Thứ Tư, 27 tháng 7, 2016

Bài vui: Làm du lịch kiểu... nông dân

Làm du lịch kiểu... nông dân 
25/07/2016 TTCT - Nhận thấy nhu cầu của khách du lịch - đặc biệt là khách nước ngoài - muốn được trải nghiệm như người địa phương, một số tour du lịch độc đáo kiểu... nông dân đã mở ra.

Ông Trần Công Khánh chụp ảnh khách du lịch đang leo dừa -MẬU TRƯỜNG
9g sáng, trang trại mang tên Làng rau sạch Củ Chi (huyện Củ Chi, TP.HCM) của anh Lương Việt Tấn (40 tuổi) đón một đoàn khách cả Tây lẫn ta. Sau màn chào hỏi, các vị khách hồ hởi xắn quần, đội nón lá ra vườn.

Làm vườn và nấu ăn

Đang mùa thu hoạch, khu đất rộng 15ha trồng khoảng 100 loại rau củ và nuôi heo, bò của anh Tấn trải dài xanh mướt. Vì trong đoàn khách có nhiều em nhỏ, anh Tấn chia các em thành sáu nhóm để tiện hướng dẫn.

Lội xuống một luống rau quế còn đẫm nước sau cơn mưa sớm, anh ngắt vài lá rồi giới thiệu cách trồng, thời gian cây lớn cũng như công dụng, rồi đến mấy luống rau muống, bí đao, dưa bở...

Trong khi du khách thích thú chụp ảnh và thắc mắc, anh Tấn giải thích cặn kẽ tên gọi các loại cây này. Dừng trước túp lều trồng nấm, ai cũng thích thú nhìn ngắm những tai nấm trăng trắng vừa nhú lên. Bé Ái Vy (9 tuổi) ồ lên: “Con có thấy nấm trong sách giáo khoa, không ngờ ở ngoài nhìn đẹp vậy. Mà cũng chưa bao giờ con thấy nhiều loại rau như ở đây”.

Không chỉ tận mắt nhìn và tìm hiểu về cách trồng tỉa, chăm sóc rau màu của nông dân VN, nhiều du khách còn trở thành nông dân khi tự tay trồng rau, hái trái.

Trên những luống đất xốp, nhiều khách trồng những cây rau thơm và chăm chú canh cho chúng ngay hàng thẳng lối. Anh Steven Hurt (người Mỹ) quệt vệt đất dính trên má, cười tươi nói: “Vui đấy chứ! Tôi thích trồng cây, tham gia tour này thấy khá thú vị.

Người hướng dẫn cũng rất thân thiện và nhiệt tình”. Anh và những người bạn của mình còn tự tay bới đất gom khoai lang vào rổ, lội sình cấy lúa trong tiếng cười giòn tan.

Gần trưa, sau khi khách đã trải nghiệm đủ kiểu trồng tỉa và thu hoạch, anh Tấn trổ tài nấu ăn. Với những nguyên liệu như bông bí, rau mới thu hoạch, thịt cá..., anh hướng dẫn khách tự tay xào nấu, nêm nếm. Không khí đầm ấm như gian bếp ở các vùng quê.

Chưa bao giờ nấu được món gì, bé Ái Vy loay hoay bên những “đầu bếp” để hỏi cách nấu. Những cô cậu bé khác thì ngồi chuyện trò, tranh luận với nhau tại sao lá quế lại thơm, sao trái bí nặng vậy nhưng vẫn bám được trên dây bí...

Nửa tiếng sau, những món ăn nóng hổi được dọn ra, mọi người đã thấm mệt vì “làm việc” suốt từ sáng ai cũng ăn ngon lành. Anh Steven cho biết: “Những món ăn này rất lạ và ngon miệng. Tôi sẽ kể cho bạn bè nghe để họ đến đây trải nghiệm như tôi”.


Ông Trần Công Khánh với chồng ảnh chụp du khách từng ghé thăm vườn nhà ông-MẬU TRƯỜNG

Khi người Anh kéo mo cau

Cách làm du lịch của ông Trần Công Khánh (63 tuổi, Bến Tre) lại như đưa khách vào khu vườn tuổi thơ. Chiều mát, khi đoàn khách khoảng 30 người nước ngoài của một công ty du lịch ghé vào cổng vườn, ông Khánh trong bộ đồ quần tây, áo sơ mi giản dị ra đón.

Nói vài câu tiếng Anh tự học mời khách tham quan, ông gây ấn tượng tốt với khách ngay từ đầu. “Hồi nào giờ có biết quần tây, áo sơmi là gì đâu, nhưng khách đến mình phải ăn mặc cho tươm tất” - ông nói. Gió từ vườn dừa thổi mát rượi khiến những vị khách khó tính nhất trong đoàn cũng nở nụ cười.

Ông Khánh cùng mấy người con chặt dừa, niềm nở mời khách mỗi người một trái dừa “cho mát ruột”. Ai muốn uống thêm, ông chiều ý và tận tình chỉ khách cách uống, ăn cơm dừa với sự phiên dịch từ cô hướng dẫn viên của đoàn.

Ông còn dày công sưu tập đồ cổ như chén đĩa, đồ trang trí... bày biện trong ngôi nhà rộng của mình để “khách có cái mà xem”. Nhiều khách tỏ ra ngạc nhiên, chụp lại những vật dụng của ông Khánh.

Thời gian ở ngoài vườn mới thật sự thú vị đối với những vị khách Tây. Thấy gốc dừa to và nghiêng, họ thay nhau trèo lên rồi gọi nhau í ới.

Có người vừa đặt một chân bám lên gốc đã bị trượt xuống, cười sằng sặc. Anh chàng 23 tuổi Thomas Wilson (du khách Anh) thốt lên: “Chúa ơi, đây đúng là thử thách với tôi vì gốc cây vừa trơn vừa không có chỗ bám. Lỡ trượt xuống nước chắc vui phải biết!”.

Đi cùng bạn gái, Thomas nói đây là lần đầu anh uống nước dừa và trải nghiệm những trò chơi dân dã này. Anh để bạn gái ngồi lên mo cau và bặm môi ráng hết sức kéo đi. Những du khách khác cũng hào hứng không kém. Ông Khánh cũng phụ kéo với khách, mồ hôi nhễ nhại.

Đoàn khách rời đi, ông Khánh mới có thời gian uống một ngụm trà loãng. Nhưng mới ngồi trò chuyện dăm phút, một nhóm khách khác ghé vào.

Ông cho biết: “Đang mùa hè nên khách đông lắm. Có ngày tiếp cả chục đoàn, không xuể nhưng mình phải ráng để khách không buồn lòng”. Theo chị Lữ Thị Bé Thơ (28 tuổi, hướng dẫn viên du lịch các tour ở Bến Tre), du khách rất thích mấy trò chơi do ông Khánh nghĩ ra: “Họ nhận xét ông Khánh rất nhiệt tình, tốt bụng và rất VN.

Vì vậy, nhiều công ty du lịch đã chọn vườn dừa nhà ông Khánh là một trong những điểm đến trong lộ trình tour của họ từ nhiều năm nay, dù ở TP Bến Tre có nhiều vườn dừa như của ông Khánh”.


Anh Lương Việt Tấn (áo trắng) thuyết minh về công dụng các loại rau cho khách du lịch-YẾN TRINH

Giá trị cộng thêm

Nghĩ ra những loại hình du lịch dân dã, tạo sự thích thú cho du khách là một chuyện, nhưng giữ chân du khách lại là chuyện khác. Hiểu được điều này, những người làm du lịch như ông Khánh và anh Tấn luôn nghĩ ra những điều mới, đồng thời có lúc “lấy công làm lời” để tạo giá trị cộng thêm cho du khách.

Từ khi mới “mở cửa” vườn dừa năm 2000, ông Khánh đã sắm máy ảnh chụp miễn phí cho khách đến tham quan. Ông giải thích: “Tui không muốn lấy tiền ảnh của khách, vì mình chụp để lưu lại kỷ niệm và để sau này khách có quay lại lần hai thì mình có cái để tặng cho khách”.

Theo lời ông, đã có nhiều khách quay lại và rất vui khi nhận ảnh của ông chụp cho họ. Số ảnh còn lại ông lộng vào những cuốn album đủ kích cỡ.

Trên bàn làm việc và trong tủ kính nhà mình, ông xếp những cuốn album chồng lên nhau theo thứ tự, có cuốn đã ngả màu nhưng ông luôn lau chùi cẩn thận mỗi ngày. Vừa nói ông Khánh vừa cầm cuốn album đánh số 549, hào hứng kể: “Lúc mới tập chụp, hình nhòe, không đúng bố cục...

Nhưng chụp riết rồi quen, bắt được những khoảnh khắc đẹp nên khách thích lắm”. Ngó qua những cuốn album của ông Khánh, nào là mấy chàng trai trẻ người Mỹ đang kéo mo cau, rồi mấy cô gái người Ý tạo dáng bên hàng dừa... tất cả đều tự nhiên và sinh động.

Có cả ảnh một cô gái người Mỹ tạo dáng dưới... mương nước. Ông đã chụp hàng ngàn tấm ảnh cho khách du lịch mà không hề lấy một đồng tiền công. Chụp xong, ông leo lên chiếc xe đạp cọc cạch chạy vào nội thành rửa ảnh. Ông nói đó là niềm vui của ông và sẽ còn chụp đến khi nào không cầm được máy ảnh nữa thì thôi.

Theo thỏa thuận, mỗi khách ghé chơi, được ông hướng dẫn và uống một trái dừa, ông được các công ty du lịch trích cho 10.000 đồng. Mức giá này đưa ra cách đây hơn 10 năm và đến nay không thay đổi, chủ yếu lấy công làm lời. Không riêng gì ông Khánh, anh Tấn khi quyết định mở trang trại trồng rau sạch cũng bị cho là “không giống ai”.

Bởi anh từng là dược sĩ, học nghề đầu bếp và kinh doanh nhà hàng tại Úc, nay lại mở một trang trại ở nơi heo hút. Nói về lý do mở trang trại, anh cho biết bản thân muốn giới thiệu rộng rãi với du khách về vẻ đẹp cảnh quan và ẩm thực VN.

Thông qua việc cho khách tự trải nghiệm nhiều công đoạn của một người nông dân như trồng tỉa, tìm hiểu kiến thức về các loại rau củ, thu hoạch, chế biến..., hình thức du lịch của anh Tấn đã dần dần hút khách. Ban đầu anh cũng gặp khó khăn khi bắt tay vào trồng cấy trên một khu đất rộng như vậy. Giờ đây, khách đến với trang trại ngày một đông, trung bình một tháng anh đón khoảng 1.000 lượt khách. Nhân viên của anh đồng thời cũng là người hướng dẫn du khách tất cả các khâu từ tham quan đến nấu ăn.■

Áp dụng những kiến thức trong ngành dược, khách còn được anh Tấn tận tình hướng dẫn cách dùng các loại rau, cách chế biến để có hương vị đậm đà và tốt cho sức khỏe. Kiến thức từ những năm học làm đầu bếp và kinh doanh nhà hàng cũng hỗ trợ anh nhiều trong việc làm tour du lịch miệt vườn này.

YẾN TRINH - MẬU TRƯỜNG
http://tuoitre.vn/tin/tuoi-tre-cuoi-tuan/cuoc-song-muon-mau/ho-so/20160725/lam-du-lich-kieu-nong-dan/1137211.html

1 nhận xét: