Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2015

MỪNG VÌ ĐÃ CÓ CHIẾN LƯỢC CHO PHÁT TRIỂN?

MỪNG VÌ ĐÃ CÓ CHIẾN LƯỢC CHO PHÁT TRIỂN?
(Cảm nghĩ về ngày 19/5/2015 nhân đọc tham luận của TS. Minh Đường trình bày tại buổi Tọa đàm do Hội đồng Lý luận TW tổ chức ngày 15/5/2015) Nguyễn Hồng Cơ, Nguyên TBT Tạp chí Xây dựng Đảng, trực thuộc Ban Tổ chức TW; Thành viên nhóm N/C Thanh Văn.
“Đặc trưng của Môi trường Văn hóa là luôn chủ động hình thành, thúc đẩy Văn hóa mới, Thể chế mới, để tạo mọi điều kiện cho các thành viên phát huy năng lực sáng tạo ra các sản phẩm vì lợi ích của chính mình và xã hội.

Sản phẩm của Môi trường Văn hóa là “Tinh thần Khởi nghiệp”. Các Quốc gia Văn hóa – Quốc gia Khởi nghiệp như Singapore, Israel, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Hàn Quốc, … đã thành công là bởi tinh thần Cá nhân Khởi nghiệp, tinh thần Tổ chức Khởi nghiệp, tinh thần Doanh nghiệp Khởi nghiệp, … đã hòa một với tinh thần Quốc gia Khởi nghiệp của những người lãnh đạo đất nước. Mong rằng Đại hội XII sẽ sáng suốt chọn lựa để Việt Nam được những người lãnh đạo như vậy”.


Trích Tham luận ngày 15/5/2015 của TS. Minh Đường.

I. THỰC TIỄN 40 NĂM CHỈ RÕ, ĐÃ ĐẾN LÚC VIỆT NAM PHẢI TRỞ VỀ CON ĐƯỜNG ĐOÀN KẾT DÂN TỘC, ĐOÀN KẾT QUỐC TẾ

Năm 1975 đã vỡ òa niềm vui hòa bình, thống nhất đất nước. Cùng niềm vui chính đáng cũng vỡ òa sự ngộ nhận, như Lãnh đạo cao nhất đánh giá “Từ nay không còn một kẻ thù nào dám xâm phạm một tấc đất Tổ Quốc Việt Nam”, nhà thơ nổi tiếng thì mô tả “Lòng ta như bay”, còn nhạc sĩ tài danh thì mơ ước và tin tưởng “Từ đây người biết yêu người”. Rất cảm thông với sự ngộ nhận đáng trân trọng này, đơn giản chỉ vì nó có từ những hy sinh to lớn của dân tộc để chiến thắng các thực dân, đế quốc to nhất, ghê gớm nhất, và đó là những bước đi tất yếu để ngày càng gần Chân lý.

Chỉ vài năm sau, việc quá tin ở cái đẹp đã có bài học, bởi: Ai ngờ chính người đồng chí Trung Quốc đã từng nhường cơm sẻ áo, đã là “Hậu phương XHCN” cho ta, nay bất ngờ, đồng loạt mở cuộc chiến tranh Biên giới, tàn phá làng mạc, giết hại các đồng chí Việt Nam của họ. Ai ngờ ở miền Bắc và miền Nam. nơi “rừng vàng, biển bạc”, “ruộng đồng thẳng cảnh cò bay” và nông dân cả đời theo Đảng vì tin “Người cầy có ruộng”, nay chỉ vì “chủ trương Hợp tác xã”, bỗng trở nên “không tấc đất cắm dùi”, sa vào cảnh đói nghèo. Ai ngờ hơn hai triệu rưỡi “quần chúng cách mạng” bỗng chốc chịu đói, chịu khát, chịu để cướp biển giết hại chỉ cốt rời bỏ quê hương, sang nương tựa nơi đất khách quê người và chấp nhận bị coi là các “thế lực thù địch”.

Vô vàn cái ai ngờ, …, mà đau đớn nhất là so với trước, bữa cơm tuy no hơn, nhiều quần áo, xe cộ hơn, song: Ai ngờ đã gần nửa thế kỷ trong hòa bình mà đến nay vẫn phải kêu gọi “Hòa giải, Hòa hợp” dân tộc, điều mà những người lãnh đạo hiểu biết của cả hai chế độ đã nói từ năm 1975? Ai ngờ văn hóa xã hội ngày càng xuống cấp trầm trọng, niềm tin ở con người, ở cái đẹp ngày càng suy giảm,… Và cuối cùng có một câu hỏi quan trọng: Vì sao chúng ta lại bị lắm bất ngờ thế? Phải chăng do chưa có chiến lược đúng đắn, nên cứ hài lòng với cách thức “Giặc đến là đánh” ngày xưa, và bây giờ khi trước mặt không nhìn thấy giặc thì xoay qua tìm “Giặc” trong “Ta”, trong khi đáng nhẽ phải làm ngược lại nhìn rõ giặc thật? …

Là thành viên Diễn đàn Lý luận Phát triển, tôi có dự buổi họp do Diễn đàn tổ chức vào thứ bẩy 16/5/2015 tại trụ sở Viện N/C SENA ở 35 Điện Biên Phủ, Hà Nội. Diễn đàn mời TS. Minh Đường trình bày, song tiếc là tác giả nói đã thống nhất không phổ biến những ý kiến cụ thể và chỉ cho biết buổi tọa đàm diễn ra rất thân mật, thẳng thắn, đồng thời gửi lại bản Tham luận đã chuyển cho Hội đồng Lý luận Trung ương. Về những câu hỏi nêu trên, chắc chắn có nhiều đáp án, xong xin trình bày những suy nghĩ của tôi sau khi đọc Tham luận của TS. Minh Đường và ba bài gửi kèm.

Phải chăng nguyên nhân cốt lõi làm hôm nay đất nước vẫn trì trệ, lạc hậu vì chúng ta vẫn kiên định, cố gắng trì kéo, níu giữ cái “Tôi”, cái mà Đức Phật gọi là cái “Ngã” quá lâu? Với người lãnh đạo thì cái “Tôi” núp bóng “Đảng”, “Chủ nghĩa Mác-Lênin”, “Mô hình XHCN kiểu Xô Viết”,… với người thường thì cái “Tôi” thể hiện ở sự quá chú ý và tùy tiện nói về cái xấu, cái nhược của người khác, thậm chí kể cả những người đã khuất hay các bậc tiền nhân đáng trân trọng.

Tôi nghĩ, không thiếu những người Việt Nam tuy ở khác phía, song có nhiều điểm giống nhau, vì trước hết họ đều là người Việt Nam yêu nước, đều mong đất nước thống nhất mà không lệ thuộc ngoại bang. Mỗi người, tùy hoàn cảnh, tùy năng lực của mình, đều có cách làm riêng, việc hiểu họ không thể đơn giản, trong chốc lát. Vào thời đó có thể như các cụ nói, “được làm vua, thua làm giặc”, còn bây giờ nửa thế kỷ đã qua mà người Việt Nam với nhau vẫn giữ tâm lý “ta”, “địch”, “thua”, “được”, phải chăng chỉ dẫn đến tranh luận, hằn thù không bao giờ dứt? Đó là chưa kể, các vị ấy vẫn có trong chúng ta, vậy vì sao chúng ta lại tự phủ nhận mình?

Vào thời gian này trên YouTube có video phóng viên Pháp phỏng vấn Bác Hồ năm 1964, ở đó Cụ Hồ trả lời bằng tiếng Pháp, thứ ngôn ngữ ngoại giao và chính trị, bằng một từ duy nhất, không thể chuẩn mực hơn, khi được hỏi là có bao giờ Việt Nam thuộc Trung Cộng hay một phe nào. Cụ Hồ nói “Jamais” (Đọc là Gia-me)– nghĩa là “Không bao giờ”. Đây không chỉ là tiếng của Cụ Hồ, mà là tiếng của bao thế hệ dựng nước, giữ nước và cũng là quyết tâm của mỗi người Việt Nam yêu nước.

Tâm lý “của địch là xấu”, “của ta là tốt” xuất phát từ việc quá đề cao cái “Ngã” kéo theo điều rất nguy hại là thích các vật lấp lánh bên ngoài phản ánh cái “Ngã” của mình, mà quên những của báu đích thực trong nhà, vốn đang để cùng với những vật dụng bình thường. Việc quá thích cái “Ngã”, còn dẫn đến chuyện sa đà tranh cãi về quá khứ vốn là những thứ không bao giờ làm lại được, song lại không quan tâm và phân biệt nổi những chuyện từ bình dị đến lớn lao đang xẩy ra trong cuộc sống.

Vì Đảng ta coi trọng tuyên truyền, cho nên để người dân đừng cho ta chỉ biết “nói lấy được”, tôi nghĩ cán bộ các cấp trong lĩnh vực Chính trị, Lý luận, Tuyên truyền của Đảng nên đọc bài “Suy ngẫm về Văn hóa và Tư tưởng Hồ Chí Minh” của nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Mạnh Can được đăng trong cuốn “Mừng Xuân mới, Thể chế mới, Văn hóa mới”, do Viện N/C SENA xuất bản đầu năm 2015. Tôi đồng thuận với TS. Minh Đường, 40 năm đã trôi qua, đã thấy rõ cái phải từ bỏ là Chủ nghĩa Chia rẽ & Cực đoan. Cái phải làm ngay là lấy tư tưởng Đoàn kết Dân tộc, Đoàn kết Quốc tế của Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam.

II. MỪNG VÌ ĐỂ VIỆT NAM PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG, ĐÃ CÓ CHIẾN LƯỢC MỚI HÌNH THÀNH, THÚC ĐẨY XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG VĂN HÓA?

Tham luận của TS. Minh Đường làm tôi mừng vì trí tuệ Việt Nam hiện giống như mỏ quý. Lo vì mới khai thác mà chưa tuyển chọn, ngọc đá lẫn lộn. Tôi đồng thuận, “muốn Chấn hưng Đất nước, trước hết phải Chấn hưng Chiến lược”, nên nếu Cương lĩnh Đại hội XII tóm ở 8 chữ “Đoàn kết Dân tộc & Đoàn kết Quốc tế”, thì đây sẽ là cơ sở để có chiến lược phát triển mới với 6 chữ “Xây dựng Môi trường Văn hóa”. Được vậy thì Việt Nam mới có cơ hội lớn tiến cùng thế giới.

Lại mừng vì Chiến lược đã có, song lo là có nguy cơ chìm nghỉm trong muôn vàn chủ trương, đường lối, hay có, dở có, “vàng thau lẫn lộn”, “ngọc lành nằm dưới ngói vỡ”. Vì thế nếu không nỗ lực, thì Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Hội nghị TW 9 về xây dựng, phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước và Chương trình Hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW ban hành kèm theo Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 31/12/2014, cũng có thể chỉ là một gai mít trong một quả mít lớn.

Thiển nghĩ: Phải chăng triển khai những vấn đề nêu trong hai Nghị quyết “Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo hướng dân chủ hóa và nhân văn”;… “Phát huy vai trò tư vấn và phản biện … các chương trình phát triển kinh tế – xã hội”;… “Chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa”;… “Huy động các nguồn lực để phát triển văn hóa, con người Việt Nam”… , đòi hỏi cần có một cơ quan trực thuộc Chính phủ để phối hợp các bộ, ngành, các nguồn lực xã hội?

Tham luận có điều đáng lưu ý: “Xây dựng Môi trường Văn hóa là chiến lược bứt phá để Việt Nam phát triển bền vững, là công cụ Đổi mới Năng lực lao động, Đổi mới Cấu trúc lao động nhờ từ bỏ Tư duy Chia rẽ & Cực đoan, xây dựng Tư duy Đoàn kết & Sáng tạo”; “Xây dựng Môi trường Văn hóa là con đường Chính đưa Dân tộc vượt “Khổ” đến nơi Độc lập, Tự do, Hạnh phúc”.

Thay cho lời kết, xin trích nội dung công văn số 193-CV/HĐLLTW, ngày 27/11/2007 của Hội đồng Lý luận Trung ương báo cáo Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang về công trình của Viện N/C SENA “Học thuyết Hồ Chí Minh – Hành trang để định vị và đi tới tương lai” mà tôi nghĩ nay vẫn còn nguyên giá trị:

“Ý tưởng nghiên cứu của cơ quan đề xuất là tốt. Việc nghiên cứu tư tưởng, lý luận Hồ Chí Minh trong thời kỳ phát triển mới cần một sự Đổi mới và Phát triển so với những nghiên cứu đã có trong 20 năm qua, thể hiện ở phương pháp tiếp cận mới, trình độ phân tích, phát hiện mới, kiến nghị sử dụng vào đường lối, chính sách cho phù hợp với yêu cầu mới.

Hội đồng Lý luận TW đang chuẩn bị triển khai nghiên cứu “Lý thuyết phát triển Việt Nam trong những thập kỷ đầu thế kỷ XXI” trong đó phần cốt yếu là Học thuyết, Chủ thuyết phát triển Hồ Chí Minh. Do vậy dự kiến mời những người đề xuất ý tưởng nghiên cứu này tham gia nghiên cứu đề tài chung sẽ được tổ chức”.

Tin tưởng và hy vọng những gì viết trên đây sẽ sớm trở thành cơ sở để xây dựng các văn kiện (nhất là Cương lĩnh, Chiến lược), để từ đây làm tốt công tác nhân sự, lựa chọn cho Đất nước, cho Đảng những cánh chim đầu đàn xứng đáng.

Hà Nội, ngày 16/5/2015
https://giangnamlangtu.wordpress.com/2015/06/04/mung-vi-da-co-chien-luoc-cho-phat-trien/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét