Thứ Tư, 22 tháng 6, 2016

Cái vỗ vai của Thủ tướng

Cái vỗ vai của Thủ tướng
21/06/2016 - Buổi sáng một ngày giữa tháng 7/1995, tôi ra đường trong tâm trạng háo hức. Ở các quán nước vỉa hè và cà phê trên đường Nguyễn Du, đám phóng viên bàn tán về việc Bill Clinton vừa tuyên bố bình thường hoá quan hệ với Việt Nam và Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt sẽ phát biểu hoan nghênh, sắp được phát trên truyền hình.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt và tác giả. Ảnh: Trung Hiếu
Chúng tôi đã sống quá lâu trong bối cảnh khó khăn và thiếu thốn nhiều mặt. Từ năm 1989, Việt Nam rút quân ra khỏi Campuchia và đẩy mạnh hợp tác với Mỹ trong giải quyết vấn đề lính Mỹ mất tích, tìm kiếm, cất bốc hài cốt lính Mỹ chết trong chiến tranh tại Việt Nam (POW/MIA).

Đây là hai vấn đề lớn nhất trong tiến trình bình thường hoá và còn bao việc liên quan khác nữa. Khó khăn sẽ còn kéo dài nếu không thoát khỏi tình trạng bị cô lập. Đầu thập kỷ 90, có những dấu hiệu lớn cải thiện. Từ đầu năm 1995, Hoa Kỳ mở văn phòng tại Hà Nội và Việt Nam trở thành quan sát viên của ASEAN.

Ngồi trong quán cafe chờ, rồi sự kiện đã diễn ra như mong đợi. Ti vi phát đoạn băng Bill Clinton tuyên bố, rồi Võ Văn Kiệt phát biểu đáp lại. Cả hai khuôn mặt đều thanh thản, giọng nói cởi mở đề cập đến nội dung khép lại quá khứ, hướng tới tương lai và quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao bình thường giữa hai nước. Bây giờ, nhiều người khó hình dung được hết tâm trạng của chúng tôi hồi đó. Chúng tôi đã lớn lên và trưởng thành trong tâm thế chung là "căm thù đế quốc Mỹ", là "chiến đấu đến giọt máu cuối cùng, tiêu diệt đến tên lính Mỹ cuối cùng" trong những năm dài chiến tranh. Sau 1975, phải mất hai mươi năm để thay đổi cách nhìn những cựu binh Mỹ ngày xưa xâm lược, nay đến đây để hàn gắn. Là nhà văn trẻ, tôi đã nghe những nhà văn cựu binh, mở đầu là Lê Lựu, đi thăm nước Mỹ về kể chuyện, hay tiếp xúc với các nhà văn cựu binh Mỹ như Kevin Bowen và các thành viên Trung tâm Williams Joiner sang gặp gỡ ở Hội Nhà văn. Ban đầu nghe Lê Lựu, trong bụng còn lẩm bẩm: "Xơi lắm bơ thừa sữa cặn mà về khoe", rồi dần dần thấy có lý khi cho rằng phải gác thù xưa để thành bạn mà vượt ra khỏi đói nghèo.

Cuối năm 1994, tôi đã có cuộc tiếp xúc và phỏng vấn Thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai. Ông là người có công lớn trong việc thiết lập mối bang giao với Mỹ với một thông điệp nổi tiếng, rất ấn tượng, mà cả thế giới biết đến: "Việt Nam là một đất nước chứ không phải là một cuộc chiến tranh". Sau này, người ta gọi ông là "Kiến trúc sư trưởng của quan hệ Việt - Mỹ". Rất tiếc, năm 1996, ông qua đời sau một cơn đau tim, ngay trước thềm Đại hội Đảng 8, mà ông là Uỷ viên Trung ương trong danh sách tái cử, đã được dự kiến nhận trọng trách lớn hơn. Trong câu chuyện, nhà ngoại giao kể về chặng đường gian nan hướng đến bình thường hoá quan hệ với Mỹ, nhiều lần đề cập đến vai trò của Võ Văn Kiệt, Nguyễn Cơ Thạch cùng nhiều tên tuổi nữa. Ông Lê Mai phân tích rất sâu sắc về tầm quan trọng phải quan hệ với Mỹ, tham gia các tổ chức quốc tế và băn khoăn rằng sẽ còn phải vượt qua không biết là bao nhiêu trở ngại và thời gian nữa để tiến tới được mục tiêu này.

Vậy mà đã thành hiện thực. Tất cả đều phấn khởi. Mọi người bình luận rôm rả từ giọng nói, tư thế, phong cách với tình cảm yêu mến, tự hào về vị Thủ tướng của mình vừa đáp lời Tổng thống Mỹ trên truyền hình. Những chén rượu trắng, ai sang hơn thì làm chai bia, chạm cốc cùng chúc mừng nhau trong bữa trưa đạm bạc...Đầu giờ chiều, tôi đến NXB CAND, nơi làm việc chính của mình. Trong phòng khách, mọi người đang xúm lại bình luận về sự kiện, về tư thế và vẻ đẹp đĩnh đạc của Võ Văn Kiệt khi lên truyền hình. Vừa nhìn thấy tôi, chị Phương trực điện thoại la toáng lên: "Thằng Phong đây rồi, chị vừa báo cáo với anh Thẩm (Giám đốc NXB), có khi phải bảo người đi tìm mày đấy". "Có việc gì quan trọng thế chị?".


Chị Phương nói trong khi mọi người đổ dồn lại nhìn tôi: "Có thư ký của Thủ tướng gọi điện xuống xin gặp em. Chị bảo chưa thấy em đến. Ông ấy đề nghị cơ quan báo gấp cho em là chiều nay 5 giờ lên gặp Thủ tướng. Ông ấy sẽ đón em ở cổng Bách Thảo để dẫn em vào gặp Thủ tướng!". Nhiều người hỏi dồn: "Có chuyện gì đấy? Làm gì mà Thủ tướng gọi lên thế?". Tôi trả lời: "Thôi, để sau, tôi phải đi ngay đã".Tôi chạy sang Báo Văn nghệ, nơi tôi hay cộng tác để tìm Nguyễn Quang Lập. Lập đang được anh Hữu Thỉnh, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Báo Văn nghệ, giao chuẩn bị đề cương và lo bài vở để cho ra tờ Văn nghệ trẻ. Bước vào cổng, cũng lại thấy mọi người đang tụ tập bàn tán. Chị Trinh, Trưởng phòng Trị sự reo lên: "Phong đây rồi. Thủ tướng gọi em lên, năm giờ chiều đấy!". Tôi trả lời: "Em biết rồi. Đang tìm thằng Lập". "Nó với Nguyễn Quang Thiều trên gác ấy" - Chị Trinh bảo rồi cùng mọi người tò mò nhìn theo bước chân tôi đi lên gác...

Vì sao có chuyện Thủ tướng cho người gọi tôi như vậy? Tôi nhớ lại:

Vào dịp kỷ niệm 50 năm thành lập QĐND, 12/1994, khi đó tôi đang kiêm nhiệm thêm chức Thư ký toà soạn tờ tuần báo Thanh Niên Thời Đại. Nhà báo Triệu Phong và tôi có được nghe một người bạn học với Phan Chí Dũng, con trai đầu của Thủ tướng, hồi học trường miền Nam ở ngoài Bắc, kể chuyện. Anh Dũng đã hy sinh ở chiến trường năm 1972. Ông Kiệt (gọi thân thiết là chú Sáu Dân) mới nhắn cho cả đám bạn ngày ấy của đứa con trai đã hy sinh hơn hai chục năm trước, đến chơi. Ông bảo là muốn nghe các cháu kể chuyện ngày cùng sống với Dũng ngoài Bắc. Nghe hết lượt xong, ông hỏi nhỏ: "Hồi ở Bắc, nó có thương đứa con gái nào không? Tụi bây cho chú biết để chú tìm và nói chuyện!". Ai cũng rưng rưng trước câu hỏi ấy vì biết Dũng đã kịp thương ai đâu? Anh Triệu Phong đã khởi thảo bài báo viết về tình cảm cha con này, rồi bảo: "Cậu là nhà văn, thể hiện chắc hay hơn tôi". Tôi hoàn thiện bài báo rồi cho in trên số đặc san cuối năm. In ra xong, tôi có dịp gặp Thủ tướng ở nhà khách Thuỷ điện Hoà Bình buổi chiều trước Lễ khánh thành. Tôi đưa cho ông cuốn đặc san. Ông cầm và nói: "Chú đã đọc bài nầy và nhớ thằng Dũng nhiều. Nếu biết tụi bây viết thì chú sẽ kể cho nghe nhiều chuyện của Dũng ngày sống ở chiến trường". Tôi khẽ khàng thưa: "Dạ, khi nào có điều kiện chú kể cho cháu nghe nhé". Ông đáp "Ờ!", cười thật hiền từ.

Vào tháng 6/1995, nhớ tới câu "Ờ!" này, tôi gửi ông bức thư ngắn, thư riêng cá nhân, viết tay, đề nghị ông cho gặp, kể cho tôi nghe tiếp câu chuyện. Trong thư tôi nói mình đã thôi không làm ở tờ báo Thanh Niên Thời Đại, nếu được xin ông cho gọi tôi theo số máy ở NXB CAND hoặc Báo Văn nghệ (Hồi đó chưa có điện thoại di động). Bỏ thư vào thùng bưu điện xong, bao việc cuốn tôi đi, và cũng có lúc chợt nghĩ, giữa bao nhiêu vấn đề cấp bách của Thủ tướng, một lá thư tay của mình, chắc gì?

Vậy mà ngay sau một sự kiện lớn, trong khi mọi người đang hướng mọi bình luận và tình cảm về ông, thì ông lại nhớ tới bức thư của tôi.

Ngồi với Nguyễn Quang Lập, Lập bảo: "Nhân dịp này, mày phỏng vấn Thủ tướng mấy câu về hy vọng lớp nhà văn trẻ cho số ra mắt Văn nghệ trẻ luôn nhé. Phải chụp vài cái ảnh. Qua Báo Văn hoá gọi thêm phóng viên ảnh đi cùng!". Ngày đó, sau khi thôi làm ở Thanh Niên Thời Đại, tôi nhận lời lập tổ cố vấn do tôi làm tổ trưởng cùng Nguyễn Quang Lập, Lương Quang Lộc, giúp anh Phí Văn Tường, Tổng biên tập tờ Văn hoá. Vậy là tôi qua gọi Trung Hiếu, phóng viên ảnh Báo Văn hoá đi cùng.

Vào gặp Thủ tướng, không phải trong phòng làm việc, mà ngoài vườn cây, nơi sân tennis. Ông đang cầm vợt chơi trên sân. Trong sân và ngoài sân là các bộ trưởng, thứ trưởng. Có mấy người tôi đã từng tiếp xúc như Hà Quang Dự, Đoàn Mạnh Giao, Lê Quang Thung... Thư ký đưa chúng tôi đến, ông trao ngay vợt cho người khác rồi dẫn tôi ra ngồi ở cái ghế đá dưới gốc cây gần đấy!

Tôi chúc mừng ông về sự kiện, nói cho ông nghe những cảnh tượng cụ thể mọi người hoan hỉ, mừng vui và bình phẩm về phát biểu của ông mà mình mới chứng kiến. Ông cười cởi mở, đưa ra ý kiến bình luận, rồi ông kể, có một ông nông dân ở Đồng Nai gọi điện ra văn phòng Thủ tướng, muốn trực tiếp nói chuyện chúc mừng với Thủ tướng. Lúc đó ông đang trên đường về văn phòng. Đầu giờ chiều, theo số điện thoại thư ký ghi lại, ông đã gọi để trò chuyện với ông nông dân này. Ông hào hứng kể lại nội dung cuộc trò chuyện. Tôi bảo, đây là một hình ảnh thật đẹp về mối quan hệ, chia sẻ giữa người dân và lãnh đạo đất nước. Rồi tiếp mạch câu chuyện, ông nói sang những bài ca mang tinh thần phản chiến của Trịnh Công Sơn, thơ Nguyễn Duy, ông nói về văn của Nguyễn Quang Sáng. Tôi biết hồi còn lãnh đạo ở Sài Gòn, ông rất thân thiết với giới văn nghệ sỹ. Chính ông cũng có chất nghệ sỹ, say mê chụp ảnh. Ba tên tuổi ông vừa nhắc đến là những người mà ông coi như bạn, thường nhắn gọi đến khi có dịp ngồi uống và trò chuyện. Nhớ tới nhiệm vụ Nguyễn Quang Lập giao, tôi hỏi ông có đọc các tác giả trẻ không và đọc ai. Ông nói ngay tới Phan Thị Vàng Anh, bảo là con gái anh Chế Lan Viên, rồi ông nhắc đến mấy nhà văn trẻ nữa như Phan Triều Hải, Nguyễn Thị Thu Huệ... Tôi hỏi, theo ông thì lớp nhà văn trẻ của ta cần phải có thêm phẩm chất gì để sáng tác hay hơn. "Lớp trẻ phải có cái nhìn tương lai" - Ông nói và phân tích. Tôi nghĩ trong đầu, thế là quá ổn rồi, cho nhiệm vụ của tôi. Câu nói trên chính là đầu đề bài phỏng vấn Thủ tướng trong số ra mắt Văn nghệ trẻ, 9/1995.


Tôi nhắc câu chuyện về Phan Chí Dũng. Ông kể, Dũng là con đầu của ông. Vợ ông mang bầu Dũng trong khi ông vượt đường dài ra Việt Bắc dự Đại hội 2. Sau Đại hội, ông còn được giữ lại một thời gian để học tập và công tác. Dũng sinh cuối năm 1951. Ông nói: "Kế Dũng là em trai Thanh Nam, sinh ngoài Bắc (1952), rồi cô em gái Hiếu Dân (1955), và chú còn hai người con nữa là Ánh Hồng với Chí Tâm". Cô con gái Ánh Hồng (1958) và người con trai út Chí Tâm mới mấy tháng tuổi, sinh ra ông chưa được gặp mặt, đã chết cùng vợ ông, cùng bà mẹ cơ sở và bao người dân trên chuyến tàu đò Thuận Phong đoạn sông Sài Gòn hướng lên Củ Chi trong một cơn cuồng nộ xả súng trong chiến dịch càn quét của trực thăng Mỹ đầu năm 1966. Ông ngồi kể cho tôi nghe trong miên man đau đớn và thương nhớ. Ông nhắc những kỷ niệm về người vợ miền Nam bằng giọng nói da diết, có cả âm sắc nghẹn ngào. Ông kể về người con trai đầu với giọng tự hào, như thấy ở người con đó khí phách và tâm tính mình. Sau khi biết tin mẹ và hai em chết vì bị giặc giết, Dũng đã tìm mọi cách xin về miền Nam, vượt qua bao thử thách, rồi chiến đấu và hy sinh trong một trận đánh bảo vệ cán bộ ở chiến trường...

Chiều đã xuống xẫm đậm dưới những vòm cây. Mấy lần thư ký và lái xe đến nhắc, ông đều xua tay. Ông cứ trôi trong dòng ký ức về một thời đạn bom và mất mát. Bên tôi là một người đàn ông như bao người đàn ông Việt, đã mất vợ và ba đứa con yêu trong chiến tranh. Sau khi vợ và hai đứa con bị giặc giết, rồi người con cả hy sinh, gần hai mươi năm, hằng đêm ông vò võ một mình. Ông đã nhiều lần đến đứng bên khúc sông bi thảm, nhìn mãi vào mặt nước lặng lờ trôi xuôi. Ở đâu đó dưới đáy sông, thân xác vợ con ông vẫn còn nằm đấy mà nhiều lần mò tìm không thấy. Trong nghĩa trang chỉ có hài cốt người con cả, mộ vợ và hai đứa con sau của ông, chỉ là nắm đất lấy dưới lòng sông Sài Gòn mang lên. Đến tận khi đã ngoài sáu mươi tuổi (1984), ông mới gặp gỡ và tục huyền với bà Phan Lương Cầm, giáo sư, tiến sỹ, giảng viên Trường ĐHBK Hà Nội. Bà Cầm kể với tôi, trong căn nhà công vụ ở phố Phan Đình Phùng, nơi bà sống cùng ông giai đoạn ông làm Thủ tướng, vào những ngày giỗ, bà chu đáo chuẩn bị giúp ông hương khói và ông thường đứng yên lặng rất lâu trước ban thờ...

Tôi ngồi nghe ông như một đứa con nghe cha mình kể chuyện. Tôi chợt hiểu vì sao ông nhớ và cho gọi tôi lên. Vào cái ngày trọng đại, ông thay mặt đất nước tuyên bố gác lại quá khứ để hướng về tương lai dựng xây cũng là thời điểm ông càng nhớ đến những đau thương mất mát trong chiến tranh của mình và những người thân. Ông kể cho tôi chỉ là tự giãi bày và chia xẻ. Ngày mai, ông đã có lịch đi làm việc dài ngày tại các tỉnh phía Nam, lại lao vào lo quốc kế dân sinh..

* * *

Tôi đã có mấy bài báo và ghi chép công bố sau cuộc trò chuyện, được dư luận rất chú ý, tán đồng, bạn bè đồng nghiệp đánh giá tốt. Nhưng tiền hung hậu cát. Ngay khi vừa in xong là gặp rắc rối, nghe như chuyện "tày đình", "chết đến nơi rồi", nhưng đã dần chuyển sang êm xuôi, hanh thuận...

Buổi sáng sau cuộc gặp ông Kiệt, tôi đến toà soạn báo Văn hoá. Anh Văn Anh, Phó Tổng biên tập trực và Thư ký toà soạn Trần Đăng Khoa (Giờ là Tổng biên tập Báo Văn hoá, trùng tên nhà thơ thần đồng) đang làm số báo chào mừng sự kiện quan hệ bình thường Việt - Mỹ. Tôi kể phần đầu cuộc gặp. Anh Văn Anh và Khoa giục tôi viết ngay để kịp trình bày và đi nhà in. Tôi viết: "Thủ tướng Võ Văn Kiệt kể một chi tiết thú vị sau sự kiện bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ". Bài được xếp ngay trên đầu trang nhất. Báo ra, toà soạn Văn hoá hoan hỉ vì mình có thông tin "độc đáo" chào mừng sự kiện. Tôi cầm sang khoe với anh Hữu Thỉnh, rồi kể phần sau cuộc gặp. Hữu Thỉnh tay trái nắm vai tôi, tay phải đập nhẹ vào ngực tôi: "Quý quá, quý quá. Chú viết ngay cho anh cái ghi chép". Tôi về, cắm cúi viết bài ghi chép "Một người lính như muôn vàn người lính". Hôm sau, năm giờ sáng đưa vợ vào viện sinh thằng con trai thứ hai, bảy giờ vợ sinh, đón ngắm con xong, lại cầm bản thảo và bút ra ngồi ghế đá bệnh viện viết tiếp đến mười giờ xong, chạy qua photocopy ra mấy bản mang đến Văn nghệ nộp cho kịp trình bày báo rồi đi mua đồ ăn trưa mang vào cho vợ đẻ. Đầu giờ chiều, lên phòng hành chính viện gọi nhờ điện thoại hỏi, Hữu Thỉnh trả lời ngay: "Phong ơi, anh đang ngồi lặng đi đây này. Bài ghi chép xúc động quá. "Như muôn vàn người lính" nhé. Anh chỉ cắt ba chữ đầu cái tít em đặt thôi. Thật tuyệt vời! Đi nhà in rồi! Trang nhất số tuần này!”. Báo Văn nghệ ra vào thứ bảy, in xong và phát hành sớm từ trưa thứ tư. Chiều thứ ba, anh Văn Anh cho người đi tìm tôi, kéo tôi đến toà soạn Văn hoá để gặp Tổng biên tập. "Có việc. Căng lắm. Đến ngay bàn xem thế nào". Tôi đến, cùng anh và Khoa vào gặp Tổng biên tập. Anh Tường lo lắng, bảo: "Ban Cán sự đảng Bộ VH-TT yêu cầu giải trình và kiểm điểm vì đăng bài báo của ông trái với chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về tuyên truyền sự kiện này". Bình thường anh gọi tôi bằng "em" rất dịu dàng, giờ chuyển sang "ông". Anh Tường đưa tôi đọc tờ điểm báo của VPCP trình Thủ tướng, có gạch bút đỏ dưới hàng chữ: "Báo Văn hoá đăng bài "Thủ tướng Võ Văn Kiệt kể một chi tiết thú vị sau sự kiện bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ" của nhà báo Nguyễn Thành Phong đã đưa quan điểm trái với chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về tuyên truyền sự kiện bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ". Tôi vô cùng ngạc nhiên và bối rối. Thế nào là trái quan điểm nhỉ? Bàn thảo chán thì ra nhận định, vì vẫn gọi Mỹ là "tên đầu sỏ của chủ nghĩa đế quốc", vì nhấn mạnh "chúng ta đã chiến thắng", "buộc Mỹ phải công nhận và bình thường quan hệ với ta". 

Tổng biên tập Tường ngồi thừ ra, lẩm bẩm: "Làm sao bây giờ đây?". Tôi bỗng thấy phẫn uất, gắt to lên: "Chả làm sao cả! Tôi viết đúng như Thủ tướng nói, mà không phải chiến thắng thì sao ta lại vui mừng? "Tên đầu sỏ" là lời ông nông dân gọi, như dân ta đã gọi vậy, muốn gọi khác thì cần phải có thời gian. Trái quan điểm thì đấy là Thủ tướng trái. Mà tôi đã cẩn thận, tôi còn hỏi Thủ tướng: "Chú cho cháu đưa chuyện này lên báo nhé?". Thủ tướng bảo: "Được quá đi chớ!". Tất cả còn trong băng ghi âm đây này!". Anh Tường chống tay chồm lên bàn, cúi sang tôi, mặt bừng sáng: "Ông ghi âm hết cả à? Ghi cả câu hỏi đáp với Thủ tướng chứ?". Tôi đưa băng ghi âm ra, cả hội cùng nghe, rõ mồn một và thở phào: "Vậy thì ổn rồi!".

Trưa thứ tư, báo Văn nghệ phát hành. Mọi người xúm vào đọc bài ghi chép của tôi. Buổi chiều tôi sang Ban Văn nghệ, Đài Tiếng nói Việt Nam để nói xem có cho đọc bài ghi chép trên sóng phát thanh được không. Nhà thơ Trần Nhật Lam, Trưởng ban cùng các nhà thơ Trần Mạnh Thường, Nguyễn Bùi Vợi, Trần Phương Trà cùng chuyền tay tờ Văn nghệ. Trần Nhật Lam nói: "Phải cho phát ngay. Tối nay không kịp, vậy thì tối mai". Anh Trần Mạnh Thường nắm tay tôi: "Cậu còn giữ bản thảo photo nào không, đưa đây, coi như cậu gửi cho chúng tôi, vì phát ngày mai là trước ngày phát hành ghi trên báo Văn nghệ, hai nữa là còn trả cho cậu ít nhuận bút. Đọc từ báo thì không trả được". Tôi đưa ngay một bản photo bài ghi chép.

Cuối giờ sáng hôm sau, ngồi với Thiều và Lập ở báo Văn nghệ, gọi điện sang Đài, biết chắc là tối hôm đó bài ghi chép sẽ được phát trên sóng trong "Buổi phát thanh Văn nghệ" lúc tám giờ tối, tôi gọi điện lên thư ký để báo cho ông Kiệt có điều kiện thì nghe. Một gáo nước lạnh dội vào tôi. Vị thư ký nói: "Sao cậu lại đưa chuyện đời tư lãnh đạo lên báo, làm dân mất lòng tin là thế nào? Người ta đang hỏi tôi đây này". Tôi bảo: "Thủ tướng gặp và kể cho tôi nghe. Anh tổ chức cho tôi gặp, biết rõ còn gì?". Vị thư ký nói to hơn: "Không, không. Tôi không tổ chức cho cậu gặp Thủ tướng". Tôi ngao ngán chào rồi buông máy. Lạ nhỉ, mới mấy hôm trước còn niềm nở đón tôi vào, biết tôi ở NXB CAND, thì kể chuyện và khen công an đã tìm cho mình chiếc xe máy bị mất cắp cơ mà, giờ lại thế. Tôi ngẫm nghĩ và thấy vị thư ký nói có lý. Anh chỉ liên lạc và đón tôi vào gặp Thủ tướng, có khi còn không biết tôi gặp để làm gì thì đúng là "không tổ chức" rồi. Thế này thì nguy to, là chuyện lớn rồi. 

Tôi than thở với Thiều và Lập, rồi ngồi phân tích. Lập vẫn tỏ ra là tay tinh ranh, chỉ ra nguyên nhân. Lần đầu tiên, đời tư, vợ con lãnh đạo đương nhiệm được đưa lên báo, trong đó lại có chi tiết rất nhạy cảm, nhắc đến Thanh Nam, là con riêng của ông Kiệt có trong thời gian ra Việt Bắc. Tôi bảo: "Ông Kiệt nhắc tên Nam cũng như những người con khác của ông. Bây giờ may mắn là ông vẫn còn hai người con, Nam là con trai, Hiếu Dân là con gái, sau bao nhiêu đau khổ, mất mát trong chiến tranh". Thiều nhận định: "Người dân sẽ thêm tin yêu Thủ tướng khi đọc bài này. Mà Thủ tướng cũng sẽ không trách cứ gì về chuyện này. Ông ấy đang đi công tác dài ngày ở phía Nam, có khi chưa đọc gì cả. Bây giờ làm sao báo cho ông nghe được chương trình tối nay đã!".

Tôi chạy vào ĐHBK Hà Nội, may quá gặp được cô Phan Lương Cầm, đưa cho cô tờ Văn nghệ và nhờ cô nói với ông Kiệt. Cô Cầm đọc xong bài, bảo: "Cô sẽ nhắn cho chú tối nay nghe đài!".

Tôi ra về trong thắc thỏm. Nhưng đúng như Thiều đã phán, báo Văn nghệ nhận được nhiều thư bạn đọc bày tỏ sự tin yêu Thủ tướng Võ Văn Kiệt và cảm ơn báo đã cho họ biết thêm những thông tin về người họ tin yêu. Báo đăng thư bạn đọc. Nghệ sỹ Nhân dân Mạnh Linh, người từng đóng vai Lênin và Bác Hồ rất thành công trên sân khấu kịch nói còn viết, đề nghị các nhà văn, nhà viết kịch hãy đưa hình tượng Sáu Dân lên sân khấu và ông xin được thủ vai Sáu Dân vì ông tin với tình cảm tin yêu Thủ tướng và kinh nghiệm nghệ thuật của mình, ông sẽ thể hiện vai Sáu Dân thành công.

Mọi chuyện trôi qua trong yên ả... Một thời gian sau, tôi mới gặp lại ông Kiệt. Ông nói đã đọc và nghe bài ghi chép của tôi trên báo, đài. Ông kể ông nhận được nhiều thư của bạn bè, đồng chí cũ, cả những bạn đọc không quen biết nữa, tất cả đều bày tỏ tình cảm, sự tin yêu và chia xẻ với ông.

Tôi nói những lo lắng của tôi ban đầu và hỏi ông là có ai nói gì với ông về khía cạnh này không. Ông không trả lời mà lại: "Ờ! Mà mầy có viết cái gì sai so với chú kể đâu?". Tôi hiểu, có lẽ ông đã nói vậy, chỉ thay đại từ nhân xưng, với ai đề cập đến chuyện này và mọi chuyện rắc rối đã không xảy ra.

Tôi bảo mình đã lo lắng. Ông cười hiền: "Cầm cây bút cũng như cầm khẩu súng đánh trận ấy. Phải bản lĩnh và dũng cảm". Rồi ông vỗ vai tôi, một nhà báo trẻ, nói khẽ: "Đôi khi còn cần cả bình tĩnh và khôn khéo nữa đó nha!".

Câu nói của ông làm tôi nhớ mãi. Tôi đã qua khỏi rắc rối, một phần nguyên do từ nhân vật chính, là Võ Văn Kiệt, với cách gián tiếp ảnh hưởng, và ông đã cho tôi bài học kinh nghiệm, suốt những năm làm báo sau này.

Có lần, mới sáng sớm, nhà báo Xuân Ba (Tiền Phong) đã lần đến nhà tôi. Loạt bài viết về dầu khí của Xuân Ba bị phê phán là làm lộ bí mật quốc gia. Xuân Ba nói: "Họ đang tính khởi tố vụ này mày ơi, có cách nào gỡ không?". Tôi bảo Xuân Ba tìm cách nói với ông Kiệt thì may ra thoát. Sau đó, nghe Xuân Ba kể là Thủ tướng chỉ hỏi: "Khởi tố vụ nầy thì chúng ta được lợi gì?". Thế là thoát hiểm.

Tôi cũng được biết bài phỏng vấn nổi tiếng sau này "triệu người vui, nhưng cũng có triệu người buồn" với ước vọng hoà giải của Võ Văn Kiệt, đăng trên tờ báo Quốc tế thời anh Nguyễn Vĩnh làm Tổng biên tập, ban đầu lên khuôn số Tết vào nhà in rồi lại có lệnh đục bỏ, mấy tháng sau, người ra lệnh đục bỏ lại ra lệnh và đi xin ông Kiệt cho in nguyên văn.

Năm 1999, tôi tham gia duyệt và cho in truyện ngắn "Đi" của cây bút trẻ trung uý quân đội Nguyễn Bình Phương trên Văn nghệ trẻ. In xong thì ầm ĩ truyện này "phản động", nghe nói lên tận tới Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Tôi bị "bay" chức trưởng ban, bị thu hồi thẻ nhà báo, rồi cũng êm dần, ba tháng sau tôi được phục chức, cấp lại thẻ, cuối năm lại "ăn" giải Báo chí toàn quốc. Giờ trung uý Phương đã thành đại tá, "chấp hành trẻ nhất" Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Văn nghệ quân đội. Năm 2001, tôi viết ghi chép "Chuyện đời chuyện người của một Tổng Bí thư" về ông Nông Đức Mạnh, in trên An ninh thế giới. Cũng lại "rầm rĩ". Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa hỏi thăm tôi, nghe nói em bị Tổng Bí thư "rầy" cho hả? Tướng Hữu Ước, Tổng biên tập như ngồi trên lửa. Thế rồi mọi chuyện lại yên. Còn khối chuyện nữa, tôi sẽ "hồi ký" dần. Trải qua nhiều "sự cố", có "dính" đến nội dung hoặc chỉ đạo của các nhân vật cao cấp "cỡ" Bộ Chính trị, tôi thường nhớ tới Võ Văn Kiệt với cái vỗ vai và lời ông nói, để ứng xử. Mỗi vị lãnh đạo có một kiểu để lại ấn tượng rất khác nhau. Tôi thấy mình may mắn để vẫn còn say mê, hứng thú mà tiếp tục gắn bó với nghiệp làm báo gian nan và hạnh phúc, là bởi được tiếp sức từ những con người như Võ Văn Kiệt.

Năm 2015, tôi có dịp đi Vĩnh Long, bước tha thẩn trong khu nhà vườn giản dị tưởng niệm Võ Văn Kiệt. Khi ngồi viết những dòng vào cuốn sổ lưu niệm, nhớ ông, mắt tôi ầng ậng nước, rơi cả xuống trang giấy...

(Trích trong bản thảo cuốn hồi ký BÊN LỀ TRANG BÁO tác giả đang thực hiện)

Những chuyện tôi được nghe ông Kiệt kể thời đó, chưa mấy xuất hiện trên báo chí. Người dân rất ít biết về đời tư lãnh đạo đất nước. Nếu có thì cũng rất đại thể và được cân nhắc rất kỹ càng. Ông cứ kể một mạch mà không hỏi tôi định viết gì, viết ra sao, sẽ in ở đâu? Tất nhiên, ông càng không nói gì tới việc phải cân nhắc, phải xem lại. Tôi có cảm giác, ông rất tin cậy tôi, như một đứa bạn của con ông. Ông muốn kể, muốn chia xẻ thì làm việc đó, chứ không cần quan tâm đến lý do nào khác.

Nhà văn NGUYỄN THÀNH PHONG
http://baodansinh.vn/cai-vo-vai-cua-thu-tuong-d35873.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét