Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2015

"Nếu dự báo 70 ngàn rúp ăn 1USD cũng không ngoa"

S. Demura: Nếu dự báo 70 ngàn rúp ăn 1USD cũng không ngoa
Bản dịch của còm sỹ TamHmong
Lời giới thiệu. Stefan Demura là một nhân vật rất nổi tiếng trong giới tài chính và truyền thông Nga. Ông là một nhà kinh doanh sản phẩm tài chính và là một nhà phân tích tài chính độc lập. Ông còn rất nổi tiếng như một nhà tiên tri kinh tế “tận thế”.
Demura in Riga. Ảnh: Internet
Năm 2006 ở nước Nga tất cả đều phấn khích với tốc độ phát triển kinh tế ấn tượng, bộ mặt các thành phố lớn thay đổi từng ngày. Giá bất động sản (BĐS) Moscow cao ngất ngưởng phá mọi kỷ lục. Tuyệt đại đa số các nhà kinh tế Nga có tên tuổi đều có những dự báo rất lạc quan về một thời kỳ phát triển “thần kỳ’’ của kinh tế Nga nói chung và BĐS Nga nói riêng.

Duy nhất một mình Stefan Demura trên kênh TV Nga RBK (Năm 2006 Demura đang là MC của kênh này phụ trách chương trình “Thị trường online” – ND) đã đưa ra dự báo về việc sập thị trường BĐS Mỹ vào năm 2008 dẫn đến Khủng hoảng kinh tế toàn cầu và Khủng hoảng kinh tế Nga kéo theo việc thị trường BĐS Nga suy thoái.

Vào 03/2008 nửa năm trước khi Khủng hoàng kinh tế Mỹ diễn ra cũng trên kênh TV RKB ông đã dự đoán chính xác gần như đến tận ngày bắt đầu cuộc Khủng hoảng và phác thảo kịch bản Khủng hoảng kinh tế Mỹ dẫn đến Khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Mọi sự xảy ra sau 09/2008 đã diễn ra đúng như kịch bản do ông phác thảo.

Từ đó Demura trở thành nổi tiếng ở Nga (và không chỉ ở Nga) như một nhà tiên tri kinh tế. Các dự báo của ông thường rất “chối tai” nhưng được nhiều người Nga lắng nghe vì rất ít khi sai.

Theo ông Demura khủng hoảng kinh tế Nga có nguyên nhân sâu xa từ mô hình kinh tế méo mó ở Nga hiện nay. Các biện pháp trừng phạt của Phương Tây và việc giá dầu hỏa tụt dốc chỉ làm bộc lộ rõ những nhược điểm cốt tử và thúc đẩy nhanh quá trình khủng hoảng tất yếu của mô hình này.

“Không có gì đảm bảo rằng giá Dollar chỉ là 70 rúp mà có thể là 70 ngàn rúp trong tương lai”.

Đó là tuyên bố của ông Demura ngày 26.08.2015 khi trả lời phỏng vấn trang mạng ưa thích của giới kinh doanh Nga «БИЗНЕС Online». Ông cũng giải thích tại sao việc dầu lửa sập giá hoàn toàn không phải yếu tố chính dẫn đến sự phá sản của đồng rúp.

Hôm nay Vladimir Putin sẽ chủ trì cuộc họp chuyên đề với chính phủ LB Nga bàn việc tìm cách ngăn chặn khủng hoảng giá dầu lửa và tỷ giá ngoại tệ. Tuy nhiên, ông Demura cho rằng các biện pháp hữu hiệu trong tình thế đã hình thành có thể nói là không tồn tại.

Trong bài trả lời phỏng vấn «БИЗНЕС Online» 26.08.2015 ông Demura đã giải thích tại sao kích cỡ của “gối hơi an toàn ngoại tệ” của Ngân hàng TW Nga (NHTW) thực tế chỉ là 20-30 tỷ USD và tại sao giá dầu lửa sau một cuộc “bật lên” ngắn hạn sẽ sập xuống còn $12/thùng vào cuối năm 2016.

Dưới đây là toàn văn bài phỏng vấn do phóng viên Andrey Smirnov tiến hành 26.08.2015.

· Giá dầu lửa có thể bật lên đến $59-60/thùng

PV: Giá dầu lửa WTI Mỹ đã tiến dần đến mức $32/thùng như ông đã dự đoán cho giai đoạn cuối hè và đầu thu 2015. Liệu giá dầu có thể giảm sâu hơn nữa không thưa ông?

Demura: Vâng, giá dầu lửa WTI có thể còn giảm sâu đến tận $15-20/thùng. Vào cuối 2016 và về nguyên tắc còn phải xuống tận $12/thùng. Cho dù là quả thật dầu lửa WTI Mỹ sẽ không nằm ở giá này quá lâu.

PV: Nếu chỉ nhìn đến cuối 2015 ông dự đoán thế nào về giá dầu lửa?


Demura: Hiện nay thì còn nhiều yếu tố chưa thật rõ ràng. Không loại trừ giá dầu lửa sẽ bật lên từ một cực tiểu thời điểm nào đó. Đã có dấu hiệu của biến động này. Tôi cho rằng giá dầu lửa WTI có thể bật lên đến $50-60 vào cuối 2015. Mọi chuyện phụ thuộc vào việc làn sóng đầu cơ bắt đầu sớm hay muộn. Vì vậy có thể nói dù là hoàn toàn có tính chất đầu cơ nhưng giá dầu có thể bật lên một thời gian ngắn vào cuối năm nay.

PV: Ở nước ta người ta thường mặc định giải thích việc tỷ giá rúp nhảy múa hoàn toàn chi phối bởi yếu tố giá dầu lửa. Ông có tán thành cách giải thích này không?

Demura: Không, tôi không tán thành. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tỷ giá rúp. Trong bối cảnh cụ thể đã hình thành ngày hôm nay ở Nga theo tôi yếu tố giá dầu lửa không phải là quan trọng nhất.

Điều gì ấn định tỷ giá rúp trên thị trường? Đó là dòng tiền lưu thông. Điều gì đã xảy ra? Sau khi các Tổ chức xếp hạng tín nhiệm (rating) có uy tín thế giới đánh tụt hạng tín nhiêm dầu tư của Nga xuống mức “rác” thì chỉ còn “đồng tiền nóng và rất nóng” đầu tư vào trái phiếu tiền rúp của các Công ty và nhà nước Nga vì chúng cho lợi nhuận rất cao.

Nhưng tất cả chúng ta đều biết đồng tiền “nóng” thì cũng rất chóng nguội.


NHTW Nga đẩy lãi xuất cơ bản lên cao chót vót làm cho việc đầu cơ trái phiếu tiền rúp Nga trở thành rất hấp dẫn. Đáng để mạo hiểm đầu tư. Nhờ đó mà xuất hiện dòng tiền “nóng” chảy mạnh vào Nga hoàn tòan chỉ để đầu cơ trái phiếu. Báo cáo của NHTW cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vốn thận trọng đã tăng cường mua trái phiếu nhà nước do Bộ Tài chính Nga phát hành.

Hiện nay tình hình đã khác. Do tác động của nhiều yếu tố: giá dầu hỏa tụt mạnh và tâm lý chờ đợi Cục Dự trữ Quốc gia Mỹ tăng lãi xuất cơ bản,… nên dòng tiền này đã quay đầu đi ra khỏi Nga. Và không chỉ ra khỏi nước Nga mà còn ra khỏi nhiều thị trường tài chính đang phát triển khác.

Đáng tiếc là trong hoàn cảnh này NHTW không có các khoản dự phòng để giữ giá đồng rúp. Mặt khác vốn đầu tư sản xuất cũng chạy khỏi Nga vì không còn điều kiện tốt để đầu tư.

Chúng ta sẽ “cầm nắm” mức tỷ giá 80 rúp một dollar vào cuối 2015

PV: Chẳng lẽ NHTW không đủ ngoại tệ dự trữ (số liệu chính thức 357 tỷ USD cho đến 01.08.2015 – ND) để giữ đồng rúp khỏi sập giá hay sao?

Demura: Nói chung là NHTW chẳng có tí dự trữ nào cả! Chính họ đã tự công nhận điều này. Điều duy nhất NHTW có thể làm được là điều chĩnh lãi xuất cơ bản . Đúng hơn là họ tin rằng có thể tác động đến tỷ giá thông qua điều chĩnh lãi xuất cơ bản.

Tuy nhiên, chưa có bất kỳ NHTW nào trên thế giới thành công trong việc khống chế tỷ giá nội tệ chỉ bằng cách điều chinh lãi xuất cơ bản. Chính vì vậy có thể nói là lãnh đạo tài chính Nga đơn giản là bất lực trong bối cảnh kinh tế đã hình thành hiện nay.



PV: Thưa ông Demura, vậy điều gì đã xảy ra với Quĩ dự trữ ngọai tệ quốc tế của Nga thường vẫn được coi là rất lớn?

Demura: Hầu như toàn bộ Quĩ này đã bị thế chấp. Người ta đã thế chấp Quĩ này để nhận những khoản tín dụng khổng lồ từ các Tổ chức tín dụng quốc tế sau đó phân phát cho các Ngân hàng và Cty Nga.

Ngoài ra là để nhận các khoản tín dụng dành cho Chính phủ Nga sử dụng để hỗ trợ nền kinh tế đang khủng hoảng.

PV: Vậy có còn một khoản dự trữ “nhàn rỗi” thực sự nào mà NHTW có thể sử dụng để thử tìm cách giành thế chủ động trong trò chơi tỷ giá trên thị trường quốc tế không?

Demura: Có. Nhưng rất tiếc là khoản này nhỏ đến tức cười. Người ta đã ước tính khoản này. Tôi cũng dùng bút chì phác qua. Còn các chuyên gia quốc doanh tầm cỡ và bộ máy của họ cũng đã ước tính nghiêm túc.

Hóa ra là NHTW chỉ có trong tay một khoản từ khoảng 20 cùng lắm là 30 tỷ USD “nhàn rỗi” để chơi trò tỷ giá đồng rúp. Đấy toàn bộ cái “gối hơi an toàn ngoại tệ”.

PV: Trong trường hợp như vậy liệu chính quyền phương tiện nào khác ngoài các biện pháp không hữu hiệu như điều chỉnh lãi xuất cơ bản để ngăn ngừa hoảng loạn trong thị trường ngoại tệ Nga không?

Demura: Không. Không có phương tiện nào cả.

PV: Trong trường hợp như vậy điều gì có thể là yếu tố tạo đáy cuối cùng cho đồng rúp đang sập giá?

Demura: Đấy là những yếu tố độc lập với động thái của chính quyền mà chính quyền không tác động vào được. Tuy vậy, tạm thời đồng rúp chưa giảm giá sâu.

Đồng rúp sẽ giảm giá sâu khi xảy ra hoảng loạn toàn phần trên thị trường ngoại tệ như đã từng xảy ra hồi tháng 12.2014. Lúc đó chúng ta đã rơi vào đáy cực tiểu đầu tiên của tỷ giá rúp. Hiện nay chưa xảy ra hoảng loạn nên đồng rúp sẽ giảm giá một cách từ từ.

PV: Tất nhiên hỏi thế này là hơi ngây ngô nhưng tôi vẫn muốn biết dự đoán của ông về tỷ giá USD/rúp vào cuối 2015?

Demura: Đoán trúng hơi khó nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ “cầm nắm” mức tỷ giá 80 rúp một dollar vào cuối 2 015.

Công nghệ phá địa tầng bằng PLASMA sẽ phá giá dầu lửa

PV: Thị trường dầu lửa dễ dự đoán hơn phải không ông ?

Demura: Đó là một thị trường có thể dự đoán một cách tuyệt vời. Chỉ có một điều phải lưu ý: nếu chúng ta chốt dự đoán vào một mức giá cụ thể nào đó thì có thể dự đoán sai một hai tháng. Nhưng nếu chúng ta tính đúng mọi yếu tố tác động lên giá dầu lửa thì có thể dự đoán hoàn toàn chính xác khung giá trong tương lai gần.

PV: Có thể bằng cách nào đó trong một thời ngắn thay đổi chiều hường hiện nay trên thi trường dầu lửa: nguồn cung vượt hẳn nhu cầu không?


GDP và giá dầu của Nga. Ảnh: Internet

Demura: Không. Chưa có bất cứ một dấu hiệu nào của xu hường đảo chiều cung cầu.

PV: Vậy những kỳ vọng về việc công nghiệp khai thác dầu hỏa từ đá phiến của Mỹ sẽ phá sản khi giá dầu thấp như hiện nay thì sao? Cho đến nay ở Nga đó vẫn là điều còn nhiều người hy vọng.

Demura: Người ta vẫn hy vọng vì họ không biết cách tính giá thành gốc của dầu đá phiến. Có một vài loại giá thành gốc. Có giá thành gốc tính rộng bao gồm cả chi phí trả lãi tiền vay ngân hàng của các Cty khai thác dầu và các chi phí khác.

Có giá thành gốc mà người ta gọi là LIFTING COST – giá thành gốc chỉ tính chi phí khai thác và đưa dầu từ dươi địa tầng lên măt đất. LIFTING COST của dầu đá phiến hiện nay ở Mỹ trung bình chỉ là $15-20/thùng.

Về giá thành gốc tính rộng người Mỹ nói rằng họ đã có thể giảm thêm được từ 10-15 USD/thùng nên giá thành gốc tính rộng chỉ còn ở mức TB là $25/thùng.

Ngoài ra dư địa cho việc giảm giá thành gốc dầu đá phiến còn nằm ở việc thường xuyên cải tiến công nghệ khai thác. Hiện nay thay cho công nghệ phá địa tầng bằng thủy lực người ta bắt đầu sử dụng công nghệ PLASMA cho phép giảm giá thành gốc sâu hơn nữa. Khi dùng công nghệ này không cần hóa chất, nước,.. tóm lại là vừa sạch vừa rẻ.

PV: Người Mỹ đã “bơm” cái gì xuống dưới mặt đất để ép dầu lên vậy, thưa ông?


Demura: Người ta tạo ra PLASMA dưới mặt đất để phá địa tầng và tạo sóng xung kích để đẩy dầu trồi lên bề mặt mặt đất. Công nghệ này được sáng tạo đầu tiên ở Nga. Rất tiếc là cũng như nhiều phát minh, sáng chế khác ở Nga đã không được quan tâm. Những người bạn bên kia đại dương đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng (ông Demura xuất thân là kỹ sư vật lý tốt nghiệp loại ưu trường Kỹ thuật Vật lý. Một trong những Đại học Công nghệ hàng đầu của Nga – ND)

PV: Các Cty dầu khí Nga có bài gì để đáp trả “thách thức” của các đối thủ cạnh tranh Mỹ không thưa ông?

Demura: Không. Chẳng có gì cả. Ngoài việc thiếu kiến thức và trình độ thì họ cũng không có phương tiện để tham gia một cách hiệu quả vào cuộc chạy đua khai thác dầu giá rẻ.

PV: Việc xuất khẩu nhiên liệu của nước Nga đang được xoay trục về hướng Đông…


Demura: Theo tôi đó không phải là một nước cờ thực sự khôn ngoan. Chúng ta có thể trông mong gì vào Trung Quốc nhỉ? Nhìn vào Doanh số trao đổi hàng hóa giữa TQ – EU, Mỹ (tổng cộng khoảnghơn $1000 tỷ – ND) và Doanh số trao đổi hàng hóa TQ – Nga (khoảng $80 tỷ/năm – ND) người TQ sẽ tự hỏi rằng chúng ta giúp nước Nga để làm gì?

PV: Nhưng TQ và các nước Đông Á sẽ phải mua dầu khí của chúng ta chảy theo đường ống dẫn dầu khí mới sang Phương Đông?

Demura: Các đường ống “Sức mạnh Siberia” (sang TQ – ND) và “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” và các dự án dầu khí khác rất tiếc theo tôi chỉ là các thủ pháp tuyên truyền thuần túy.

PV: Ông không tin là các đường ống này sẽ được xây dựng à?

Demura: Không. Tôi không tin, tất nhiên rồi. Đơn giản là vì xây dựng chúng rất không có lợi về mặt kinh tế. TQ thực ra là không cần khí đốt của Nga. TQ hiện nay đang bơm khí đốt từ Trung Á (Turmenia và Kazakhstan – ND) và từ các nước này đường ống dẫn khí đã có từ lâu. Ngoài ra TQ cũng đang tăng sản lượng khai thác khí đốt của riêng mình.

Họ cần khí đốt của chúng ta với giá bán cho EU hiện nay làm gì? Có lẽ là bán với giá $50-100/mét khối thì họ sẽ mua đấy nhưng bán với giá như vậy thì các dự án này không bao giờ hoàn được vốn.

PV: Còn dự án“Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” thì cũng chưa rõ ràng phải không?

Demura: Nước Nga không có công nghệ đặt đường ống dẫn khí ngầm dưới biển. Các Cty dịch vụ dầu khí Phương Tây đều có công nghệ này nhưng theo tôi biết thì Gazprom đã hủy hợp đồng với một Cty Ý đã từng làm dự án này.

Người kể chuyện ngụ ngôn Nga nổi tiếng Krylov đã từng viết nhiều về chính sách kinh tế kiểu này

PV: Cuối những năm 1980 mô hình kinh tế Liên Xô đã khộng chịu đựng nổi việc giá dầu hỏa sập và cũng sập theo. Liệu kinh tế Nga hiện nay có thể đi theo cùng kịch bản như vậy không?

Demura: Điều này sắp tới hoàn toàn có thể xảy ra. Vào những năm cuối 1980 gía dầu hỏa đã từng xuống đến $10/thùng. Hiện nay có nhiều yếu tố để tình huống như vậy có nguy cơ tái diễn.

PV: Cơ chế ảnh hưởng của giá dầu hỏa thấp lên kinh tế nước Nga thế nào?

Demura: Trước hết là ngân sách trống rỗng. Theo luật thì NHTW Nga không có quyền in và phát hành rúp không được đảm bảo bằng nguồn thu Euro và USD.

NHTW chỉ còn cách duy nhất để tăng tiền thu vào ngân khố là tiến hành một cách rộng rãi các giao dịch REPO (repurchase agreement): cấp tín dụng cho các Cty và tổ chức thông qua việc “cầm cố” trái phiếu, cổ phiếu tiền rúp các loại.

Người ta sẽ đưa vào các giao dịch REPO tất cả các loại trái phiếu Bộ Tài chính, các địa phương, cổ phiếu của các Cty, phiếu xác nhận nợ của các địa phương, các Cty,…Ngay tại thời điểm này người ta đã bắt đầu phát hành rúp một cách âm thầm thông qua các giao dịch REPO này.

Khi nguồn thu ngân sách giảm mạnh cùng với giá dầu giảm (các khoản thu từ xuất khẩu dầu khí chiếm khoảng 50% ngân sách nước Nga – ND) thì NHTW Nga bắt buộc phải đẩy mạnh các giao dịch REPO để tăng cường phát hành rúp một cách “âm thầm” lấp đầy ngân sách trống rỗng.

Kết quả là sẽ dần dần xảy ra không phải là lạm phát mà là siêu lạm phát (hyperinflation). Điều này đã xảy ra trong lịch sử nước Nga thời kỳ hậu Liên Xô vào những năm 90 thế kỷ trước.


Trong tình thế hiện nay của kinh tế Nga và xét bối cảnh tương lai gần của thị trường dầu lửa thế giới chẳng có gì đảm bảo rằng tỷ giá USD/rúp không phải chỉ là 70 mà có thể là 70 ngàn.

Chắc là anh chưa quên giá hàng phải viết bằng bao nhiêu chữ số trước khi đổi tiền những năm 90 thế kỷ trước (năm 1998 Nga đã tiến hành đổi tiền không hạn chế 1 rúp mới = 1000 rúp cũ – ND).

PV: Tóm lại theo ông là NHTW Nga đang xây dựng một Kim tự tháp tín dụng có phần giống Kim tự tháp trái phiếu quốc gia Nga đã sập năm 1998?

Demura: Vâng, thực là rất giống chỉ có là với cái tên khác. Chúng ta phải hiểu rằng khoản nợ nước ngoài của các Cty phần lớn chính thực ra là nợ quốc gia.

Lúc bắt đầu cuộc khủng hoảng kinh tế Nga hiện nay (từ giữa năm 2014 – ND) khoản nợ nước ngoài là khoảng $700 tỷ và dự trữ ngoại tệ là $500 tỷ. Chuyện vặt, chẳng có gì đáng phải lo, tất cả đều khẳng định như vậy khi nói về các khoản nợ.

Tuy nhiên, cùng với việc Phương Tây thi hành các biện pháp trừng phạt tình hình đã nhanh chóng thay đổi. Các biện pháp trừng phạt này đã cắt đứt toàn bộ khả năng của các Cty Nga tiếp cận nguồn vốn từ các Tổ chức tín dụng quốc tế.

Khi các khoản nợ đến hạn phải trả chúng ta không đáo hạn được nợ và cũng không vay nơi khác để đập vào được. Hậu quả là chúng ta thấy dự trữ ngoại tệ của NHTW đã teo đi nhanh chóng (Dự trữ ngoại tệ của NHTW Nga chỉ còn 357 tỷ USD cho đến 01.08.2015 – ND). Từ giờ đến cuối năm chúng ta còn phải trả khoảng $60 tỷ tiến nợ đến hạn mà NHTW không có tiền!


PV: NHTW sau khi làm việc với các Cty và tổ chức Nga là con nợ nước ngoài đã đi đến kết luận là một nửa số nợ các Cty và các Ngân hàng Nga phải trả từ tháng 09 – 12.2015 này là khoản họ phải tự mình trả chính mình. Sau khi loại trừ các khoản nợ “nội bộ” này thì số nợ nước ngoài đến hạn thực tế phải trả giảm đi còn một nửa. Ông thấy loại kế toán này thế nào?

Demura: Theo tôi việc họ bàn thảo những gì không quan trọng vì thực tế NHTW không biết hết toàn bộ các mắt xích của chuỗi nợ. Nếu tính cả các khoản nợ của Cty có gốc đăng ký ở OFFSHORE thì vẫn phải trả đủ 100% (khoảng 90% các Cty, xí nghiêp và tổ chức tín dụng hàng đầu của Nga đăng ký tại các OFFSHRE. Chủ nhân thực sự của phần lớn các Ngân hàng tư nhân lớn nhất ở Nga là một điều bí ẩn ngay cả đối với giới báo chí thạo tin Moscow– ND). Đây chỉ là một thủ pháp tuyên truyền để yên lòng dư luận mà thôi.

PV: Việc sản xuất hàng thay thế nhập khẩu và chuyển đổi cơ cấu kinh tế có khả năng ngăn chặn kịch bản kinh tế u ám mà ông đã mô tả không?

Demura: Những công việc này tiến hành trong tình trạng thể chế kinh tế và chính trị không hiệu năng hiện nay thì rất khó thành công.

Ngoài ra có gì để nói về tái cơ cấu kinh tế nhỉ? Khi mà lãi xuất cơ bản cao như hiện nay (từ 12.2014 NHTW Nga đã nâng lãi xuất cơ bản lên là 17%/năm – ND). Trước hết thực tế không hề dễ vay tiền để phát triển kinh doanh. Vay được rồi thì sau đó ông làm cách nào để trả lãi khoản vay ngân hàng đây?

PV: Ngay bây giờ giới tài chính quốc doanh lại bắt đầu nói đã đến lúc phải nâng lãi xuất cơ bản một lần nữa, để bảo vệ đồng rúp…

Demura: Biết làm gì với họ bây giờ? Nhà văn chuyên viết chuyện ngụ ngôn Krylov đã nhều lần viết về lọai chính sách kinh tế như vậy (Krylov (1769-1844) là nhà văn chuyên viết chuyện ngụ ngôn nổi tiếng của Nga. Ông đã viết nhiều câu chuyện chế diễu các chính sách kinh tế “quái dị” của XaHoàng thời đó – ND).

Nâng lãi xuất cơ bản chưa chắc đã ngăn được đồng rúp mất giá mà lại tiêu diệt tận gốc nhiều lĩnh vực khác. Hàng đầu là công nghiệp. 

Tôi chính thức nhắc lại: việc NHTW nâng lãi xuất cơ bản chưa bao giờ và ở đâu cứu được đồng nội tệ khỏi sập giá. Phải học bài học lịch sử.

Vài nét về Stefan Demura

-Sinh năm 1967 ở Moscow. Năm 1989 tốt nghiệp loại ưu Trường Kỹ thuât Vật lý Moscow (MFTI là một trong ba trường kỹ thuật hàng đầu Nga – ND) chuyên ngành kỹ sư thiết kế tên lửa.
Demura trẻ lời phỏng vấn về tiền Rúp. Ảnh: Internet

– Sau khi tốt nghiệp đại học đã sang Mỹ học ở University of Chicago từ 1989-1992. Bảo vệ luận án PhD chuyên ngành toán ứng dụng.

-Từ 1992 Stefan Demura làm việc tại Sheridan Investments LLC với tư cách chuyên viên thiết kế các mạng bán hàng. Từ năm 1994 Demura được mời làm việc tại Ngân khố quốc gia Mỹ bắt đầu như người bán trái phiếu sau là nhà phân tích thị trường chứng khoán phái sinh (derivate).

Ông làm việc ở Mỹ tất cả 12 năm. Ngoài công việc ở Ngân khố quốc gia Mỹ ông còn tham gia giảng dậy tại Chicago University.

– Từ 2004 Demura đã bỏ việc ở Ngân khố Mỹ quay về Moscow. Từ 2004 đến nay ông đã làm việc với tư cách nhà phân tích và chuyên viên tư vấn tài chính tại các tập đoàn kinh doanh vàng, bất động sản và tài chính chứng khoán Moscow.

– Từ 2008 đến nay là Giám đốc tài chính của Tập đoàn tài chính “Câu lạc bộ đầu tư Nga”. Stefan Demura không bao giờ coi mình là nhà kinh tế mà chỉ tự nhận mình là chuyên gia phân tích tài chính.

– Ngoài công việc chuyên môn từ 2006-2013 Stefan Demura từng là bình luận viên và là MC của chương trình “Thị Trường online” trên kênh TV Moscow RBK. Kênh truyền hình của tỷ phú Niken Mikhail Prokhorop.

– Năm 2013 Stefan Demura bị tỷ phú Prokhorop đuổi việc ở TV RBK vì trong một buổi mạn đàm trực tuyến ông đã thẳng thừng chê một nhà kinh tế danh tiếng Nga là dốt chuyên môn.

Từ 2013 đến nay Stefan Demura là người dẫn chương trình “Nghịch lý” trên Đài truyền thanh “Tài chính – FM” .

Ông Stefan Demura còn là TRADER tài chính (người chuyên doanh các sản phẩm trên thị trường tài chính) độc lập.

(Ghi chú: Đây là bản lược dịch và nội dung bài viết không phản ánh quan điểm cá nhân của ND – TamHmong)

http://hieuminh.org/2015/09/04/stefan-demura-tuong-lai-co-the-1-do-la-an-70-ngan-rup/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét