Châu Âu họp xem xét hủy bỏ trừng phạt Nga
Lệnh trừng phạt kinh tế mà châu Âu áp đặt chống lại Nga do cho rằng Nga có liên quan đến khủng hoảng Ukraine đã duy trì và thắt chặt trong suốt hơn nửa năm. Tuy nhiên, lệnh trừng phạt có thể sẽ được nới lỏng hay dỡ bỏ vào tháng 10 căn cứ theo kết quả cuộc họp của các quan chức châu Âu tại Bỉ vào ngày 30.9
Đã đến lúc chuyển sang đèn xanh rồi, EU
Đại sứ từ 28 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu sẽ gặp nhau vào thứ Ba, 30.9 để đánh giá việc thực hiện kế hoạch hòa bình ở Ukraine và xem xét hủy bỏ các biện pháp trừng phạt chống lại nước Nga. Đó là thông tin được phát ngôn viên của Liên minh châu Âu, bà Maja Kocijancic cho biết.Căn cứ theo kết quả đánh giá, họ sẽ kiến nghị Ủy ban châu Âu và văn phòng chính sách đối ngoại Liên minh châu Âu xem xét lại các biện pháp trừng phạt chống lại nước Nga. Vì vậy, các cuộc thảo luận của Ủy ban châu Âu về việc thay đổi lệnh trừng phạt đối với Nga sẽ chỉ bắt đầu vào tháng 10. Văn phòng chính sách đối ngoại Liên minh châu Âu còn khẳng định cần phải có sự nhất trí của tất cả 28 nước thành viên EU thì mới sửa đối lệnh trừng phạt chống Nga.
Phương Tây bắt đầu áp đặt trừng phạt Nga tháng 3.2014 sau sự kiện bán đảo Crimea rời Ukraine gia nhập Nga. Đầu tiên, EU ngưng đàm phán về chế độ miễn thị thực với Nga và hoãn các thỏa thuận hợp tác mới giữa Nga-EU. Tiếp theo, các biện pháp trừng phạt đã được đánh vào 3 nhánh - cá nhân, doanh nghiệp và ngành được cho là liên quan đến khủng hoảng Ukraine.
Vào đầu tháng 9, 420 cá nhân và 143 công ty của Nga đã bị đưa vào danh sách xử phạt của Liên minh châu Âu, Mỹ, Canada, Úc, Nhật Bản, Thụy Sĩ và Na Uy. Các công ty dầu khí Rosneft, Transneft, Gazprom Neft cũng vừa có tên trong danh sách trừng phạt mới của EU. Ngoài ra, các hoạt động trong công nghiệp vũ khí của Nga cũng bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt.
Vào giữa tháng 9, Liên minh châu Âu công bố lệnh thêm trừng phạt mới chống lại nước Nga và đánh vào các ngân hàng Nga. Trong đó, Sberbank, VTB, VEB, Gazprombank và Ngân hàng Nông nghiệp Nga không được tiếp cận các nguồn vốn dài hạn.
Tuy nhiên, nhiều nước EU cảm thấy rất bức xúc trước việc trừng phạt Nga vì điều đó đồng nghĩa với việc nhiều ngành sản xuất của họ bị đình trệ do không xuất được hàng sang Nga. Do vậy, cuộc họp 30.9 là cơ hội để các bên tìm con đường tự giải thoát mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét