Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

Về biểu tình đòi dân chủ tại Hồng Kông

Những điều cần biết về biểu tình đòi dân chủ tại Hồng Kông
(TNO) Cuộc biểu tình đòi dân chủ tại Hồng Kông đang lớn dần lên, với hàng chục ngàn người xuống đường tuần hành tại trung tâm đặc khu này sau khi đã xảy ra đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình.
Một góc đặc khu Hồng Kông - Ảnh: Reuters
Sau đây là 5 điều cần biết về tình hình bất ổn chính trị tại Hồng Kông, theo CNN:
1. Hồng Kông không phải là một thành phố bình thường của Trung Quốc 
Nằm ở đông nam Trung Quốc, Hồng Kông là nơi cư ngụ của 7 triệu người. Khi thành phố này được Anh trao trả lại cho Trung Quốc hồi năm 1997, một thỏa thuận đã được 2 nước ký kết; trong đó, Trung Quốc cam kết sẽ trao cho Hồng Kông “một quyền tự trị” theo mô hình “một đất nước, hai chế độ”. 

Luật Cơ Bản, hay còn gọi là “hiến pháp mini”, của đặc khu này cho phép thành phố được giữ quyền lực về kinh tế và pháp luật, theo CNN.

Tuy nhiên, đặc khu trưởng Hồng Kông lại được bầu ra bởi một ủy ban gồm 1.200 thành viên thân Bắc Kinh.

2. Người dân Hồng Kông đang bất mãn

:rel:d:bm:GF2EA9R13LH01
Người biểu tình đòi dân chủ tại Hồng Kông tụ tập bên ngoài trụ sở chính quyền đặc khu hôm 27.9 - Ảnh: Reuters

CNN cho biết các cuộc khảo sát cho thấy tỉ lệ ủng hộ chính quyền đặc khu của người dân Hồng Kông đang giảm mạnh, còn sự ngờ vực đối với chính quyền Bắc Kinh thì ở mức cao nhất kể từ khi đặc khu này được trao trả cho Trung Quốc.

Sự bất mãn, đặc biệt là ở giới trẻ, đang gia tăng bởi cách biệt giàu nghèo ngày càng lớn và việc ngày càng nhiều du khách Trung Quốc đại lục được miễn thuế ồ ạt tràn vào Hồng Kông để mua sạch mọi thứ, từ căn hộ cho đến sữa bột trẻ em.

Một cuộc khảo sát công bố hôm 21.9 cho thấy cứ 5 người Hồng Kông thì có một người muốn rời khỏi đặc khu.

Đợt biểu tình đòi dân chủ đang diễn ra tại Hồng Kông bùng phát sau khi Bắc Kinh hồi tháng 8 bác bỏ yêu cầu được tự chọn lãnh đạo cho năm 2017 của người dân đặc khu.

Những người đòi dân chủ đã đáp trả lại sự khước từ của Bắc Kinh bằng lời đe dọa sẽ phong tỏa khu vực trung tâm Hồng Kông, nơi tọa lạc của nhiều ngân hàng lớn và các công ty, bằng một chiến dịch mang tên “Chiếm lĩnh Trung tâm” (Occupy Central).

Những người tham gia biểu tình lần này thuộc đủ mọi thành phần xã hội, bao gồm cả học sinh, sinh viên, giáo sư đại học, lãnh đạo tôn giáo và các chuyên gia tài chính, theo CNN.

Sau nhiều tháng cảnh báo, Occupy Central đã chính thức được phát động vào ngày 28.9, với hàng chục ngàn người bao vây trụ sở chính quyền đặc khu.

3. Không phải ai cũng tham gia biểu tình

:rel:d:bm:GF2EA9R0MPA01
Một người biểu tình đòi dân chủ tại Hồng Kông bị cảnh sát lôi đi - Ảnh: Reuters

Các nhóm thân Bắc Kinh như nhóm “Số đông im lặng vì Hồng Kông” cho biết người biểu tình đòi dân chủ sẽ “gây nguy hiểm cho Hồng Kông” và tạo hỗn loạn tại đây.

Các nhóm này đã tổ chức các cuộc biểu tình của riêng mình để chống lại phong trào Occupy Central, đồng thời cho đăng các quảng cáo trên truyền thông địa phương để nêu bật sự lo ngại của mình.

Cuộc tuần hành lớn nhất của nhóm thân Bắc Kinh diễn ra vào hôm 17.8, với sự tham dự của hàng ngàn người. Tuy nhiên, đã có thông tin cho rằng những người tham gia đã được trả tiền, CNN cho biết.

Giới doanh nghiệp thì lo sợ các chiến dịch nhằm vào khu trung tâm Hồng Kông sẽ làm tổn hại đến danh tiếng là nơi làm ăn an toàn và ổn định của đặc khu.

4. Bắc Kinh cho rằng người dân Hồng Kông đang “lẫn lộn”

:rel:d:bm:GF2EA9R05EN01
Cảnh sát chống bạo động xịt hơi cay vào hàng trăm sinh viên bãi khóa biểu tình đòi dân chủ tại Hồng Kông hôm 27.9 - Ảnh: Reuters

Trong một báo cáo công bố hồi tháng 6, Bắc Kinh cho rằng Hồng Kông không được hưởng “quyền tự trị hoàn toàn” và người dân tại đây “đang lẫn lộn hoặc hiểu nhầm” về mô hình “một đất nước, hai chế độ”.

CNN bình luận nhận định nói trên cho thấy Bắc Kinh khó có khả năng điều chỉnh cách thức bầu chọn lãnh đạo tại Hồng Kông.

Trong chuyến thăm Hồng Kông mới đây, ông Lý Phi, Phó chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc, cho rằng việc chọn lọc ứng viên cho chức đặc khu trưởng Hồng Kông là cần thiết để đảm bảo rằng lãnh đạo mới là người “yêu Trung Quốc, yêu Hồng Kông và sẽ bảo vệ chủ quyền an ninh và quyền lợi phát triển của Trung Quốc”.

Trung Quốc cũng đã tìm cách đổ lỗi cho Anh và Mỹ là đã can thiệp vào Hồng Kông, tạo ra phong trào đòi dân chủ.

5. Chính quyền Hồng Kông nói người dân nên chấp nhận nhượng bộ của Bắc Kinh về cách thức bầu cử lãnh đạo

:rel:d:bm:GF2EA910AZR01
Ông Lý Phi (phải), Phó chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc, bước vào cuộc họp với các nhà lập pháp Hồng Kông cùng Đặc khu trưởng Hồng Kông Lương Chấn Anh - Ảnh: Reuters

Chính quyền đặc khu Hồng Kông tuyên bố người dân nên chấp nhận thỏa thuận về cải cách bầu cử do Bắc Kinh đưa ra.

Quy định mới cho phép cử tri Hồng Kông được chọn đặc khu trưởng trong số các cử tri do ủy ban thân Bắc Kinh đưa ra.

Nhiều người Hồng Kông chỉ trích rằng điều này đồng nghĩa với việc chỉ có ứng viên thân Bắc Kinh xuất hiện trong phiếu bầu.

Hoàng Uy
(Thanh niên)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét