Chuyện 'phong bì' cho bác sĩ: Từ Việt Nam đến thế giới
Đổ lỗi cho lòng tham của một nhân viên y tế cụ thể là việc chẳng có gì khó khăn. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở cá nhân đó, chính người đổ lỗi cũng đang suy nghĩ thiếu thấu đáo.
Hình minh họa
Khi xem đoạn video nữ bác sĩ Bệnh viện K Trung ương nhận cả xấp phong bì của người nhà bệnh nhân, ban đầu tôi cũng bị cuốn vào phản ứng cảm tính như phần đông nhiều người. Nhưng là một bác sĩ, tôi thấy cần phải có cái nhìn rộng hơn về sự việc, thay vì sự bao dung dễ dãi hay cay nghiệt quá mức.Hình ảnh trong đoạn video, bản tường trình của nữ bác sĩ, hay lời tố cáo của bệnh nhân chưa đủ bằng chứng để buộc tội. Nhưng nhiều người dường như đã tự kết luận và tôi cũng không thấy có gì khó hiểu với kết luận đó, trong bối cảnh hiện nay của nền y tế.
Đổ lỗi cho lòng tham của một nhân viên y tế cụ thể là việc chẳng có gì khó khăn. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở cá nhân đó, chính người đổ lỗi cũng đang suy nghĩ thiếu thấu đáo.
Chẳng riêng gì ở Việt Nam, mà mỗi quốc gia trên thế giới lại đang có những câu chuyện riêng về tham nhũng y tế. Theo kết quả khảo sát năm 2013 của Ủy ban châu Âu, tỷ lệ bệnh nhân đưa tiền cho bác sĩ ở Rumani là 28%, ở Lithuania là 21%, ở Ba Lan là 15%, chung cho cả khối EU là 5%.
Một trong những lý do giải thích cho tỷ lệ bệnh nhân hối lộ bác sĩ, là chế độ tiền lương không thỏa đáng. Theo số liệu năm 2011 của Liên đoàn bác sĩ châu Âu, lương tháng trung bình của bác sĩ ở Rumani là 523 €, Lithuania là 1.154 €, Ba Lan là 972 €, các nước giàu có khác ở châu Âu khoảng 5.000 €. Sẽ chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi 7.000 bác sĩ của Rumani, thì có tới hơn 2.000 bỏ việc để tìm đến những quốc gia có thu nhập cao hơn gấp 10 lần, số ở lại đành chấp nhận tiền hối lộ.
Đối với bệnh nhân, khi hệ thống y tế không đảm bảo chăm sóc tốt nhất, thì việc "hối lộ" bác sĩ là một giải pháp bệnh nhân tự giúp đỡ mình để có được sự chăm sóc cần thiết. Thực tế không ít người bệnh nhận ra logic trong vấn đề viện phí và thù lao cho bác sĩ, nên họ đã trả thêm một khoản tiền ngoài viện phí.
Phong bì đưa trước, trong, hay sau quá trình điều trị thì vẫn cứ là phong bì tiền. Nhưng ở nhiều nơi đang tồn tại thực trạng này, việc nhận phong bì khi chưa điều trị xong sẽ được coi như hành vi hối lộ; nhưng sau điều trị thì được coi là “quà tặng”. Hối lộ hay quà tặng - ranh giới là rất mong manh, quy định của pháp luật cũng rất mơ hồ.
Viliam Fischer là ứng cử viên tổng thống Slovakia, ông cũng là một giáo sư tiến sĩ tim mạch nổi tiếng nhất đất nước này. Tháng 2/2015, một bệnh nhân muốn được Fischer mổ đã phải hối lộ 3.000 $ tiền mặt và số lượng lớn gia cầm. Bệnh nhân tử vong nên gia đình đã kiện ông ra tòa.
Tiến sĩ Valdis Zatlers, một chuyên gia phẫu thuật chỉnh hình, khi lên làm tổng thống Latvia, đã thừa nhận trong quá trình làm bác sĩ luôn nhận một khoản “thanh toán tình nghĩa” của bệnh nhân. Câu chuyện của tiến sĩ Zatlers đã gây ra cuộc tranh cãi lớn, tổ chức Minh bạch Quốc tế cũng phải vào cuộc, nhưng cuối cùng tòa án tuyên ông không có tội.
Câu chuyện của nữ bác sĩ Bệnh viện K, của ứng viên tổng thống Fischer, của tổng thống Zatlers, cùng những con số thống kê trên đã phần nào phản ánh sự thất bại của cả hệ thống y tế đang nỗ lực chống lại việc bệnh nhân phải hối lộ bác sĩ. Đó cũng chính là những ví dụ điển hình về hiện tượng “chợ đen dịch vụ y tế”, nó diễn ra một cách có hệ thống, là di sản của thời kỳ bao cấp xuất hiện không chỉ ở Việt Nam, mà còn gặp ở Trung và Đông Âu, những quốc gia từng trải qua thời kỳ bao cấp. Ý thức hệ bao cấp còn sót lại đã tạo ra nền y tế công lập luôn quá tải, không đáp ứng được nhu cầu bệnh nhân muốn được chăm sóc kịp thời nên họ phải chấp nhận bỏ tiền ra hối lộ bác sĩ; đời sống nhân viên y tế không đảm bảo nên họ phải chấp nhận thanh toán thêm khoản tiền dưới ngăn bàn để bù vào công sức lao động nhọc nhằn.
Trong khi đó, mới đây, Estonia không phải là quốc gia giàu có của khối EU, nhưng được ca ngợi là quốc gia có chỉ số minh bạch y tế rất cao, nên một vị giám đốc bệnh viện vừa bị đuổi việc vì nhận của bệnh nhân 362 $ và một chai rượu Cognac.
Tổng thống Zatlers chỉ bị điều tra sau khi ông thừa nhận, tiến sĩ Fischer chỉ phải ra tòa khi bệnh nhân của ông tử vong, nữ bác sĩ Bệnh viện K chỉ gặp rắc rối khi bị ai đó quay video tung lên mạng... còn lại thì “chợ đen dịch vụ y tế” vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ bởi ý thức hệ bao cấp vẫn còn đang đeo đẳng ở những quốc gia ấy, trong đó có Việt Nam.
Tại sao ở bệnh viện tư rất hiếm khi có chuyện phong bì cho bác sĩ? Tôi nghĩ câu trả lời đã có sẵn trong mỗi người.
(VnExpress)
Ơn đảng ơn bác
Trả lờiXóaXin thưa, không phải nhân viên Y tế nào cũng muốn nhận phong bì đâu. Đừng đổ thừa cho xã hội. Nhận hay không là do mỗi người. Ông muốn nhận phong bì thì cứ âm thầm mà nhận, đừng phân trần. "Nội dung" phong bì, cho dù là ít hay nhiều, trước hay sau, đều chẳng ra sao cả. Thử hỏi có bao nhiêu phần trăm người dân hiểu được "tại sao bệnh viện tư rất hiếm khi nhận phong bì"? Lương cao/thu nhập cao nên không thèm nhận phong bì ư? không hẳn như vậy đâu.
Trả lờiXóa