Thảm họa Formosa: đã làm được gì và còn phải làm gì?
03/07/2016 - Toàn bộ việc khảo sát, điều tra, nghiên cứu, đánh giá, kết luận và làm việc với Formosa để đi đến buổi công bố và công khai xin lỗi chiều ngày 30.6.2016, đối với người dân Việt Nam, nhất là người dân bốn tỉnh bị thiệt hại trực tiếp, là quá chậm trễ. Tuy nhiên, khối lượng công việc đã làm thực sự không nhỏ, và kết quả có sức thuyết phục.Người đứng đầu Formosa Hà Tĩnh nhận lỗi và xin lỗi người dân và Nhà nước Việt Nam vì họ là thủ phạm gây ô nhiễm môi trường làm cá chết hàng loạt ở miền Trung tháng 4/2016. Ảnh: TL
Đó là: kết luận được Formosa chính là thủ phạm gây ra thảm họa ô nhiễm biển Hà Tĩnh nói riêng và bốn tỉnh miền Trung nói riêng, gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho môi trường, cho kinh tế và đời sống của hàng triệu người dân Việt Nam.
Đó là việc buộc Formosa phải nhận lỗi và công khai xin lỗi người dân, công khai nhận trách nhiệm về những vi phạm và sai phạm của mình và chấp nhận bồi thường vật chất 500 triệu đô la Mỹ. Đó là việc Formosa cam kết khắc phục, sửa đổi về công nghệ của nhà máy, cam kết không để tái phạm, tái diễn việc gây ô nhiễm môi trường, cam kết tuân thủ pháp luật và các quy định của nhà nước Việt Nam. Đó là việc cơ quan điều tra tiếp tục xem xét việc truy cứu trách nhiệm hình sự của Formosa và các cá nhân hữu quan của họ theo pháp luật hiện hành.
"Người dân Việt Nam có quyền hít thở một thứ không khí, tắm một thứ nước biển, ăn một thứ thực phẩm với tiêu chuẩn sạch và an toàn, và tự do đánh cá mưu sinh trên vùng biển của mình như người dân ở Mỹ, ở Úc, ở Đức hay ở Đài Loan. Cái quyền văn minh ấy không thể đánh đổi bằng bất cứ loại ngoại tệ nào, dù là bao nhiêu..." - Luật sư Trương Trọng Nghĩa
Xét tất cả những kết quả và khối lượng công việc đã thực hiện trên đây, mà những kết quả, nội dung công việc ấy chắc chắn phải dựa trên nhiều tài liệu, cứ liệu, số liệu hiện vẫn còn chưa được công bố cho dân chúng, thì 3 tháng là một thời lượng không quá nhiều, và là một nỗ lực lớn của Chính phủ.
Cho dù như vậy, nếu với những gì đã đạt được trên đây mà cho rằng,việc xử lý thảm họa đã xong, hay cơ bản xong thì là một nhầm lẫn lớn. Theo tôi, tất cả những gì đã đạt được cho đến nay là bước đi đúng hướng, nhưng mới chỉ là bước đầu tiên của một giải pháp khả dĩ chấp nhận được. Để giải quyết toàn bộ “sự cố Formosa”, cả Chính phủ lẫn Formosa còn phải tiến hành nhiều bước nữa.
Trước hết, dù chưa có một bản án, việc thừa nhận vi phạm pháp luật, thừa nhận lỗi, cam kết bồi thường, cam kết sửa chữa, khắc phục về công nghệ, cam kết và bảo đảm không tái phạm của Formosa phải được ghi nhận một cách chi tiết, cụ thể, rõ ràng, đầy đủ trong một văn kiện pháp lý chính thức được ký kết bởi người đại diện hợp pháp của tập đoàn Formosa mẹ và công ty con đầu tư ở Việt Nam. Văn kiện này sẽ được dùng để giám sát quá trình khắc phục, sửa chữa của Formosa và truy cứu trách nhiệm của họ nếu họ không làm đúng hoặc tái phạm.
Tiếp theo, Formosa phải chuyển ngay, hoặc trong thời hạn ngắn nhất, toàn bộ số tiền 500 triệu đô la Mỹ cho Chính phủ Việt Nam để sử dụng khắc phục hậu quả, trước hết là bồi thường cho người dân bị thiệt hại và giúp đỡ công ăn, việc làm của họ. Đồng thời, ngay lập tức, Formosa phải đệ trình lên Chính phủ hai văn kiện sau đây: một là Phương án khắc phục thiệt hại và khôi phục môi trường thiên nhiên, môi trường sống của người dân Việt Nam ở bốn tỉnh miền Trung bị thiệt hại trở về trạng thái như trước khi xảy ra sự cố; hai là Phương án công nghệ và kỹ thuật chứng minh họ sẽ có những thay đổi về quy trình và thiết bị vận hành nhà máy để bảo đảm hai việc: xử lý toàn bộ chất thải (rắn, lỏng, hơi, bức xạ) bảo đảm đạt tiêu chuẩn và yêu cầu của luật pháp về môi trường của Việt Nam và quốc tế trước khi thải ra môi trường; xây dựng hệ thống kỹ thuật và thiết bị quan trắc, phòng ngừa và xử lý sự cố đạt tiêu chuẩn theo pháp luật Việt Nam và quốc tế.
Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo công bố công bố nguyên nhân cá chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung ngày 30.6.2016. Ảnh: thanhnien.com.vn
Các phương án này phải bảo đảm tính khả thi về kỹ thuật và tài chính, với những hạng mục và tiến độ cụ thể, để triển khai thực hiện ngay, đồng thời có thể theo dõi và giám sát được. Những công việc này vừa phức tạp về kỹ thuật và công nghệ, vừa đòi hỏi những khoản tài chính lớn mà Formosa phải đưa vào cho phí đầu tư của dự án. Do đó, Chính phủ phải phê duyệt các phương án đó, đồng thời giám sát chặt việc thực hiện chúng.
Về phía Chính phủ cũng còn phải tiếp tục thực hiện một khối lượng công việc không nhỏ.
Chính phủ sẽ phải có một kế hoạch toàn diện và cụ thể nhằm hướng dẫn và giám sát Formosa thực hiện các cam kết của họ, trước hết triển khai việc khắc phục thiệt hại và khôi phục môi trường, tiếp theo là sửa đổi công nghệ và thiết bị liên quan đến việc phòng chống ô nhiễm môi trường.
Chính phủ phải chỉ đạo các bộ, ngành và chính quyền địa phương hữu quan xây dựng các kế hoạch và phương án bồi thường thiệt hại cho người dân, giúp dân khôi phục, ổn định cuộc sống, việc làm, đồng thời tiếp tục phát triển kinh tế ở những địa phương bị thiệt hại vừa qua.
Chính phủ phải rà soát, thanh tra những sai phạm, khuyết điểm, nếu có, trong việc cấp phép đầu tư và quản lý dự án đầu tư của Formosa vừa qua, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức do thiếu trách nhiệm hay có tiêu cực mà đã góp phần gây nên thảm họa môi trường, đặc biệt phải chấn chỉnh lại nhân sự của các bộ, ngành và chính quyền địa phương có vấn đề.
Chính phủ phải nghiên cứu lại chính sách và luật pháp thu hút đầu tư hiện hành có liên quan đến bảo vệ môi trường, nếu thấy có những điểm còn thiếu, còn sơ hở hoặc chưa hoàn thiện thì tự mình hoặc kiến nghị Quốc hội bổ sung, sửa đổi.
Người dân Việt Nam có quyền hít thở một thứ không khí, tắm một thứ nước biển, ăn một thứ thực phẩm với tiêu chuẩn sạch và an toàn. Ảnh: Duy Tuấn
Từ vụ Formosa, có một nhận thức mang tính nguyên tắc cần làm rõ cho các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam, và cho cả cán bộ, công chức làm công tác thu hút đầu tư nước ngoài: đến Việt Nam các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tìm thấy những thuận lợi về chi phí lao động thấp, được ưu đãi về đất đai, về thuế má, nhưng chúng ta không “ưu đãi” cho họ cái quyền tàn phá thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường sống của chúng ta và con cháu mai sau.
Người dân Việt Nam có quyền hít thở một thứ không khí, tắm một thứ nước biển, ăn một thứ thực phẩm với tiêu chuẩn sạch và an toàn, và tự do đánh cá mưu sinh trên vùng biển của mình như người dân ở Mỹ, ở Úc, ở Đức hay ở Đài Loan. Cái quyền văn minh ấy không thể đánh đổi bằng bất cứ loại ngoại tệ nào, dù là bao nhiêu.
Hàng chục triệu người dân Việt Nam theo dõi vụ Formasa suốt mấy tháng qua đã bày tỏ một cách kiên quyết và rõ ràng nguyên tắc này và Chính phủ Việt Nam có đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn bảo đảm cái quyền ấy cho nhân dân của mình.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa (Đại biểu Quốc hội)
» Formosa Hà Tĩnh cúi đầu nhận lỗi, cam kết bồi thường 11.500 tỷ đồng
» Bộ trưởng Trần Hồng Hà: 'Formosa Hà Tĩnh có 53 hành vi vi phạm'
» Dân Đài Loan gây sức ép lên Formosa về vụ cá chết ở Việt Nam
» Từ cá chết Vũng Áng đến Formosa: Nhìn lại quy hoạch môi trường
» Trợ giúp pháp lý và thu thập chứng cứ cho ngư dân do cá chết
» Út Ngà đi biển
» 30 cơ quan bộ, ngành, địa phương vào cuộc tìm nguyên nhân cá chết
» Hội nghề cá đề nghị sớm công bố thông tin cá chết hàng loạt
» Sớm công khai thông tin để ngăn chặn khủng hoảng
(nguồn: Báo Công An TP.HCM ngày 2.7.2016)
http://nguoidothi.vn/vn/news/chuyen-hom-nay/tin-tuc-thoi-su-noi-bat/4204/tham-hoa-formosa-da-lam-duoc-gi-va-con-phai-lam-gi-.ndt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét