Thứ Năm, 25 tháng 6, 2015

Bình luận từ nghị trường: 1+ 1 = mấy ?

Bình luận từ nghị trường: 1+ 1 = mấy ?
Đào Tuấn LĐO - Câu trả lời mà bất cứ học sinh lớp 1 nào cũng có thể trả lời, hóa ra, lại là câu hỏi không thể trả lời trước Quốc hội. Hôm qua, Luật Thống kê được đưa ra thảo luận trong tình cảnh “IC số liệu chập mạch liên tục”. Chúng ta có sự chập mạch về số liệu lao động - việc làm - thất nghiệp khi có bao nhiêu cơ quan là có bấy nhiêu số liệu.
Chúng ta có sự nhiễu loạn, chẳng hạn khi GDP các tỉnh hầu hết hai con số, trong khi tổng số của 63 phép cộng ấy lại là một con số. Hay như trong cách tính toán nợ công. Chúng ta tính toán “kiểu Việt Nam” để bỏ ra ngoài toàn bộ phần nợ của DNNN, nợ chính quyền địa phương… để có được con số “khoảng 59,3% GDP”- tức là trong ngưỡng an toàn.


Hay thời sự hơn là khoản chênh lệch trong thâm hụt thương mại Việt Nam-Trung Quốc với một con số 20 tỉ USD, lớn đến mức nếu chỉ bảo là do khác biệt trong cách tính toán thì giống hệt như sự nhập nhèm.

Phép tính thống kê của chúng ta nó tệ đến mức ngay cả số người chết vì tai nạn lao động cũng không thống nhất: Thống kê cho biết “mỗi năm có 600 vụ tai nạn chết người, thực tế con số ngành y báo cáo gấp… 20 lần”- lời Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Bùi Sĩ Lợi.

Đúng là một bài toán khó thật sự cho một dự án buộc phải đặt trên nền tảng là khoa học, là toán học, thay vì “bệnh thành tích” như luật thống kê.

Nhưng có vẻ như hôm qua, phép toán 1+1 giống như một bổ đề cơ bản.


Nói như ĐBQH Trương Văn Vở, dù dự thảo luật công phu, chi tiết nhưng vẫn chưa “gỡ” được 5 vấn đề thực tế của thống kê: Chưa đảm bảo tin cậy. Chưa đảm bảo sự chính xác. Chưa đảm bảo liên kết phối hợp, thậm chí còn chồng chéo, chênh lệch, mâu thuẫn. Chưa thống nhất về phạm vi, phương pháp tính toán và nguồn số liệu; chưa thống kê đầy đủ; chưa quy định cơ sở pháp lý cho hội nhập quốc tế.

Sửa đổi như thế, có khác gì đâu việc cho người đau đầu uống thuốc đau bụng! Khi mà không chính xác, thiếu tin cậy vẫn hoàn thiếu tin cậy không chính xác. Khi cơ sở pháp lý cho hội nhập mà thiếu thì có lẽ những chuyện “nợ xấu không tính nợ của DNNN” hay những khoản “chênh lệch 20 tỉ USD trong tính toán” sẽ vẫn còn là chuyện dài dài.

Có lẽ, để luật thống kê khắc phục tình trạng 1+1=3 (?!) thì nó chỉ được phép thông qua khi có các quy chuẩn để đảm bảo tính chính xác, để khắc phục cái tâm lý ao làng dương dương tự đắc “cách tính của chúng ta khác thế giới”, và để xóa bỏ “bệnh thành tích” mà ngay chính quan chức của Tổng cục Thống kê cũng từng công khai chỉ trích!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét