Điểm tựa dân tộc
Mỗi dân tộc đều có điểm tựa để phát triển, thường là các giá trị cao đẹp mà những người lập quốc theo đuổi. Tuy nhiên, có những quốc gia thành công vì các giá trị này được thể chế hóa trong Hiến pháp, thực hành trong thực tế, và truyền cảm hứng trong đời sống. Có quốc gia thất bại vì các giá trị này không được thể chế hóa, điểm tựa dân tộc chỉ ở trong những cá nhân xuất chúng, khi họ mất đi thì dân tộc đó cũng mất đi điểm tựa của mình.Ảnh: Điểm tựa dân tộc là văn hóa, giá trị, tài sản hay lịch sử? (Nguồn: internet)
Một điểm tựa vững chắc, nó cần phải có ba yếu tố. Thứ nhất, đó là sự đồng thuận toàn dân về những giá trị cốt lõi mà dân tộc đó muốn theo đuổi, thường là độc lập, tự do, bình đẳng, bác ái, khoan dung. Thứ hai, điểm tựa phải là nguồn cảm hứng và được thực hành bởi từng công dân của quốc gia đó, không phân biệt gái trai, già trẻ, thành thị nông thôn, người có chức hay dân thường, người thiểu số hay đa số. Thứ ba, nó phải được bảo vệ bởi luật pháp nghiêm minh để những giá trị cốt lõi không bị ăn mòn bởi lợi ích của các nhóm cầm quyền. Ba yếu tố này không tách rời, mà nó hòa quyện với nhau, bổ trợ cho nhau tạo thành một nền tảng sống động và vững chắc cho mỗi xã hội, mỗi quốc gia phát triển.
Nước Mỹ là một ví dụ điển hình có những người lập quốc đưa ra các giá trị tự do, dân chủ và bảo vệ quyền con người, đặc biệt là quyền được sống, quyền tự do, và quyền sở hữu tài sản vào trong Hiến pháp. Chính vì vậy, Hiến pháp Mỹ đã truyền được cảm hứng cho người Mỹ, và nhận được sự ủng hộ rộng rãi, và sự tuân thủ chặt chẽ. Sau này, những tu chính bổ sung được thêm vào, chủ yếu nhằm bảo vệ tốt hơn quyền tự do của người dân, đặc biệt các quyền tự do báo chí, thông tin, và lập hội. Nước Mỹ đã phát triển thành một quốc gia hùng mạnh, tự do nhờ nền tảng giá trị được truyền lại từ những người lập quốc. Vì vậy, khi những người lập quốc mất đi, các giá trị điểm tựa vẫn được duy trì bởi người dân Mỹ.
Ở Việt Nam, các giá trị mà chủ tịch Hồ Chí Minh theo đuổi đã được thể chế hóa trong hiến pháp năm 1946, một hiến pháp nhấn mạnh đến các giá trị tự do, bình đẳng, dân chủ và tôn trọng quyền con người. Tiếc rằng những năm chiến tranh liên miên tiếp theo đã không tạo cơ hội cho những giá trị đó thấm vào lòng dân tộc, tạo ra văn hóa cũng như quốc khí cho đất nước. Sau 30 năm hòa bình người Việt Nam vẫn đang tìm kiếm các giá trị cốt lõi của mình. Chúng ta vẫn đang lấn cấn giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa, vẫn bối rối giữa sở hữu tư nhân và sở hữu tập thể, vẫn đang dập dình giữa dân chủ tự do và dân chủ tập trung. Chính vì vậy, chúng ta vẫn chưa có điểm tựa vững chắc, đồng thuận để tạo ra bàn đạp để phát triển đất nước.
Không phải quốc gia nào cũng có những người lập quốc sáng suốt để kiến tạo điểm tựa đúng đắn cho dân tộc phát triển. Nhiều quốc gia tạo lập điểm tựa qua nhiều quá trình thử sai trong quá khứ. Sự phát triển của châu Âu là một ví dụ cho thấy con đường phát triển của nhân loại đã ngập tràn bạo lực, máu và nước mắt để hun đúc các giá trị phổ quát về kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, và xã hội dân sự tự do. Điều quan trọng, các quốc gia nhận ra thành tựu chung của loài người để dùng các giá trị này làm điểm tựa cho quốc gia phát triển.
Việt Nam cũng cần xây dựng điểm tựa cho mình, một điểm tựa đúng đắn, vững chắc, và truyền cảm hứng cho tất cả mọi người. Việc xây dựng các Luật về tiếp cận thông tin, Luật về hội, Luật biểu tình, Luật về trưng cầu dân ý chính là bước tiến khởi tạo nền tảng để hiện thực các giá trị chung của nhân loại. Quá trình này cần tạo ra thảo luận xã hội cởi mở, khoan dung và bao trùm để ai cũng được tham gia, ai cũng được lên tiếng. Nếu không, chúng ta mãi phân tán, không hội tụ được để phát triển vì thiếu điểm tựa cho từng con người và cả dân tộc.
Bình Lê
(Diễn ngôn)
http://dienngon.vn/blog/Article/diem-tua-dan-toc
bác Bình Lê ơi, vấn đề bác nêu ra gai góc lắm, đàn gảy cạnh tai trâu thôi, phí. có Goocbachop mới hiện ra thì rồi những thứ bác cầu mong cũng không được là mấy. Với lại nước VN ở Á đông cạnh TQ chứa có phải nước Nga đâu chứ !
Trả lờiXóa