Đất nước chỉ là cái ao tù hay bãi thải chất độc?
Việc cá chết hàng loạt trải dài từ Hà Tĩnh đến Huế-Thừa Thiên và cách đối phó với dư luận của lãnh đạo Cộng sản VN đã thể hiện sự vô trách nhiệm, bất tài và bao che của họ. Nhận định về nguyên nhân “tảo nở hoa” của “nhà khoa học” thiếu kiến thức, hay có thể nói là ngu dốt nào đó đã làm cho toàn bộ cuộc họp kín, quan trọng mà cả nước đang chú tâm theo dõi thành một cuộc họp của một “hội kín”. Hay nói khác hơn, đó là cuộc họp của các thành viên Mafia tìm cách thống nhất ý kiến, nhằm đối phó với tình thế hơn là tìm biện pháp giải quyết.Trong thông cáo báo chí, Thứ trưởng Bộ TN & MT Võ Tuấn Nhân cho rằng việc cá chết hàng loạt hoặc do chất độc từ hoạt động của con người gây ra hoặc do hiện tượng tảo nở hoa. Ông ta nói rằng đó là nhận định sơ bộ của các nhà quản lý và các nhà khoa học.
Câu hỏi đặt ra là, ngoài nguyên nhân độc tố, “các nhà khoa học” nào trong cuộc họp kín đó đã nhận định là do “hiện tượng tảo nở hoa”?
Nhận định về nguyên nhân “tảo nở hoa” của “nhà khoa học” thiếu kiến thức, hay có thể nói là ngu dốt nào đó đã làm cho toàn bộ cuộc họp kín, quan trọng mà cả nước đang chú tâm theo dõi thành một cuộc họp của một “hội kín”. Hay nói khác hơn, đó là cuộc họp của các thành viên Mafia tìm cách thống nhất ý kiến, nhằm đối phó với tình thế hơn là tìm biện pháp giải quyết.
Hiện tượng tảo nở hoa hay còn gọi là thủy triều đỏ là hiện tượng có thể quan sát bằng mắt thường. Một ngư dân bình thường cũng có thể nhận biết điều đó chứ không cần đến kiến thức của những “nhà khoa học”. Giả sử cả hai (độc tố và tảo nở hoa) cùng hiện diện một lúc, tảo sẽ chết, trôi dạt vào bờ và bốc mùi khủng khiếp. Hiện tượng này không hề thấy ở hiện trường nơi cá chết hàng loạt từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế.
Ở đây chưa đặt vấn đề Formosa có là thủ phạm chính trong thảm họa môi trường tại 4 tỉnh miền Trung hay không, nhưng sự lúng túng, bao che của các quan lại từ trung ương đến địa phương đã tạo ra một sự nghi ngờ lớn.
Ai ở Hà Tĩnh hay các Bộ liên hệ mà không biết Formosa là miếng bánh to của đảng? Cả một guồng máy tuyên truyền của đảng CS đã từng đưa nó lên tận mây xanh. Chính vì thế mà không ai dám làm gì, biết làm gì, đùn đẫy nhau, chỉ tuyên bố chung chung vì không ai biết nội bộ lãnh đạo của đảng CS quyết định như thế nào. Và cũng chính vì thế mà Giám đốc ngoại giao Chu Xuân Phàm của Formosa mới dám bộc trực nói, “chọn cá hay nhà máy thép”.
Khi bị phóng viên hỏi tác động của kim loại nặng đối với môi trường, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã gạt ngay không cho hỏi, lấy cớ “câu hỏi làm tổn hại đất nước”! Là Thứ trưởng Bộ TN&MT, ông ta biết quá rõ Formosa phải sử dụng tới kim loại nặng. Ông ta sợ! Và có lẽ, đảng ông ta cũng sợ!
Thử nhìn lại các thảm họa mội trường nghiêm trọng trên thế giới do kim loại nặng gây ra:
Năm 1932, tại vịnh Minamata, Nhật Bản, nước thải có chứa thủy ngân được thải ra biển bởi nhà máy hóa chất Chisso tích tụ trong sinh vật biển, dẫn đến hậu quả dân cư bị ngộ độc thủy ngân. Nhưng mãi đến năm 1952, sự cố của ngộ độc thủy ngân đầu tiên mới phát hiện ra do cư dân tiêu thụ cá bị ô nhiễm thủy ngân, dẫn tới hơn 500 trường hợp tử vong. Kể từ đó, Nhật Bản đã có các luật về môi trường nghiêm ngặt nhất trong thế giới công nghiệp.
Ngày 01/11/1986, hãng bào chế dược phẩm Sandoz dùng nước có chứa thuốc diệt nấm pha thủy ngân để dập tắt một đám cháy lớn tại thượng nguồn sông Rhine (giữa Basel, Thụy Sĩ và Bingen, Đức). Hậu quả là làm cá chết kéo dài trên 100 km. Cú sốc của sự ô nhiễm môi trường này quá lớn khiến sau đó, nhiều dự án FEA (Finite Element Analysis) đã được thực hiện để ngăn ngừa những trường hợp tương tự xảy ra (xem thêm: “Ô nhiễm của sông Rhine tại Basel / Sandoz”).
Năm 1998-1904, khu bảo tồn thiên nhiên Doñana, ở miền nam Tây Ban Nha bị ô nhiễm trầm trọng gây thảm họa môi trường sau khi đập chứa chất thải thuộc vùng mỏ gần khu bảo tồn bị vỡ. Nước có chứa hóa chất độc hại bị thoát ra từ đập có chứa những độc tố bao gồm lưu huỳnh, chì, đồng, kẽm và cadmium đã chảy xuống con sông Guadimar. Các chuyên gia ước tính rằng bãi chim lớn nhất châu Âu, cũng như nông nghiệp và thủy sản của Tây Ban Nha, sẽ bị tổn thương vĩnh viễn.
Trở lại với vụ cá chết tại Hà Tĩnh, nếu so với vụ Sandoz làm cá chết kéo dài hơn 100 km, thì sự ô nhiễm tại Hà Tĩnh là thảm họa môi trường đặc biệt nghiêm trọng khi cá chết hàng loạt kéo dài hơn 200 km bờ biển. Khi sự việc xãy ra, những gì mà người ta mong chờ chỉ là những chỉ đạo chung từ lãnh đạo.
Sự chỉ đạo chung chung xuất phát từ tâm lý sợ trách nhiệm, kéo theo tâm lý chờ đợi. Sự chờ đợi được “chỉ đạo cụ thể” đã khiến cho cấp Bộ, địa phương lúng túng, không biết phải làm gì cụ thể, để mặc cho dân địa phương tự xoay sở, giải quyết trong thời gian dài. Điều này thể hiện sự vô trách nhiệm và bất tài của cả guồng máy nhà nước CSVN trong việc đối phó với tình huống nghiêm trọng của đất nước.
Trong vụ ô nhiễm sông Rhine, vụ Sandoz ở trên, chỉ trong vòng 10 ngày, độc tố trong nước đã di chuyển theo chiều dài của sông Rhine hơn 100 km tới biển Bắc, làm chết hàng tấn cá, một số loài bị xóa sổ hoàn toàn (tại VN, theo báo Dân Trí, ngày 28/4, khoảng 80 tấn hải sản đã bị chết). Mặc dù sau đó vài năm, tình hình sông Rhine được phục hồi, nhưng những hóa chất độc hại đã theo nước thấm vào đất vẫn gây ra một tỷ lệ tử vong lớn cho động vật hoang dã ở hạ nguồn. Các nhà khoa học hy vọng là tới năm 2020, sông Rhine mới có thể an toàn để con người bơi trở lại được.
Không nhà nước có trách nhiệm nào trên thế giới có thể thờ ơ trước sự ô nhiễm môi trường. Trong khi đó tại VN, khi dân đang lo lắng, sợ hãi, lãnh đạo Hà Tĩnh vẫn thản nhiên bầu bán HĐND tỉnh. Sau 20 ngày xảy ra thảm họa, ngày 22/4, TBT Nguyễn Phú Trọng đi thăm Hà Tĩnh, nơi xảy ra vụ cá chết hàng loạt, vẫn điềm nhiên, không có một phát biểu cụ thể nào (?). Cho tới nay, dám chắc không có chính quyền địa phương nào có thể biết đã có bao nhiêu xe tải đã chở cá chết bị nhiễm độc đi tiêu thụ nơi đâu.
Nhìn cách đối phó của nhà nước CSVN trong vụ Hà Tĩnh vừa qua, người ta liên tưởng đến những hồ chứa bùn đỏ, hồ chứa chất thải quặng sắt và titan tại Tây Nguyên hiện nay, đang như những thảm họa treo lơ lững trên đầu dân miền Trung, và lo lắng tự hỏi, khi nào thì những thảm họa đó trở thành sự thật, ập xuống đầu dân?
Đất nước không phải là cái ao tù của đảng CS, cũng không phải là bãi thải hóa chất của Tàu. Khi môi trường bị phá hủy, nó sẽ kéo theo sự phá hủy sự sống của tất cả mọi thứ, không phải chỉ một thế hệ, mà nhiều thế hệ. Sự vô trách nhiệm, bất tài, bao che của nhà nước CSVN đối với môi trường sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng cho con người và đất nước mà không ai có thể đoán trước được.
Phạm Khánh Chương
Ba Sàm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét