Thứ Năm, 2 tháng 6, 2016

Kinh tế chính trị của việc chống bán phá giá

Kinh tế chính trị của việc chống bán phá giá
Hệ thống thương mại toàn cầu sẽ đứng trước một bước ngoặt quan trọng vào cuối năm nay, một bước ngoặt đã bị trì hoãn khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cách đây gần 15 năm. Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu phải quyết định xem liệu họ có bắt đầu coi Trung Quốc như một “nền kinh tế thị trường” trong các chính sách thương mại của mình hay không. Thật không may là kể cả khi những tranh cãi đã leo thang trong suốt cả năm nay, những điều khoản xoay quanh lựa chọn này đảm bảo rằng sẽ chẳng có gì được thực hiện để giải quyết những khiếm khuyết ăn sâu trong chế độ thương mại toàn cầu.
Thỏa thuận gia nhập WTO của Trung Quốc, được ký vào tháng 12 năm 2001, cho phép các đối tác thương mại xem Trung Quốc như một “nền kinh tế phi thị trường” trong giai đoạn lên tới 15 năm. Vị thế một nền kinh tế phi thị trường khiến các nước nhập khẩu dễ dàng hơn trong việc áp đặt các loại thuế quan đặc biệt đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc, dưới hình thức thuế chống bán phá giá. Cụ thể là họ có thể sử dụng chi phí sản xuất tại các nước đắt đỏ hơn như là một đại lượng tương đương để tính chi phí thực tế tại Trung Quốc, làm gia tăng khả năng phát hiện và ước tính biên độ của việc bán phá giá.

Ngày nay, mặc dù nhiều quốc gia như Argentina, Brazil, Chile, và Hàn Quốc, đã công nhận Trung Quốc là một nền kinh tế thị trường, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu thì chưa. Tuy nhiên cho dù họ có công nhận hay không, các biện pháp chống bán phá giá đều không thích hợp với nhiệm vụ giải quyết các mối quan ngại về bất công thương mại – không phải vì những quan ngại này là vô căn cứ, mà bởi vì chúng đã vượt ra ngoài phạm vi chống bán phá giá. Chống bán phá giá tạo điều kiện cho hình thái tồi tệ nhất của chính sách bảo hộ mậu dịch, trong khi không có lợi cho các quốc gia vốn cần một không gian chính sách cần thiết.

Các nhà kinh tế chưa bao giờ thích các quy định chống bán phá giá của WTO. Từ góc độ kinh tế thuần túy, việc định giá thấp hơn chi phí không phải là một vấn đề đối với các nền kinh tế nhập khẩu miễn là các doanh nghiệp tham gia vào chiến lược này ít có triển vọng độc chiếm thị trường. Đó là lý do tại sao các chính sách cạnh tranh trong nước thường đòi hỏi những bằng chứng về hành vi hạn chế cạnh tranh hay khả năng thành công của việc bán phá giá. Tuy nhiên theo quy định của WTO, việc định giá thấp hơn chi phí từ phía doanh nghiệp xuất khẩu là đủ để áp đặt thuế nhập khẩu, ngay cả khi đó là hoạt động cạnh tranh theo chuẩn – chẳng hạn như trong thời kỳ suy thoái kinh tế.

Điều này và các cân nhắc về mặt thủ tục khác biến chống bán phá giá thành con đường được các doanh nghiệp ưa thích nhằm có được sự bảo hộ trước các đối thủ cạnh tranh nước ngoài trong thời điểm khó khăn. WTO có một cơ chế “tự vệ” cụ thể cho phép các nước tăng thuế tạm thời khi nhập khẩu gây “thiệt hại nghiêm trọng” cho các doanh nghiệp trong nước. Nhưng những rào cản về thủ tục là cao hơn đối với các biện pháp tự vệ này, và các quốc gia sử dụng chúng phải bồi thường cho những doanh nghiệp xuất khẩu (của nước khác) chịu ảnh hưởng bất lợi.

Những con số đã nói lên tất cả. Từ khi WTO được thành lập vào năm 1995, đã có hơn 3.000 lần thuế chống bán phá giá được thi hành (với Ấn Độ, Hoa Kỳ, và Liên minh châu Âu là những quốc gia sử dụng nhiều nhất). Con số tương ứng đối với các biện pháp tự vệ chỉ là 155 (với các quốc gia đang phát triển là những người sử dụng nhiều nhất). Rõ ràng, chống bán phá giá là biện pháp khắc phục (bất công) thương mại được ưa thích hơn.

Tuy nhiên ngoài hiệu quả kinh tế, chế độ thương mại toàn cầu còn phải giải quyết những vấn đề về tính công bằng. Khi các doanh nghiệp nội địa phải cạnh tranh với các doanh nghiệp Trung Quốc được chính phủ hỗ trợ tài chính với ngân sách dồi dào chẳng hạn, sân chơi sẽ nghiêng theo những hướng mà hầu hết mọi người xem là không thể chấp nhận được. Một số loại lợi thế cạnh tranh nhất định làm suy yếu tính chính đáng của cơ chế thương mại quốc tế, kể cả khi chúng có thể bao hàm lợi ích xét trên tổng thể cho nước nhập khẩu (như trong ví dụ này). Do đó chế độ chống bán phá giá là có logic về mặt chính trị.

Các nhà hoạch định chính sách thương mại vô cùng quen thuộc với logic này, đây là lý do tại sao chế độ chống bán phá giá tồn tại trong hình thái như hiện tại, cho phép sự bảo hộ tương đối dễ dàng. Điều các quan chức thương mại chưa bao giờ xem xét đến là lập luận về tính công bằng ngoài phạm vi của việc bán phá giá.

Nếu việc các doanh nghiệp nội địa khi phải cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài được chính phủ trợ cấp hoặc hỗ trợ là bất công, thì liệu có bất công khi lao động trong nước phải cạnh tranh với lao động nước ngoài, những người thiếu các quyền cơ bản như thỏa ước tập thể hoặc sự bảo vệ khỏi nạn bạo hành nơi làm việc? Phải chăng những doanh nghiệp đang tàn phá môi trường, sử dụng lao động trẻ em, hay cung cấp những điều kiện làm việc đầy rủi ro cũng là nguồn gốc của sự cạnh tranh không công bằng?

Những quan ngại về thương mại bất công chính là trung tâm của phong trào chống toàn cầu hóa. Tuy nhiên những biện pháp pháp lý nhằm khắc phục bất công thương mại trở nên rất kém linh hoạt khi vượt ra ngoài phạm vi thương mại hạn hẹp của việc định giá thấp hơn chi phí. Các liên đoàn lao động, các tổ chức phi chính phủ về nhân quyền, các nhóm người tiêu dùng, hoặc các tổ chức hoạt động vì môi trường không được tiếp cận với sự bảo hộ một cách trực tiếp như các doanh nghiệp.

Các chuyên gia thương mại từ lâu đã ngần ngại không muốn để cơ chế WTO bị chất vấn về các tiêu chuẩn trong lao động và môi trường hay nhân quyền, vì họ e sợ sẽ lại vấp phải vết xe đổ của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Tuy nhiên mọi thứ đang trở nên ngày càng rõ ràng rằng việc gạt những vấn đề này ra ngoài thậm chí còn gây hại hơn. Hoạt động thương mại với các nước có mô hình kinh tế, xã hội và chính trị hoàn toàn khác biệt sẽ làm tăng thêm các quan ngại về tính chính đáng. Việc từ chối công nhận những quan ngại này không chỉ làm suy yếu các mối quan hệ thương mại; mà còn gây nguy hiểm cho tính chính đáng của chế độ thương mại toàn cầu.

Những điều trên không hề có hàm ý rằng các nước dân chủ không nên giao dịch với các nước phi dân chủ. Điều quan trọng ở đây là logic thương mại không phải là mối quan tâm duy nhất nên chi phối các quan hệ kinh tế. Chúng ta không thể trốn tránh, và do đó phải đối mặt với thế lưỡng nan rằng đôi khi lợi ích đạt được từ thương mại sẽ phải được trả giá bằng chính những áp lực lên các dàn xếp xã hội trong nước.

Thảo luận và tranh luận công khai là cách duy nhất để các nước dân chủ có thể giải quyết những giá trị mâu thuẫn nhau và những đánh đổi liên quan. Các tranh chấp thương mại với Trung Quốc và các nước khác là cơ hội để đưa những vấn đề này ra bàn thảo luận thay vì kìm nén chúng, và từ đó chúng ta có thể tiến thêm một bước quan trọng hướng tới việc dân chủ hóa chế độ thương mại toàn cầu.

Dani Rodrik là Giáo sư ngành Kinh tế Chính trị Quốc tế tại trường Quản trị Nhà nước John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard. Ông là tác giả của cuốn The Globalization Paradox: Democracy and the Future of the World Economy và gần đây nhất là cuốn Economic Rules: The Rights and Wrongs of the Dismal Science.

Copyright: Project Syndicate 2016 – Fairness and Free Trade

Nguồn: Dani Rodrik, “Fairness and Free Trade”, Project Syndicate, 12/05/2016.

Biên dịch: Nguyễn Hồng Nhung | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Xem thêm: Tiếp cận thị trường và thương mại nông nghiệp: Tiêu chuẩn kép của các nước giàu

http://nghiencuuquocte.org/2016/06/01/kinh-te-chinh-tri-cua-viec-chong-ban-pha-gia/#sthash.Ma3HcfZg.dpuf

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét