Người dân đang nghĩ gì về những 'Thái tử Đảng'
17/06/2016 - Thuật ngữ "Thái tử Đảng" đã xuất hiện ở Trung Quốc từ đầu thế kỷ 20 nhưng được dùng nhiều hơn trong vài chục năm gần đây. Đó là những từ ám chỉ các trường hợp "con ông cháu cha" được nâng đỡ, bồi dưỡng và thăng chức nhanh đến chóng mặt vào bộ máy lãnh đạo các cơ quan công quyền hoặc những doanh nghiệp "khủng", "béo bở", "ngon ăn" của đất nước họ.Còn ở Việt Nam, cho đến lúc này, hiện tượng trên cũng đã xuất hiện. Thực tế đã cho thấy cái hay thì cũng có nhưng rất ít, cái dở thì nhiều và để lại điều tiếng không hay cho chính cha, anh, người thân của họ, cho công tác tổ chức, nhân sự của bộ máy Đảng, chính quyền các cấp.
Trước hết, cũng phải nói rõ quan niệm của người viết bài về câu chuyện "Thái tử Đảng" ở Việt Nam: tôi không hề quá khắt khe trong cách nhìn về chuyện đào tạo, bồi dưỡng con em lãnh đạo kế thừa sự nghiệp của cha, anh mình. Để duy trì và bảo vệ chế độ, điều đó theo tôi không có gì bằng. Có điều, một khi cái gì quá mức, bất bình thường và có tính "gia đình chủ nghĩa" nặng thì có lẽ cũng nên xem lại mình và nên tự điều chỉnh. Như vậy sẽ tránh được điều tiếng không tốt trong dư luận về bộ máy Đảng và chính quyền hiện hành ở nước ta.
Trước đây, khi thông tin mạng chưa phát triển, chúng ta có thể dễ dàng ngăn chặn việc phản ánh chuyện này trên mặt báo chính thống. Khi ấy, người dân đâu có biết những chuyện "thâm cung bí sử" chốn hậu trường chính trị? Nay, mạng xã hội lan nhanh khủng khiếp, giấu sao nổi!
Một "công chúa" nọ mới ngoài đôi mươi, vừa ra trường và là con của một vị lãnh đạo Đảng. Cô vốn thiếu kinh nghiệm nghề nghiệp do chuyên môn đào tạo hoàn toàn xa lạ với công việc. Nhưng cô lại được bổ nhiệm phó giám đốc một doanh nghiệp không hề nhỏ. Cô đã bị những người không ưa tại ngay nhiệm sở đưa hình lên mạng rồi bình phẩm. Chỉ sau vài giờ, nó đã trở thành tin "hot" chóng mặt với những hình ảnh phản cảm của cô "công chúa" nọ khi ra công trường mà đi guốc cao gót, mặc jupe, không hề mặc đồ bảo hộ lao động...
Tôi biết, chỉ vài bữa sau "sự kiện" tai hại từ bức hình đó, chính nhân vật này và cha cô đã chủ động xin rút lui khỏi vị trí mà cô vừa được bổ nhiệm trong sự đàm tiếu của xã hội. Song, tôi thấy vẫn còn mừng là ở chỗ dù sao thì người thân của cô gái rất xinh đẹp nọ cũng đã nhận ngay ra sai lầm và sửa chữa kịp thời. Nếu không thì không biết sẽ ra sao?
Cũng có trường hợp "Thái tử Đảng" khác mà tôi biết, năng lực thì cũng thường thường bậc trung nhưng được cái khiêm tốn, giản dị và mọi người quý mến. Anh được cất nhắc vào Trung ương. Nhưng rất tiếc, "chiếc áo" anh mặc nó quá rộng so với năng lực của mình. Anh đã nhạt nhoà trong cái cương vị quá cao ấy và chính môi trường công tác đã khiến anh không hoàn thành xuất sắc công việc được trao. Khi cha anh rời khỏi chính trường một nhiệm kỳ thì anh cũng không trụ được khoá tiếp theo nữa. Kể ra thì cũng khó trách ai được nếu không tự trách ta.
Chuyện mới đây về con trai của cựu Bộ trưởng Công thương cũng khiến mạng xã hội "dậy sóng" khi người ta được biết anh này khi mới có 25 tuổi đã làm tới chức Tổng giám đốc PVFI, chỉ sau 1 năm trúng tuyển công chức. Rồi mới 28 tuổi, sau mấy năm làm ăn bết bát, anh được phiên ngang "hàm vụ phó" để được cử tham gia HĐQT và bầu làm Phó tổng giám đốc TCT Bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) theo một “quy trình” rất hoàn hảo. Một vị trí mà biết bao người tài năng, giỏi giang, có nhiều cống hiến trong bộ cũng không dám mơ đến ngay cả trong giấc ngủ.
Những ví dụ này rất nên xem là bài học sống động cần lưu ý, rút kinh nghiệm xương máu cho công tác cán bộ và cho chính các “thái tử" khác và gia đình họ hầu tránh tiếng để đời.
Song, cũng có những trường hợp Đảng chọn được cán bộ trẻ khá ổn. Tuy cũng thuộc diện "con ông cháu cha" và đương nhiên cũng có phần ưu ái nào đó nhưng thực tế đã cho thấy việc chọn lựa không sai.
Tôi biết một người trẻ, vốn là Trưởng ban Quốc tế của một tờ báo (khi tôi còn làm Phó tổng biên tập tờ báo này), một nhà báo trẻ, có năng lực chuyên môn, được đào tạo bài bản. Thế rồi anh chuyển hướng, chọn con đường chính trị và lên dần từng nấc một. Có lúc tôi cũng hồi hộp dõi theo từng bước đi của một đồng nghiệp vốn cùng nhau sát cánh vì tờ báo mình yêu mến. Một người bạn ở thành phố ấy cho tôi biết, khi anh ấy về làm chủ tịch quận, cũng có nhiều ý kiến lắm và nghĩ cậu ta sẽ khó có thể làm tốt, nhất là thế hệ lãnh đạo cũ cùng chiến đấu với người cha của anh thời kháng chiến thì còn hoài nghi. Nhưng thực tế, anh đã làm tốt phần việc theo cái cách làm mới của lớp cán bộ trẻ được đào tạo căn cơ.
Nay, anh lại ở cương vị đứng đầu một thành phố lớn, chắc sẽ khó khăn bội phần, nhất là ở nơi từng có cái bóng quá lớn của người tiền nhiệm được nhân dân ghi nhận. Nhưng tôi vẫn kỳ vọng ở anh, một người trẻ có kiến thức và quan trọng là có khát vọng cống hiến. Và, nếu lớp trẻ ấy được tập thể lãnh đạo địa phương ủng hộ, sẻ chia, tôi nghĩ anh sẽ làm được...
Từ những suy nghĩ này, tôi cho rằng, bên cạnh việc tổ chức thi tuyển nghiêm túc, việc minh bạch trong tuyển dụng để có thể thu hút mọi người tài thì việc Đảng lựa chọn cán bộ nguồn từ lớp con em các nhà lãnh đạo cũng vẫn nên làm nếu như họ có thực tài, có khát vọng và nhiệt huyết. Họ chính là lớp người mới, họ sẽ có trách nhiệm bảo vệ thành quả mà cha ông họ đã bao năm gầy dựng từ xương máu mà nên sự nghiệp. Họ chính là lớp người mà Đảng có thể yên tâm giao phó. Tuy nhiên, nếu lớp con cháu này của các nhà lãnh đạo không giỏi thì không nên "nhồi... chức" cho họ nhanh như thế! Cha anh họ mà "dàn xếp" đặt chỗ, chỉ việc kiểu như thế thì khác gì làm hại họ cả đời bởi thế hệ cha anh họ đâu có thể lãnh đạo mãi mãi? Và đó là điều mà tôi muốn nêu trong bài viết này để cùng nhau thảo luận cho sáng tỏ.
Quốc Phong
http://motthegioi.vn/chuyen-hom-nay-c-155/nguoi-dan-dang-nghi-gi-ve-nhung-thai-tu-dang-35752.html
Nguồn gốc của tệ nạn "Con Ông Cháu Cha" chính là cơ chế quy hoạch cán bộ. Cơ chế tào lao này có lẽ chỉ có ở các nước CS, nó ngáng đường tất cả những người có tài thực sự và hậu quả của nó là "con vua thì lại làm vua..." dù các thái tử này có đần độn đến đâu đi nữa
Trả lờiXóaNhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.
Trả lờiXóa