Thứ Hai, 20 tháng 6, 2016

Liệu có thể thay đổi bộ máy cồng kềnh?

Liệu có thể thay đổi bộ máy cồng kềnh?
PGS. TS. Phạm Quý Thọ, Học viện Chính sách và Phát triển
Bộ máy nhà nước cồng kềnh, năng lực yếu kém đang tạo sức ép lớn với ngân sách và đầu tư phát triển, làm nảy sinh những vấn đề chính trị, xã hội sâu sắc, theo PGS. TS. Phạm Quý Thọ.
Biên chế bộ máy công quyền cồng kềnh, yếu kém ở Việt Nam không phải là vấn đề mới, nhưng nó kéo dài, qua bốn lần cải cách, trong lúc số cán bộ công chức (CBCC) ngày càng phình to và ngày càng trở nên trầm trọng. Gần đây, theo các số liệu chính thống, từ năm 2007 đến 2014, biên chế cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên (không kể công an, quân đội) tăng 14,43%, đạt 396.371 người, riêng khối cơ quan hành chính nhà nước tăng thêm 36.952 người với tỷ lệ 15,48%.
Cũng vào năm 2014 biên chế bộ máy chính quyền cấp xã là trên 1,2 triệu người, số viên chức 2.312.690 người, trong đó số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cho đơn vị sự nghiệp công lập tăng thêm 582.890 người, (chiếm tỷ lệ 39,11%).
Năm 2015 tổng số lao động làm việc trong khu vực hành chính sự nghiệp là 3.944.705 người (bao gồm 1.620.827 hoạt động trong khu vực đảng cộng sản, tổ chức chính trị xã hội, quản lý nhà nước và an ninh quốc phòng), trong đó trong các tổ chức nhà nước – 1.530.788 và các đơn vị sự nghiệp nhà nước 2.413.927 người.
Tổng số người được hưởng lương từ ngân sách nhà nước hiện nay lên đến trên 11 triệu người.
Trái với sự gia tăng nhanh về số lượng, năng lực và hiệu quả làm việc thấp kém, trì trệ.
Hiện tượng “sáng cắp ô đi, tối cắp về” đang phổ biến, được ông Nguyễn Xuân Phúc, khi còn ở cương vị Phó Thủ tướng nhận định: “Đội ngũ công chức của chúng ta hiện nay chỉ có khoảng 30% là đáp ứng được nhu cầu công việc”.
Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên ủy viên Bộ chính trị nhiều năm, ca thán: cán bộ công chức “đông nhưng ít người làm việc lấy đâu ra mạnh, có phải đánh giặc đâu mà cần quân đông… Có đồng chí trong cả một khóa không làm được gì!”.
Ông Nguyễn Túc, nguyên ủy viên đoàn chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc khi đó cũng nói rằng ‘tình trạng ăn theo, nói leo trong cán bộ lãnh đạo là thường gặp’.

Nảy sinh vấn đề

Bộ máy nhà nước cồng kềnh, năng lực yếu kém tạo sức ép lớn đối với ngân sách và đầu tư cho phát triển, hơn thế nó đang làm nảy sinh những vấn đề chính trị, xã hội sâu sắc.
Bà Phạm Chi Lan Image copyrightBAOMOI.COM
Image captionBà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban cố vấn Chính phủ Việt Nam, mới đây lên tiếng kêu gọi Việt Nam từ bỏ chế độ biên chế.
Việt nam là một nước nghèo, nợ công cao ở mức báo động, nhưng trong những năm gần đây chi thường xuyên trung bình khoảng 70% tổng ngân sách trong điều kiện thâm hụt, nguồn thu khó khăn, sụt giảm và tích lũy đầu tư cho phát triển với tỷ lệ thấp, dự kiến năm 2016 chỉ khoảng 17%…
Theo đánh giá của các chuyên gia, chỉ tính riêng cán bộ các hội đoàn thể, một bộ phận của hệ thống chính trị hiện hành, hàng năm tiêu tốn khoảng 45.600 - 68.100 tỷ đồng từ ngân sách, tương đương 1-1,7% GDP, chưa kể các chi phí phát sinh khác.
Cách tuyển vào biên chế và sử dụng cán bộ, công chức và viên chức theo trình tự “hậu duệ, quan hệ, tiền tệ mới đến trí tuệ” hay “nhất thân, nhì ngân, tam quyền, tứ chế”, ăn đút lót, mua suất biên chế... đã làm bộ máy nhà nước suy yếu, sơ cứng, lãnh đạo suy thoái, biến chất.
Tình trạng quan liêu, bao cấp, cửa quyền, vòi vĩnh hối lộ… trở nên công khai, tham nhũng, lãng phí… đã trở thành quốc nạn, ‘chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển’, ‘con ông cháu cha’, ‘thái tử đảng’… trở nên công khai và thách thức.
Cổ nhân đúc kết ‘thượng bất chính, hạ tất loạn’ đang ứng cho tình hình hiện nay của đất nước!
Ở Việt Nam quyền biểu đạt còn hạn chế, ý kiến phản biện ít có cơ hội, nhưng dư luận bất bình trong dân chúng đang tích tụ thông qua niềm tin vào đảng và chế độ giảm sút nghiêm trọng, một số lãnh đạo trong bộ máy cầm quyền bắt đầu lên tiếng, tuy còn yếu ớt, cho dù người ta cũng thừa hiểu rằng, trong cơ chế ‘tập thể đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý’, sự giải trình và chịu trách nhiệm là hiếm hoi, ‘văn hóa từ chức’ chưa hề tồn tại.
Gần đây, tại kỳ họp thứ 8 (tháng 11/2014), Quốc hội khóa XIII, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) chất vấn ông Nguyễn Tấn Dũng, lúc đó là Thủ tướng Chính phủ: “Nhà nước đã nhiều lần chủ trương thực hiện tinh giản biên chế cán bộ, công chức, viên chức; nhưng biên chế không những không giảm mà càng ngày càng phình to. Đề nghị Thủ tướng cho biết nguyên nhân của tình trạng này là gì? Thủ tướng và Chính phủ nói chung có trách nhiệm gì? Theo Thủ tướng cần áp dụng những giải pháp như thế nào để có một bộ máy tinh giản, hiệu quả?”
Mới đây, Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong Hội nghị công tác dân vận vào tháng 5/2016, rằng có nguy cơ tồn vong của chế độ, ‘nước (ví như dân) có thể lật thuyền (chính quyền), nếu bộ máy nhà nước không vì dân.

Níu kéo cơ chế

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa 12, nói với Vietnamnet.vn ngày 17/6/2016 rằng bản chất Nhà nước ‘vì dân’ đã bị một số người nhân danh, lạm dụng’ (chỉ lãnh đạo mới làm được điều này) và mong muốn: ‘Tổng bí thư đã đánh trống rồi, xin hãy đánh tiếp, liên tục, liên tục…”
Image copyrightGETTY
Image captionMột cựu Bộ trưởng Công thương của Việt Nam mới đây bị báo chí, truyền thông Việt Nam đặt câu hỏi về việc có sắp đặt chức vụ cho con trai hay không trước khi nghỉ hưu.
Trên báo chí nhà nước liên tục đăng tải phản ứng về các sự kiện ‘xe tư, biển số xanh (nhà nước)’ của ông phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh, ‘thái tử đảng’ con của nguyên bộ trưởng Vũ Huy Hoàng…
Công luận đang theo dõi các động thái này.
Những người lãnh đạo cần thay đổi nhận thức sai lầm rằng nhà nước tạo ra việc làm, và rằng biên chế càng đông thì nhà nước càng trả lương cho nhiều người, và họ phải ‘biết ơn’, họ phải làm những gì được chỉ đạo…
Từ khía cạnh đạo lý, người làm trong bộ máy không có lỗi, họ là nạn nhân của chính sách, biến một số trở thành kẻ cơ hội, ăn bám ‘bất đắc dĩ’, lâu dần trở thành thiếu tự tin, trở nên yếu đuối, không thể tự chịu trách nhiệm, tự chủ và tự quyết định cuộc đời của họ.
Nhà nước không tạo ra việc làm, số cán bộ, công chức phình to, chỉ làm cho miếng bánh thu nhập trên đầu người không thay đổi và năng suất lao động giảm đi, và ‘biên chế’ khi đó trở thành nơi ‘trú ẩn an toàn’, được bảo lãnh bởi chính quyền, làm cho con người trì trệ, dựa dẫm, biến chất, làm cho thị trường lao động méo mó…
Suy cho cùng, ‘vấn đề biên chế’, thực ra, chỉ là một trong những biểu hiện mang tính bản chất của hệ thống chính trị hiện nay, níu kéo cơ chế tập trung quan liêu và tư tưởng xã hội chủ nghĩa giáo điều, không thích nghi với sự chuyển đổi sang cơ chế thị trường, yếu kém trong quản trị đất nước…
Đây là ‘lỗi hệ thống’, như dư luận thường mỉa mai.
Mới đây, lời kêu gọi bỏ ‘chế độ biên chế’ của Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, đang thu hút sự chú ý của công luận.
Còn một học giả quốc tế ngành Kinh tế và các vấn đề quốc tế tại Viện Đại học Princeton, Hoa Kỳ, Giáo sư Angus Deaton, người đạt giải Nobel Kinh tế năm 2015, thì đã từng nói rằng ‘nhà nước yếu kém làm đất nước nghèo’.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả, một nhà phân tích chính sách công làm việc tại Học viện Chính sách và Phát triển, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam.
http://www.bbc.com/vietnamese/forum/2016/06/160619_phamquytho_on_vn_state_sector

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét