Thứ Năm, 2 tháng 6, 2016

Tại sao các thành phố Mỹ nâng lương tối thiểu?

Tại sao các thành phố Mỹ nâng lương tối thiểu?
“Tôi không biết làm sao mà người ta có thể sống với 7,25 USD một giờ”, Donald Trump đã thú nhận vào cuối tuần qua trên chương trình “Gặp gỡ Báo chí” của đài NBC. Mức lương tối thiểu liên bang trong một năm vào khoảng 15.000 USD, mức đó, như ông Trump cho thấy, không phải là nhiều: ngưỡng nghèo cho một cá nhân vào năm 2016 là 11.880 USD; cho một gia đình bốn người là 24.300 USD. 
Bất chấp nhiều yêu cầu tăng lương và đề xuất của Tổng thống Barack Obama về nâng mức lương giờ tối thiểu lên 10,10 USD, mặt bằng tiền lương ở Mỹ đã bị mắc kẹt tại mức 7,25 USD/giờ kể từ năm 2009. Hillary Clinton ủng hộ việc nâng con số này lên 12 USD, trong khi Trump, bất chấp phát biểu cảm thông của mình, nói rằng ông muốn bãi bỏ hoàn toàn mức lương tối thiểu liên bang. Ông cho rằng các tiểu bang nên được tự do thiết lập các ngưỡng giới hạn của mình. “Tôi muốn các bang được tự do và làm những gì họ phải làm”, ông nói.

Các bang từ lâu đã triển khai các biện pháp về mức lương tối thiểu của mình để xây dựng nên mặt bằng lương liên bang, trong đó mặt bằng lương lần đầu tiên được xác lập ở mức 25 cent/giờ vào năm 1938 dưới thời Franklin Delano Roosevelt. Ba mươi bang hiện đã cam kết trả cho công nhân của họ cao hơn 7,25 USD/giờ. Những người dân ở West Virginia kiếm được ít nhất 8,75 USD/giờ và ở Oregon là 9,25 USD, trong khi người sử dụng lao động ở California và Massachusetts phải trả cho người lao động tối thiểu là 10 USD/giờ. Ngoại trừ một vài địa phương, mức lương tối thiểu cao nhất ở Mỹ hiện nay, 10,50 USD/giờ, là ở Quận Columbia. Đến cuối năm 2018, thành phố New York sẽ có mức lương sàn 15 USD/giờ, còn phần còn lại của bang sẽ triển khai theo, mặc dù không phải trước năm 2021.

Trong những năm gần đây, nhiều thành phố ở Mỹ đã tăng mức lương tối thiểu của họ. Trong ba thành phố lớn trên bờ biển phía tây – Los Angeles, San Francisco và Seattle – mức lương tối thiểu đã được lên kế hoạch sẽ tăng lên 15 USD trong vài năm tới, và Chicago sẽ từng bước tiến tới mức lương sàn 13 USD vào năm 2019. Những mức tăng khiêm tốn nhất cũng sắp được triển khai tại hàng chục thành phố khác trên khắp nước Mỹ. Những nỗ lực của địa phương để thúc đẩy thu nhập của người lao động có mức lương thấp đã được đưa ra để phản ứng lại những trì trệ trong chính sách tiền lương tại các cơ quan lập pháp của các bang. Những người ủng hộ coi các pháp lệnh như các giải pháp mục tiêu vốn đã tính đến mức chi phí sống cao hơn ở các khu vực đô thị và cung cấp một phòng thí nghiệm tự nhiên để chứng minh tính khả thi và lợi ích kinh tế của việc tăng lương tối thiểu.

Những cải cách này đã không được chấp nhận rộng rãi. Những người phản đối nói rằng mặc dù có thể có ý định tốt, việc tăng lương một cách nhân tạo (tức mang tính ép buộc) làm méo mó thị trường lao động và khiến cho người sử dụng lao động muốn sử dụng ít lao động hơn. Họ tiếp tục chỉ trích rằng khi các doanh nghiệp thuê ít người hơn, sự nghèo đói càng trở nên trầm trọng hơn, chứ không giảm bớt. Để đáp lại, những người ủng hộ tiền lương tối thiểu đưa ra bằng chứng cho thấy hầu hết các chủ doanh nghiệp ủng hộ tiền lương tối thiểu và không có xu hướng cắt giảm nhân viên để phản ứng lại quy định yêu cầu mức lương cao hơn. Các con số ở Seattle, nơi mặt bằng tiền lương bắt đầu tăng một năm trước đây, trông có vẻ đáng khích lệ trong một thời gian ngắn: tháng Tám vừa qua, tỷ lệ thất nghiệp chỉ là 3,6%, con số thấp nhất kể từ năm 2007. Tuy nhiên, những con số này khá sơ bộ, và sẽ còn phải chờ xem tỷ lệ thất nghiệp sẽ bị ảnh hưởng như thế nào trong những năm tới.

Những người phản đối ở một số bang đang dự thảo luật để ngăn cản tăng mức lương tối thiểu tại các thành phố có quan điểm muốn tăng lương. Họ cũng đang kiện các hội đồng thành phố ra tòa án. Hiệp hội Nhượng quyền thương mại Quốc tế (đại diện cho các cửa hàng McDonald và Subway) đã kiện Seattle vì việc áp đặt các quy định về tiền lương mới đối với họ sớm hơn bốn năm so với thời gian được lên kế hoạch có hiệu lực đối với các doanh nghiệp nhỏ. Nhưng tuần trước, trong một phán quyết chưa được ký và chỉ bao gồm một câu, Tòa án tối cao đã từ chối nghe lời kháng cáo của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Vì vậy hiện nay, các thành phố đã bật đèn xanh cho quy định mức lương cao hơn, ngay cả khi cuộc tranh luận quốc gia về chính sách tiền lương đang trở thành tâm điểm tranh luận trong chiến dịch tranh cử tổng thống.
Nguồn: “Why American cities are raising the minimum wage“, The Economist, 09/05/2016
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng http://nghiencuuquocte.org/2016/05/30/thanh-pho-my-nang-luong-toi-thieu/#sthash.gCF7iAfO.dpuf

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét