NHÂN DÂN
FB Luân Lê 26-7-2016
Đừng bao giờ hỏi rằng người dân đã làm gì được cho đất nước. Tôi tin rằng, bất cứ một nghị sỹ nào, nếu ở đất nước văn minh do dân bầu chọn trực tiếp, chắc chắn họ không bao giờ dám mở miệng ra để đặt câu hỏi tu từ kiểu đó trong phòng họp “nghị trường”.
Nhân dân, tạo nên lịch sử, nhân dân làm nên của cải, nhân dân thiết lập nên nhà nước, nhân dân bảo vệ tổ quốc. Và mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân, điều đó đã được minh định trong Hiến pháp, tất cả mọi hoạt động của chính quyền phải chịu sự giám sát, kiểm tra và kể cả phủ quyết (trưng cầu dân ý) của nhân dân. Và người dân cũng là chủ thể nộp thuế để nuôi sống bộ máy công quyền chỉ biết ăn bám vào tiền thuế của dân chứ không có chức năng gì khác ngoài thực hiện những nhiệm vụ mà nhân dân giao phó.
Không một chính thể nào dám đặt ra câu hỏi: người dân đã làm được gì cho đất nước! Vì như thế là phủ nhận toàn bộ quyền lực của nhân dân, phủ nhận toàn bộ sự đóng góp của cải nuôi sống nhà nước của nhân dân. Không có nhân dân, sẽ không có nhà nước, nhưng hoàn toàn không có mệnh đề ngược lại.
Cũng chỉ bởi Điều 4 Hiến pháp đã biến Đảng cộng sản trở thành một thực thể chính trị vô song, khi lãnh đạo toàn diện nhà nước mà lại hoạt động không theo bất cứ một đạo luật nào được tạo nên làm cơ sở thiết lập cũng như kiểm soát tổ chức ấy. Bởi thế, nên người ta nghĩ quyền lực nhà nước thực chất đã nằm hoàn toàn trong tay Đảng, còn nhân dân chỉ là thứ đứng sau.
Bà chủ tịch quốc hội vừa giơ tay lên thề sẽ trung thành với tổ quốc và nhân dân, nhưng thực đáng buồn là chỉ một ngày sau bà ấy lại phủ nhận “một phần nhân dân” trong lời thề ấy.
Ông Hồ chủ tịch, mà trước đó là cụ Nguyễn Trãi đã nói, lái thuyền cũng là dân mà lật thuyền cũng là dân. Nên nhân dân mới là thực thể và lực lượng tối cao của một quốc gia, chứ không phải chính thể được uỷ thác bởi nhân dân bảo vệ tổ quốc và nhân dân trong lòng đất nước ấy.
Việc một loạt các quan chức đến nay người ta mới “phát hiện” ra những khối tài sản lên tới hàng trăm, hàng ngàn tỷ được xây cất lừng lững trên những mảnh đất nghèo nàn, khắc nghiệt, chỉ nói lên rằng sự thờ ơ, hoặc kể cả là bao bọc, bởi một thế lực công quyền khiến người ta không dám động vào hoặc có nhìn thấy cũng phải coi như không. Đến giờ người ta mới dám “khui ra và xới lên” những góc khuất, những ung nhọt mà nó tồn tại từ lâu như một sự thách thức đầy ngang nhiên trong chốn công quyền.
Gác lại một bên, người ta có bao giờ tự hỏi, hàng vạn, triệu ngư dân và những người kinh doanh nhờ biển miền Trung hiện giờ ra sao hay không? Hay lại chạy theo những sự kiện mà nó đã trở nên quá đỗi bình thường trong cuộc sống mà vốn dĩ người ta coi những thứ bất thường là những thứ hết sức bình thường và hiển nhiên trong cuộc sống?
Từ một sự thật nhỏ nhất, là chuyện những tên quan bé nhất ở cấp thôn, xã thản nhiên lợi dụng sự kiện cá chết mà ăn bớt phần tiền, gạo được trợ giúp của ngư dân, ắt hẳn người ta nghĩ đến một câu hỏi và mệnh đề lớn hơn gấp vạn lần như thế, rằng, những tên quan to hơn sẽ ăn cướp bao nhiêu và từ những khoản nào của người dân khốn khổ trên mảnh đất này?
Câu hỏi, không phải lời thề, và càng không phải để bỏ qua như một hòn đá ném vào giữa ao bèo. Mà là để tìm ra giải pháp thực sự, đó là không thể tham nhũng và cũng không kẻ nào dám tham nhũng.
Đó là, ngôi nhà cần có hơn một đảng chính trị tham gia vào công cuộc trị vì đất nước. Chỉ khi đó người ta mới biết mình không thể và không dám lạm dụng quyền lực mà tư lợi cá nhân hay hoành hành nhân dân bằng những chính sách, luật tục điên rồ như đã thấy.
Lùi Luật biểu tình, cũng như việc đình chỉ thi hành những Bộ luật lớn và quan trọng của một đất nước, đó chính là sự thụt lùi về việc áp dụng những giá trị văn minh của nhân loại cho một xã hội mà nó đang khao khát những giá trị phổ quát ấy, từng ngày.
Mời xem lại: “Đóng góp” đầu tiên của bà Ngân (blog RFA/ BS). – Chủ tịch Quốc hội: Không phải hô hào cho thật to là có được chủ quyền (LĐ). – Bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nên xin lỗi Xã hội Dân sự (BS).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét