‘Mụ ghẻ’ và những nỗi đau khắc khoải phận đàn bà
27/07/2016 Tiểu thuyết của Lâm Phương Lam thể hiện tinh thần nhân văn sâu sắc thông qua hình tượng người phụ nữ. Nhân vật trung tâm của truyện là Du. Khi Du chưa đầy một tuổi, ngay lúc vừa đón được bố cô từ vòng tay tử thần trở về, mẹ Du bất ngờ ra đi vì tai nạn đáng tiếc. Không muốn đứa con thơ ngây phải đau lòng, người bố giấu cô về cái chết của mẹ.
Ở trường, Du dần thân thiết với Thành – người sau này trở thành mối tình đầu trong sáng của cô. Thành cũng ở với “mụ ghẻ”, thường xuyên tranh cãi với cậu em trai – con riêng của bà ta và chịu cảnh đòn roi không thương tiếc từ người vợ lẽ của bố. Giữa hai người có một sợi dây đồng cảm dần dần nảy sinh.
Mười lăm tuổi, Du quyết tâm rời xa bố Hà, xa mảnh đất “chôn rau cắt rốn” để đến Bạc Liêu và bắt đầu cuộc sống mới. Cô không thể ngờ rằng, đây sẽ là nơi ghi dấu nỗi đau đớn tột cùng của cuộc đời mình. Trong cơn say, cậu Tư – chồng dì Châu, một kẻ "có tiền có quyền", đã cướp đi sự trong trắng của cô. Nỗi đau đớn trên thân thể, nỗi ô nhục trong tâm hồn không thể sánh bằng nỗi đau khi Du phát hiện ra sự thật: Vào lúc Du tuyệt vọng kêu cứu, dì Châu – người mà cô gọi tên - đã chứng kiến tất cả màn bi kịch tội ác ấy. Dì không dám lên tiếng, chỉ nín lặng nhìn đứa cháu ngây thơ bị kẻ được gọi là “chồng” mình vũ nhục. Nỗi uất hận cậu Tư, nỗi uất hận dì Châu của Du dâng tràn, nhưng rồi nó dần chuyển thành sự tuyệt vọng.
Tiểu thuyết Mụ ghẻ của tác giả Lâm Phương Lam.
Dì Châu của Du – suy cho cùng cũng là một người phụ nữ bất hạnh. Có lẽ cả đời này, dì Châu sẽ không thể ngẩng cao đầu để thoát khỏi ám ảnh tội lỗi là “kẻ thứ ba” chen ngang, phá vỡ hạnh phúc gia đình người khác, là nguyên nhân gián tiếp gây ra cái chết của mợ chủ, và là một “mụ ghẻ” trong mắt đứa con riêng của cậu Tư. Khát vọng giàu sang, mong ước đổi đời đã khiến dì rơi vào “cạm bẫy” mà chính mình giăng ra. Số phận đã bắt dì trả giá bằng những trận đòn roi trong cơn say của cậu Tư, sự ghẻ lạnh của đứa con chồng và những ám ảnh tội lỗi không thể phai nhòa. Dì Châu cũng là một nạn nhân của những bi kịch trong trò chơi số phận đầy nghiệt ngã.
Rời Bạc Liêu đau thương, Du lên Sài Gòn lập nghiệp. Thời gian dần xóa nhòa đi những vết thương trong lòng cô. Năm hai mươi sáu tuổi, gạt đi quá khứ đớn đau, gạt đi những niềm tin vụn vỡ từ mối tình đầu không thành, Du lập gia đình cùng một doanh nhân thành đạt tên Viễn. Những tưởng hạnh phúc đã mỉm cười với cô, nhưng trớ trêu thay, Du mới chỉ chạm bước vào một cuộc chiến cam go khác – cuộc chiến mà cô từng chứng kiến và tham gia trong suốt những năm tháng tuổi thơ - cuộc chiến mẹ ghẻ con chồng đầy mâu thuẫn. Du bất đắc dĩ trở thành mẹ kế của Giang - đứa con gái mười bốn tuổi ương ngạnh, bốc đồng, thiếu thốn tình thương và sự quan tâm của người mẹ. Du, đã thực sự dẫm lên vết xe đổ của dì Hạnh, dì Châu, của mẹ Thành. Và bi kịch bắt đầu xảy ra bằng các cuộc chiến tranh giữa Du và Giang khi trong mắt con bé, Du cũng giống hệt như một mụ ghẻ, một người giúp việc, không hơn.
Mụ ghẻ đã khắc họa thành công những nỗi bất hạnh của người phụ nữ thông qua số phận nhiều nhân vật. Dù ở xã hội nào, trong hoàn cảnh nào, họ cũng đều phải chịu đựng vần xoay của số phận, gánh chịu những bi kịch đau khổ. Đó là nỗi đau khi bị số mệnh cướp mất đi cuộc sống, phải bỏ lại chồng và con thơ của mẹ Du; nỗi đau khi đến với cuộc hôn nhân không tình yêu, phải sống cảnh “mẹ ghẻ con chồng” của dì Hạnh; sự cam chịu đầy nước mắt xuất phát điểm từ khát vọng giàu sang của dì Châu; hay ở mẹ ghẻ của Thành – nỗi tủi hờn thân phận đã khiến bà trở nên độc ác và chua ngoa. Và, hơn tất cả, trên chính nhân vật Du, đó là nỗi xót xa của một tuổi thơ thiếu tình thương, một số phận nhiều bất trắc, những nỗi tủi hờn không tên đeo đẳng. Nhưng từ trong sâu thẳm con người họ vẫn là khao khát được yêu thương, chở che. Những nỗi đau ấy ám ảnh, day dứt, vừa đắng cay nhưng lại rất đỗi ngọt ngào.
Về gần cuối truyện, bằng nghị lực phi thường, trái tim chân thành, sự kiên nhẫn, cuối cùng, Du cũng chiếm được tình cảm của bé Giang. Hơn thế nữa, cô đã hiểu tấm lòng của dì Hạnh, sẵn sàng quay trở lại quê hương hàn gắn vết rạn nứt mình gây ra sau hơn mười năm chối bỏ gia đình.
Mụ ghẻ là một tác phẩm giàu ý nghĩa. Mạch truyện đan cài, xen kẽ giữa quá khứ và hiện tại một cách hợp lý và sáng tạo, góp phần thể hiện bức tranh số phận các nhân vật chân thực và rõ nét. Cách kể chuyện sống động cùng với cách giải quyết các mâu thuẫn tinh tế và sâu sắc giúp thể hiện nội dung tư tưởng của tác phẩm trọn vẹn. Qua đó, người đọc cảm thông hơn với nhân vật và càng trân trọng, thấm thía hơn tình cảm, tình thân gia đình, tình mẫu tử. Đó chính là thông điệp nhân văn mà tác phẩm gửi gắm.
Lam Anh
http://news.zing.vn/mu-ghe-va-nhung-noi-dau-khac-khoai-phan-dan-ba-post668897.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét