“Dân chủ”, “tôn trọng”, “xóa bỏ định kiến” và “địa chỉ cuối cùng”!
Tinh thần phản biện của nhân dân là tinh thần dũng cảm nói lên sự thật dù điều đó không cùng, thậm chi trái ngược với quan điểm của nhà quản lý xã hội. Nếu Mặt trận cần sự phản biện của nhân dân thì ngược lại, nhân dân cũng yêu cầu Mặt trận dũng cảm để lắng nghe sự thật, kể cả những sự thật cay đắng.
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành công với dư âm tốt đẹp đã gieo niềm hi vọng trong nhân dân. Đặc biệt trong các văn bản của Đại hội, cụm từ “phản biện” giờ đây đã nhiều lần được nhắc đến. Không ít ý kiến còn thẳng thắn chỉ ra rằng đó là khâu Mặt trận nhiệm kỳ tới cần khắc phục. Trong bài phát biểu tại Đại hội, ngoài biểu dương những thành tựu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn chỉ ra rằng phương thức vận động, tập hợp xây dựng khối đoàn kết toàn dân vẫn chưa theo kịp những yêu cầu mới. “Mặt trận chưa thường xuyên và thiếu cơ chế phối hợp với các tổ chức thành viên trong việc nắm bắt và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; các cuộc vận động, phong trào thi đua có nơi còn hình thức, chưa hiệu quả; vai trò đại diện, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân và giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận còn hạn chế”.
Trong Báo cáo chính trị của mình, phần “Những bài học kinh nghiệm” cũng nêu: “Mặt trận phải lắng nghe, thực sự là người đại diện quyền làm chủ của nhân dân, tổ chức việc giám sát và phản biện xã hội có hiệu quả”.
Đây là những nhận xét chính xác, song chỉ ra được nguyên nhân yếu kém đã là quan trọng thì quan trọng hơn là khắc phục những yếu kém đó.
Tinh thần phản biện của nhân dân là tinh thần dũng cảm nói lên sự thật dù điều đó không cùng, thậm chi trái ngược với quan điểm của nhà quản lý xã hội.
Nếu Mặt trận cần sự phản biện của nhân dân thì ngược lại, nhân dân cũng yêu cầu Mặt trận dũng cảm để lắng nghe sự thật, kể cả những sự thật cay đắng.
Nhân dân không đồng tình với những ai lợi dụng “phản biện” để thực hiện những mưu đồ cá nhân nhưng càng không chấp nhận những ai vẫn còn tư tưởng định kiến, quy chụp… tất nhiên là với những ý kiến có động cơ trong sáng, vì lợi ích của dân tộc.
Trong bài phát biểu trên, TBT Nguyễn Phú Trọng còn đề nghị: “Mặt trận cần phát huy dân chủ, thân ái trao đổi bàn bạc, bảo đảm sự bình đẳng, tôn trọng, thông cảm lẫn nhau; xoá bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; làm sao để Mặt trận các cấp thực sự là trung tâm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng xã hội, là nơi mọi người có thể nói lên tiếng nói, nguyện vọng của mình, đóng góp trí tuệ, công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Bình đẳng, tôn trọng, thông cảm và xóa bỏ mặc cảm, định kiến, thành phần đồng thời chấp nhận những quan điểm khác nhau trên tinh thần dân chủ chính là mấu chốt để nuôi dưỡng và phát huy tinh thần phản biện.
Song, những ý kiến tâm huyết còn cần được lắng nghe một cách thành tâm, cầu thị như lời Nhà báo Lê Thanh Phong trong bài “Tiếng nói phản biện cần được lắng nghe”, báo Lao động ngày 27/9: “Nếu như nhân sĩ, trí thức tâm huyết, dồn hết sức để nghiên cứu, phân tích khoa học các vấn đề xã hội hay chính sách của nhà nước, đưa ra sáng kiến cải cách, nhưng không được ghi nhận, thì sẽ mất đi niềm tin và nhiệt tình. Chưa kể, không ít người có tư duy bảo thủ, chưa nhìn nhận đúng đắn về bản chất của phản biện xã hội, đã gán ghép đó là những quan điểm trệch hướng. Vậy thì còn ai dám phản biện”
Dũng cảm để phản biện nhưng còn cần hơn là dũng cảm để nghe lời phản biện trên tinh thần cầu thị và trân trọng.
Chỉ có như vậy, Mặt trận mới là “địa chỉ cuối cùng” như trả lời báo chí gần đây của Chủ tịch Nguyễn Thiên Nhân: “Ở đâu nhân dân muốn nói, đóng góp, cảm thấy chưa được nghe kịp thời, chưa kịp nghe đủ ở chỗ khác thì Mặt trận phải là địa chỉ cuối cùng và họ có quyền đặt ra yêu cầu đó”.
Nhân dân đang chờ đợi Mặt trận sớm có những việc làm cụ thể để chứng minh cho tinh thần “dân chủ”, “tôn trọng”, “xóa bỏ định kiến” như lời của Tổng Bí thư.
Bùi Hoàng Tám
(Dân Trí)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét