Thứ Tư, 17 tháng 6, 2015

TQ: Mô hình tăng trưởng làm công nghiệp sụp đổ ?

Hệ thống công nghiệp Trung Quốc trước nguy cơ sụp đổ
Một mô hình tăng trưởng kinh tế mới có thể đe dọa làm sụp đổ những hệ thống nền tảng nhất của kinh tế Trung Quốc, mà đứng hàng đầu là hệ thống công nghiệp của nước này.
Năm 2015 là một năm mang ý nghĩa bước ngoặt với Trung Quốc, khi nước này buộc phải tìm ra mô hình tăng trưởng kinh tế mới sau năm 2014 có mức tăng trưởng thấp nhất trong hàng chục năm gần đây. Người Trung Quốc cần tìm ra một hướng đi mới cho nền kinh tế giờ đây đã có quy mô thứ hai trên thế giới. Nhưng những tin tức gần nhất dường như lại đang chỉ ra một thực tế rằng, vấn đề không đơn giản như thế. Một mô hình tăng trưởng kinh tế mới có thể đe dọa làm sụp đổ những hệ thống nền tảng nhất của kinh tế Trung Quốc, mà đứng hàng đầu là hệ thống công nghiệp của nước này.

Một điều ít người biết, đó là vào năm 1978, khi mở cửa Trung Quốc về cơ bản Đặng Tiểu Bình vẫn giữ nguyên những hệ thống quan trọng nhất của nước này, như hệ thống công nghiệp. Về cơ bản, sự hình thành và phân bố ngành công nghiệp Trung Quốc khi đó bắt nguồn từ thời Mao Trạch Đông. 

Với mục tiêu công nghiệp hóa một cách ồ ạt và nhanh nhất có thể, Mao và các cộng sự đã quy hoạch 6 trung tâm công nghiệp lớn, đó là khu vực Đông Bắc, khu vực phía Bắc, khu vực hạ lưu sông Trường Giang, khu vực Tây Nam, khu vực Vũ Hán và cuối cùng là khu vực đồng bằng sông Châu Giang. Mỗi khu vực sẽ tập trung phát triển một loại hình công nghiệp riêng biệt. Trong khoảng thời gian hơn 20 năm nắm quyền của Mao, 6 trung tâm công nghiệp này liên tục được đầu tư mạnh và đã trở thành hệ thống nền tảng nhất của nền công nghiệp Trung Quốc. Thậm chí, nó vẫn đang chi phối ngành công nghiệp Trung Quốc đến tận thời điểm hiện tại.

Mao qua đời cũng kéo theo sự suy tàn của 6 trung tâm công nghiệp này. Đặng Tiểu Bình lên cầm quyền đã chấm dứt chính sách theo đuổi công nghiệp hóa một cách mù quáng trước đó của Mao đã gây ra cái chết của hàng triệu người. Phải đến khi Đặng mở cửa Trung Quốc, một số trung tâm công nghiệp này mới bắt đầu được hồi sinh. Quá trình phát triển kinh tế đòi hỏi những nguyên vật liệu và thiết bị công nghiệp với khối lượng khổng lồ, đã mang lại một cơ hội lớn để các trung tâm công nghiệp tưởng đã lỗi thời này hoạt động trở lại với quy mô lớn. Hầu hết các tập đoàn công nghiệp hàng đầu Trung Quốc đều có đại bản doanh đặt tại 6 trung tâm công nghiệp này. Tốc độ phát triển chóng mặt của kinh tế Trung Quốc một phần lớn dựa vào quy mô và khả năng hoạt động mạnh của hệ thống các trung tâm công nghiệp này đóng vai trò nền tảng cho phát triển kinh tế. Nhưng khi cơn bão tăng trưởng đã đi qua, người Trung Quốc bắt đầu giật mình khi nhìn lại hệ thống công nghiệp của mình.

So với một số hệ thống công nghiệp hiện đại trên thế giới, hệ thống phân vùng các trung tâm công nghiệp của Trung Quốc đã tỏ ra lỗi thời. Khi Mao Trạch Đông quy hoạch thành 6 trung tâm công nghiệp này, Trung Quốc vẫn đang là một quốc gia đóng cửa và phát triển kinh tế theo lối tự cung tự cấp. Hệ thống công nghiệp Trung Quốc cũng được quy hoạch theo xu hướng đó. Và so với hệ thống công nghệ tiên tiến hiện nay, dĩ nhiên nó tỏ ra không phù hợp. Xu hướng phát triển công nghệ và công nghiệp trên thế giới đang hướng đến những trung tâm tích hợp quy mô lớn, như thung lũng Silicon ở Mỹ, thay vì phân chia rải rác thành nhiều bộ phận riêng lẻ và nhất là lại cách nhau quá xa ở một đất nước rộng lớn như Trung Quốc.

Sở dĩ 6 trung tâm công nghiệp này phát triển mạnh trong giai đoạn vừa qua là vì mỗi trung tâm đóng vai trò cung cấp nguyên vật liệu và thiết bị cho mỗi khu vực riêng biệt của Trung Quốc. Nhưng khi nền kinh tế Trung Quốc đã bão hòa và bắt đầu hướng đến xuất khẩu thì việc phân bố thành 6 trung tâm công nghiệp rải rác hiện tại đúng là một điểm yếu chết người. 

Ngoại trừ trung tâm công nghiệp ở Vũ Hán và Châu Giang khá gần các tỉnh duyên hải phía Đông, thì phần lớn các trung tâm công nghiệp khác đều nằm khá sâu trong đất liền và sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Quan trọng hơn, là các trung tâm công nghiệp này lại chịu sự chi phối mạnh của chính phủ Trung Quốc. Điều này khiến các trung tâm tỏ ra thiếu sự linh hoạt cần thiết và hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định từ phía chính phủ - vốn cũng bị ảnh hưởng từ tình hình của nền kinh tế. 

Kết quả là sản lượng công nghiệp của các trung tâm này đang sụt giảm một cách nghiêm trọng do nền kinh tế tăng trưởng chậm lại như một hệ quả tất yếu, mà không thể tìm ra được giải pháp.

Người Trung Quốc đang đứng trước 2 lựa chọn ở thời điểm hiện tại. 

Hoặc là họ tiếp tục duy trì mô hình 6 trung tâm công nghiệp thiếu hiệu quả này và chấp nhận tìm một mô hình kinh tế dựa trên sự khuyết tật về nền công nghiệp đó. 

Hoặc là Bắc Kinh sẽ phải chấp nhận phá vỡ mô hình lạc hậu này và xây dựng một hệ thống công nghiệp mới tiên tiến hơn, điều này đồng nghĩa với việc chuyển đổi cả một nền công nghiệp có nhân lực lên tới cả trăm triệu người và phá vỡ một hệ thống đã tồn tại hơn 60 năm. 

Một sự tiết giảm quy mô ở quy mô lớn đối với hệ thống công nghiệp Trung Quốc có thể sẽ lại diễn ra một lần nữa, sau giai đoạn suy tàn của các trung tâm công nghiệp này do cái chết của Mao Trạch Đông. Lần này, thậm chí nó có thể đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn.

Nhàn Đàm (theo The Diplomat)
http://motthegioi.vn/ho-so-phan-tich/he-thong-cong-nghiep-trung-quoc-truoc-nguy-co-sup-do-200642.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét