Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2015

Thách thức tầm văn hóa của người làm văn hóa

Xây Văn miếu trăm tỉ chưa biết thờ ai: 
Thách thức tầm văn hóa của người làm văn hóa
Công trình văn hóa tâm huyết ấp ủ 18 năm của nhiều nhiệm kỳ lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc nhưng lại có quá nhiều vấn đề bất ổn quả là sự thách thức về tầm văn hóa của những người làm văn hóa. Đáng tiếc là những công trình hoành tráng tương tự như Văn miếu này không phải là cá biệt.
Chưa hết choáng với tượng đài 500 tỉ dư luận lại bức xúc với văn miếu gần 300 tỉ ở Vĩnh Phúc. Người cho rằng công trình quá to và lãng phí tiền của, có người cho rằng hiện nhiều quốc gia đã và đang cố gắng thoát Trung, thoát Hán, việc đầu tư tiền của vật chất xây văn miếu thờ Khổng Tử là kéo lùi sự phát triển. Có ý kiến cho rằng xây miếu thờ Khổng Tử, vào lúc Việt Nam và Trung Quốc có căng thẳng ở Biển Đông là sự lệ thuộc Trung Quốc về mặt văn hóa. Thậm chí có người hoài nghi về căn bệnh xây to làm lớn hiện nay là dễ bị thất thoát tham nhũng.

Bảo vệ cho việc xây dựng công trình này phía chính quyền địa phương đã giải thích vào truyền thống “Cách đây trên 300 năm, tại địa bàn Vĩnh Phúc đã tồn tại Văn miếu phủ Tam Đới. Việc đầu tư công trình Văn miếu Vĩnh Phúc bây giờ mang tính chất kế thừa, để tạo dựng lại Văn miếu phủ Tam Đới cũ. Tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng Văn miếu để khẳng định truyền thống hiếu học lâu đời của nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, thể hiện được truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc, đồng thời giáo dục truyền thống hiếu học cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau”.

Văn miếu không thờ Khổng tử sẽ thờ ai?

Lý giải lý do sự to tát của văn miếu này ông phó chủ tịch UBND tỉnh lấy bối cảnh lịch sử ra viện dẩn và cho rằng cần có công trình có tầm vóc là điểm nhấn cho địa phương “Với một công trình văn hóa được tỉnh ấp ủ nhiều năm, qua nhiều thế hệ lãnh đạo như Văn miếu tỉnh thì tôi cho rằng không nên đánh giá nó lớn hay nhỏ. Công trình như Văn miếu này mới xứng đáng với tầm vóc của tỉnh, xứng với nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân trong tỉnh. Trong bối cảnh lịch sử như hiện nay thì việc xây công trình này là xứng đáng. Bây giờ mình không xây thì mai sau lấy đâu ra đất để xây”. Người phát ngôn tỉnh Vĩnh Phúc cũng cho rằng đây là ý định ấp ủ của mấy nhiệm kỳ lãnh đạo tỉnh đã 18 năm nay.

Điều trái khoáy là với công trình Văn miếu có mục đích ý nghĩa lớn lao tôn vinh, kế thừa lịch sử, giáo dục cho hiện đại và tương lai to tát như vậy nhưng dù đã xây xong nhưng tỉnh Vĩnh Phúc vẫn lúng túng chưa biết thờ ai. Giáo sư Trần Ngọc Thêm nói: "Chuyện rằng ông Giám đốc Sở Văn hóa Tỉnh (Vĩnh Phúc) trả lời trên báo chí rằng có thể sẽ không thờ Khổng Tử thể hiện rất rõ sự lúng túng của họ. Bởi vì theo dự kiến ban đầu được công bố trên trang Web Văn miếu Vĩnh Phúc thì công bố rằng ở giữa sẽ thờ Khổng tử, hai bên, mỗi bên bốn vị là đại diện cho tám địa phương của tỉnh nhà.Thế nhưng bây giờ trả lời là có thể không thờ Khổng Tử nữa là họ rất là lúng túng, rất là khó xử trong chuyện này”.

Vấn đề đặt ra là người ta định giáo dục cái gì cho thế hệ trẻ, tôn vinh cái gì qua Văn Miếu hoành tráng này, điểm nhấn dấu ấn văn hóa của tỉnh là gì khi xây miếu mà chưa biết sẽ thờ ai? Xưa nay Văn miếu là để thờ ông tổ của đạo Nho, Văn miếu nếu không thờ Khổng Tử thì có còn là Văn Miếu? Phải chăng dư luận có quá đáng dị ứng với việc thờ Khổng Tử? Tại sao nhiều nơi khác Hà Nội, Huế ngay cả trên vùng đất mới ít người đổ đạt như Đồng Nai, Vĩnh Long cũng có Văn miếu tại sao Vĩnh Phúc ngàn năm đất tổ lại không nên xây Văn Miếu?

Mỗi công trình văn hóa phải có ý nghĩa trong bối cảnh xây dựng

Để giải đáp căn cơ các câu hỏi này cần lưu ý về cái hồn cốt, ý nghĩa văn hóa lịch sử ngay từ sự hình thành của các văn miếu ấy. Văn miếu Hà Nội thì không cần bàn cải, nó là biểu tượng của Thăng Long ngàn năm văn hiến. 

Văn Hóa Trấn Biên (Đồng Nai) thì sao? Những lưu dân Ngũ Quảng trên vùng đất mơi xa xôi với quê hương bản quán, những di thần nhà Minh lưu lạc trên đất khách quê người đã cùng gặp nhau một điểm tựa chung về văn hóa là Nho Giáo. Không chỉ thể hiện sức mạnh chinh phục thiên nhiên trong quá trình khẩn hoang những lưu dân và di dân này còn muốn khẳng định truyền thống, bản lĩnh văn hóa của mình. Chúa Nguyễn Phúc Chu đã cho xây Văn miếu Trấn Biên từ năm 1715 hàng năm đích thân chúa Nguyễn hoặc Tổng trấn Gia Định đến Văn miếu tế cáo. Trong không gian lịch sử ấy, Văn miếu là ngọn đuốc sáng văn hóa, học thuật cho vùng đất mới. 

Chính vì vậy, ngay khi chiếm ba tỉnh miền Đông, triệt tiêu văn hóa dân tộc bản địa và để áp đặt văn hóa thực dân, người Pháp đã san phẳng Văn Miếu Trấn Biên. Sự ra đời và bị tàn phá của văn miếu Trần Biên đều là lịch sử. Phục dựng Văn Miếu Trấn Biên là tái hiện giai đoạn lịch sử mở cỏi, một dấu mốc của quá trình Nam tiến đồng thời là dấu mốc của lịch sử kháng chiến chống xâm lược Pháp.

Tuổi đời non trẻ nhất là Văn thánh miếu ở Vĩnh Long lại có ý nghĩa lịch sử đặc biệt hơn. Ngay sau khi mất ba tỉnh Miền Đông, trong lúc vận nước rối ren, các sĩ phu Nam bộ quyết liệt hoặc nổi lên khởi nghĩa như Thủ Khoa Huân, hoặc không chấp nhận sống trong vùng đất giặc đi ra Bình Thuận hoặc về Bến Tre, Vĩnh Long, An Giang tị địa như Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thông. Không chỉ bản thân họ tị địa mà còn di dời hài cốt của Võ Trường Toản về Bến Tre và xây dựng Văn Thánh miếu ở Vĩnh Long để chấn hưng việc học và tôn phò đạo Nho như một biểu tượng văn hóa, chủ quyền dân tộc. Trong Văn Thánh Miếu không chỉ thờ Khổng tử mà còn thờ cả những nho gia Việt như Chu Văn An, Võ Trường Toản. Văn Thánh miếu lúc đầu chỉ xây dựng bằng gổ đơn sơ chứ không hoành tráng to tát nhưng vẫn được người dân ngưỡng mộ, tôn phò.

Đặc biệt khi chiếm cả Nam Kỳ, Pháp bãi bỏ khoa cử Hán học, áp đặt giáo dục Pháp và từ năm 1875 bắt buộc dùng chữ Pháp, chữ Quốc ngữ trong văn bản giao dịch hành chính nhằm xóa bỏ, cắt đứt truyền thống văn hóa, mối quan hệ quá khứ của người Việt. Hán học bị bức tử. Thế nhưng năm 1903, 1914, chính những thanh niên tân học do Pháp đào tạo lại đứng ra vận động trùng tu Văn Thánh Miếu. Cuộc vận động được báo chí Nam kỳ thời ấy như Nông Cổ Mín Đàm, Lục tỉnh Tân Văn hưởng ứng khuyến khích và được giới trí thức, điền chủ nhiệt liệt đóng góp. Đây là cuộc vận động nhằm bảo vệ văn hóa dân tộc đồng thời với công cuộc cải cách xã hội khuyến khích người Việt đứng ra tranh thương với Hoa kiều và Pháp kiều. Ngay cái tên Minh Tân của phong trào cũng lẩy ra từ sách Đại Học trong tứ thư. Họ không bảo thủ, mù quáng phục hồi Hán học mà một mặt truyền bá những tiến bộ, văn minh phương Tây, mặt khác vẫn đề cao những giá trị truyền thống dân tộc trong đó có những yếu tố tích cực, phù hợp của nho giáo.

Qua những trường hợp thực tế đã nêu cho thấy trong điều kiện lịch sử cụ thể khi phù hợp với lợi ích, giá trị văn hóa của dân tộc, việc xây dựng Văn Miếu, thờ Khổng tử không bị phản ứng mà còn được người Việt hoan nghênh, hưởng ứng tham gia đóng góp.

Tôn vinh giá trị gì? Khuyến khích học kiểu từ chương khoa cử?

Thế nhưng trong thời điểm hiện nay, trước bao trào lưu tiến bộ của thế giới hiện đại, chủ trương của Đảng là xây dựng nền văn hóa hiện đại, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc mà lại đầu tư hàng trăm tỉ đồng, hàng chục ha đất để xây dựng mới công trình hoành tráng thờ Khổng Tử thì quả là lạc lỏng. Nếu nói để đáp ứng nhu cầu văn hóa của người dân qua công trình này thì cần xác định đó là nhu cầu gì? Liệu chúng ta muốn khôi phục lại quan hệ nào trong tam cương, ngũ thường của Khổng tử? Chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền hay muốn tái lập vương triều nhân trị, đức trị mà người dân không được chút quyền hành chỉ cúi đầu chờ ân đức vua ban? Chúng ta đang xây dựng quan hệ đối ngoại theo đường lối độc lập, tự chủ, bình đẳng hay chấp nhận trật tự thế giới bất bình đẳng một đại cường là trung tâm Hoa Hạ và các phiên quốc là thuộc quốc Di, Man, Liêu, Rợ

Với kiến trúc đã thiết kế theo kiểu chuyên biệt để làm Văn miếu nếu thờ ai khác như Các Mác, Lê Nin hay những nhà văn hóa nào khác thì cũng khó lòng hòa hợp. Nếu xem Văn miếu này là công trình văn hóa làm điểm nhấn cho địa phương là những giá trị văn hóa cho đời sau thì cũng cần nên xác định nội hàm của văn hóa đó là gì? Giá trị văn hóa của công trình phần lớn thể hiện trong nội dung ý nghĩa của công trình chứ không chỉ nằm ở chỗ to tát, hoành tráng. Như đã nói ở phần trên, Văn Thánh Miếu Vĩnh Long thời xây dựng đầu tiên chỉ là gổ, ván nhưng đã được các thế hệ tiếp theo trùng tu ngày càng bề thế. Chính sự trùng tru đó càng vun đắp thêm ý nghĩa của công trình.

Với lập luận cho rằng xây Văn miếu to tát để tôn vinh lòng hiếu học, khuyến khích việc học thì lại càng đáng bàn. Lệ vinh quy bái tổ, ghi tên vào bia tiến sĩ từ thời Lê có tác dụng khuyến khích học tập khoa cử trong thời phong kiến nhưng ngay chính trong thời đại đó đã bộc lộ yếu tố tiêu cực là phát sinh tình trạng học vẹt, từ chương, hạn chế sáng tạo, người học nặng theo mục tiêu khoa bảng, thiếu thực học và bệnh thành tích giả dối đã chớm mầm.

Ngay Lê Quý Đôn một học giả thực học hiếm hoi của thời ấy cũng không thoát khỏi quy luật ấy đã gian lận thi cử, tráo bài thi của con mình. Tệ trạng này vẫn đang là căn bệnh nặng nề của nền giáo dục Việt Nam với số lượng 16.000 tiến sĩ cao nhất khu vực nhưng số bài báo khoa học, các công trình nghiên cứu được công bố quốc tế lại thấp hơn các nước khác nhiều lần. Liệu có nên đầu tư hàng trăm tỉ đồng để tôn vinh, cổ suy kiểu hiếu học này?

Công trình văn hóa tâm huyết ấp ủ 18 năm của nhiều nhiệm kỳ lãnh đạo tỉnh nhưng lại có quá nhiều vấn đề bất ổn như đã nêu quả là sự thách thức về tầm văn hóa của những người làm văn hóa. Đáng tiếc là những công trình hoành tráng tương tự như Văn miếu này không phải là cá biệt.

http://nguoidongbang.blogspot.com/2015/06/xay-van-mieu-tram-ti-chua-biet-tho-ai.html#more

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét