Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2016

Chụp ảnh bãi cứt trâu

Chụp ảnh bãi cứt trâu
Hỷ LongNhững lúc đi khách xong, thú vui lớn nhất của em vẫn là chụp hình mấy bãi cứt trâu. Khi mà mình sống giữa những cái giả dối, sến và ồn ào nhiều quá thì mình thích tìm một thứ gì đó im lặng, chân thật để trò chuyện. Anh thử nghĩ ngay cả cái động tự nhiên như vậy cũng vẽ vời màu mè, tảng đá hay khối thạch nhũ nó đâu có nói nó tên gì, vậy mà người ta đặt nào là “ngôi nhà hạnh phúc”, “hoa sen mùa hạ”, “cụ rùa hồ Gươm”, “voi đi uống nước”… kính thưa các loại đặt tên, nghe vào là đã thấy cải lương. Thử hỏi làm việc trong một môi trường như vậy để rồi chịu đủ thứ cực khổ, sức ép, mà dụ khách kiếm tấm hình thì làm sao mà không chán? Những bãi cứt trâu nó chân thật, nó không khoa trương, nó có vẻ đẹp tự nhiên… của một bãi cứt trâu, em thấy nó gần với em.
Đường vào khu du lịch Phong Nha
Đến Phong Nha, Quảng Bình, có ba cái nhất làm người ta ngạc nhiên, đó là: động đẹp nhất, người dân nghèo nhất, và dịch vụ lộn xộn nhất. Vừa bước vào khu mua vé, bước xuống thuyền thì tin rằng mình nhìn không sai và khi trò chuyện với chủ thuyền, với cô thợ ảnh thì tin rằng hai cái nhất còn lại hoàn toàn chính xác.

Cuộc phỏng vấn ngắn với cô phó nháy tên Hồng, một trong những cô phó nháy trong khu du lịch này, người mà ban quản lý “đặc cách” ngồi chung thuyền với chúng tôi, cũng là người có thú vui chụp hình cứt trâu sau mỗi phiên “đi khách” (chữ của Hồng) và có những nhận định gây ngạc nhiên về cuộc đời, nghề nghiệp và con người.

Thuyền du lịch Phong Nha trên sông Son



Hỷ Long (HL): Anh thấy mỗi thuyền đều có một thợ ảnh đi theo thuyết minh, mình đi như vậy công ty du lịch có trả lương cho mình không em?

Hồng (H): Làm gì có chuyện đó anh! Em còn phải trả tiền cho công ty, mỗi năm gần hai triệu đồng họ mới cho lên thuyền mà đi khách chứ.

HL: Em dùng chữ nghĩa có vẻ hơi bị ác nha! Sao gọi là đi khách?

H: Bọn em dùng chữ này quen rồi anh ơi. Vì suy cho cùng, có thể khác nhau về kiểu phục vụ, các cô gái điếm thì phục vụ khách bằng xác thịt, bọn em thì phục vụ khách bằng nước bọt, mồ hôi và ống kính. Các cô cũng phải chung tiền cho động chủ để được đi khách. Bọn em cũng phải trả tiền cho động chủ để được lên thuyền. Ðều vất vả như nhau cả thôi! Mà anh biết rồi đó, động là cave (cô phát âm là ca-ve). Ngày xưa các cô làm chuyện đó ở trong động nên người ta gọi các cô là cave, giờ bọn em chụp hình, chèo thuyền phụ, thuyết minh để khách thấy vui, quyết định chụp ủng hộ cho bức ảnh kiếm lãi, tính ra thì bọn em cũng là dân cavechứ còn gì nữa. Chỉ khác nhau về loại hình phục vụ thôi.

Thánh đường làng Na



HL: Mỗi ngày em đi mấy chuyến và mỗi chuyến vậy em chụp được trung bình bao nhiêu tấm hình?

H: Ðâu có dữ vậy anh! Ở cái động Phong Nha này có 420 chiếc thuyền du lịch, toàn của dân tự sắm, vay tiền ngân hàng để mua mà kiếm sống. Nộp tiền cược vào công ty để được học một khóa cứu hộ cứu nạn và được cấp phép hoạt động chở khách theo sự phân bổ sau này. Thợ ảnh cũng vậy, có 420 thợ ảnh, toàn là nữ hết, không có nam đâu nhé. Cái này công ty không yêu cầu mà bọn em tự phát, vì nữ lúc nào cũng chịu đựng và kiên nhẫn hơn đàn ông. Nữ chịu đi theo đoàn khách, giới thiệu từng cảnh đẹp trong động rồi lựa lúc khách vui vẻ thì mời khéo họ chụp tấm hình ủng hộ mình. Vả lại bây giờ khách họ có máy ảnh hoặc iPhone hết, chẳng mấy ai chụp hình tại chỗ đâu, nên bọn em phải dùng một chút nhan sắc mà dụ mấy ông khách chụp hình chứ. Khổ lắm! Bốn ngày mới tới phiên một lần anh ạ! Một tháng em đi được sáu đến bảy phiên thôi. Phiên nào trúng thì kiếm được 200 ngàn đồng (tương đương 19 đô-la Mỹ), mỗi tháng kiếm được từ một triệu đến triệu hai đồng, tháng Tết thì kiếm được từ hai triệu đến hai triệu rưỡi đồng. Gặp khách như anh chị đây thuê riêng thuyền đi một gia đình, em tới phiên, bước lên thuyền em thấy anh lấy máy ảnh ra thì hỡi ôi rồi!

Hồng, cô thợ ảnh 23 tuổiPhụ nữ làng Na chèo thuyền



HL: Bây giờ em có định dùng nhan sắc để dụ khách chụp hình như mới nói không? Thử đi!

H (cười ngặt nghẽo): Anh lật tẩy hết trơn rồi thì giờ làm sao mà em giở chiêu được chứ! Thôi thì cứ xem như đi chơi chung chuyến thuyền vậy. Ðể em giới thiệu anh chị mấy nhóm thạch nhũ và chiếc chum cổ trong động, rồi khi nào anh chị cần chụp hình gia đình thì đưa máy em chụp giùm cho!Cửa động Phong Nha“Tượng” Quán Thế Âm bằng thạch nhũ do thiên nhiên tạo trong động Phong NhaNước vú đá, nơi đây được đồn đoán nếu ai không có con, uống nước này vào sẽ sinh con, thực ra, nước này ngửi rất nồng và tanh.

HL: Cám ơn em, anh nhờ em cầm máy của anh chụp hình cho gia đình anh, mỗi tấm em bấm máy anh trả tiền công bằng với giá em chụp một tấm hình cho khách, nhà em ở gần đây không?

H: Nhà em ở làng Na, gần động Phong Nha. Làng Na là một xóm đạo có từ thời Pháp, toàn bộ bà con trong làng đều là con của Chúa, và là cái làng heo hút, nghèo lắm. Cả làng đều vay tiền sắm thuyền, mỗi chiếc hơn 100 triệu đồng (khoảng 5,000 đô-la Mỹ), máy ảnh của em cũng vay tiền để mua, chụp rồi mỗi tháng trả lãi một ít, một ít để mua sữa cho con, cuối năm bán lồng cá thì trả chừng 30% tiền nợ gốc để giảm bớt lãi. Em mua máy ba năm rồi, mới trả xong tiền gốc hôm Tháng Giêng năm nay. Bây giờ cũng thong thả một chút. Làng em chủ yếu là nuôi cá lồng, đi vớt rong trên sông Son (con sông có một nhánh chảy ngầm, băng qua động Phong Nha từ hướng Lào về Việt Nam) cho cá ăn. Mỗi năm thu hoạch một lần, nếu trúng thì bán được 20 triệu đồng, thất thu thì chừng 5 triệu đồng thôi. Ðàn ông thì đi tìm gỗ sưa trong núi để bán, đây là loại gỗ quý, người miền Nam gọi là gỗ huỳnh đàn, mỗi ký lô có giá chừng 1,000 đô-la, nếu là gỗ phách có quy cách thì mỗi ký lên đến 2,000 – 2,500 đô-la. Nhưng mà có khi đi cả năm chỉ kiếm được vài cái rễ. Ði tìm gỗ sưa cũng giống như phu đi vàng vậy đó anh, khổ lắm, hên xui may rủi thôi. Chút ngang qua làng Na, anh nhìn thấy nhà nào xây hai tầng là nhà trúng gỗ sưa đó, còn mấy nhà lụp xụp trong làng đều là dân tìm gỗ sưa nhưng chưa trúng quả. Ở đây không có ruộng nhiều, làm lúa chỉ đủ ăn, đường sá chưa có nên việc đi học của trẻ con cũng khó; học tiểu học thì gần, đến trung học cơ sở thì đi chừng 10 cây số tới trường, nếu học lên trung học phổ thông thì phải đi mười mấy cây số, đường đất, mùa mưa lội bộ khổ lắm! Ða số đều nghỉ học sớm, có vợ có chồng, đi lễ cuối tuần, làm kiếm sống qua ngày, xây cái nhà cấp bốn trú mưa trú nắng, cả làng gần năm trăm gia đình đều sống nhịp chung như vậy. Hiếm có đứa nào vào đại học, mà đã học được đại học thì tụi nó thoát thân khỏi làng ngay. Nếu nhớ làng thì có lẽ người ta chỉ nhớ đến những Chúa Nhật đi xem lễ chứ không có gì khác đâu anh!



HL: Em có thích nghề chụp ảnh này không?

H: Dạ thích lắm chứ. Những lúc đi khách xong, thú vui lớn nhất của em vẫn là chụp hình mấy bãi cứt trâu. Không hiểu sao em rất mê chụp hình cứt trâu, cái này là em lạ nhất trong mấy thợ ảnh ở Phong Nha này.

HL: Em chụp được bao nhiêu tác phẩm cứt trâu rồi?

H: Nhiều lắm!

HL: Sao em lại có sở thích hơi kỳ quặc như vậy?

H: Em nghĩ đây là cơ chế đề kháng của em thôi, khi mà mình sống giữa những cái giả dối, sến và ồn ào nhiều quá thì mình thích tìm một thứ gì đó im lặng, chân thật để trò chuyện. Anh thử nghĩ hằng ngày em phải lo cơm áo gạo tiền, ông xã em thất bại bên nghề tìm gỗ sưa thì buồn bã, suốt ngày ở nhà giữ con cho em đi làm, đến nơi làm thì chộn rộn, xô bồ, từ chuyện các quán cò cuốc, chặt chém khách, đến chỗ giá vé quá cao, nạn tham nhũng tràn lan, ngay cả cái động tự nhiên như vậy cũng vẽ vời màu mè, tảng đá hay khối thạch nhũ nó đâu có nói nó tên gì, vậy mà người ta đặt nào là “ngôi nhà hạnh phúc”, “hoa sen mùa hạ”, “cụ rùa hồ Gươm”, “voi đi uống nước”… kính thưa các loại đặt tên, nghe vào là đã thấy cải lương. Thử hỏi làm việc trong một môi trường như vậy để rồi chịu đủ thứ cực khổ, sức ép, mà dụ khách kiếm tấm hình thì làm sao mà không chán? Những bãi cứt trâu nó chân thật, nó không khoa trương, nó có vẻ đẹp tự nhiên… của một bãi cứt trâu, em thấy nó gần với em.

HL: Vợ chồng em được mấy cháu rồi?

H: Dạ hai cháu, em nhìn già vậy chứ năm nay chỉ mới hăm mốt tuổi thôi. Cực quá đâm ra vậy. Làng em đứa nào cũng già khú à! Nội lo chuyện con cái ăn uống, học hành không thôi cũng đủ thành bà cụ rồi!

HL: Chút em dắt tụi anh về làng Na chơi được không?

H: Dạ được, mời anh chị vào chơi!

Khi thuyền quay trở về, chúng tôi theo Hồng vào làng Na. Ngôi làng nằm bên sông Son, con sông rất dữ vào mùa mưa nhưng lại có vẻ như hiền hòa vào mùa nắng, nước sâu thăm thẳm. Nhà nào cũng giống nhà nào, lụp xụp, nền nhà rất cao và tường xây rất dày, nhưng nhà thì bé tẹo, chật chội. Cái nghèo toát lên từ những gốc ngô, gốc rạ và từ ánh mắt mấy đứa bé đang ngồi chơi trò nuôi cá lồng trước sân.

Các phó nháy đang mua hàng xả

Mặc dù cái xô bồ bên kia sông, nơi có bến đò du lịch Phong Nha chẳng hay ho chút nào, nhưng nó vẫn là một thứ gì đó thu hút hàng ngàn con người nơi làng Na, để rồi họ mải miết cong lưng chèo, ngước cổ chờ phiên để được chèo, được lấy 200 ngàn đồng, trong khi đó, giá vé vào thăm động mỗi người phải mua 150 ngàn đồng, 14 người thì lên một thuyền và tự bỏ tiền ra để chung đủ 360 ngàn đồng trả tiền vé thuyền. Mỗi thuyền phải đóng 160 ngàn đồng cho công ty, tương đương với giá vé của khách. Mỗi ngày có hơn 100 chuyến thuyền vào xem động, mức thu có thể lên đến 100 triệu đồng một ngày, chưa kể đến các dịch vụ phụ chung quanh khu vực bán vé. Và hầu hết người làng Na sang đây làm kiếm cơm, xem đây là cơ hội tồn tại, họ có thể biết nhưng không bao giờ dám tin rằng có những bàn tay lông lá đang bóp cổ, đang vắt kiệt sức lao động của con người và thiên nhiên nơi đây!Chị Hồng và ba đứa con, đang ở nhờ nhà cha mẹ chồng

http://baotreonline.com/113347-2/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét