Thứ Tư, 27 tháng 7, 2016

Những thách thức cho tân Thủ tướng VN

Những thách thức cho tân Thủ tướng VN
Ngày 7/4/2016 thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội khóa 13. Ngày 26/7/2016, ông lần nữa tuyên thệ trước Quốc hội khóa 14. Tân chính phủ của Việt Nam tiếp nhận di sản đầy khó khăn về chính trị, kinh tế và xã hội từ các nhiệm kỳ trước để lại.

Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chính thức rời khỏi vị trí lãnh đạo trong phiên họp cuối Quốc hội khóa 13

Giai đoạn nhiều khó khăn

Kinh tế Việt Nam hiện nay tuy tăng trưởng nhưng chưa vững chắc với những yếu kém nội tại, với thâm hụt tài khóa so với GDP ở mức cao trong thời gian dài, tình trạng nợ công tăng nhanh trong khi dự trữ ngoại tệ thấp và đang có xu thế giảm, đầu tư công kém hiệu quả, dàn trải với nhiều dự án hàng nghìn tỷ đồng dở dang, bỏ hoang, tình trạng nợ xấu của các ngân hàng chưa được cải thiện, doanh nghiệp nhà nước vẫn quá nhiều và kém hiệu quả, khu vực tư nhân trong nước thì yếu và gặp nhiều trở ngại…

Nguồn lực trong nước dần cạn kiệt, trong lúc việc tiếp cận với nguồn tài trợ quốc tế gặp khó khăn.

Trong lúc đó, quốc nạn tham nhũng, lãng phí càng ngày càng nghiêm trọng, lợi ích nhóm, bộ máy nhà nước phình to, quan liêu, thủ tục hành chính rờm rà, năng lực và phẩm chất cán bộ, công chức hạn chế gây cản trở cho các nỗ lực cải cách thể chế.

Hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng ở đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải Nam Trung bộ làm giảm sút sản lượng nông nghiệp, thủy sản, gây bất ổn xã hội ở nông thôn và kéo tốc độ tăng GDP trong sáu tháng đầu năm 2016 xuống thấp hơn so với dự kiến.

Sự kiện hai máy bay quân sự rơi ở biển Đông với sự hy sinh của các phi công và chuyên gia quân sự đang được điều tra.


Vụ tai nạn phi cơ quân sự Su30-MK2 và Casa-212 trong tháng 6/2016 khiến 10 quân nhân thiệt mạng

Thảm họa môi trường biển do Formosa gây nên tại bốn tỉnh miền Trung và vấn đề chất thải rắn gây nên những hậu quả nặng nề trước mắt và lâu dài, đe doạ môi trường sống của hàng triệu dân, các nhà lãnh đạo chính quyền các cấp bị động và lúng túng để có giải pháp thuyết phục, hợp lòng dân.

Trong khoảng thời gian hơn 100 ngày qua, các nhà quan sát trong nước và quốc tế dõi theo các động thái của tân chính phủ, và người dân mặc dù giảm sút niềm tin, muốn có thay đổi với sự hy vọng và hoài nghi.

Dấu ấn ban đầu của tân Thủ tướng

Ông Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với các bộ ngành, đi đến nhiều địa phương để nắm bắt tình hình, lựa chọn các điểm nhấn điều hành qua cuộc gặp gỡ với các doanh nghiệp toàn quốc nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, phát động ‘phong trào khởi nghiệp’, và tuyên chiến với vấn đề mất vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Ông đã gây ấn tượng với phát ngôn ‘không hình sự hóa’ trong vụ quán cà phê ‘Xin chào’, ‘không đánh đổi môi trường lấy kinh tế’ ở vụ Formosa, hay ‘mong muốn nghe ý kiến’ khi đối thoại với đại diện công nhân của tám địa phương của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam…

Tân thủ tướng tạo điểm nhấn trong điều hành chính phủ khi yêu cầu phải đổi mới cách nghĩ, cách làm trong hoạt động chỉ đạo, đưa ra thông điệp xây dựng chính phủ kiến tạo phát triển, chống tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, tập trung vào xây dựng thể chế quản lý kinh tế, ra thời hạn cuối cho việc rà soát các giấy phép con và nợ đọng văn bản pháp luật, điều mà ông gọi là “nợ” thể chế mà Chính phủ phải trả nhân dân.

Những nỗ lực bước đầu của tân Thủ tướng Phúc trong việc ‘trả nợ’ là rà soát và bãi bỏ hàng nghìn giấy phép con, ban hành Nghị quyết 35 về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển.

Trong bối cảnh khó khăn là vậy, nhưng với những động thái của tân thủ tướng và chính phủ liệu người ta có thể trông đợi sự thay đổi trước đòi hỏi và kỳ vọng của nhân dân?


Vụ cá chết hàng loạt ở vùng biển miền Trung dẫn tới hàng loạt các làn sóng biểu tình của người dân trên toàn quốc

'Chính phủ kiến tạo' chỉ là sự kế thừa?

Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy từ quyết tâm đến thực thi là quãng đường dài, trong đó thực thi chính sách là quan trọng nhất nhưng lại cũng là khâu yếu kém nhất trong vận hành thể chế ở Việt Nam.

Thực ra, trên các diễn đàn, và ngay cả các báo chí nhà nước, có thể nhận thấy sự ‘thiếu tự tin’ trong việc làm rõ nội dung của của khái niệm ‘chính phủ kiến tạo’.

Các báo giật ‘tít’ khác nhau: ‘chính phủ phục vụ’, ‘chính phủ hành động’, ‘chính phủ trong sạch’… như những lời giải thích, phản ánh các khía cạnh khác nhau của ‘một chương trình hành động’ đang ở trong ý tưởng của người đứng đầu chính phủ.

Tất nhiên, người ta cũng không coi đây là ‘sáng kiến’.

Nhớ lại, đầu nhiệm kỳ 2011-2016 nguyên Thủ tướng Dũng nhận định:

“Phải chuyển mạnh từ nhà nước điều hành nền kinh tế sang nhà nước kiến tạo phát triển, trong đó chức năng của nhà nước là xây dựng quy hoạch phát triển theo một chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đúng đắn."

"Tạo môi trường và điều kiện cho các thành phần kinh tế phát huy mọi tiềm năng trong môi trường cạnh tranh và hội nhập quốc tế; tăng cường giám sát để phát hiện các mất cân đối có thể xảy ra, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an toàn hệ thống.”

Những lời phát biểu nêu trên được nâng tầm thành ‘Thông điệp’ đầu năm mới 2014 của nguyên Thủ tướng Dũng, trong đó nhấn mạnh một trụ cột, đó là DÂN CHỦ.

“Dân chủ là xu thế khách quan trong tiến trình phát triển của xã hội loài người”.

“Đây là lúc chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Nguồn động lực đó phải đến từ đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân”.

“Người dân có quyền được làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép”…

Kết quả không như chờ đợi, như đã chứng kiến, một thời kỳ bất ổn kinh tế vĩ mô ở Việt Nam với khủng hoảng tài chính ngân hàng, lạm phát hai con số, phá sản các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, bong bóng bất động sản, chứng khoán, phân hóa giàu nghèo, xuống cấp giáo dục và y tế, khủng hoảng niềm tin…

Người ta nghi ngờ rằng đây là ‘thủ pháp chính trị’ trong tình hình uy tín cá nhân lãnh đạo và gia đình, sai lầm điều hành và hệ thống chính trị đã sụt giảm.

Thực ra, vai trò cá nhân của nguyên Thủ tướng Dũng đã kết thúc từ sau Đại hội 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam vào cuối tháng 1, chứ không phải đến ngày 6/4/2016 một cách hình thức tại phiên họp cuối của Quốc hội khóa 13.

Tuy nhiên, ‘thông điệp về một chính phủ kiến tạo’ vẫn còn đó, được tân thủ tướng Phúc nhấn mạnh trong đầu nhiệm kỳ 2016-2021 này.

Những mâu thuẫn lớn trong xã hội

Làm cái gì và như thế nào để tránh ‘vết xe đổ’ của người tiền nhiệm? Đó là câu hỏi hóc búa cho sự lựa chọn của tân Thủ tướng Phúc.

Có nhiều bài học được rút ra, trước hết là ‘bệnh thành tích’ với tăng trưởng nóng GDP theo chiều rộng, dựa vào tài nguyên thô và lao động giá rẻ, mà theo nhiều nghiên cứu thì đến giai đoạn phát triển này đã hết ‘dư địa’.

Thứ đến là việc nhận thức giản đơn, không đầy đủ về các quy luật và nguyên tắc thị trường trong một nền kinh tế chuyển đổi dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản, khiến cho nhiều chính sách xa với thực tế nhu cầu của người dân và xã hội, tạo khoảng cách lớn giữa hoạch định và thực thi chính sách, giữa nói và làm của giới lãnh đạo.

Hơn thế, trong điều kiện đó thì quyền lực không được kiểm soát hữu hiệu, tuyệt đối, sẽ dẫn đến tha hóa.


Biểu tình về thàm họa môi trường do Formosa gây nên

Mâu thuẫn giữa hệ thống giá trị và lợi ích giữa ý thức hệ, tư tưởng xã hội chủ nghĩa giáo điều và hệ thống giá trị và lợi ích của kinh tế thị trường ngày càng gay gắt, sâu sắc khiến cho nhận thức và hành động trong hệ thống chính trị, Đảng và Chính phủ, các cấp chính quyền, các tổ chức và người dân không cùng hướng, lãng phí nguồn lực và triệt tiêu động lực, tạo chỗ trú ẩn cho những kẻ cơ hội chính trị.

Mâu thuẫn này tạo ra sự ‘mập mờ’ đúng - sai, xấu - tốt, thắng - thua, hơn - thiệt… của các chuẩn mực, các hành vi tổ chức cũng như cá nhân, tạo ra khoảng trống cho nhiều kẻ cơ hội, lạm quyền thu vén lợi ích cá nhân, quốc nạn tham nhũng, lãng phí, làm giàu bất chính dưới nhiều hình thức, mà không bị trừng phạt.

Mâu thuẫn nêu trên cần được coi là mâu thuẫn cơ bản cần nhận thức thấu đáo trong cải cách thể chế kinh tế và chính trị hiện nay ở Việt Nam.

Cuối cùng, đổi mới, phát triển kinh tế sẽ dẫn đến thay đổi thể chế, và bài học quan trọng nhất phải làm rõ nội dung dân chủ trong bối cảnh hiện nay để có nhận thức và hành động đúng của nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Các quyền cơ bản của công dân được công nhận trong Hiến pháp năm 2013.

Tuy nhiên, dường như, có thế lực ‘vô hình’, nhóm lợi ích ‘vô hình’, song rất mạnh mẽ ngăn cản cụ thể hóa Hiến pháp bằng các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách để người dân được thực thi các quyền tự do ngôn luận, biểu tình, lập hội…mà không làm bất ổn chính trị xã hội và an ninh quốc gia.
Sự ngăn cản những cuộc tuần hành xuống đường, biểu đạt hòa bình ‘cá cần nước sạch, dân cần minh bạch’ của người dân ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành trong cả nước từ thảm họa môi trường do Formosa gây nên, những tiếng nói và hành động ủng hộ phán quyết của TòaTtrọng tài Thường trực (PCA) về việc Philippine thắng kiện Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông, việc bất ngờ hoãn trình luật biểu tình trong năm nay trước Quốc hội 14… là những phép thử đầu tiên đối với tân Thủ tướng Phúc.

Nguyên Thủ tướng Dũng đã không thể thực thi chính phủ kiến tạo phát triển dựa trên cả trụ cột kinh tế và dân chủ.

Liệu chính phủ kiến tạo của tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có thành công?

Phạm Quý Thọ
Học viện Chính sách & Phát triển
Bài viết thể hiện văn phong và phản ánh quan điểm riêng của tác giả, gửi tới BBC Tiếng Việt từ Hà Nội.

(BBC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét