Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2016

'Đất nước thiếu dân chủ thì lòng dân không yên'

Chủ tịch Quốc hội: 'Đất nước thiếu dân chủ thì lòng dân không yên'
TPO - “Vai trò dân chủ rất quan trọng. Trong một gia đình, bố mẹ không tôn trọng con cái thì sau con cái cũng không tôn trọng người khác. Một đất nước thiếu dân chủ thì lòng dân không yên”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Giám sát, quy trách nhiệm cụ thể
Phát biểu tại buổi gặp các cơ quan báo chí vào hôm nay (23/7), Chủ tịch Quốc hội (QH) khóa XIV Nguyễn Thị Kim Ngân cảm ơn sự tín nhiệm của cử tri: "Đảm nhận nhiệm vụ quan trọng mà cử tri và nhân dân cả nước giao phó, chúng tôi sẽ kế thừa những thành tựu 70 năm qua và kết quả QH khóa XIII đạt được, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động”.

Theo bà Ngân, hoạt động của QH khóa XIV tập trung vào các nhiệm vụ cụ thể:

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao hoạt động lập pháp, đảm bảo đồng bộ, khả thi của các đạo luật, tiếp tục thể chế hóa các quy định của Hiến pháp và Nghị quyết Đại hội Đảng 12 thành những đạo luật cụ thể theo hướng thống nhất, đồng bộ, phù hợp với yêu cầu đổi mới đất nước và hội nhập sâu rộng.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành luật mới về quyền con người, quyền công dân, đặc biệt quyền về chính trị, kinh tế, phù hợp với hiến pháp, phù hợp với công ước Liên hợp quốc. Song song đó, hoàn thiện pháp luật về hệ thống kinh tế, để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, đưa nền kinh tế phát triển bền vững.

Thứ hai, tiếp tục nâng cao, đổi mới các hoạt động giám sát của QH. Chọn trọng tâm, trọng điểm, vấn đề nhân dân bức xúc để đưa ra chuyên đề giám sát tối cao. Cũng có các chuyên đề để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban tổ chức phiên giải trình cho rõ. Có 3 cấp độ giám sát, từng ĐBQH cũng có chức năng giám sát các địa phương, cơ sở, thực hiện phản ánh, góp ý hoạt động giám sát của QH.

Thứ ba, QH sẽ nâng cao chất lượng các quyết định liên quan đến các vấn đề hệ trọng của đất nước. Trong đó tập trung vào dự án, công trình trọng điểm, thiết thực, mang lại sự bền vững của phát triển kinh tế, môi trường và giám sát những vấn đề chống thất thoát, lãng phí và tham nhũng.

Để thực hiện các nhiệm vụ trên, theo Chủ tịch QH, cần nghiên cứu, đổi mới quy trình lập pháp, chú trọng tính khả thi của các luật. Việc rà soát, thẩm tra, tiếp thu giải trình, xử lý, xây dựng đề cương của luật, lấy chất lượng xây dựng luật là tiêu chí hàng đầu.

“Trong thực tế cũng có luật không phù hợp cuộc sống. Cuộc sống luôn đi trước, thực tế có luật không theo kịp. Xây dựng luật phải bám sát tinh thần này, được nhân dân chấp thuận”, bà Ngân nói.

Cũng theo bà Ngân, phải tăng cường giám sát chuyên đề, hình thức giám sát, giám sát rồi thì phải đảm bảo tính khả thi.

Bên cạnh đó, theo bà Ngân, QH khóa XIV sẽ đổi mới hoạt động của các kỳ họp, nâng cao trách nhiệm của ĐBQH trong thảo luận, tăng cường tính tranh luận trong phát biểu của các ĐBQH. “Chuyển từ QH tham luận sang QH thảo luận, tranh luận. Chúng tôi muốn chuyển đổi hình thức để khuyến khích tinh thần tranh luận, thảo luận tại hội trường”, bà Ngân nói.
Quy trình bổ nhiệm đúng nhưng tiêu chuẩn cán bộ đã đủ?
Tại cuộc gặp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trả lời nhiều câu hỏi của báo chí. Tiền Phong lược trích một số câu hỏi và trả lời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân:
+ Quyền biểu tình đã được hiến định trong Hiến pháp. Nhưng cho đến bây giờ luật biểu tình vẫn lùi vô thời hạn. Chủ tịch QH và QH khóa XIV liệu có xem xét đạo luật này?
- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Đây là luật liên quan đến quyền của công dân, mà theo tinh thần của Hiến pháp thì tất cả quyền con người, quyền công dân phải cụ thể hóa, minh bạch, rõ ràng. Hiện chúng ta đang nghiên cứu căn cứ, thấu đáo phù hợp với tình hình đất nước. 
Đất nước của chúng ta đang rất ổn định. Việc ban hành luật biểu tình phải vừa bảo đảm quyền công dân, phù hợp với tình hình đất nước, đảm bảo quyền của nhân dân, đảm bảo ổn định đất nước. Nhẹ bên này, nặng bên kia thì không nên. 
Đảm bảo quyền của người dân, được tham gia biểu tình phù hợp pháp luật, được kiểm soát. Khi có luật biểu tình thì phải đăng ký biểu tình thế nào, đứng ở vị trí nào, khẩu hiệu ra sao và quan trọng nhất là đảm bảo không gây rối loạn. Luật biểu tình ra mà rối loạn đất nước thì không ai mong muốn. QH sẽ nghiêm túc xem xét, sau khi Chính phủ đã rà soát, trình, chứ không phải là vô thời hạn.
+ Trong bài phát biểu khai mạc kỳ họp, Tổng Bí thư đã nhắc việc QH phải chống biểu hiện quan liêu, tham nhũng, tiêu cực. Bà sẽ làm gì để các ĐBQH thực hiện được việc này?
- Khi tuyên thệ, tôi không nói rõ phải chống tham nhũng, tiêu cực, nhưng nói là trung thành với Tổ quốc, nhân dân, hiến pháp có nghĩa là phải chống tham nhũng, tiêu cực, quan liêu. 
Theo tôi, trước hết QH làm công tác lập pháp cho tốt, chính sách pháp luật rà soát lại sao cho chắc chắn, không ai lợi dụng được kẽ hở của luật. Quan liêu gắn với đạo đức công vụ thì phải thực hiện các chương trình cải cách hành chính, con người, thủ tục. QH sẽ rà soát lại sao cho luật có chất lượng và tính khả thi. Làm luật khả thi rồi, QH phải giám sát xem việc thực hiện có đúng hay không? Nên có cuộc giám sát chuyên đề về đất đai, môi trường, an sinh xã hội. 
Còn quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước để chống tham nhũng, tiêu cực thì phải có trách nhiệm. Ví dụ khi quyết vụ sân bay Long Thành, QH đã xem xét ngay từ khi có chủ trương là có nên làm hay không, quy mô thế nào, làm ở đâu, ai làm, thu hồi bao nhiêu đất, đền bù bao nhiêu. Khi quyết các vấn đề đó đã phòng chống được tiêu cực diễn ra từ ngay khâu chủ trương.
+ Có ý kiến của ĐBQH Trương Trọng Nghĩa là nên lập Ủy ban lâm thời để điều tra về vụ Formosa. Bà nghĩ sao?
- Về vụ việc Formosa, để có kết luận, Chính phủ đã có báo cáo, tổ chức gây ra sự cố môi trường đã cúi đầu nhận lỗi, bồi thường, cam kết xử lý môi trường. Đó là bước đầu, là thắng lợi của ta. Hậu quả đã diễn ra rồi, nhưng đấu tranh để tổ chức đó nhận lỗi và đền bù thì người dân nói chậm nhưng thực tế là không nhanh được. Phải có bằng chứng không thể chối cãi thì họ mới nhận lỗi. 
Chính phủ đã làm rất chặt chẽ. Chính phủ đang thực hiện việc này. QH sẽ tiếp tục giám sát. Về việc này, Bộ Chính trị đã có nhiều phiên họp nghe báo cáo và chỉ đạo chặt chẽ. QH sẽ tiếp tục theo dõi việc thực hiện cam kết đó, không nhất thiết phải lập Ủy ban lâm thời.
+ Bà có suy nghĩ gì về vai trò của dân chủ đối vơi sự phát triển của con người và đất nước?
- Nhà nước chúng ta là của dân, do dân, vì dân. Do đó, bản chất dân chủ trong hoạt động của bộ máy nhà nước phải được tôn trọng. Còn ở đâu đó xảy ra mất dân chủ thì đó là sai phạm, thiếu sót của tổ chức đó chứ không phải bản chất nhà nước ta. Ví dụ, tôi nói dân chủ nhưng tôi không cho báo chí gặp gỡ ĐBQH là mất dân chủ.
Vai trò dân chủ rất quan trọng. Trong một gia đình nếu bố mẹ không tôn trọng con cái, thì con cái ra đường cũng không tôn trọng người khác. Tôn trọng là chịu nghe con trẻ nói. Nên luật bảo vệ quyền trẻ em ngoài việc chăm sóc trẻ em thì còn phải lắng nghe trẻ em nói, quyền phát triển, quyền được nói. Dân chủ từ trong gia đình, từ trong cơ quan. Một gia đình, cơ quan mất dân chủ thì tất nhiên sẽ có vấn đề mất đoàn kết. Một đất nước thiếu dân chủ lòng dân sẽ không yên, sẽ không có sự đồng thuận xã hội.
+ Ngoài ý kiến đề nghị lập Ủy ban lâm thời điều tra vụ Formosa, Quốc hội có giám sát việc giao đất 70 năm cho Formosa hay không, có làm rõ vấn đề liên quan?
- Chúng tôi đang giao Ủy ban Khoa học – Công nghệ - Môi trường giám sát. Có giám sát riêng để có đánh giá, phản biện có cơ sở. Sắp tới sẽ có chương trình giám sát theo luật bảo vệ môi trường việc thực hiện luật pháp trong phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Người ta quan tâm nhất sau đó trách nhiệm của ai. Giám sát mà không rõ trách nhiệm của ai thì không ai nghe.
Chúng tôi cũng sẽ giám sát chương trình cải cách hành chính, vấn đề thực hiện, đạo đức công vụ, bổ nhiệm cán bộ. Nếu đúng quy trình nhưng không đúng tiêu chuẩn thì giám sát cũng sẽ chỉ ra. Có đúng tiêu chuẩn, xứng đáng ngồi đó hay không? Quy trình thì cái gì cũng đúng. Làm luật cũng đúng quy trình nhưng chưa khả thi. Muốn luật tốt, cán bộ tốt thì quy trình cần nhưng chưa đủ. Đánh giá đúng cán bộ đó, đặt ở chỗ nào, có xứng đáng hay không? Chúng tôi sẽ giám sát.
Giám sát về môi trường thì đây là chuyên đề QH và cử tri rất quan tâm. Chúng tôi sẽ giám sát, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Nhân dân được quyền sống trong một môi trường trong lành. Bất cứ cá nhân tổ chức nào làm cho môi trường không trong lành phải chịu trách nhiệm. Formosa là một kinh nghiệm, bài học đắt giá trong đầu tư trong tương lai.
+ Vấn đề chủ quyền biển đảo tại QH khóa XIV sẽ được đặt ra thế nào?
- Việt Nam nhất quán lập trường và không có gì thay đổi từ trước tới nay, chủ quyền là điều thiêng liêng, phải bảo vệ. Người dân Việt Nam hơn ai hết yêu hòa bình, có biện pháp kể cả đấu tranh chính trị, ngoại giao và thực địa để bảo đảm chủ quyền của chúng ta, trên cơ sở tôn trọng hòa bình, ổn định trong khu vực. 
Chúng ta đề nghị các nước không sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực. Không phải cứ hô hào thật to, kích động là có được chủ quyền. Một số tổ chức, cá nhân lên tiếng hô hào thế này thế nọ, nhưng chưa làm gì cho đất nước, chỉ nói và kích động làm rối tình hình. Chúng ta muốn giữ được biển đảo và vẫn giữ hòa bình. Việt Nam tôn trọng luật pháp quốc tế. 
Vừa rồi, Việt Nam không phải là một bên vụ kiện ở Biển Đông nhưng có lợi ích liên quan. Chúng ta phải theo dõi và đã lên tiếng. Người phát ngôn nói thì phải có chủ trương nhất quán, quan điểm nhất quán, xuyên suốt.
Chúng ta luôn tôn trọng luật pháp quốc tế, là một thành viên có trách nhiệm. Vụ việc giàn khoan Hải Ddương 981, chúng ta kiên cường trong 75 ngày đêm. Tàu chúng ta thì bé, lại ít, trang thiết bị chưa hiện đại, nhưng không giờ phút nào không có mặt ở thực địa để đấu tranh. Thậm chí bị vòi rồng, bị đâm cho vỡ tàu nhưng mang về sửa rồi tiếp tục đưa chiếc khác ra, liên tục như thế.  Trên đấu tranh chính trị, chúng ta có ý kiến, đề nghị không dùng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc tế. QH gửi thư đề nghị tôn trọng chủ quyền. Ngoại giao nhân dân, đoàn công tác đi ra ngoài vận động quốc tế ủng hộ. Chúng ta tổ chức đưa 40 nhà báo nước ngoài, Việt Nam ra thực địa. Tóm lại, lập trường không có gì thay đổi.
+ Vừa qua, Hội đồng bầu cử Quốc gia đã bác tư cách 2 ĐBQH. Bà có suy nghĩ gì về vấn đề này? Làm gì để tránh xảy ra trường hợp tương tự?
- Tới trước kỳ họp thứ nhất QH khóa XIV chỉ 2 ngày, Hội đồng Bầu cử Quốc gia phải họp đột xuất vào chiều chủ nhật. Việc này chúng tôi làm rất chặt chẽ. Khi phát hiện vấn đề, chúng tôi đã làm nghiêm túc, trách nhiệm. Rất đáng tiếc có 2 ĐBQH không đủ tư cách nhưng cũng đáng mừng là sớm phát hiện và kịp thời không công nhận tư cách.
+ Có những ĐBQH không thực hiện hiệu quả công việc của người đại biểu nhân dân. Bà nghĩ sao về điều này?
- Việc giám sát tư cách ĐBQH thì mỗi ĐBQH được sàng lọc rất nhiều lần. Hơn ai hết, tự ĐBQH phải ý thức được trước cử tri, phải rèn luyện đạo đức một ĐBQH của dân. Chúng tôi sẽ có giải pháp thông qua các đoàn, các cơ chế, mỗi ĐBQH tham gia theo một Ủy ban, Hội đồng dân tộc sẽ có đánh giá từng ĐB. 
Chúng tôi cũng theo dõi là bao nhiêu ĐBQH phát biểu, bao nhiêu ĐB chưa phát biểu. Nhưng công tâm phải đánh giá cả hoạt động các ĐBQH tại các tổ, đi tham gia đoàn công tác hoạt động của QH, nhưng chúng tôi khuyến khích tất cả ĐBQH phát biểu tại hội trường để nhân dân đánh giá. Có rất nhiều ĐBQH qua nửa nhiệm kỳ, hoặc một nhiệm kỳ được cất nhắc lên các vị trí lãnh đạo, có nhiều đóng góp cho đất nước.
http://www.tienphong.vn/xa-hoi/dat-nuoc-thieu-dan-chu-thi-long-dan-khong-yen-1030803.tpo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét