trình độ trí tuệ và đạo đức của người Việt, phát triển kinh tế – văn hoá – giáo dục, học những tư tưởng tiến bộ của Phương Tây, từ bỏ phong tục tập quán lạc hậu, hội nhập với thế giới văn minh.

Với mục tiêu “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”; Khai hóa dân tộc; Giáo dục ý thức công dân, tinh thần tự do; Xây dựng cá nhân độc lập, tự chủ, có trách nhiệm với bản thân và xã hội; Thay đổi tận gốc rễ nền văn hóa, tâm lý, tính cách, tư duy, tập quán của người Việt; Phổ biến các giá trị của nền văn minh phương Tây như pháp quyền, dân quyền, nhân quyền, dân chủ, tự do, bình đẳng, bác ái; Cải cách trên mọi lãnh vực.

Phong trào “khai dân trí” thực hiện mục tiêu cải tạo con người và xã hội Việt Nam bằng cách khuyến khích cải cách giáo dục, mở mang công thương nghiệp, chấn hưng công nghệ, bỏ mê tín dị đoan, thay đổi tập quán cũ lạc hậu.

Cũng thời gian ấy Cụ Phan Bội Châu đã tổ chức Phong trào Đông Du, với mục đích kêu gọi thanh niên Việt Nam ra nước ngoài (Nhật Bản) học tập. Đợt đầu tiên 1905-1906 cụ đưa được 8 thanh niên sang Nhật Bản, đến năm 1908 phong trào Đông Du đưa được 200 người sang Nhật Bản du học. Số học sinh này sinh hoạt chung trong một tổ chức gọi là “Việt Nam Cống hiến Hội”.

Lời giải nâng cao DÂN TRÍ của hai cụ Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu không thành công, bị thất bại bởi 3 lý do:

[1] Đất nước chưa độc lập, vẫn chịu sự cai quản của Pháp.
[2] Số lượng người ra nước ngoài, trực tiếp trải nghiệm thế giới Văn Minh (Nhật Bản) là quá ít (mới có 200 người).
[3] Tại thời điểm đầu thế kỷ 20 Nhật Bản chưa đại diện cho thế giới văn minh mà chính Nhật Bản cũng mới đang đi học thế giới văn minh, mới đang trong quá trình NÂNG CAO DÂN TRÍ.

(2) HỌC TẬP MÔ HÌNH CÁC NƯỚC TIÊN TIẾN ÂU, MỸ, NHẬT BẢN

Rất nhiều nhà nghiên cứu, trí thức, doanh nhân người Việt ở Việt Nam và nước ngoài đưa ra lời giải là học tập mô hình các nước tiên tiến Âu, Mỹ, Nhật Bản. Lời giải nay dựa trên các tiền đề:

[1] Các nước Âu, Mỹ, Nhật Bản là những nước kinh tế phát triển nhất, giầu có nhất.
[2] Vì những nước đó kinh tế phát triển nhất, giàu có nhất nên hiển nhiên mô hình kinh tế, xã hội, thể chế của họ là đúng đắn nhất.
[3] Về tố chất: người Việt Nam không hề thua kém (đúc kết qua quá trình làm việc cùng họ của Việt Kiều).

Lời giải này được rất nhiều người tin là con đường duy nhất đúng đắn đưa Việt Nam thoát nghèo, nhưng thực tế mấy chục năm qua đã có rất nhiều nước Châu Phi, Nam Á, Asean đã đi theo con đường này, nhưng kết quả là đất nước họ vẫn loanh quanh, luẩn quẩn ở mức thu nhập trung bình.

Philippines là một ví dụ điển hình: Học mô hình của Mỹ:

[1] Chính phủ dân chủ mô hình Cộng hoà lập hiến (cộng hoà Philippines) với Tổng thống là nguyên thủ quốc gia, tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, nhiệm kỳ 6 năm, được bầu theo phương thức phổ thông đầu phiếu, người dân bầu trực tiếp Tổng thống, Tổng thống thành lập nội các.
[2] Lưỡng viện quốc hội Philippines gồm có Thượng viện và Hạ viện, các thượng nghị sĩ được dân bầu và có nhiệm kỳ sáu năm.
[3] Quyền tư pháp được trao cho Tối cao pháp viện, bao gồm một Chánh án tối cao và 14 thẩm phán, họ đều do Tổng thống bổ nhiệm từ danh sách do Hội đồng Tư pháp và Luật sư đệ trình.

Ở thời điểm năm 1960, trong Asean kinh tế Philippines đã vượt Việt Nam, Indonesia, Thailand, Myanmar, Cambodia, Laos. Thế nhưng đến nay kinh tế Philippines đã bị Indonesia, Thailand vượt qua và chỉ còn hơn Viêt Nam chúng ta có 1.36 lần.

Bangladesh là một ví dụ thứ 2: Học mô hình của Anh:
[1] Đa đảng bao gồm Đảng Quốc gia Bangladesh (BNP), Liên đoàn Awami Bangladesh, đảng Hồi giáo Jamaat-e-Islami Bangladesh và Islami Oikya Jot, Đảng Jatiya…
[2] Mô hình dân chủ nghị viện Tổng thống là nguyên thủ quốc gia, Tổng thống được cơ quan lập pháp bầu ra với nhiệm kỳ 5 năm. Chính phủ gồm các bộ trưởng do thủ tướng lựa chọn và do tổng thống chỉ định.
[3] Hệ thống một viện với 300 thành viên Quốc hội do dân bầu với chỉ một đại biểu cho mỗi khu bầu cử có nhiệm kỳ 5 năm. Quyền bỏ phiếu phổ thông cho mọi công dân từ 18 tuổi.

Năm 1960 GDP đầu người cua Bangladesh gần tương đương Việt Nam, thế nhưng hiện tại GDP đầu người của Bangladesh chỉ bằng 57% của Việt Nam.

HỌC TẬP MÔ HÌNH SINGAPORE, KOREA

Singapore là một hiện tượng rất đặc biệt, một kỳ tích châu Á là quốc gia có GDP đầu người cao nhất châu Á, vượt cả Nhật Bản, Hồng Kông, đặc biệt vượt qua mấy chục nước Châu Âu. Thế nhưng Singapore thực chất không phải là một quốc gia đúng nghĩa mà là một thành phố với dân số 5.5 triệu người và diện tích chỉ bằng đảo Phú Quốc của Việt Nam. Thâm Quyến của Trung Quốc là một ví dụ: Thâm Quyến cũng là một thành phố với lợi thế là trung tâm tài chính, thương mại phía Đông Nam của Trung Quốc Thâm Quyến có GDP đẩu người là 24.000$, gấp hơn 5 lần GDP đầu người của Trung Quốc, gần tương đương với Hàn Quốc.

Hàn Quốc: Năm 1960 GDP đầu người của Hàn Quốc chỉ tương đương Việt Nam, thế nhưng chỉ 30-40 năm Hàn Quốc đã phát triển vượt bậc và ngày nay đã trở thành một quốc gia kinh tế hàng đầu châu Á, chỉ sau Macau, Singapore, Japan, Israel, Hongkong và một số quốc gia dầu mỏ (Qatar, United Arab Emirates, Kuwait, Brunei, Bahrain).

Đầu tiên Hàn Quốc nhận thức rằng muốn phát triển kinh tế cần mở mang dân trí, khắc phục những điểm yếu cố hữu của người Hàn Quốc. Các bước chính Hàn Quốc đã làm trong 20 năm đầu tiên là:

[1] Tivi Hàn Quốc chỉ có vẻn vẹn 2 chương trình là “dạy làm người” và “dạy làm ăn”; từ cái văn minh nhỏ xíu như nụ cười của một nhân viên bán hàng cho đến cách quản lý chi phí của một quán cà phê, cách tạo dựng một nhà máy.

[2] Cải cách giáo dục bằng cách dịch nguyên sách giáo khoa của người Nhật sang tiếng Hàn để giảng dạy, trừ các môn địa lý, lịch sử và văn học (1968).

[3] Cử những sinh viên giỏi toán nhất theo học ngành tài chính ở các trường đại học lớn của Mỹ.

[4] Nhận thức các điểm yếu cố hữu của người Hàn Quốc và quyết tâm thay đổi:
– Tinh thần tự cường: “Người Hàn Quốc chỉ dùng hàng Hàn Quốc”, dù hàng của Hàn Quốc chất lượng chưa tốt, hình thức chưa đẹp.
– Đặt lợi của tổ quốc lên trên tất cả mọi thứ kể cả bản thân.
– Làm việc chăm chỉ, mỗi người Hàn Quốc làm việc tối thiểu 9-10h một ngày, sẵn sàng làm thêm giờ để hoàn thành công việc mà không kêu ca, không than vãn.

Lưu ý rằng Hàn Quốc đã thành công còn nhờ dân tộc Hàn có một số điểm mạnh sau mà tôi nghĩ dân tộc Việt đang thiếu:

[1] Về thể chất và độ nhanh, khéo léo họ thuộc top đầu Châu Á, vượt trội Việt Nam chúng ta; Bắc Triều Tiên là một ví dụ, dù đóng cửa, ít giao lưu với thế giới, kinh tế chưa thật sự phát triển, thế nhưng họ vẫn thuộc top đầu châu Á về bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn.

[2] Người Hàn Quốc rất quyết luyệt, họ làm bất cứ cái gì cũng quyết liệt, quyết tâm rất cao, thực hiện đến cùng.

[3] Người Hàn Quốc có tôn ti trật tự rất cao, trên dưới rất rõ ràng, ý thức phục tùng cấp trên gần như tuyệt đối.

(6) BÀI KẾT: LỜI GIẢI ĐỂ VIỆT NAM THOÁT NGHÈO

Khi đăng series 5 STT về “VÌ SAO ĐẤT NƯỚC TA MÃI NGHÈO” hay LỜI GIẢI ĐỂ VIỆT NAM THOÁT NGHÈO”, tôi nhận được một số ý kiến cho rằng việc gì phải lý luận lắm thế, việc gì phải lý luận lòng vòng, lời giải rất đơn giản: “chỉ cần học Mỹ và phương Tây là xong” hoặc “cứ làm theo Nhật là đất nước sẽ giàu” hoặc “cứ làm theo những gì Hàn Quốc đã làm là đất nước sẽ giàu”…

Để các bạn dễ hiểu tôi lấy vì dụ đơn giản thế này:

Ai chúng ta cũng từng đi học và đều chứng kiến một thực tế là cùng một chương trình, nội dung học, cùng thầy cô giáo, cùng điều kiện học nhưng người thì học giỏi, thi đỗ, người thì học kém thi trượt. Tại sao vậy? Đơn giản là tố chất, thể chất (hay nội lực) và nền tảng kiến thức của mỗi người không giống nhau, nên khả năng hiểu, khả năng tiếp nhận kiến thức khác nhau.

Việc đưa đất nước thoát nghèo cũng giống như đi học, người Việt Nam có tố chất, thể chất, trí tuệ khác người Mỹ, người châu Âu, người Nhật, người Singapore, người Hàn Quốc, nên học họ, làm giống họ, chưa chắc chúng ra sẽ thoát nghèo.

Có thể có nhiều bạn cho rằng tố chất chúng ta tương đương họ, bằng chứng là khi làm cùng chúng tôi không hề thua kém đồng nghiệp Âu, Mỹ. Xin thưa là bạn nào đã làm cùng hãng với đồng nghiệp Âu, Mỹ thì bạn đã là thuộc nhóm người tiên tiến của dân tộc Việt còn đồng nghiệp Âu Mỹ của bạn chỉ thuộc nhóm người trung bình của dân tộc họ mà thôi, nên so sách như vậy là không ngang bằng.

Ngay cả việc công nhận tố chất chúng ta và họ ngang bằng nhau thì hiển nhiên là văn hoá và dân trí của chúng ta kém và kém rất xa họ. Đây là một thực tế không thể chối cãi: khi mà họ đã xây nhà thờ và các công trình kiến trúc bằng đá Granite thì mãi 1000 năm sau chúng ta vẫn lấy bùn đất trộn với rơm làm vách nhà; khi mà họ là người phát minh ra đèn điện thì hơn 100 năm sau chúng ta vẫn có người há miệng ngạc nhiên tại sao cái đèn lại treo ngược; khi mà họ có hệ thống tàu điện ngầm chạy khắp London, Paris, New York thì hơn 100 năm sau chúng ta vẫn coi xe máy là phương tiện giao thông chính trong thành phố.

Như vậy muốn học họ, muốn làm như họ đã làm, ít nhất chúng ta phải có nền tảng dân trí, văn hoá gần ngang bằng họ. Điều này cũng hiển nhiên như việc chúng ta muốn cùng họ học đại học, mà họ đã tốt nghiệp lớp 12, chúng ta mới tốt nghiệp lớp 9 thì việc đầu tiên buộc chúng ta phải làm là học và tốt nghiệp lớp 12.

Từ những nhận thức trên kết hợp giữa lời giải thoát nghèo của hai cụ Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, học tập lời giải thoát nghèo của Hàn Quốc, tôi cho rằng lời giải để Việt Nam thoát nghèo là “NÂNG CAO DÂN TRÍ trong thời đại TOÀN CẦU HOÁ và INTERNET”.

Cụ Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu cũng đã đưa ra lời giải nâng cao dân trí và đã thất bại, nhưng thời điểm này chúng ta đưa ra lời giải nâng cao dân trí sẽ thành công dựa trên các cơ sở sau đây:

(1) Đất nước đã độc lập.
(2) Việt Nam đã theo mô hình kinh tế thị trường.
(3) Thời đại Toàn cầu hoá: giao lưu quốc tế nhiều hơn.
(4) Thời đại Internet giúp mọi người ngồi ở nhà vẫn có thể giao lưu và tiếp xúc với tri thức và tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ, mô hình kinh tế, quản trị tiên tiến.
(5) Xu thế công nghệ thay đổi nhanh chóng giúp Việt Nam có thể tiếp cận và làm chủ thẳng những công nghệ mới nhất. (Ví dụ điển hình là trong lĩnh vực Viễn thông thì điện thoại di động Việt Nam tương đương với Mỹ, Châu Âu cả về chất lượng sóng lẫn dịch vụ).

LỜI GIẢI NÂNG CAO DÂN TRÍ – KHẮC PHỤC ĐIỂM YẾU CỐ HỮU

Lời giải Nâng cao dân trí – Khắc phục điểm yếu cố hữu bao gồm 6 nội dung sau:

(1) Nhân thức rõ những điểm yếu cố hữu của người Việt làm cản làm trở sự phát triển kinh tế của đất nước. Xây dựng hệ thống triết học đưa hoạt động sản xuất, thương mại, doanh nghiệp, doanh nhân thành trọng tâm của xã hội, đúng vai trò; Xác định đúng giá trị của tiền bạc; Xác định đúng thế nào là người tài và xử dụng người tài.

(2) Tăng cường giao lưu quốc tế kể cả tham quan học tập ở nước ngoài, du học nước ngoài

Quan điểm của tôi hơi khác một chút là Lãnh đạo nên tăng cường đi nước ngoài, đặc biệt các nước tiên tiến để biết, hiểu, trải nghiệm về áp dụng trong việc xây dựng chính sách, chiến lược, kế hoạch và tổ chức triển khai. Nhưng đi là đi có nghiên cứu, trải nghiệm, về có thu hoạch, đi đầu nhiệm kỳ, lãnh đạo mới nhận chức đi chứ đừng để cán bộ sắp về hưu mới đi.

Kinh nghiệm của tôi muốn hiểu đúng và sâu sắc về xã hội, nền kinh tế của họ cần thực hiện phương châm sau: Đi thì phải thâm nhập, trải nhiệm thực tế, đừng để đối tác bố trí, đưa đón từ đầu đến cuối, đừng ngồi nhiều trên ô tô, cần đến nhà máy, xí nghiệp, cơ sở nghiên cứu xem họ tổ chức nghiên cứu, sản xuất thế nào; Cần trực tiếp mua vé, đi tàu điện ngầm, tàu cao tốc, đường sắt đô thị, xe bus…; Cần đi bộ, cần tự tìm nhà hàng, đi siêu thị, đi ăn, đi uống. Có như vậy mới hiểu sâu và đúng nhất về sản xuất, kinh doanh, giao thông… và cách vận hành kinh tế – xã hội của họ. Sau khi đi về nên có tổng kết và viết thu hoạch xem xã hội, đất nước họ có điểm gì hay, đáng học tập.

(3) Đẩy mạnh hoá Toàn cầu hoá, Toàn cầu hoá là biện pháp quan trọng nhất để nâng cao dân trí và phát triển kinh tế đất nước:

Cách đây 111 năm cụ Phan Bội Châu đã coi đưa học sinh đi du học là để mở manh dân trí, nhưng cụ chỉ đưa được có 200 người, bởi lẽ cụ không đủ tiền, dân Việt nam ta còn nghèo, không có nhiều người đủ tiền ra nước ngoài.

Toàn cầu hoá là lời giải quan trọng nhất, vì nó lấy luôn việc kinh doanh, thương mại làm cơ sở, lấy chính chi phí kinh doanh, chi phí triển khai hợp đồng, hạch toán vào dự án, hợp đồng. Vì vậy chỉ cần Toàn Cầu Hoá thành công, chỉ cần ký được nhiều hợp đồng ở nước ngoài thì hiểu hiên sẽ đưa được nhiều người Việt Nam ra nước ngoài làm việc.

Chúng ta coi Toàn cầu hoá là chiến lược phát triển kinh tế quan trọng nhất. Toàn cầu hoá vừa để kiếm ngoại tệ, làm giầu cho đất nước vừa là là biện pháp tốt nhất để nâng cao dân trí, bởi trong quá trình đi ra nước ngoài, làm việc ở nước ngoài, hoạt động thương mại ở nước ngoài người Việt không chỉ làm giầu mà người Việt còn tiếp cận cách tư duy, cách suy nghĩ, cách làm, nhìn nhận thế giới, nhận thức điểm yếu, học hỏi cái hay của các dân tộc khác.

(4) Phổ cập CNTT và Internet cho toàn dân, nhất là nông thôn và vùng núi.

(5) Sửa đổi các điểm yếu cố hữu của người Việt:

Truyền thông rộng rãi, đưa vào chương trình giáo dục bậc cuối phổ thông và đại học các điểm yếu cố hữu của người Việt làm sao để người Việt chăm chỉ hơn; Người Việt nghĩ lớn hơn, người Việt hoạt động thương mại rộng hơn, kể cả thị trường toàn cầu; Đặc biệt người Việt biết tôn trọng những người khác biệt chính kiến, tôn trọng các chính kiến khác biệt; Xã hội Việt nam hiểu đúng về nhân tài và sử dụng nhân tài, hiểu đúng về giá trị đồng tiền, hiểu đúng về doanh nhân, đặt doanh nhân, doanh nghiệp và hoạt động thương mại xứng đáng với vị trí và tầm quan trọng của nó.

(6) Học tập các điểm hay của dân tộc khác:

Học Hàn Quốc, lãnh đạo đất nước cùng lãnh đạo các cấp cần xây dựng lòng tự tôn dân tộc, “người Việt dùng hàng Việt”, xây dựng tính kỷ luật và chuyên nghiệp trong lao động, tôn trọng và tuân thủ các qui định của luật pháp, xây dựng tác phong làm việc chuyên nghiệp, coi trọng tính hệ thống, không khuyến khích tính lanh trí, khôn lỏi trong xử lý các vấn đề chính yếu.

KẾT:

Những lời giải này chỉ mới dừng ở mức ý tưởng, nhưng nếu nhiều người Việt Nam nhận thức ra, nhiều người đồng tình, nhiều người chia sẻ, đặc biệt là quyết tâm thay đổi chính mình thì tôi tin tưởng tình hình sẽ thay đổi nhanh chóng, tốc độ phát triển kinh tế của đất nước sẽ tăng trưởng nhanh hơn. Chúng ta vẫn còn nhiều khiếm khuyết, thế mà 15 năm qua tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đã cao nhất khu vực Asean, khoảng cách giữa Việt Nam và các nước đã thu hẹp đáng kể, nếu chúng ta cùng đồng lòng, tự nhận thức, tự hành động thay đổi chính mình để NÂNG CAO DÂN TRÍ của chính mình, của gia đình mình, của người thân mình, của bạn bè, đồng nghiệp mình thì tôi tin tưởng sâu sắc rằng NHẤT ĐỊNH VIỆT NAM SẼ THỊNH VƯỢNG.

 Đỗ Cao Bảo

(Blog Cảm Xúc)

1 nhận xét: