Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2015

Trẻ bị bỏ rơi và sự phân biệt đối xử ở Trung Quốc

Những đứa trẻ bị bỏ rơi và sự phân biệt đối xử trong kinh tế xã hội Trung Quốc
Bởi: Jenni Li, Epoch Times và Leo Timm, Epoch Times 26 Tháng Sáu , 2015
Trong đầu tháng này, Trung Quốc nhận được một hồi chuông báo động khi bốn trẻ em nông thôn ở độ tuổi từ 5- 14 đã uống thuốc trừ sâu tự tử. Chúng là những đứa trẻ bị bố mẹ bỏ rơi bởi họ ly thân và muốn thoát khỏi cuộc đời làm ruộng nghèo khó nơi miền Nam Trung Quốc để đi tìm việc trên thành phố.
Một cậu bé có bố mẹ là lao đông nhập cư, chụp ảnh bên chiếc xe đạp tại làng Zhuangshuzui, tỉnh Hồ Nam vào ngày 30 tháng 4 năm 2013. (Ed Jones/AFP/Getty Images)

Thảm kịch này đã cho thấy rõ những khó khăn và sự phân biệt đối xử nói chung mà hàng triệu lao động nhập cư và những người phụ thuộc trong gia đình họ phải đối mặt ở Trung Quốc hiện đại .

Năm ngoái, mẹ của bốn đứa trẻ đã rời quê để tới làm ở một nhà máy tại tỉnh Quảng Đông sau khi chịu sự bạo lực trong gia đình; tháng ba năm nay, chúng hoàn toàn bị bỏ rơi sau khi người bố cũng bỏ quê đi làm tại Tất Tiết thuộc tỉnh Quý Châu.

Cảnh sát điều tra cho tờ China News Service biết họ đã tìm thấy lá thư để lại viết bởi cậu con trai cả – cùng ba em gái – trong đó ghi lời tiễn biệt cuộc sống và cha mẹ chúng.

“Chúng con biết bố mẹ muốn tốt cho chúng con, nhưng giờ chúng con phải rời đi”, bức thư viết. “Con đã mơ thấy cái chết nhưng nó vẫn chưa xảy ra. Hôm nay cuối cùng nó đã trở thành sự thật.”

Những đứa trẻ Trung Quốc bỏ rơi
Trẻ em tại Quý Châu, một trong những tỉnh nghèo khổ nhất, chỉ là một hạt cát trong đại dương trẻ em bị bỏ rơi ở Trung Quốc – ước tính tất cả có khoảng 61 triệu trẻ em, hay chiếm một phần năm toàn bộ dân số Trung Quốc dưới 14 tuổi (theo báo cáo của một tổ chức phi chính phủ tại Trung Quốc với tên gọi Trung tâm Chăm sóc Trẻ em Độ tuổi Đến trường). Những đứa trẻ này là con của hơn 270 triệu lao động nhập cư do túng quẫn bởi nghèo đói và thất nghiệp nơi làng quê, đổ xô tới các nhà máy của Trung Quốc, chủ yếu tại các thành phố ven biển để làm ăn kiếm sống.

Một chính sách phân biệt đối xử tồn tại từ lâu không cho phép các lao động nhập cư có cơ hội định cư tại các thành phố cùng với gia đình họ. Thông qua chính sách đăng ký hộ khảu của chính quyền Trung Quốc – trẻ em vùng nông thôn bị cấm nhập học vào các trường học thuộc đô thị hoặc tận hưởng các tiện ích công cộng khác. Không còn lựa chọn nào khác, phải để lại con tại quê nhà, các lao động nhập cư còn bị phân biệt bởi nguồn gốc sinh ra từ cộng đồng nông thôn nghèo.

Trong năm 2014, Trung tâm Chăm sóc đã thực hiện một khảo sát đối với hơn 2.000 trẻ em bị bỏ rơi ở các vùng nông thôn nghèo tại sáu tỉnh thành. Theo kết quả thu được, ước tính có khoảng 10 triệu trẻ em thậm chí không được gặp cha mẹ chúng trong suốt dịp Tết Nguyên Đán, một trong những dịp lễ trọng đại khi cả gia đình tụ họp bên nhau. Những liên lạc với cha mẹ chúng chỉ giới hạn trong một hay hai cuộc gọi điện thoại.

Ảnh hưởng những đứa trẻ bị bỏ rơi phải chịu có thể rất nặng nề. Theo Viện Tâm lý học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, 34% trong số những đứa trẻ này cho thấy có xu hướng tự tử; 70% cho thấy “các vấn đề tâm lý ở mức độ khác nhau”, theo Trung tâm Chăm sóc báo cáo.

Theo báo cáo này, những đứa trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là những em chỉ được gặp bố mẹ chưa tới một lần mỗi quý. Nhiều em cho biết chỉ cần được nói chuyện với cha mẹ một hay hai lần một tuần là đã có thể giúp chúng bớt đi đáng kể sự trầm cảm.


Bức ảnh được chụp vào ngày 30 tháng 3 năm 2013, một bé gái và con đường làng Zhuangshuzui, tỉnh Hồ Nam (Ed Jones/AFP/Getty Images)

Các báo cáo cho biết những trẻ em gái sống xa cha mẹ trong thời gian dài đặc biệt chịu chấn thương tình cảm lớn hơn trẻ em nam.

“Chúng tôi phát hiện rằng đọc sách, học tập và những trò giải trí lành mạnh có thể có tác dụng cải thiện tốt hơn lòng tự trọng và sức khỏe tinh thần cho các em. Sự có mặt của người mẹ trong gia đình cũng rất quan trọng”, theo giáo sư về Giáo dục Lý Diệc Phi tại Đại học Bắc Kinh và là tác giả của bản báo cáo của tổ chức phi chính phủ trên.

Giải pháp lâu dài và sự đoàn tụ cả gia đình

Khi những nhà lãnh đạo cấp cao, trong đó có Tổng bí thư Tập Cận Bình và thủ tướng Lý Khắc Cường bày tỏ sự chia buồn đối với bốn đứa trẻ tự tử tại Quý Châu, nhà kinh tế Trung Quốc và tác giả Hà Thanh Liên – người đang sống tại New Jersey, nhìn những vụ tự sát ở góc độ như là dấu hiệu thể hiện sự thất bại rõ ràng của nhà nước trong việc giúp đỡ những đứa trẻ bị bỏ rơi và ban hành các chính sách công bằng cho dân lao động nhập cư nói chung.

Các trường học và chính quyền nông thôn có thể giảm bớt những khó khăn cho những đứa trẻ này bằng cách cung cấp sự tư vấn và thuê người giám hộ, Hà Thanh Liên đã viết trong một bài báo đăng trên Voice of America. Nhưng giải pháp lâu dài nào thì cũng sẽ cần để người lao động nhập cư đoàn tụ với gia đình của họ. Bà chủ trương ủng hộ việc người lao động nhập cư được phép định cư tại đô thị, điều này có nghĩa là cần xoá bỏ hệ thống hộ khẩu.

“Chính phủ Trung Quốc phải thừa nhận thực tế bằng cách cho phép những người nông thôn tới sống nơi đô thị và giảm chi phí sinh hoạt trong thành phố. Trẻ em phải được phép đi đến trường gần nơi chúng cư trú, chứ không phải theo đăng ký hộ khẩu. Chỉ như vậy mới có thể cắt giảm số trẻ em bị bỏ rơi và đảm bảo cho chúng một cuộc sống gia đình bình thường “, bà Hà viết.

“Vấn nạn trẻ em bị bỏ rơi như thế này chỉ có ở Trung Quốc. Ở các nước đang phát triển khác, người ta cùng với cả gia đình sẽ di cư cùng nhau,” bà viết.

Vấn nạn trẻ em bị bỏ rơi như thế này chỉ có ở Trung Quốc. Ở các nước đang phát triển khác, người ta cùng với cả gia đình sẽ di cư cùng nhau — Hà Thanh Liên

Trong khi đó việc cho phép cả gia đình di rời cũng dấy lên một câu hỏi về việc có thể gia tăng một số khu ổ chuột, tuy nhiên theo bà Hà thì lợi thế nằm ở khía cạnh xã hội “gia đình sống với nhau để đối mặt với những khủng hoảng và cả chia sẻ những niềm vui mà họ có cùng nhau.”

Dường như đó là bước thay đổi mà chính quyền Trung Quốc không sẵn sàng tiến tới. Những khu ổ chuột tại đô thị từ lâu đã được mô tả trong chính trị cộng sản Trung Quốc và phương tiện truyền thông như là một triệu chứng chủ yếu của hình mẫu xã hội tư bản áp bức. Đồng thời, các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn tránh những tác động thực sự liên quan đến sự bùng nổ số lượng đô thị nhiều người nghèo.

Vào ngày 18 tháng 8, tờ Financial Times phiên bản tiếng Trung đã đưa tin rằng Bắc Kinh đã mở rộng từ 15 thành 28 số lượng các chứng từ người ngoài tỉnh phải có để được quyền nhập cư. Một trong số các chứng từ đó bao gồm có giấy phép lao động, hợp đồng lao động có ký kết, giấy xác nhận hôn nhân và giấy khai sinh, và hồ sơ thuế.


Một cậu bé có bố mẹ là lao động nhập cư, đang ngồi tựa vào bàn tại làng Zhuangshuzui, tỉnh Hồ Nam vào ngày 30 tháng 3 năm 2013. (Ed Jones/AFP/Getty Images)

‘Một giấc mơ Trung Quốc không có ngày thực hiện’


Thủ tướng Lý, nhận thức được sự tập trung bất đối xứng về sự giàu có và đô thị hóa ở ven biển Trung Quốc, muốn khuyến khích chuyển giao công nghiệp giữa các vùng phía đông và phía tây của Trung Quốc, bà Hà Thanh Liên viết. Nhưng đứng trong chính những tham vọng này mà nhìn ra là một thực tế rằng nền kinh tế Trung Quốc đang bước vào một cuộc suy thoái.

Trung Quốc sẽ phải mất 124 triệu việc làm trong năm nay, bà Hà viết, và việc làm ở nông thôn sẽ rất khó kiếm. Cú chuyển đổi – từ việc thu hút người nông dân tới thành phố để tạo nên nguồn lao động rẻ sang việc kêu gọi họ trở lại nông thôn quê nhà – là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang mất dần vị thế công xưởng của thế giới, theo bà Hà.

“Cơ hội việc làm là rất hiếm có tại hầu hết các vùng nông thôn”, bà Hà viết. “Sự đô thị hóa vùng nông thôn chỉ là một giấc mơ của Trung Quốc mà không có ngày thực hiện.

http://vietdaikynguyen.com/v3/65123-nhung-dua-tre-bi-bo-roi-va-su-phan-biet-doi-xu-trong-kinh-te-xa-hoi-trung-quoc/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét