Biển Đông: Những trò chơi tai hại!
Lữ Giang
Nhiều người không tin đang có sự bất đồng thật sự giữa Quân Đội và Tòa Bạch Ốc về chiến lược đối với sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Sự bất đồng đó chỉ là hai mặt của một “chiến thuật tay đấm tay xoa” thường được áp dụng mỗi khi có vấn đề cần thương thảo. Cả Quân Đội lẫn Tòa Bạch Ốc đang cùng thực hiện một chính sách do các nhà đại tư bản quốc phòng Mỹ ấn định, đó là thổi phồng “thảm họa Trung Quốc” để được tăng chi phí quốc phòng.
Các đảo bị Trung Quốc chiếm
Chúng ta nhớ lại, trong bài diễn văn đọc trước Quốc Hội Úc ngày 17.11.2011, Tổng Thống Obama tuyên bố sẽ xoay trục từ Trung Đông về Á Châu Thái Bình Dương để bao vây Trung Quốc cả về kinh tế, chính trị lẫn quân sự. Ông nói: “Không có gì nghi ngờ: Tại Á Châu Thái Bình Dương trong thế kỷ thứ 21, Hoa Kỳ toàn tâm toàn lực nhập cuộc.”
“Với tư cách Tổng thống, với tư cách là một nước thuộc vùng Thái Bình Dương, tôi đã ra một quyết định kỹ càng và có tính chiến lược. Hoa Kỳ sẽ đóng một vai trò lớn hơn và lâu dài hơn trong việc định hướng tương lai khu vực này”.
Thế nhưng từ đó cho đến nay, các nhà quan sát đều nhận thấy rằng Trung Quốc chẳng những không ngừng lại mà còn gia tăng sự bành trướng mạnh hơn. Cứ sau mỗi lần Mỹ "biểu dương khí thế" chống Trung Quốc trên Biển Đông, Trung Quốc lại bước thêm một bước…
Hãng thông tấn Reuters ngày 29.1.2015 nói rằng sự trì hoãn của Hoa Kỳ đã khiến những đồng minh của Mỹ tại khu vực lo ngại tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông đã không được kiểm soát. Giới chuyên gia Mỹ cảnh báo chiến lược xoay trục sang Châu Á của Mỹ không có hiệu quả và cứ đà này Trung Quốc sẽ biến Biển Đông thành ao nhà vào năm 2030. Tại sao tình trạng như thế đã xảy ra?
CHỈ VÌ MUỐN GIA TĂNG NGÂN SÁCH QUỐC PHÒNG?
Sau khi Tổng thống Obama kêu gọi chuyển trọng tâm quân sự về Châu Á, một chiến lược được gọi là "Khái niệm Hành Quân Tác Chiến Hải - Không" (Air – Sea Battle Operational Concept) đã được công bố. Andrew Marshall, một nhà tương lai học 91 tuổi, có văn phòng trong Ngũ Giác Đài, đã đưa ra chiến lược này. Đó là một chiến lược hoạch định “một cuộc chiến tranh chống lại một Trung Quốc được trang bị võ khí nặng, hiếu chiến và giận dữ”. Đại khái các máy bay ném bom và tầu ngầm tàng hình của Mỹ sẽ đánh sập hệ thống radar trinh sát tầm xa và hệ thống tên lửa chính xác của Trung Quốc ở sâu trong nội địa của nước này. Tiếp theo, “Chiến dịch bí ẩn” (blinding campaign) được thực hiện bằng một cuộc tấn công lớn hơn của không quân và hải quân.
Chiến lược gia Andrew Marshall
Thông thường một loại “bí mật quốc phòng” quan trọng như thế này phải được giữ kín, tại sao lại được tung ra?
Trong bài “Mô hình của Hoa Kỳ về chiến tranh tương lai thổi bùng những căng thẳng với Trung Quốc và ở bên trong Ngũ Giác Đài”, Greg Jaffe, một phóng viên về kỹ nghệ quốc phòng và an ninh quốc gia của tờ Washington Post, cho biết Không Quân và Hải Quốc Hoa Kỳ đã đưa ra trên 200 sáng kiến về kế hoạch “Hành Quân Tác Chiến Hải - Không". Những người ủng hộ kế hoạch này đã khen văn phòng của Marshall là nơi đã đưa ra được một tầm nhìn lâu dài, khác với chiến thuật từng giai đoạn của Ngũ Giác Đài. Nhưng Greg Jaffe cho biết các nhà phê bình nhận thấy một xu hướng nguy hiểm đáng báo động, đó là việc phóng đại mối đe dọa Trung Quốc để làm tăng chi phí quốc phòng lên.
Bộ Quốc Phòng không có quan điểm nào về kế hoạch này, nhưng Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách (Center for Strategic and Budgetary Assessments - CSBA) đã tiến hành hơn hai chục cuộc chiến giả định với Trung Quốc để giải trình các tài liệu nghiên cứu của văn phòng Marshall. CSBA là một tổ chức nghiên cứu độc lập và bất vụ lợi, có trụ sở tại Washington DC. CSBA đã xuất bản một tài liệu 125 trang trình bày khái quát việc sử dụng khái niệm đó như thế nào trong một cuộc chiến tranh với Trung Quốc. Điều này đã làm Trung Quốc lên ruột.
MỸ HAY TRUNG QUỐC BỊ TRÚNG KẾ?
Mặc dầu kế hoạch “Hành Quân Tác Chiến Hải - Không" mới chỉ là một giả định và không phải là một kế hoạch chính thức của Bộ Quốc Phòng, nhưng Trung Quốc đã dựa vào đó để lấn chiếm dần nhiều khu vục trên Biển Đông bằng một chiến thuật mà Tập Cận Bình gọi là chiến thuật “không đánh mà thắng”. Alexander L. Vuving thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ cho rằng Trung Quốc đang xử dụng thế “cờ vây” trong Tôn Tử Binh Pháp.
Chiến hạm USS John C. Stennis
Tờ Defense News của Mỹ ngày 4.3.2016 cho biết ngày 1.3.2016, cụm tàu thuộc hàng không mẫu hạm USS John C. Stennis của Hạm đội 7 thuộc Hải quân Mỹ, đã đến vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Trung Quốc liền vin vào hành động đó chỉ trích Mỹ là nước “quân sự hóa” Biển Đông, chứ không phải Trung Quốc. Tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc ngày 4/3 cho rằng đây là đợt tập kết lực lượng quân sự có quy mô nhất của Mỹ ở khu vực Biển Đông trong thời gian gần đây, rõ ràng đang cổ vũ cho các đồng minh và đối tác của Mỹ gây áp lực với Trung Quốc. Sau đó, Trung Quốc triển khai máy bay chiến đấu J-11 và hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 ở quần đảo Hoàng Sa, báo hiệu khả năng nước này có thể lập ra vùng nhận dạng phòng không ở quần đảo Hoàng Sa.
Bài báo cho rằng việc Mỹ điều hàng không mẫu hạm đến Biển Đông đã “nhắc nhở Trung Quốc về sự cần thiết phải tăng cường phòng thủ" quần đảo Trường Sa. Bài báo nhấn mạnh hàng không mẫu hạm USS John C. Stennis đến tuần tra ở Biển Đông là cái cớ để Trung Quốc triển khai nhiều hệ thống vũ khí hơn ở các đảo đá trên Biển Đông và coi việc triển khai này “không có gì quá đáng”.
Bài báo nêu tên một loại tên lửa chống hạm mà Trung Quốc từ lâu khoe khoang và thường gọi nó là “sát thủ tàu sân bay”, đó là tên lửa đạn đạo chống hạm Đông Phong-21D. Bài viết khẳng định rằng khi có sự đối đầu quân sự giữa các nước lớn, hàng không mẫu hạm không còn đóng vai trò chủ đạo nữa, mà sẽ đóng “vai trò nhỏ”, thậm chí có thể trở thành “bia ngắm” trên biển.
Bài viết cho rằng Trung Quốc không chỉ sẽ ngăn chặn các hoạt động quân sự của Mỹ ở Biển Đông, mà còn tiếp tục tăng cường khả năng ngăn chặn Mỹ sự can thiệp quân sự ở Biển Đông, từng bước làm giảm vai trò ảnh hưởng quân sự của Mỹ ở Biển Đông.
Như vậy Trung Quốc trúng kế Mỹ hay Mỹ trúng kế Trung Quốc?
CÓ BẤT ĐỒNG TRONG NỘI BỘ?
Dưới đầu đề “Tướng 4 sao muốn đối đầu với Trung Quốc, Tòa Bạch Ốc bảo đừng gấp quá” đăng trên tờ Navy Times ngày 6.4.2016, bình luận gia David Larter cho biết Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) của Mỹ, đang kêu gọi phải cứng rắn hơn để chống lại chiến lược của Trung Quốc ở biển Đông, chẳng hạn như điều động máy bay và triển khai các chiến dịch quân sự trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo. Ông Harris xem đây là một nỗ lực nhằm chặn đứng cái mà ông gọi là "Vạn Lý Trường Thành bằng cát" trước khi nó mở rộng và tiến sâu vào khu vực cách thủ đô Philippines chỉ 225 km.
Ông Jerry Hendrix, hiện là nhà phân tích chiến lược quân sự tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, nhận xét: "Họ (chính quyền Obama) muốn kết thúc nhiệm kỳ với mâu thuẫn ở mức thấp nhất và hợp tác cao nhất với Trung Quốc",
Nhiều người không tin đang có sự bất đồng thật sự giữa Quân Đội và Tòa Bạch Ốc về chiến lược đối với sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Sự bất đồng đó chỉ là hai mặt của một “chiến thuật tay đấm tay xoa” thường được áp dụng mỗi khi có vấn đề cần thương thảo. Cả Quân Đội lẫn Tòa Bạch Ốc đang cùng thực hiện một chính sách do các nhà đại tư bản quốc phòng Mỹ ấn định, đó là thổi phồng “thảm họa Trung Quốc” để được tăng chi phí quốc phòng.
BIỂN ĐÔNG SẼ ĐI VỀ ĐÂU?
Trong cuộc họp về Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung lần thứ 8 được tổ chức tại Bắc Kinh vào hai ngày 6 và 7.6.2016 vừa qua, Ngoại Trưởng Kerry nhắc lại chính sách của Hoa Kỳ về Biển Đông như sau:
“Chúng tôi không phải là nước đòi chủ quyền, cũng không đứng về phía bên nào trong những quốc gia đòi chủ quyền. Quan điểm duy nhất của chúng tôi là không nên giải quyết việc này bằng hành động đơn phương. Hãy giải quyết thông qua luật pháp, ngoại giao và thương lượng. Chúng tôi kêu gọi tất cả các nước hãy tìm giải pháp ngoại giao theo tiêu chuẩn và pháp luật quốc tế”.
Trong bài “Chiến lược an ninh biển Châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ” công bố ngày 31.8.2015, Bộ Quốc Phòng Mỹ cũng đã xác nhận ba mục tiêu về biển Châu Á-Thái Bình Dương như sau: (1) Bảo vệ quyền tự do trên biển; (2) ngăn chặn xung đột và hăm dọa; và (3) thúc đẩy việc tuân thủ luật pháp và các tiêu chuẩn quốc tế.
Trong thực tế Mỹ chỉ quan tâm đến quyền tự do đi lại trên biển. Việc tranh chấp khoảng 200 hòn đảo lớn nhỏ nằm rải rác trên Biển Đông rất quan trọng đối với các nước trong vùng, nhưng chẳng quan trọng gì đối với Mỹ, vì Trung Quốc không có khả năng ngăn chận quyền tự do đi lại trên biển. Anh, Bồ Đào Nha và Pháp đã từng chiếm và khai thác các đảo này đúng theo công pháp quốc tế nhưng rồi cũng bỏ đi. Về an ninh quốc phòng, Mỹ muốn các nước trong vùng hình thành một lực lượng khu vực để đối phó với Trung Quốc, còn Mỹ chỉ yểm trợ và bán võ khí. Nhưng trong bốn nước mà Mỹ muốn kết hợp lại là Nhật, Úc, Philippines và Việt Nam, chưa nước nào sẵn sàng làm chuyện đó. Tân tổng thống Phi là Duterte vừa đắc cử, đã tuyên bố đường lối của ông là “không lệ thuộc vào Hoa Kỳ”. Còn Việt Nam tuy đã ký “đối tác toàn diện” với Mỹ, nhưng chỉ muốn mua thêm vũ khí của Mỹ để bảo vệ vùng ven biển chứ không muốn đứng vào một liên minh quân sự như thế.
Giả thiết Trung Quốc có tuyên bố thành lập vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông thì cũng chỉ gióng việc họ đã lập vùng này ở Biển Hoa Đông ngày 23.11.2013, lúc đó chỉ có các hãng hàng không dân sự tuân hành, còn các tàu thuyền và máy bay quân sự của các cường quân chẳng quan tâm gì và Trung Quốc cũng chẳng làm gì họ.
Trong khi hai tờ báo Mỹ là Washington Post và Defence News tố cáo Mỹ đã phóng đại mối đe dọa của Trung Quốc và kích thích Trung Quốn gia tăng lấn chiếm để xin gia tăng chi phía quốc phòng và canh tân vũ khí, một số người Việt đấu tranh trong cũng như ngoài nước lại đang bi thảm hóa và phóng đại sự lấn chiếm của Trung Quốc trên đất liền cũng như trên biển với mục tiêu thúc buộc đảng CSVN phải bỏ Trung Quốc và đi theo Mỹ. Họ cho rằng theo Hội Nghị Thành Đô .............................!
Sau khi được Tổng Thống Obama cho uống nước đường, một số bình luận gia ta đã lên truyền hình hay viết bài trên báo và Internet yêu cầu đảng CSVN phải để cho Hoa Kỳ lập căn cứ quân sự ở Cam Ranh và ký với Hoa Kỳ một hiệp ước bảo vệ Việt Nam nếu bị Trung Quốc xâm lược.
Chúng tôi xin nhắc lại, ngày 31.8.1951, Hoa Kỳ đã ký với Philippines “Hiệp ước Hổ Tương Quốc Phòng” (Mutual Defense Treaty) trong đó Mỹ cam kết sẽ bảo vệ Philippines nếu lãnh thổ, các hải đảo cũng như các tàu thuyền và máy bay của Phi bị tấn công. Nhưng ngày 15.6.2012, Trung Quốc đã chiếm bãi đá Scarborough và ngày 2.3.2016 chiếm thêm bãi vòng san hô Jackson (Jackson Atoll, Việt Nam gọi là bãi Hải Sâm) của Phi, nhưng Mỹ đã làm ngơ.
Điều tốt nhất vẫn là phải có một đường lối khôn ngoan để các phần lãnh thổ còn lại không bị mất thêm nữa. Kinh nghiệm cho thấy, chẳng nước nào chịu hy sinh quyền lợi của nước mình để cứu nước khác cả.
Ngày 9.6.2016
Lữ Giang
Bài này bác Lữ Giang gửi tới Blog.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét