Thứ Năm, 23 tháng 6, 2016

Từ máy bay rơi: NGHĨ VỀ SỰ CHUYÊN NGHIỆP

NGHĨ VỀ SỰ CHUYÊN NGHIỆP
Nguyễn Thị Hậu - Cách đây vài năm, tôi tham gia chương trình bồi dưỡng kiến thức về an ninh quốc phòng, trong đó có một số bài giảng về “nền quốc phòng toàn dân”. Đại thể quan điểm “quốc phòng toàn dân” vẫn là những khái niệm truyền thống: chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc, kháng chiến toàn diện, kháng chiến trường kỳ, giặc đến nhà đàn bà cũng đánh, ai có súng dùng súng có giáo mác gậy gộc thì dùng… Nói chung về lý thuyết thì sự chuẩn bị cho tình huống chiến tranh (nếu xảy ra) trong thế kỷ 21 vẫn không khác chiến tranh hồi thế kỷ 19, 20! Hỏi thăm những người tham gia khóa học này ngay năm ngoái thì thấy nội dung vẫn y vậy!
Là người “ngoại đạo” về quân sự nhưng tôi nghĩ rằng, trong thời đại ngày nay bất cứ nghề nào cũng cần sự thành thạo, chuyên nghiệp, từ lao động giản đơn đến phức tạp, đặc biệt là nghề binh! Vì sự chuyên nghiệp của nghề binh liên quan trực tiếp đến tính mạng người lính, đến sự thắng thua của trận đánh, của cuộc chiến.

Huy động sức mạnh toàn dân trong chiến tranh bảo vệ Tổ quôc là một truyền thống quý báu, lịch sử nước ta đã cho thấy mỗi khi đất nước bị ngoại xâm là toàn dân vùng lên đánh giặc! Nghệ thuật quân sự “chiến tranh nhân dân” là một đặc trưng quan trọng của lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên – cũng từ kiến thức của lớp học tôi được biết - trong bối cảnh thế giới của thế kỷ 21 thì cách thức tiến hành chiến tranh và trang thiết bị quân sự hiện đại, vũ khí điều khiển từ xa, vũ khí hủy diệt hàng loạt mang tính quyết định mà không phải các loại vũ khí “giáp lá cà”, vũ khí phòng ngự hay tấn công trực diện như trước kia. Vì vậy, có thể nào tiến hành chiến tranh ở thế kỷ 21 mà nhân dân vẫn chỉ có tinh thần và tầm vông vạt nhọn, giáo mác gậy gộc hay súng trường, khẩu AK hay là những chiếc tàu chiếc thuyền nhỏ bé thô sơ? Chiến đấu chống trả các loại vũ khí hiện đại và quân đội chuyên nghiệp của giặc ngoại xâm cũng phải bằng bằng vũ khí và quân đội chuyên nghiệp: vũ khí hiện đại, tư duy chiến tranh hiện đại và kỹ thuật kỹ năng hiện đại. Sự chuyên nghiệp được rèn luyện trở thành “bản năng” từ vị tướng đến người lính, đấy phải là điều tiên quyết!

Trong bối cảnh tự nhiên biến đổi khí hậu, thiên tai khó lường, trên thế giới thì tính chất và mức độ, tốc độ chiến tranh đã thay đổi ngày càng ác liệt và mang tính chất hủy diệt. Vì vậy để chuẩn bị cho những sự biến trong điều kiện mới thì việc đầu tiên là phải rèn luyện cho người dân những kỹ năng cần thiết, đồng thời cung cấp cho họ những phương tiện, kỹ thuật tốt nhất để ứng phó với thảm họa của thiên tai và chiến tranh. Khi những người dân sử dụng những kỹ năng này một cách thành thục, chuyên nghiệp… sẽ giảm thiểu hậu quả của thảm họa, của chiến tranh, bảo toàn tối đa nguồn nhân lực. “Người còn thì của còn” ông bà mình đã dạy như thế. Con người là vốn quý nhất, không thể để dân gánh chịu những hiểm nguy thấy trước! Không thể đối phó với phương thức giết người hiện đại bằng những cách thức thô sơ lạc hậu. Người dân tự bảo vệ mình một cách chuyên nghiệp cũng là cách giúp cho quân đội thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình.

Khi chiến tranh xảy ra, trong những hoàn cảnh cụ thể thì chắc chắn “toàn dân là lính” nhưng cũng không thể thay thế được vai trò của quân đội chuyên nghiệp. Sự chuyên nghiệp thể hiện trong việc trang bị vũ khí hiện đại phù hợp với địa bàn chiến tranh là môi trường tự nhiên Việt Nam, việc luyện tập thường xuyên trong những điều kiện điển hình và trong tư duy người lính “có lệnh là đi, tư thế sẵn sàng”. Cả ba yếu tố này là một thể thống nhất của sự chuyên nghiệp, nếu chỉ thiếu một thì vẫn còn biểu hiện của tư duy “du kích” và nghiệp dư.

Để quân đội phải “làm kinh tế” vừa làm giảm sự tập trung vào việc rèn luyện quân sự, vừa gây nên sự bất bình đẳng và phân hóa ngay trong những người lính: người tham gia làm kinh tế thì khá giả, tất nhiên không phải ai cũng được tham gia vào việc này! Người có nhiệm vụ rèn luyện tập trận thì nghèo khó. Dù mức lương quân đội được nâng cao hơn trước và hơn nhiều ngành khác thì phần lớn những người lính trực tiếp làm nhiệm vụ luyện tập trực chiến gia cảnh còn rất khó khăn!

Vài năm gần đây đã xảy ra những tai nạn trong luyện tập, cứu hộ cứu nạn của không quân, đã có những người lính hy sinh ngay trong thời bình. Nguyên nhân do đâu: do máy móc khí tài, phương tiện hay do chủ quan, do thời tiết hay còn uẩn khúc nào thì chưa được ai công bố! Khi chưa minh bạch nguyên nhân, lý do thì có nhiều phỏng đoán không phải là vô căn cứ. Khi không biết rõ nguyên nhân thì tai nạn còn có thể xảy ra, mỗi tai nạn là một bài học và kinh nghiệm đổi bằng xương máu! Tính mạng những người lính tiếp tục bị thử thách! Chẳng lẽ cứ để họ chết rồi thì phong "anh hùng" hay bù đắp cho gia đình người thân chút quyền lợi vật chất là xong?! Nhưng dù nguyên nhân nào thì tính mạng một người lính cũng không thể rẻ rúng, không có những con người thầm lặng luyện tập trong thời bình thì sẽ thế nào nếu chiến tranh xảy ra?

Quân đội nhân dân là “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ” chứ không phải quân và dân làm thay công việc của nhau. Dân quân biển hoặc ngư dân và những người làm việc trên biển nếu được trang bị vũ khí là để tự vệ trong trường hợp cần thiết. Khẳng định chủ quyền biển là việc hàng ngày chứ không chỉ trong những khi có nguy cơ chiến sự, điều đó hàng trăm năm nay ngư dân chúng ta đã thực hiện bền bỉ. Khi hữu sự, các lực lượng quân đội (hải quân, tàu ngầm, không quân…) phải là lực lượng chính bảo vệ ngư dân, bảo vệ từng tấc biển đảo, bảo vệ chủ quyền ở biển Đông.

Chỉ với sự chuyên nghiệp ngay từ thời bình quân đội mới kịp thời đối phó với thời chiến, chiến đấu bảo vệ nhân dân và Tổ quốc. Bởi vì thế giới đang là thế kỷ 21!

Sài Gòn, 6.2016
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 22-6-16
http://www.viet-studies.info/kinhte/NThiHau_VeSuChuyenNghiep.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét