Thứ Hai, 20 tháng 6, 2016

Chuyện ít biết về vị Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên

Chuyện ít biết về vị Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên
Thứ Sáu, 17/06/2016 - Nhiều người luôn nghĩ ông Phan Anh là Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên trong chính thể của chúng ta, sau đó là ông Võ Nguyên Giáp. Nhưng thật ra, vị Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên là một nhân vật rất đặc biệt - Chu Văn Tấn!

Thượng tướng Chu Văn Tấn (người đứng hàng sau cùng, thứ 3 từ phải) cùng Cụ Hồ, Bác Tôn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh… tại Chiến khu Việt Bắc.

Từ một tình bạn chân thành

Cụ Trần Tử Bình cha tôi mất sớm khi chúng tôi chưa trưởng thành nhưng lục tìm trong bút tích của cụ để lại, chúng tôi biết giữa 2 cụ có một tình bạn rất đẹp.

Cuối năm 1940, cha tôi là Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam. Sau thất bại của Khởi nghĩa Bắc Sơn, Hà Nam nhận được chỉ thị của Trung ương: tổ chức các hoạt động hưởng ứng sự kiện này. Ông đã cùng các đảng viên của tỉnh vận động lính khố xanh ở đồn Phủ Lý làm binh biến. Kế hoạch được vạch ra: sẽ cắt đứt cầu Phủ Lý, làm gián đoạn giao thông đường sắt và đường bộ Bắc – Nam, đánh chiếm Tỉnh đường... Nhưng vì nhiều lí do mà vụ việc này không thành và từ đó, cha tôi có một tình cảm trân trọng với Chu Văn Tấn, tuy chưa hề gặp mặt.

Tháng 3/1945, sau khi cùng anh em tù chính trị tổ chức cuộc vượt ngục Hỏa Lò cho gần 150 người, cha tôi được cử về Chiến khu Quang Trung (Ninh Bình) rồi đươc triệu tập lên họp Hội nghị Quân sự Bắc Kỳ lần thứ nhất (15/4/1945) tại Hiệp Hòa, Bắc Giang. Tại đây, 2 cụ gặp nhau lần đầu nhưng quấn lấy nhau như quen biết đã từ lâu. Sau đó, người được lên Việt Bắc, người về xuôi chuẩn bị Tổng khởi nghĩa.

Sau ngày Cụ Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, cha tôi và cụ Trương Vân Lĩnh được giao nhiệm vụ tiếp quản Trường Quân chính Kháng Nhật từ cụ Hoàng Văn Thái, gấp rút đào tạo cán bộ quân chính cho nước Việt Nam mới. Trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng trong Chính phủ Lâm thời, cụ Tấn luôn có những bàn bạc, chỉ đạo, giúp đỡ nhà trường trong những ngày đầu thiếu thốn trăm bề.

Đầu năm 1948, sau thắng lợi của Chiến dịch Thu Đông 1947, quân dân ta bẻ gãy 2 gọng kìm của Pháp tấn công lên Chiến khu Việt Bắc, Cụ Hồ kí quyết định tấn phong hàm thiếu tướng cho 9 cán bộ cao cấp cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trung tướng Nguyễn Bình. Hai cụ có tên trong danh sách 9 thiếu tướng.

Năm 1950, trong quân đội nổi cộm vụ Cục trưởng Quân nhu Trần Dụ Châu cùng đồng bọn tham nhũng có hệ thống, gây tổn thất xương máu cho bộ đội và gây mất niềm tin trong nhân dân. Bác chỉ thị: phải xét xử nghiêm minh! Chánh án Chu Văn Tấn và Công cáo ủy viên Trần Tử Bình đã tham gia tố tụng. Trần Dụ Châu lĩnh án tử hình.

Thời gian cha tôi nhận nhiệm vụ đưa Trường Lục quân Việt Nam sang Trung Quốc tiếp tục đào tạo thì con em cán bộ cao cấp cũng được đưa sang Quế Lâm, học ở Trường Thiếu nhi Việt Nam. Anh Chu Thành (con cụ Chu Văn Tấn) cùng con các bạn chiến đấu (Hoàng Văn Thái, Nguyễn Văn Sỹ, Nguyễn Văn Trân...) thường được cha tôi đón về trường những ngày cuối tuần. Anh Chu Thành nhớ lại: “Mỗi lần được cụ cho xe đón về trường, chúng mình được ăn ngon. Mỗi đứa còn được cụ cho một quả táo, cắn thơm cả miệng. Sướng lắm...”.

Những năm 60 thế kỷ trước, cụ Tấn về phụ trách Khu tự trị Việt Bắc; còn cha tôi nhận nhiệm vụ Đại sứ ở Trung Quốc. Biết bạn mình suốt ngày dong duổi trên đường, lo củng cố, xây dựng một địa bàn rộng lớn, làm căn cứ địa cho cả nước; cha tôi đã nhờ đại diện Đảng cộng sản Nhật ở Bắc Kinh mua giúp chiếc đài bán dẫn Sony chạy pin và gửi về ngay cho bạn. Có chiếc đài này, đi đến đâu, cụ Tấn cũng nắm bắt được tình hình thời sự qua Đài Tiếng nói Việt Nam. (Ngày ấy, chiếc đài Sony là một tài sản rất lớn nhưng qua đó cho thấy: tình bạn của họ còn lớn hơn rất nhiều!).

... Từ tình cảm đó, chúng tôi cố gắng tìm đọc, tìm gặp các nhân chứng lịch sử từng sống và làm việc với cụ.

Đi tìm cội nguồn của cái tên “Hùm xám Bắc Sơn”

Nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh của cụ (22/5/1910 – 22/5/2010), Tổng cục Chính trị, Bộ tư lệnh Quân khu 1, Hội Khoa học Lịch sử, Ban Liên lạc Chiến sĩ Việt Bắc và gia đình đã tổ chức Lễ tưởng niệm Thượng tướng Chu Văn Tấn tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Gia đình tôi được mời dự. Tại đây, được nghe những tham luận rất thú vị của người cùng thời về cuộc đời cụ.

... Ngày 22/9/1940, quân Nhật tấn công vào Lạng Sơn. Quân Pháp hoảng loạn đã tháo chạy qua châu Bắc Sơn (ngày đó bao gồm cả Võ Nhai). Lợi dụng thời cơ này, Chu Văn Tấn chỉ huy nhóm đồng bào dân tộc cướp súng của tàn quân tại đèo Tam Canh. Năm hôm sau, ngày 27/9, thấy thời cơ đã đến, Đảng bộ Bắc Sơn đã phát động quần chúng nổi dậy, tấn công đồn Mỏ Nhài, giải tán chính quyền địch, xây dựng chính quyền cách mạng.

Làm chủ huyện lỵ Bắc Sơn được gần một tháng nhưng sau đó Nhật thỏa hiệp với Pháp. Ngày 25/10/1940, chúng quay lại đàn áp, dồn dân vào thung lũng Tràng Xá (rộng chỉ 1,3 cây số vuông) rồi tàn sát, đốt phá, cướp bóc tài sản. Đến 28/10/1940, quân Pháp chiếm lại đồn Mỏ Nhài. Khởi nghĩa Bắc Sơn coi như bị dập tắt. Không chịu khuất phục, lực lượng còn lại rút vào rừng, tổ chức thành Đội du kích Bắc Sơn.

Hội nghị Trung ương 7 tại làng Đình Bảng, Bắc Ninh tháng 11/1940 đã thống nhất: Phát huy truyền thống Khởi nghĩa Bắc Sơn, tiếp tục duy trì Đội Du kích Bắc Sơn (sau là Cứu quốc quân 1). Phụ trách chung giao cho Phùng Chí Kiên, chỉ huy trưởng – Lương Văn Tri, chỉ huy phó – Chu Văn Tấn.

Ngay sau đó, Chu Văn Tấn nhận nhiệm vụ đưa “thượng cấp” Trần Đăng Ninh, Hoàng Quốc Việt, Trường Chinh từ Võ Nhai lên đến Pắc Bó. Chuyến đi gian nan nhưng tới đích an toàn. Tháng 4/1941, sau khi về nước, Bác Hồ triệu tập Hội nghị Trung ương 8 tại Pắc Bó.

Cuối tháng 6/1941, 4.000 quân Pháp cùng lính khố xanh, khố đỏ mở cuộc càn quét lớn vào Bắc Sơn hòng tiêu diệt cơ quan đầu não của Việt Minh. Ban chỉ huy Cứu quốc quân họp khẩn cấp tại Khuổi Nọi (xã Vũ Lễ), hạ quyết tâm chiến đấu, bảo vệ cán bộ.

Đội Cứu quốc quân 1 chiến đấu anh dũng, phá một số trận càn lớn. Do chênh lệch lực lượng, Ban lãnh đạo Căn cứ Bắc Sơn -Võ Nhai quyết định để lại 1 tiểu đội chặn địch, còn 2 tiểu đội phá vòng vây, rút lên Cao Bằng.

Ngày 19/8/1941, cánh quân của Phùng Chí Kiên và Lương Văn Tri qua Pò Kép (châu Na Rì, Bắc Kạn) bị phục kích. Ngày 21/8, đơn vị lại bị phục kích tại xã Bằng Đức trên đường đi Cao Bằng. Lương Văn Tri bị thương rồi hy sinh.

Phùng Chí Kiên dù bị thương nặng, vẫn anh dũng ở lại bắn chặn đối phương đến viên đạn cuối cùng. Ông bị bắt. Ngày 22/8/1941, chúng chặt đầu ông rồi đem bêu ở đầu cầu Ngân Sơn.

Giặc Pháp điên cuồng vì Chu Văn Tấn viên chỉ huy Cứu quốc quân 1 vẫn còn sống. Chúng ghét cay ghét đắng, gọi ông là “Con hùm xám Bắc Sơn” và quyết tìm diệt.


Thượng tướng Chu Văn Tấn.

30 năm sau mới được diện kiến

... Gérald Guillaume - đảng viên Cộng sản Pháp, đạo diễn điện ảnh. Thời gian, (1967- 1968), ông sang Việt Nam làm bộ phim tài liệu “Hồ Chí Minh – chân dung một lãnh tụ”. Sau khi làm xong kịch bản và quay những thước phim nhựa tư liệu về Cụ Hồ, ông đề đạt với Bác nguyện vọng làm thêm bộ phim về một nhân vật lãnh đạo khác “nhưng phải rất Việt Nam”. Nghe xong, Bác vui vẻ nói:

- Được thôi, đồng chí Vũ Kỳ sẽ lo thủ tục đưa đoàn lên Việt Bắc, làm phim về “Hùm xám Bắc Sơn”!

- Thưa Chủ tịch, “Hùm xám Bắc Sơn” là ai vậy?

- Đồng chí cứ đi, gặp và tìm hiểu sẽ biết con người này!

Vậy là nữ đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng được tháp tùng đạo diễn Gérald Guillaume lên Thái Nguyên. Tới Bộ tư lệnh Quân khu 1, đoàn được Thượng tướng Chu Văn Tấn tiếp đón thịnh tình. Sau đó đích thân ông đưa về phỏng vấn và thực hiện quay tại Phú Thượng quê ông, rồi dẫn đi lấy tư liệu ở các địa danh lịch sử mà Đội Du kích Bắc Sơn từng chiến đấu.

Sau khi trở về Hà Nội, Gérald Guillaume tâm sự: “Ông Chu Văn Tấn là một con người vĩ đại theo đúng nghĩa của từ này!”. Sau này, phim “Hùm xám Bắc Sơn” được chiếu rộng rãi tại các trung tâm huấn luyện quân sự và các trường quân sự tại Pháp.

Vậy là phải 30 năm sau, những sĩ quan Pháp mới biết được chân dung “Con hùm xám” từng làm cho họ mất ăn, mất ngủ một thời!

Vị Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên 

Sau thắng lợi của Tổng khởi nghĩa 19/8/1945, Cụ Hồ từ Tân Trào về Hà Nội. Sau đúng 10 ngày, vào 28/8/1945, Chính phủ Lâm thời Việt Nam DCCH được thành lập và trong danh sách 15 vị bộ trưởng có tên: Chu Văn Tấn – Bộ trưởng Quốc phòng.

Cùng nhắc lại trích ngang: Chu Văn Tấn người dân tộc Nùng, sinh năm 1910, ở Phú Thượng, Võ Nhai. Tốt nghiệp tiểu học ở Thái Nguyên năm 1927, từng đi dạy học ở Bắc Hà. Thời gian (1931-1932), làm nhân viên địa chính và cai quản lính dõng (châu đoàn) cho Pháp, được giác ngộ cách mạng ông vận động công nhân, phu phen chống áp bức, chống sưu cao thuế nặng.

Năm 1936, ông được kết nạp Đảng. Tháng 2/1941, là Xứ ủy viên Bắc kỳ, ông tham gia chỉ huy Đội Cứu quốc quân 1. Tháng 9/1941, là trung đội trưởng Cứu quốc quân 2. Tháng 8/1945, tham gia Ban lãnh đạo Tổng khởi nghĩa. Là Bộ trưởng Quốc phòng đến 2/3/1946.

Năm 1948, ông làm Khu trưởng Khu 4 rồi Chiến khu 1, Bí thư khu ủy. Đầu năm đó, ông được phong quân hàm thiếu tướng cùng với 10 tướng lĩnh khác. Từ năm 1949 đến năm 1954, ông làm Khu trưởng, Bí thư khu ủy Liên khu Việt Bắc, Chánh án Tòa án Quân sự, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Liên khu Việt Bắc. Ngày 31/8/1959, được phong vượt cấp lên thượng tướng cùng ông Văn Tiến Dũng...

Là Phó Chủ tịch Quốc hội từ 1976 cho đến khi nghỉ hưu.

Vỹ thanh

Lên Bắc Sơn vào dịp 27/9 hàng năm, thấy cờ quạt giăng khắp lối, bà con ăn mặc quần áo mới và vẻ mặt ai cũng hân hoan như đón Tết: “Chúng tôi ăn mừng Khởi nghĩa Bắc Sơn đấy, chú ạ!”.

Cho tới giờ, nhân dân ở Căn cứ địa Việt Bắc vẫn còn lưu truyền câu chuyện: Trước ngày diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bác cho gọi các ông Võ Nguyên Giáp, Chu Văn Tấn và Phạm Văn Đồng lên giao nhiệm vụ. Bác nói đại ý: Chú Giáp là tướng chiến trường - “Tướng quân tại ngoại”, đi chiến dịch lần này được thay tôi ra mọi quyết định. Chắc thắng mới đánh! Chú Tấn ở lại giữ Chiến khu – đầu não của Trung ương Đảng và Chính phủ; nếu để mất Chiến khu là mất hết. Còn chú Đồng có nhiệm vụ đi vận động nhân dân Khu 3, Khu 4 góp nhân tài, vật lực cho tiền tuyến...”.

Có một điều, không hẳn ai cũng biết, dân Việt Bắc luôn tự hào, rằng thời gian là Chủ tịch Khu tự trị, cụ Tấn đã động viên được hàng vạn thanh niên 6 tỉnh tình nguyện lao động xây dựng con đường huyết mạch mang tên “Con đường Hạnh Phúc” dài 100 km, từ Hà Giang, lên Đồng Văn, Mèo Vạc; mà ngày xưa, lên đến Cổng trời chỉ có một con đường hẹp, chênh vênh, chỉ cho đúng một con ngựa đi lọt.

Cũng chính ông là người chỉ đạo và chủ trì xây dựng Đài Phát thanh Việt Bắc phát bằng các thứ tiếng Kinh, Tày, Nùng, Dao, H’Mông; rồi xây dựng hệ thống các trường trung học, cao đẳng, đại học; các trường, lớp dân tộc nội trú, thiếu nhi vùng cao. Đồng thời, ông cũng là người chủ trì xây dựng bộ chữ Tày, Nùng cho bà con dân tộc. Có thể nói trong chính sách dân tộc ở Việt Bắc, Chu Văn Tấn có những đóng góp đặc biệt.

Trong một lần gặp gỡ, anh Chu Thành đã tâm sự với tác giả bài viết: “Nhân kỉ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2014), ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - đã đến thăm gia đình và thắp hương cho cha tôi, vị Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên. Đó là một kỉ niệm khó quên với gia đình”.

Đây chính là những gì muốn ghi lại về một con người đáng kính, dám xả thân vì nước, vì dân!

Trần Kiến Quốc

http://daidoanket.vn/chuyen-de/chuyen-it-biet-ve-vi-bo-truong-quoc-phong-dau-tien/106565

1 nhận xét: