Thứ Năm, 23 tháng 6, 2016

(2) 9 đại sứ Mỹ: Những “quan thái thú” thế kỷ XX

9 đại sứ Mỹ trong chiến tranh Việt Nam:
Tháo chạy
3 giờ 45 phút sáng ngày 30-4, giờ Sài Gòn, Martin bước ra sân sứ quán, tay xách vali, vẻ mặt mệt mỏi, nói với những người đứng xung quanh chiếc trực thăng CH 53: "It's over. Lets go - Xong hết rồi. Đi thôi!". Chiến tranh kết thúc, quá khứ khép lại. Nhiều năm sau đó, Việt Nam và Mỹ thiết lập bang giao trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng chủ quyền của nhau để cùng phát triển.
Đại sứ Maxwell D. Taylor và tướng Nguyễn Khánh 
trong một chuyến đi thị sát ở Phước Hội, Vũng Tàu.
1. Ngày 1-7-1964, Maxwell D. Taylor nhận quyết định do Tổng thống Johnson bổ nhiệm làm đại sứ Mỹ tại miền Nam Việt Nam. Là thiếu tướng chỉ huy Sư đoàn Dù 101, Mỹ, trong Thế chiến 2 và là Hiệu trưởng Học viện quân sự West Point từ năm 1945 đến 1949. Sau đó, Taylor là Tổng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ từ 1955 đến 1959 nên ông ta có khuynh hướng sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết vấn đề Việt Nam.

Khi Taylor đến Sài Gòn thì chính trường miền Nam Việt Nam đang trong cơn hỗn loạn. Đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm xong, Nguyễn Ngọc Thơ làm thủ tướng, Dương Văn Minh nắm quân đội. Hai tháng sau đó, Nguyễn Khánh tiến hành một cuộc chỉnh lý rồi thay Dương Văn Minh làm tổng tham mưu trưởng nhưng chỉ được sáu tháng, dưới sức ép của Hội đồng tướng lĩnh, Nguyễn Khánh thực hiện cuộc cải tổ. Gọi là "cải tổ" nhưng khôi hài thay, lần này Khánh vừa chỉ huy quân đội, vừa nắm luôn chức thủ tướng.

Tháng 10-1964, Nguyễn Khánh ban hành một hiến chương, thường được gọi là "Hiến chương Vũng Tàu" để cho ra đời cái gọi là "Thượng Hội đồng quốc gia", trong đó ông ta nhường chức thủ tướng cho Trần Văn Hương còn mình vẫn nắm quân đội. Đến ngày 27-1-1965, Chính phủ Trần Văn Hương giải tán, "Thượng Hội đồng quốc gia" được thay bằng "Hội đồng quân lực" do Nguyễn Khánh làm chủ tịch còn thủ tướng là Phan Huy Quát. Ngày 14-6-1965, "Hội đồng quân lực" giải tán, Nguyễn Khánh buộc phải đi lưu vong khi Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ lên nắm Ủy ban lãnh đạo quốc gia và Ủy ban hành pháp trung ương.

Trước khi Kennedy bị ám sát và trước khi Taylor trở thành đại sứ tại Sài Gòn thì một thời gian ngắn sau lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống, Kennedy đã cho mời Taylor đến Nhà Trắng rồi đề nghị ông giữ chức vụ cố vấn quân sự cho Kennedy. Tại buổi gặp gỡ, Kennedy nói: "Trong các vấn đề quốc tế nóng bỏng hiện nay mà tôi thừa hưởng từ cố Tổng thống Dwight D. Eisenhower là tình hình Việt Nam ngày càng xấu đi. Đây là điều tồi tệ nhất mà chúng ta phải giải quyết".

Nhằm tìm ra chiến lược đối phó với Quân Giải phóng, Kennedy cử Taylor đến Sài Gòn. Khi gặp Diệm, Taylor hỏi ông ta có đồng ý chấp nhận một lực lượng lính Mỹ làm nhiệm vụ y tế, thông tin, kỹ thuật và giữ gìn an ninh ở những khu vực trọng yếu hay không? Thoạt đầu, Diệm chần chừ, chỉ muốn người Mỹ tăng viện trợ để có thể bắt thêm 120.000 thanh niên vào lính nhưng mặt khác, Diệm lại sợ người Mỹ bỏ rơi miền Nam Việt Nam. Cuối cùng, cả hai thống nhất rằng bước đầu, sẽ có từ 6.000 đến 8.000 lính Mỹ đến Sài Gòn trong vai trò cố vấn .

2. Ngày 1-7-1964, Maxwell D. Taylor nhận nhiệm vụ đại sứ. Lúc này, số "cố vấn" Mỹ ở miền Nam đã tăng lên 20.000 người. Chỉ vài tháng sau đó, với sự phối hợp của các chuyên gia quân sự, Taylor đã thảo ra một bản kiến nghị, được gọi là "Kế hoạch chiến tranh đặc biệt Staley-Taylor", gửi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara, trong đó ông ta nhấn mạnh "tăng cường năng lực quân sự cho Quân đoàn 4, phụ trách vùng đồng bằng sông Cửu Long và Quân đoàn 1, phụ trách vùng giới tuyến để mỗi đơn vị từ cấp đại đội trở lên đều có thể tiến hành độc lập tác chiến liên tục trong 20 ngày, thực hiện chiến lược "chiếm và giữ" thay vì "tìm và diệt" vì nó không hiệu quả.


Đoàn người di tản đến tàu USS Blue Ridgem, trong đó có Đại sứ Martin.

Mở rộng và củng cố các ấp chiến lược, nhất là ở những vùng sản xuất lúa gạo lớn, tăng cường các chiến dịch tung biệt kích sang Lào và miền Bắc, tiến hành các cuộc ném bom không giới hạn trên đường mòn Hồ Chí Minh, ném bom các cơ sở quân sự, kho tàng, đường sá, cầu cống ở miền Bắc…".

Tháng 12-1964, Quân Giải phóng làm nên chiến thắng lẫy lừng ở Bình Giã rồi sau đó là Ba Gia, An Lão. Có những nơi như tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Bến Tre, vùng giải phóng chiếm đến 60% diện tích. Biết rằng không thể trông chờ vào quân đội Việt Nam Cộng hòa mà đám chỉ huy cao cấp còn bận đấu đá nhau để tranh giành quyền lực, Taylor với tướng Hawkins, Tư lệnh Phái bộ viện trợ quân sự Mỹ tại Sài Gòn cùng ký một văn bản, đề nghị Tổng thống Johnson chính thức gửi quân tác chiến sang Nam Việt Nam.

Tháng 3-1965, 2 tiểu đoàn Thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, bắt đầu cuộc "chiến tranh cục bộ". Và mặc dù viện trợ Mỹ dành cho Chính quyền Sài Gòn lên đến hơn 1 tỉ USD/năm nhưng vẫn không thể nào "bình định" được. Ngày 30-7-1965, Maxwell D. Taylor về nước, Henry Cabot Lodege quay lại làm đại sứ lần thứ hai. Trong hơn 20 tháng ở Sài Gòn, với biệt danh "đại sứ đảo chính", Cabot Lodege chỉ biết ngồi đọc những bản báo cáo từ các nơi gửi về, thống kê số lính Mỹ thương vong và những vùng đất đã lọt vào tay Cộng sản trong cái nhìn đầy nghi kỵ của những nhân vật chóp bu chế độ Việt Nam Cộng hòa!

Ngày 5-4-1967, Ellsworth Bunker trở thành đại sứ Mỹ thứ 8 tại miền Nam Việt Nam. Được báo chí Mỹ gọi là "con diều hâu trong chiến tranh Việt Nam", "Ông già tủ lạnh", "Quan thái thú", Bunker chủ trương "đánh đến cùng". Trong suốt 6 năm làm đại sứ, Bunker đã góp phần đẩy cuộc chiến tranh xâm lược lên đến đỉnh điểm qua trận ném bom 12 ngày đêm ở Hà Nội cùng nhiều tỉnh, thành khác, thả thủy lôi phong tỏa cảng Hải Phòng.

Tổng số tiền mà Chính phủ Mỹ chi cho cuộc chiến là 32 tỉ USD/năm, chiếm hơn 40% tổng ngân sách quốc phòng Mỹ, huy động sang Việt Nam 60% số tàu sân bay, hơn 40% lực lượng không quân chiến thuật, 50% lực lượng không quân chiến lược, tập trung hơn 1 triệu lượt quân, trong đó hơn nửa triệu quân thường trực tác chiến trên các chiến trường từ Quảng Trị đến Kon Tum, từ Tây Ninh đến Rạch Giá. Thế nhưng, Bunker cũng là người phải chứng kiến người Mỹ buộc phải ký Hiệp định Paris, rút hết quân về nước.

3. Ngày 21-6-1973, Graham A. Martin trình quốc thư bổ nhiệm đại sứ lên Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Mặc dù lính Mỹ đã rút khỏi miền Nam Việt Nam nhưng vẫn còn có hơn 5.000 người trong lớp áo dân sự, hoạt động từ Huế đến Cà Mau. Tại Đại sứ quán ở Sài Gòn, ngoài Martin, còn có một công sứ đặc mệnh toàn quyền mang hàm đại sứ, ba tham tán công sứ, 6 lãnh sự và phó lãnh sự.


Những người Mỹ cuối cùng lên trực thăng rời khỏi Sài Gòn.

Riêng Phòng tùy viên quân sự có hơn 3.700 sỹ quan, trong đó 3 sỹ quan mang hàm cấp tướng - và đây được xem là phòng tuỳ viên quân sự lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài. Mặc dù viện trợ Mỹ chỉ còn 700 triệu USD, nhiều quan chức cao cấp Mỹ đã tiên đoán về sự sụp đổ của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu nhưng Martin vẫn tin rằng Sài Gòn sẽ đứng vững.

Ngày 28-4-1975, sau khi đã giải phóng toàn bộ các tỉnh duyên hải miền Trung, Tây nguyên và miền Đông Nam bộ, Quân giải phóng áp sát Sài Gòn, chuẩn bị tung ra cuộc tấn công cuối cùng trong chiến dịch Hồ Chí Minh nhưng đại sứ Martin vẫn còn nuôi hy vọng. Sáng 29-4, Martin theo cánh cửa ngách nối giữa Sứ quán Mỹ và Sứ quán Pháp, sang gặp Mérillon, đại sứ Pháp. Sau cái bắt tay, trao đổi mấy câu chào hỏi xã giao, Martin hỏi Mérillon: "Có khả năng nói chuyện hòa bình với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam không?"

Ngần ngừ một lát, Mérillon trả lời: "Không! Không có gì cả". Martin nhìn đăm đăm vào mặt Mérillon rồi hỏi tiếp: "Ông có thể thu xếp cho tôi một cuộc gặp gỡ trực tiếp với Đoàn Đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời được không?". Mérillon đáp: "Vâng, tôi sẽ cố nhưng chưa dám hứa".

Ngày 21-4-1975, Nguyễn Văn Thiệu từ chức rồi chạy đi Đài Loan, Trần Văn Hương lên làm tổng thống nhưng đến ngày 28-4-1975, ông Hương cũng từ chức, Dương Văn Minh lên thay. 11 giờ trưa ngày 28-4, sau khi Tổng thống Dương Văn Minh yêu cầu tất cả mọi người Mỹ phải rút khỏi Sài Gòn trong vòng 48 giờ thì Martin hiểu rằng mọi sự đã chấm hết.

14 giờ 20 phút ngày 29-4, Martin lại sang Sứ quán Pháp gặp Mérillon. Theo Mérillon, Đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời ở Tân Sơn Nhất không đồng ý gặp đại sứ Mỹ. Nghe xong Martin nhún vai, có lẽ muộn quá rồi. Cộng sản cương quyết giành chiến thắng.

Gần 24 giờ khuya, Martin mặt trắng bệch bước ra sân sứ quán khi nghe một nhân viên kiểm thính cho biết Đài Phát thanh Giải phóng vừa phát đi bản thông báo rằng cuộc tiến công vào Sài Gòn đã bắt đầu. Ở Washington, Kissinger nóng ruột, nổi giận vì cuộc họp báo để thông tin về "chiến dịch di tản người Mỹ ở Sài Gòn đã thành công" sắp sửa bắt đầu mà Martin vẫn chưa chịu ra đi. Cuối cùng, Kissinger quyết định hoãn cuộc họp báo đến 17 giờ (giờ Washington - 5 giờ sáng, giờ Sài Gòn) sau khi đã gọi cho Martin: "Tôi mong nhìn thấy ông trong chuyến bay sắp tới".

3 giờ 45 phút sáng ngày 30-4, giờ Sài Gòn, Martin bước ra sân sứ quán, tay xách vali, vẻ mặt mệt mỏi, nói với những người đứng xung quanh chiếc trực thăng CH 53: "It's over. Lets go - Xong hết rồi. Đi thôi!".

Chiến tranh kết thúc, quá khứ khép lại. Nhiều năm sau đó, Việt Nam và Mỹ thiết lập bang giao trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng chủ quyền của nhau để cùng phát triển. Tiếp theo, các ông Pete Peterson, Raymond Burghardt, Michael W. Marine, Michael W. Michalak, Virginia E. Palmer, David B. Shear và Ted Osius lần lượt trở thành đại sứ Mỹ tại Việt Nam, mở ra một chương mới cho cả hai dân tộc…

Vũ Cao
http://antg.cand.com.vn/Tu-lieu-antg/Thao-chay-ky-2-397212/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét