Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2016

Giải quyết nạn "chặt chém" du khách hiện nay thế nào?

Giải quyết nạn "chặt chém" du khách hiện nay thế nào?
NB. Võ Văn Tạo khẳng định: “Khi tôi ra Đà nẵng thì như đến một thế giới khác, hầu như không có tình trạng đó, như vậy để thấy tình trạng chặt chém du khách không phải là vấn đề bất trị. Tôi nghĩ, cái quan trọng là các địa phương có quyết tâm làm hay không? Điều đó chứng tỏ, ở địa phương nào lãnh đạo quan tâm đúng mức thì sẽ giải quyết được vấn nạn đó. Chứ không phải không giải quyết được.
Du khách nước ngoài ngồi ở sân thượng của một quán bar trong khu phố cổ Hà Nội hôm 23 tháng 3 năm 2015. AFP photo/Hoang Dinh Nam. Chặt chém du khách đang là một trong những tệ nạn, đã làm cho du khách quay lưng với du lịch Việt Nam. Vai trò của chính quyền thế nào và các giải pháp để chấm dứt vấn nạn này là gì?

Làm xấu hình ảnh VN

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Nhà nước về du lịch cho biết, cho dù thiên nhiên, tài nguyên du lịch của VN phong phú, đặc sắc, song du lịch VN thiếu tính chuyên nghiệp đã khiến đa phần du khách đến VN và sau đó không quay lại lần thứ 2.

Một trong những nguyên nhân đó là nạn ép khách, đeo bám khách, nâng giá dịch vụ quá cao, đã tác động xấu đến hình ảnh của ngành du lịch VN.

Dưới nhan đề "Chặt chém du khách", báo Người Lao động ngày 31/12/2015 cho biết, trong những ngày Tết Dương lịch 2016, lượng khách du lịch đến Bình Thuận, Khánh Hòa tăng khá cao. Các khách sạn, cơ sở ăn uống, dịch vụ mặc sức “chặt chém” du khách. Theo đó, một số khách sạn ở trung tâm TP Nha Trang lấy lý do kín phòng để với tăng gấp 2 lần so với thường ngày. Đặc biệt, thời gian gần đây, tại một số địa bàn du lịch nổi tiếng thường xuất hiện một số người bán hàng rong, mát-xa dạo có hiện tượng bắt chẹt du khách.

Nhận xét về hiện tượng này, bà Thu Huyền lãnh đạo một Công ty Du lịch nay đã nghỉ hưu thấy rằng, không chỉ khách du lịch nước ngoài, mà kể cả người Việt hiện nay cũng có xu hướng đi du lịch các nước láng giềng trong khu vực, vì giá cả hợp lý. Bà nói với chúng tôi:

“Phải nói là đã xảy ra các hiện tượng gọi là chặt chém, tôi thấy đó là điều đáng tiếc. Do một số người do sự hiểu biết thấp, có sự tham lam của cá nhân, nên không biết rằng việc làm của mình đã làm xấu đi hình ảnh của đất nước.”

Do một số người do sự hiểu biết thấp, có sự tham lam của cá nhân, nên không biết rằng việc làm của mình đã làm xấu đi hình ảnh của đất nước. Bà Thu Huyền 

Từ Nha Trang, nhà báo Võ Văn Tạo thấy rằng, việc chỉ có khoảng 8 triệu du khách quốc tế đến VN một năm, so với 30 triệu du khách đến Thái lan, là điều khiến những người làm công tác du lịch cần phải xem lại mình một cách nghiêm túc. Ông nói với chúng tôi:

“Bản thân tôi là một nhà báo, nhưng xuất thân từ khi ra nghề thì tôi có  17 năm làm trong ngành du lịch. Hiện nay công luận nêu vấn đề nạn chặt chém du khách tôi nghĩ đó là vấn đề lớn. Ở Nha trang nạn đeo bám, chèo kéo khách cũng có nhưng không nặng lắm như các địa phương khác. Nhưng hiện tượng lừa đảo, khi khách vào ăn ở nhà hàng, khi ăn xong thì họ tính tiền với một cái giá trên trời.”

Theo VNN online, PGS.TS Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch thấy rằng, lỗi để xảy ra tình trạng “chặt chém” du khách là do hai phía: nhận thức của người dân và sự buông lỏng quản lý. Trên thực tế, người dân nhiều địa phương chỉ cần biết cái lợi trước mắt mà quên đi lòng tự trọng. Trong khâu quản lý, thì khi phát hiện có hành vi “chặt chém”, du khách không biết kêu ai hoặc kêu cũng không có ai xử lý như hiện nay. Để người làm du lịch không nhờn luật, người xử lý cũng phải có trách nhiệm trong công việc, với sự phát triển của ngành.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên, song sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương là nguyên nhân chính. NB. Võ Văn Tạo khẳng định:

“Khi tôi ra Đà nẵng thì như đến một thế giới khác, hầu như không có tình trạng đó, như vậy để thấy tình trạng chặt chém du khách không phải là vấn đề bất trị. Tôi nghĩ, cái quan trọng là các địa phương có quyết tâm làm hay không? Điều đó chứng tỏ, ở địa phương nào lãnh đạo quan tâm đúng mức thì sẽ giải quyết được vấn nạn đó. Chứ không phải không giải quyết được.”

Giải pháp nào?

Khi được hỏi, chính quyền cần phải có giải pháp nào để hạn chế, tiến đến xoá bỏ tình trạng chặt chém du khách?

Bà Thu Huyền thấy rằng, việc bảo vệ du khách trước nạn chèo kéo, chặt chém, lừa đảo tại các điểm tham quan du lịch hiện nay là rất kém. Cần có sự góp sức và phối hợp đồng bộ từ nhiều phía Nhà nước, các địa phương, người trực tiếp làm du lịch cũng như người dân. Bà cho biết:

“Trong trường hợp này theo tôi nghĩ chỉ có 2 giải pháp, đó là giáo dục và quản lý. Nghĩa là nếu xảy ra những trường hợp như thế phải kiên quyết xử lý bằng chế tài ngay. Các địa phương cần phải phát huy vai trò của người dân cũng như các tổ chức nghề nghiệp thì mới làm được tốt. Chứ theo tôi chỉ một phía chính quyền không tài nào làm được việc này.”

Chính quyền các địa phương cần ý thức được rằng, họ được phân công quản lý điểm du lịch đó thì khi mọi bất trắc xảy ra làm khách du lịch thiệt hại,thì họ phải chịu trách nhiệm xử lý; thậm chí phải bồi thường cho khách. Ngoài ra, họ còn phải hạn chế các hiện tượng quấy nhiễu du khách khác như bán giá quá cao, chèo kéo, móc túi… NB. Võ Văn Tạo tiếp lời:

Việc xử lý các tình trạng đó không phải chỉ xử lý những kẻ gây ra việc chặt chém, mà phải xử lý ngay cả các cơ quan chính quyền và những người có trách nhiệm để xảy ra tình trạng đó tại địa phương mình. - Một cán bộ Hiệp hội Du lịch VN 

“Có những biện pháp giải quyết cần áp dụng như: công khai bảng giá dịch vụ; có các bảng hướng dẫn cho du khách khi xảy ra hiện tượng đó thì gọi vào đường dây nóng; rất dễ làm làm các bảng thông báo ở các điểm trung tâm có nhiều du khách đến, nêu đích danh tên nhà hàng, khách sạn đã để xảy ra các hiện tượng đó. Tôi nghĩ đây là một biện pháp trừng phạt mà các khách sạn và nhà hàng sợ nhất. Đây không phải biện pháp hành chính mà rất thị trường.”

Các cơ quan chức năng chịu trách nhiệm vấn đề trật tự ở các địa phương là đơn vị phải chịu trách nhiệm đầu tiên và nếu không có những xử lý nghiêm túc đối với những người ấy thì không bao giờ có thể khắc phục được tình trạng này, kể cả có các quyết định to lớn ở cấp nào đi chăng nữa. Một cán bộ thuộc Hiệp hội Du lịch VN yếu cầu dấu danh tính, nhận định:

“Việc xử lý các tình trạng đó không phải chỉ xử lý những kẻ gây ra việc chặt chém, mà phải xử lý ngay cả các cơ quan chính quyền và những người có trách nhiệm để xảy ra tình trạng đó tại địa phương mình.”

Bình luận về ý kiến cho rằng, nhà nước cần tổ chức lực lượng Cảnh Sát Du lịch để góp phần tạo hình ảnh du lịch VN tốt hơn. NB. Võ Văn Tạo cho biết:

“Ở VN, một số địa phương cũng đề xuất việc thành lập CS Du lịch, tôi nghĩ nếu cái đó cần thiết thì vẫn cứ phải làm. Nhưng lực lượng đó phải thực hiện đúng nghĩa là phục vụ cho công tác du lịch. Tuy vậy, tôi sợ rằng lực lượng đó vẫn cứ cái tác phong của công an như hiện nay, thì nó phản cảm lắm.”

Theo ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành Tổng cục Du lịch, khuyến cáo rằng: chất lượng điểm đến quyết định chất lượng sản phẩm du lịch. Thái độ đón tiếp của công an cửa khẩu, hải quan, khách sạn, nhà hàng cũng như người dân… đối với du khách, từ lúc đến cho đến khi khách về nước là hết sức quan trọng, và mọi người cần có ý thức làm việc đó cho thật tốt. Nếu du khách không vào Việt Nam nữa thì địa phương thất thu, người dân thất thu chứ chưa nói đến lợi ích quốc gia.

Anh Vũ
(RFA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét