Từ hiện tượng Bob Kerrey đến bản chất xã hội dân sự
Kết cục, dù cho bao ý kiến ngoài FUV phản đối tới mức cực đoan, Bob Kerrey vẫn không từ chối vai trò của mình, bởi đó là tấm lòng hảo tâm của ông dành cho Việt Nam, “người hạnh phúc nhất là người mang lại hạnh phúc cho nhiều người nhất” (Các Mác), chứ không nhằm mang lại gì cho ông cả. Đó chính là bản chất của xã hội dân sự. Thiếu những con người như vậy, không bao giờ và không thể có xã hội dân sự đúng nghĩa!
Từ hiện tượng Bob Kerrey đến bản chất xã hội
dân sự. Ông Bob Kerry. Nguồn: internet.
Sự kiện trường Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) đề nghị Cựu Thượng nghị sỹ Mỹ làm Chủ tịch Hội đồng Tín Thác đang nóng bỏng truyền thông nước ta, với 2 quan điểm trái ngược nhau, ủng hộ và phản đối, liên quan tới qúa khứ của ông trong chiến tranh Việt Nam.Sinh năm 1943, Bob Kerrey tốt nghiệp đại học University of Nebraska Lincoln Pharmazie năm 1965, vào quân dịch 1966, điều sang chiến trường Việt Nam năm 1969. Xuất ngũ ông trở về nghề nghiệp của mình ở Nebraska, rồi thành lập các trung tâm luyện tập Fitness. Bước vào chính trường, Bob Kerrey thành công, trúng cử Thống đốc Tiểu bang Nebraska (1983-1987), Thượng nghị sĩ 1989 – 2001, đồng thời ứng viên Tổng thống Hoa Kỳ năm 1992. Mười năm tiếp theo, ông làm Chủ tịch Đại học New School; trường phát triển chưa từng có về số lượng sinh viên, giảng viên, học bổng, cơ sở vật chất, nghiên cứu và hợp tác quốc tế, khẳng định tài năng lãnh đạo giáo dục của ông.
Năm 2001, lúc mãn nhiệm Thượng Nghị sỹ, ông bị truyền thông Hoa Kỳ đưa tin, cáo buộc gây ra vụ thảm sát đêm 25/2/1969. Lúc đó, đại úy Bob Kerrey chỉ huy một tốp biệt kích đột nhập vào làng Thạnh Phong, Thạnh Phú, Kiến Hòa, để truy tìm thủ lĩnh “Việt Cộng”, giết chết 24 người, có 14 phụ nữ, trẻ em và người già (số liệu trên có báo đưa 21 và 10). Bob Kerrey tuyên bố nhận trách nhiệm với vai trò chỉ huy, ăn năn, hối lỗi: “Nếu tôi mất cả hai tay, hai chân, cả thị lực, thính lực của mình, thì cũng không nhiều bằng những gì tôi đã mất đêm hôm đó… Tôi xin nhân dân Việt Nam tha thứ “.
Với day dứt đó, suốt hai nhiệm kỳ Thượng nghị sĩ, Bob Kerrey đã đóng góp cống hiến nhiều cho Việt Nam, giúp bình thường hoá quan hệ, thành lập chương trình học bổng Fulbright, là nhà bảo trợ chính cho đạo luật thành lập Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF), tổ chức đưa hàng trăm người Việt sang Mỹ đào tạo cao học, tiến sĩ. Ông là người tham gia phân bổ tiền từ quỹ Fulbright Mỹ cho chương trình đào tạo cao học ở thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó được nâng cấp theo đạo luật bình thường hoá quan hệ với Việt Nam năm 1995 và mở rộng vào năm 2000. Đại học Harvard và New School do ông làm Chủ tịch đã thực hiện hai nghiên cứu cho Bộ Giáo dục Đào tạo Việt Nam về vấn đề đại học độc lập. Đến năm 2013, tại New York, với sự có mặt của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, 2 bên Việt-Mỹ đã thống nhất lộ trình thành lập FUV. Nhờ dẫn dắt của Bob Kerrey, năm ngoái, dự án FUV được Quốc hội Mỹ tài trợ gần 20 triệu USD, phía Chính phủ Việt Nam hỗ trợ đất xây dựng. Bob Kerrey tiếp tục vận động tài chính cho FUV lập quỹ hỗ trợ học bổng cho sinh viên. Để gây quỹ cho một trường đaị học tư, bất vụ lợi vốn đóng vai trò nền tảng sống còn, FUV thành lập Hội đồng tín thác và đề nghị ông với bề dày kinh nghiệm và thành tích xưa nay, làm Chủ tịch.
Ông phát biểu, “tôi đã suy nghĩ nhiều và quyết định nhận lời dù đó là lựa chọn khó khăn đối với cá nhân tôi. Những ký ức đau buồn vẫn theo đuổi tôi cho đến ngày hôm nay. Song, chúng ta không thể sống mãi trong quá khứ. Khát vọng của chúng tôi là giúp Việt Nam có được điều mà họ thực sự mong muốn: Một trường đại học đẳng cấp mang lại giá trị kinh tế và văn hoá cho Việt Nam”.
Biết bao binh sỹ Mỹ tham chiến ở Việt Nam, sau này trở thành chính khách lớn, quan chức cao cấp Mỹ, ủng hộ bình thường hoá, nâng cấp quan hệ với Việt Nam, nhưng với một qúa khứ gây nên thảm sát, nhân thức được nó, và với vai trò cao cả Thượng nghị sỹ ra sức hàn gắn xây đắp mối quan hệ Việt-Mỹ, cống hiến nhiệt tâm cho Việt Nam, nhận đứng đầu Hội đồng tín thác một trường đại học Mỹ ở Việt Nam như Bob Kerrey chắc có một không hai, trở thành hiện tượng Bob Kerrey sôi sục truyền thông với 2 luồng quan điểm trái ngược hiện nay, phản đối và ủng hộ. Vậy đúng, sai nằm ở đâu?
Bài toán Bob Kerrey
Mọi tranh cãi chỉ phân định được đúng, sai khi so sánh cùng tiêu thức, chẳng hạn so sánh khối lượng dùng kg, khoảng cách dùng mét, thời gian dùng giờ… Vậy lấy gì làm thước đo để phân định đúng sai hai quan điểm ngược nhau trên? ỦV BCT, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, đưa ra tiêu thức , “liên quan đến ông Bob Kerrey, chúng ta nên được soi sáng bởi cách xử lý (1) vượt qua thù hận, (2) hướng tới tương lai “, và đem đến lợi ích (3) “từ kinh nghiệm của Hoa Kỳ, chất lượng nguồn nhân lực cao là chìa khóa thực hiện mục tiêu thành công” (lược trích). Bản thân các nhân chứng và nạn nhân sống sót trong vụ thảm sát cũng đồng thước đo trên. Ông Trần Văn Rừng: “Tôi có hỏi thăm thân nhân của những nạn nhân thảm sát, họ bảo (1) nên khép lại quá khứ, (2) để hướng đến tương lai”. Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, ông Võ Thành Hạo: “(1) Nên khép lại quá khứ, (2) hướng tới tương lai” (xem báo Tin mới).
Nếu đặt ra bài toán giả định tìm ẩn số X với 2 giá trị X =1 tương ứng với chọn những người như Bob Kerrey làm chủ tịch, và X = 0 nếu ngược lại. Nghiệm đó đòi hỏi phải thoả mãn hệ 3 phương trình được lập từ 3 tiêu thức (1), (2), (3) tương ứng. Dễ dàng thấy ngay, với hệ 3 phương trình trên, luôn có nghiệm số X =1.
Tuy nhiên Tiến sĩ sử học Trịnh Đình Hùng, nguyên cán bộ Bộ Ngoại giao, lại xuất phát từ thước đo “(1) Vượt qua thù hận, (4) nhưng không được quên lịch sử“. Ông coi “lính của ông Bob Kerrey tàn sát thường dân xã Thạnh Phong, có thể liệt vào tội ác chiến tranh…” vi phạm tiêu thức (4). Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Tp.HCM, Tôn Nữ Thị Ninh, cũng đồng thước đo, “không thể nhân danh tương lai ở tiêu thức (2), mà bỏ qua lịch sử tiêu thức (4). Ông Bob Kerrey là người đã trực tiếp tham gia cuộc thảm sát, đủ để kết luận Bob Kerrey hoàn toàn không thể giữ vị trí chủ tịch HĐQT Đại học Fulbright”. Với bà, “ (1) ủng hộ hòa giải, (2) hướng về tương lai, nhưng với điều kiện (4) không có quá khứ nặng nề đối với nhân dân Việt Nam.
Với bài toán giải hệ phương trình trên, ẩn số X nếu xét theo phương trình lập từ tiêu thức (4), thì bất kỳ ai bị cho là có quá khứ nặng nề, hay cáo buộc họ tội ác chiến tranh (trường hợp Bob Kerrey bị cả 2 cáo buộc như vậy bất chấp chưa có phán quyết nào), dù họ có mang lại tương lai cho Việt Nam lớn tới mấy theo tiêu thức (3), thì luôn luôn X = 0. Nhưng nghiệm đó lại không thoả mãn phương trình (1), (2) và đặc biệt phương trình (3) vốn hiển nhiên đối với những người như Bob Kerrey luôn thoả mãn. Rốt cuộc hệ 4 phương trình (1), (2), (3), (4) hoàn toàn vô nghiệm đối với những trường hợp như Bob Kerrey, đơn giản phương trình (4) đã phủ định sạch cả 3 phương trình còn lại. Vậy nếu coi tiêu thức (4) là đúng, thì đúng trong trường hợp nào?
Xã hội dân sự khác nhà nước
Nếu mô phỏng xã hội như một vòng tròn, thì trong đó sẽ có 3 vòng tròn nội tiếp và ngoại tiếp nhau, gồm vòng tròn nhà nước, vòng tròn thị trường, và vòng tròn gia đình. Nhà nước hoạt động theo nguyên tắc quyền lực, thị trường theo quy luật kinh tế và gia đình quy luật tình cảm. Khoảng trống nằm ngoài 3 vòng ngoại tiếp nhau đó chính là xã hội dân sự, có 2 đặc trưng cơ bản, tự nguyện (không luật nào bắt họ phải làm), người tham gia không vụ lợi (không được trả công kiểu công chức).
Đối với bộ máy nhà nước do các luật về tổ chức bộ máy và luật công chức điều chỉnh, thì ai vi phạm sẽ có hình thức xử lý thích ứng, từ đình chỉ tạm thời, thuyên chuyển, hạ chức, cách chức, đến hình sự phạt tiền, phạt tù, lưu hồ sơ tư pháp. Nước nào cũng vậy, những ai có qúa khứ sai phạm, thì khó được chấp nhận “thăng quan tiến chức”, nhất là khi đã nằm trong hồ sơ tư pháp thi coi như chấm dứt. Nghĩa là phương trình (4) luôn được áp dụng, nghiệm X = 0. Có thể lấy chiến dịch diệt hổ đả ruồi ở Trung Quốc để chứng minh sự đúng đắn của tiêu thức (4), hay chủ trương chống tham nhũng ở ta cũng vậy, ai tài đức tới mấy nhưng quá khứ bị phát hiện tham nhũng sẽ bị pháp luật xử lý, những người đó luôn rơi vào nghiệm số X = 0.
Xã hội dân sự ngược lại, nhân sự X của nó hoàn toàn do nội bộ họ quyết định, chỉ phụ thuộc vào phương trình (2) và (3). Ở Đức, đến tù nhân mặc dù tất cả đều nằm trong tiêu thức (4), nhưng vẫn có hiệp hội riêng khá đông và mạnh. Nếu áp dụng phương trình (4) để tìm nghiệm X thì chắc chắn luôn luôn X = 0. Vì vậy tiêu thức (4), không cần xét đúng sai, hoàn toàn không thể và không được phép áp dụng trong lĩnh vực xã hội dân sự.
FUV không hề thuộc lĩnh vực nhà nước. Tại cuộc gặp trí thức và doanh nhân trẻ ngày 24.05, Tổng thống Obama đã xác định tính chất của trường, “đó là trường đại học dân lập phi lợi nhuận đầu tiên của Việt Nam”. Như vậy rõ ràng FUV thuộc phạm trù xã hội dân sự, không thể áp dụng phương trình (4) để tìm nhân sự thoả mãn đòi hỏi của người ngoài FUV, kể cả người đó là tổng thống, và dù FUV có vai trò cao siêu tới mấy trong quan hệ 2 nước. Kết cục, dù cho bao ý kiến ngoài FUV phản đối tới mức cực đoan, Bob Kerrey vẫn không từ chối vai trò của mình, bởi đó là tấm lòng hảo tâm của ông dành cho Việt Nam, “người hạnh phúc nhất là người mang lại hạnh phúc cho nhiều người nhất” (Các Mác), chứ không nhằm mang lại gì cho ông cả. Đó chính là bản chất của xã hội dân sự. Thiếu những con người như vậy, không bao giờ và không thể có xã hội dân sự đúng nghĩa!
Hiện tượng Bob Kerrey sôi động truyền thông hiện nay có thể hy vọng qua những trải nghiệm này sẽ giúp nước ta ngày càng hoà nhập vào xã hội dân sự thế giới! Nhờ đó những tổ chức dạng FUV tới nước ta sẽ ngày càng nhiều đóng vai trò “chìa khóa thực hiện mục tiêu thành công” như Bí thư Thành Ủy Đinh La Thăng kỳ vọng!
TS Nguyễn Sỹ Phương
CHLB Đức
Ba Sàm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét