Có nhà cửa, có tiền tỷ mà sao vẫn tham lam cho vay lấy lãi cao, lỗi tại mình hay tại người ? Gương tày liếp diễn ra khắp nơi mà tất cả vẫn không chịu nhìn, không chịu học. Xã hội lộn ngược, méo mó như sống trong nhà gương dị dạng; ai cũng muốn tay không bắt giặc, làm giầu không khó; làm gì cứ khó một chút là bỏ... Hậu quả là đây. Khi giảng bài, tôi luôn luôn nói đừng bao giờ nghĩ đến tiền, danh, chức tước; hãy tận tâm lao động, hãy làm việc ngày đêm, hãy trang bị cho mình thật nhiều kiến thức chuyên môn, khi mình đã giỏi thì tiền, danh, chức tước thứ nào hợp với mình thì sẽ tự nhiên đến. Cũng đừng so sánh mình với người khác, đừng ghen tỵ khi thấy họ cũng lao động như mình mà họ được nhiều hơn mình. Mỗi người một số phận, không ai giống ai nên đừng tưởng cứ cái gì họ đạt được thì mình cũng sẽ đạt được; hãy biết chấp nhận và bằng lòng với những thứ chúng tự đến với mình.
18/04/2016 Bằng hình thức huy động vốn rồi cho vay lại với lãi suất cắt cổ, 7 hộ gia đình tại xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã vay của hàng trăm hộ dân với số tiền hơn 80 tỷ đồng. Đến đầu tháng 4/2016, bất ngờ cả 7 gia đình đều đồng loạt khóa cửa bỏ trốn khỏi địa phương khiến quê nghèo nháo nhác, nhiều gia đình không kiềm chế được đã tìm cách xiết nợ bằng việc tháo dỡ tất cả những gì có thể trong nhà con nợ. Vụ việc đã được cơ quan Công an vào cuộc để điều tra, làm rõ. Bạc Liêu, Cà Mau 'vỡ nợ" vì đâu? / Nam Định: Xôn xao vụ vỡ nợ khoảng 50 tỷ đồng / Vỡ nợ hàng chục tỉ đồng, treo cổ tự tử trước mặt chủ nợ
Vỡ nợ hơn 80 tỷ chấn động quê nghèo
Những ngôi nhà của các con nợ bị đập phá, lấy hết tài sản để xiết nợ.
Xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) những ngày này, đi đến đâu cũng nghe người dân bàn tán xôn xao chuyện vỡ nợ. Những gương mặt thất thần, rầu rĩ ngồi chia sẻ với nhau, động viên an ủi nhau mà nước mắt không ngừng tuôn rơi. Tất cả là do hám lãi suất cao mà nhiều người trong xã đã mang hết bìa đất, tài sản đưa cho các "đại gia" trên địa bàn mượn để sử dụng vào mục đích tín dụng đen.Ông Hồ Xuân Tuyên - Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thanh cho biết thêm, đến thời điểm này, mọi việc đã tạm thời lắng xuống chứ cách đây khoảng một tuần, nhiều chủ nợ đã điên cuồng đến đập phá nhà cửa, tháo dỡ hết bản lề, cánh cửa khiêng đi tất cả những gì có thể trong nhà để mong vớt vát lại một phần rất nhỏ trong tổng số tài sản quá lớn đã cho vay mượn.
Thậm chí, ngày 8/4 vừa qua, anh Hồ Sỹ Thịnh (SN 1977) và vợ là chị Trần Thị Xoan (SN 1981) đã bị các chủ nợ quá khích xông vào nhà đánh trọng thương. Ban Công an xã đã phải đến giải cứu, sau đó đưa đi bệnh viện sơ cứu. Lợi dụng điều này, hai vợ chồng đã bỏ nhà trốn đi biệt tích.
Bà Trần Thị T. (SN 1968), người dân xóm 5, xã Quỳnh Thanh kể trong nước mắt: Gia đình bà làm nông nghiệp, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, gần đây có đứa con đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, tích cóp mãi được mấy trăm triệu bỏ ngân hàng lấy lãi. Tháng 10-2015, hai vợ chồng Hồ Thị Sáng (SN 1987), Trần Văn Mạnh (SN 1979), trú tại xóm 7 đến gặp vợ chồng bà tỉ tê hỏi vay, trả gấp 3 lần lãi suất ngân hàng và hứa sẽ thanh toán đều đặn mỗi tháng nên hai vợ chồng đã mủi lòng, đi rút số tiền 400 triệu đồng trong ngân hàng về cho vay, dù chưa đến kỳ hạn.
Một nạn nhân của "tín dụng đen" tại xã Quỳnh Thanh.
Đổi lại, vợ chồng Sáng - Mạnh chỉ ghi cho một tờ giấy vay nợ, hẹn đến khi nào gia đình cần sẽ trả lại. Chưa dừng lại ở đó, hai tháng sau, Hồ Thị Sáng tiếp tục đến nói những lời như rót mật vào tai để bà T. đưa bìa đỏ của gia đình đi "cắm" ngân hàng vay cho Sáng thêm 500 triệu đồng. "Nhìn vợ chồng nhà nó tuy trẻ người nhưng làm ăn phát đạt, nhà cao tầng, xe ôtô bóng loáng nên chúng tôi chẳng mảy may nghi ngờ. Nào đâu, thoắt cái đã trở thành chúa Chổm. Giờ sự việc vỡ lở, ngân hàng đòi siết nhà, cũng chẳng dám nói với con cái, vợ chồng chỉ biết nhìn nhau rớt nước mắt, hối lỗi thì cũng đã muộn màng", bà T. nghẹn ngào.
Tương tự, gia đình ông Hồ Văn H. (SN 1953), giáo viên về hưu cũng đang rơi vào tình cảnh khốn cùng khi bị bà Phan Thị Truyền (SN 1962), lừa chiếm đoạt trên 2 tỷ đồng. Theo lời kể của ông H., bà T. biết ông H. vừa bán đất được hơn 1 tỷ đồng, cộng với tiền tiết kiệm cả đời người nữa là khoảng 2 tỷ, hai vợ chồng bàn với con cái lập sổ tiết kiệm gửi ngân hàng thì bà Truyền tìm đến tận nhà thuyết phục làm đại lý chăn nuôi thức ăn cho bà để hưởng phần trăm cao ngất ngưởng.
Ngôi nhà "bánh vẽ" của vợ chồng Mạnh, Sáng xây để dễ bề vay tiền.
Thấy ông H. còn hồ nghi, bà này đã dẫn hai vợ chồng đến tận xã Quỳnh Bảng, chỉ vào nhiều đầm tôm ngút ngàn tầm mắt và bảo đó là của mình để thuyết phục. "Chẳng biết bùa mê thuốc lú thế nào mà hai vợ chồng chúng tôi đã gật đầu, mang hơn 2 tỷ đồng cho bà Truyền. Đến lúc sự việc bung bét, tìm đến tận nhà mới hay tài sản duy nhất của bà ta chỉ là ngôi nhà 3 gian cấp 4 tuềnh toàng", ông H. chua chát tâm sự.
Được biết, cũng với chiêu bài đưa nạn nhân đi xem đất, nhà và trang trại của… người khác, bà Truyền đã khiến nhiều người nhẹ dạ lầm tin đó là tài sản của bà ta, để từ đó dễ dàng vay mượn tiền bạc. Trong đó, đơn cử như ông Hồ Minh T., trú tại xóm 13, xã Quỳnh Thạch, cho bà Truyền vay 2 tỷ đồng, ông Hồ H., trú xã Quỳnh Văn cho vạy 1,2 tỷ đồng và bà Hoàng Hoa C., trú xã Quỳnh Văn cho vay 5,5 tỷ đồng.
Ngoài những trường hợp kể trên, tại xã Quỳnh Thanh hiện còn hàng trăm hộ dân lâm vào khốn đốn khi gom góp tiền bạc ném vào "tín dụng đen". Nhiều gia đình còn mang bìa đất thế chấp ngân hàng cho vay để hưởng lãi, đến nay không có khả năng trả nợ dẫn đến vợ chồng lục đục. Một số người khác huy động tiền của anh em bà con, về cho con nợ vay lấy lãi suất cao, giờ mất trắng nên họ hàng không nhìn mặt nhau. Thậm chí, có gia đình còn không biết bìa đất của mình hiện giờ nằm ở ngân hàng nào nữa.
Đại tá Trần Thăng Long, Trưởng Công an huyện Quỳnh Lưu cho biết: Vụ việc tín dụng đen dẫn đến vỡ nợ tại địa bàn xã Quỳnh Thanh là có thật và để đề phòng, ngăn chặn những nảy sinh phức tạo về ANTT, Công an huyện Quỳnh Lưu đã cử một tổ công tác kết hợp cùng Công an xã Quỳnh Thanh bám sát địa bàn để trấn an dư luận và đảm bảo ANTT. Theo Đại tá Trần Thăng Long, vụ việc này, cuối năm 2015 Công an huyện đã vào cuộc và có báo cáo gửi cơ quan chức năng. Cụ thể, trên địa bàn xã này có 7 cá nhân tổ chức huy động vốn, cho vay nặng lãi.
Trong đó, vợ chồng Trần Thị Xoan (SN 1981) và Hồ Sỹ Thịnh (SN 1977), trú xóm 13, xã Quỳnh Thanh, bắt đầu tổ chức thành lập phường hụi từ năm 2009. Đến nay, hai vợ chồng đã nhận tiền gửi của 135 hộ dân với tổng số tiền tự khai là 19,525 tỷ đồng; Trần Thị Thanh (SN 1983) cùng chồng là Bùi Kính (SN 1978), trú tại xóm 9, nhận của 29 hộ với số tiền 9,1 tỷ đồng; Trần Thị Yến (SN 1984) và chồng Nguyễn Bá Triều (SN 1976), trú xóm 7 xã Quỳnh Thanh, nhận của 46 hộ dân với số tiền hơn 5,8 tỷ đồng.
Tất cả những người này đều huy động vốn theo chiêu thức trả lãi suất cho các chủ nợ 2.000 đồng/triệu/ngày rồi cho các con nợ khác vay với lãi suất từ 3.000-5.000 đồng/triệu/ngày. Sau khi tuyên bố vỡ nợ, cả 7 con nợ đều bỏ trốn khỏi địa bàn xã Quỳnh Thanh, với số tiền ước tính hơn 80 tỷ đồng.
Được biết, để dễ dàng thực hiện hành vi lừa đảo, các con nợ đều tự trang bị cho mình vẻ bề ngoài hết sức hoành tráng. Đơn cử như vợ chồng Hồ Thị Sáng và Trần Văn Mạnh, đã xây một ngôi nhà 5 tầng, mỗi tầng đắp nổi những hàng chữ như Cà phê Karaoke Ngoại hạng, "buôn bán trao đổi vàng bạc đá quý", "thức ăn gia súc tổng hợp", "thế giới di động"... Nhờ vậy, hai vợ chồng đã huy động khắp trong ngoài xã được số vốn lên đến khoảng hơn 40 tỷ đồng. Ngoài ra, Sáng còn mượn nhiều bìa đất để thế chấp ngân hàng. Sau khi vỡ nợ, cả gia đình bỏ lại cơ ngơi trốn vào miền Nam.
Nhiều chủ nợ xót của cất công đi tìm thì phát hiện đang ẩn náu tại xã Tân Tiến, thị xã Lagi, tỉnh Bình Thuận. Tương tự, bà Phan Thị Truyền (SN 1962) với chiêu thức, mỗi khi nhận tiền của chủ nợ, bà đã lấy luôn số tiền này để trả lãi trước một năm khiến ai cũng mê hoặc. Cứ như vậy, một đồn mười, mười đồn trăm, uy tín của bà lên như diều gặp gió. Ngoài ra, bà Truyền còn sử dụng chiêu bài kêu gọi hùn vốn xây dựng đại lý bán thức ăn hoặc xây dựng hồ nuôi tôm để nhận tiền của các hộ ngoài địa bàn xã.
Đại tá Trần Thăng Long cho biết thêm: "Việc cho vay nợ với lãi suất cao tại xã Quỳnh Thanh đã xảy ra trong một thời gian dài dẫn đến vỡ tín dụng kéo theo các vụ việc phức tạp về ANTT. Đây là việc các công dân tự nguyện giao tài sản cho nhau với mục đích thu lợi nhuận, thuộc hành vi hoạt động dân sự, do Bộ luật Dân sự điều chỉnh nên Công an huyện Quỳnh Lưu đã hướng dẫn cho người dân làm các thủ tục gửi đơn lên tòa án dân sự để được giải quyết.
Trong thời gian đó, Công an huyện cũng đã tham mưu cho UBND huyện Quỳnh Lưu, chỉ đạo xã Quỳnh Thanh không được xác nhận việc mua bán, chuyển nhượng bất kỳ tài sản nào của những người liên quan. Thời gian sắp tới, Công an Quỳnh Lưu tiếp tục thu thập xác minh, khi có đủ căn cứ, dấu hiệu vi phạm pháp luật sẽ tiếp nhận, điều tra, xử lý theo quy định".
"Hoạt động của các đối tượng đứng ra nhận tiền gửi với lãi suất cao đã xảy ra trong nhiều năm gần đây tại địa bàn xã Quỳnh Thanh. Từ tháng 6-2015, do không nhận được tiền lãi và tiền gốc, nhiều chủ nợ đã kéo đến nhà các đối tượng vay tiền để xiết nợ, lấy tài sản, chửi bới, đánh người gây thương tích. Gia đình những người này đã phải đóng cửa bỏ trốn khỏi địa phương hoặc đi ở nhờ nhà người khác", ông Hồ Xuân Tuyên - Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thanh cho biết.
(Theo CAND)
http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/300032/vo-no-hon-80-ty-chan-dong-que-ngheo.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét