Thứ Năm, 14 tháng 1, 2016

​Trai Pétrus Ký, gái Gia Long

​Trai Pétrus Ký, gái Gia Long
TTO - "Thiên đàng mơ mộng" của những cậu học trò Sài Gòn một thuở là nơi các nữ thiên thần áo dài trắng túa ra như chim bồ câu sau giờ tan học của trường nữ Gia Long (nay là trường Nguyễn Thị Minh Khai). Thoạt đầu, tôi định đặt tựa bài này là "Thiên đàng mơ mộng" vì tôi nghĩ thật đúng tâm trạng của những "thằng" học sinh Pétrus Ký (nay là trường THPT Lê Hồng Phong) lũ chúng tôi thời đó. Thời chúng tôi có rất nhiều thiên đàng mơ mộng kiểu "Em theo trường về… áo dài tà áo vờn bay" (bài Ngày xưa Hoàng Thị - thơ Phạm Thiên Thư, nhạc Phạm Duy).

Nữ sinh Gia Long. Ảnh tư liệu.
Ngày ấy, trên toàn miền nam, đồng phục cho nữ học sinh là áo dài trắng, quần trắng (hoặc đen), nam học sinh là quần xanh, áo trắng và đeo phù hiệu mang tên trường trên áo. Không có đồng phục cho riêng từng trường như bây giờ. Học sinh các trường trung học công lập học 7 năm (từ đệ thất lên đệ nhất- lớp 6 -12) không phải đóng học phí vì đã đậu kỳ thi tuyển vô cùng khó. Lúc ấy, chỉ có trường trung học công lập Mạc Đĩnh Chi nam sinh và nữ sinh học chung.

"Thiên đàng mơ mộng" của những cậu học trò tóc hớt ngắn, quần xanh áo trắng là... nơi các nữ thiên thần áo dài trắng túa ra như chim bồ câu sau giờ tan học của trường nữ Gia Long (nay là trường Nguyễn Thị Minh Khai).

Bấy giờ, có cậu học sinh Pétrus Ký nào chẳng mơ được "mần quen" (làm quen) cùng một em Da Lợn nhỉ. Xin nói ngay, "Da Lợn" là cái biệt danh vui dành cho nữ sinh trường Gia Long, do học sinh các trường khi ấy tự đặt cho nhau bằng cách "đọc trại tên" dí dỏm, hoàn toàn không có ác ý hay xúc phạm gì cả. Thí dụ Petrus Ký là "Bê lắc Ký", Chu Văn An là "Chết vì ăn", Trưng Vương là "Trứng Vữa", Võ Trường Toản là "Vỏ trứng thúi", Mạc Đĩnh Chi là "Má đi chợ"…

Các trường gom biệt danh lại, có thể ghép thành câu vè "Má đi chợ, mua bê lắc ký, da lợn nhưng lại toàn trứng vữa và vỏ trứng thúi…".


Trường nữ sinh An Nam - tức Gia Long và giờ là Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai.

Trở lại với "thiên đàng mơ mộng" Da Lợn nhé. Phía bên hông cổng trường Gia Long, trước cổng chùa Xá Lợi, "cạnh tranh" với những chiếc xe bán bò bía, gỏi đu đủ là những chàng áo trắng Pétrus Ký "đang gửi hồn qua cánh cổng" thâm nghiêm có từ năm 1915 với cái tên thơ mộng "Trường nữ sinh Áo Tím".

Nghe kể lại, trường được thành lập do sự đề nghị của Nghị viên Hội đồng quản hạt Nam kỳ Lê Văn Trung cùng vợ của Tổng đốc Phương và một số trí thức người Việt với chính quyền thực dân Pháp. Khóa đầu tiên (1915) trường tuyển 45 nữ sinh với đồng phục là áo dài tím tượng trưng cho sự tinh khiết của phụ nữ Việt.

Từ khi thành lập các đời hiệu trưởng toàn là người Pháp nhưng vào năm 1949 nữ sinh trường Áo Tím cùng nam sinh sinh trường Pétrus Ký tổ chức bãi khóa kỷ niệm ngày Nam Kỳ Khởi nghĩa nên chính quyền đã đóng cửa trường.

Năm 1950, sau một cuộc đấu tranh, biểu tình dài ngày với sự ủng hộ của phong trào học sinh lúc ấy trường được mở cửa lại. Và đánh dấu sự kiện quan trọng nầy, sau 7 đời hiệu trưởng trường là người Pháp, lần đầu tiên trường có nữ hiệu trưởng là người Việt: bà Nguyễn Thị Châu.

Năm 1953 trường Áo Tím đổi tên thành trường nữ trung học Gia Long. Áo dài tím được thay bằng áo dài trắng với phù hiệu là bông mai vàng. Chương trình giáo dục bằng tiếng Pháp được chuyển sang quốc ngữ.

Có phải "mối tình" gắn kết tranh đấu của Áo tím và sau đó Gia Long trong những năm về sau đã gắn kết "Trai Pétrus Ký, gái Gia Long" một cách mặc nhiên trong những mối tình thật và ảo của lứa tuổi học trò? Chỉ biết rằng những chàng trai Trai Pétrus Ký luôn mơ về "thiên đường" tuổi nhỏ dại của mình, đến bây giờ tóc gần bạc hết như tôi vẫn còn hoài nhớ.

Sài Gòn, cùng với những trường nữ trung học công lập Gia Long, Trưng Vương, Lê Văn Duyệt, Sương Nguyệt Anh cũng còn "trắng trời áo dài" với những trường nữ trung học tư khác như Thánh Linh, Hồng Đức… đã hốt hồn những chàng trai mặt nổi mụn trứng cá và vỡ giọng ngày xưa với những ước mơ "áo ai trắng quá, nhìn không ra"…

Những cô nữ sinh ở những ngôi trường ấy đã là một phần hồn của Sài Gòn. Cám ơn Sài Gòn đã có những ngôi trường "thiên đàng tuổi nhỏ" dành riêng cho chàng trai mơ về những mái tóc, những chiếc áo dài trắng vờn bay, vờn bay...


Nữ sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai ngày nay. Ảnh tư liệu TT.

Bạn đọc có kỷ niệm gì về thời học trò tại Trường Pétrus Ký, Gia Long... có thể chia sẻ thêm thông tin, tư liệu và cảm nhận ở phần Bình luận bên dưới.

LÊ VĂN NGHĨA
http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20160113/trai-petrus-ky-gai-gia-long/1037626.html

  • ũ Trân 15:53 13/01/2016
    Thời đó thường các chàng Pétrus Ký hay mơ về các nàng Gia Long, còn chàng Chu Văn An thì mơ nàng Trưng Vương. Trường Gia Long rất kín cổng cao tường nên cơ hội giao lưu chính thức là dịp cuối năm, gần Tết, khi 2 trường tổ chức bán Báo Xuân (Tập san), hay dịp tổ chức Cây Mùa Xuân Chiến sỹ. Trong trường Gia Long nhiều Thầy xuất thân từ Pétrus Ký, Cô thì là học sinh cũ của trường. Hàng năm, dịp Lễ Hai Bà Trưng là có chương trình văn nghệ tiết mục Trưng Trắc, Trưng Nhị cỡi voi. Những hoạt động văn hóa truyền thống và xôm tụ của học sinh Gia Long thời đó (những năm 1970) là làm Báo tường, đến Tết thì là Tập San Xuân, văn nghệ. Tuy là Báo tường, Tập San của học sinh nhưng làm rất "chuyên nghiệp": nhiều bài thơ, hình vẽ rất đẹp. Tuy lãng mạng, mộng mơ, nhưng các bài thơ, đoản văn trong tập san, báo tường Gia Long chủ yếu về bạn bè, thầy cô, lớp học, thêm một chút là "mây lãng đãng bay", hay "nắng vàng"... nếu nhớ đúng thì hình như không có bóng dáng của "các bạch mã hoàng tử" ! hehe...Ai đã từng học Gia Long đếu yêu mến ngôi trường này đến tận bây giờ. Hiện nay, hằng năm, hội Cựu Học sinh Gia Long vẫn tổ chức họp mặt những thế hệ Thầy Cô, Học Sinh Áo tím - Gia Long - Nguyễn Thị Minh Khai tại TP. HCM. Riêng các khóa, cũng có những họp mặt riêng, thường tổ chức luân phiên, có năm tại VN, có năm tại Châu Âu, Úc, Mỹ. Cảm ơn tác giả về bài báo hay. Mong nhiều Nam Pétrus Ký, Nữ Gia Long có dịp đọc bài này để nhớ về một thời áo trắng sẽ không bao giờ quên!
    • Khai 16:55 13/01/2016
      Chu Văn An sao dám mơ Trưng Vương hả bạn? Trưng Vương được các anh Võ Trường Toản chăm rất kỹ. Ngoài ra Trưng Vương còn được bao vòng ngoài bởi các anh Văn Khoa, Dược Khoa và Nông Lâm Súc nữa.
  • nhandoan 18:38 13/01/2016
    Tại sao lại đổi tên trường pétrus ký, trong khi đó là tên của 1 nhân tài đất việt, ko kém những quan trạng ngày xưa
  • Minh Nhật Trương 16:14 13/01/2016
    Chuyện này thời xưa , thời nay đều có . Khác nhau là sự thơ ngây và lãng mạn lúc đó mà thôi Đọc bài này càng yêu thêm thời áo trắng thuở xưa thêm. Năm xưa mây trắng tung đường Không đâu áo trắng tan trường như mây Tôi đi theo áo bao ngàyMà lòng cứ ngỡ là mây.. Mây trời ...
  • Vương Kha 20:44 13/01/2016
    Thật tiếc là trường Gia Long bây giờ chỉ còn "xác" chứ không còn "hồn". Về thăm trường xưa mà không khỏi bùi ngùi. Tôi và bạn bè Gia Long xưa giờ chỉ muốn con vào Nguyễn Thượng Hiền, Bùi Thị Xuân... còn may mắn hơn thì cho vô Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa. Không biết có ai giống như tôi không?
  • Khiêm Hà 17:29 13/01/2016
    Có chi tiết sai nha bạn, nữ sinh Lê Văn Duyệt Gia Định áo dài xanh, Trưng Vương Q1 nữ sinh nhỏ được mặc váy xanh đọt chuối nha. Pétrus Ký và Chu Văn An xa trường Gia Long và Trưng Vương lắm tan trường là các trai Nguyễn Trãi bên Phan Đình Phùng và trai Võ Trường Toản kế bên bám sát đâu mà đến phần Pétrus Ký và Chu Văn An.
  • Trang 16:43 13/01/2016
    Đã từ lâu rồi tôi yêu màu áo trắng...
  • son nguyen 04:21 14/01/2016
    Hỡi người tình Gia Long,
    hỡi người trong cuộc sống
    Con đường này xin dâng
    cho người bình thường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét