Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

Lại chuyện phần trăm, phần nghìn

Lại chuyện phần trăm, phần nghìn
Nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2014), 21 tỷ đồng từ nguồn ngân sách đã được chi ra để làm bộ phim “Sống cùng lịch sử” (đạo diễn Nguyễn Thanh Vân). Nhưng sản xuất ra rồi không bán nổi 1 vé, dù được ưu tiên chiếu ở rạp tốt nhất Thủ đô và toàn vào “giờ vàng”, khiến dư luận xôn xao.

Cảnh trong phim Sống cùng lịch sử
Trên các báo xuất hiện hàng loạt ý kiến của từ các đạo diễn cho đến các cây bút bình luận, lý luận, phê bình điện ảnh... Đa số ý kiến là chê trách đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, cho rằng ông đã nhận 21 tỷ đồng tiền thuế của dân rồi làm phim dở quá. Vì dở cho nên khán giả mới quay lưng. Thực ra, phê bình như thế là chưa công bằng. Vì sao như vậy?

Vì thứ nhất là số tiền chi ra đó đã trở thành chiếc bánh ngon lành để những ai đó xén ngay một phần ba trước khi nó đến tay đạo diễn (!?). Báo điện tử Đất Việt đã dẫn lời đạo diễn khẳng định rằng số tiền 21 tỷ đó, khi đến tay ông, chỉ còn 14-15 tỷ, số còn lại thì “mắc” lại ở những “cửa” mà nó phải chui qua.

Và thứ hai, là một kiểu làm ăn vô trách nhiệm trước những đồng tiền xương máu của người dân, cũng ngự trị trong những người có trách nhiệm, có quyền trong việc đặt hàng những bộ phim kiểu này, có kinh phí là nguồn tiền từ Ngân sách.

Khi đặt hàng bộ phim “Sống cùng lịch sử”, ngoài yêu cầu ngợi ca chiến thắng. Câu hỏi đặt ra là những người đặt hàng có còn đặt ra những ràng buộc nào khác với đạo diễn, cũng như với chính họ, như bất kỳ một hợp đồng kinh tế nào khác không?

Chẳng hạn như phim phải thu hồi được vốn, thậm chí có lãi, nghĩa là phải thu hút được khán giả. Chỉ cần thu hút được khán giả thôi đã là tốt lắm rồi, chứ chưa cần tạo được cơn chấn động của xã hội, chưa cần đến cả bà bầu bảy tháng tám tháng cũng phải xếp hàng từ hai ba giờ sáng để mua vé như mua vé xem trận chung kết U19 mới đây.

Nếu không thu hồi được vốn, đồng nghĩa với việc mang cả núi tiền thuế của dân đổ xuống sông xuống biển, cũng giống như Dương Chí Dũng mang cả núi tiền của Nhà nước đi mua cái ụ nổi đồng nát về đắp chiếu vậy, thì đạo diễn chịu trách nhiệm gì?

Người đặt hàng, duyệt chi số tiền đó sẽ phải chịu trách nhiệm gì? Cả hai phải bỏ tiền túi ra mà đền? Bị đuổi việc, bị mất chức? Chắc chắn là không có.

Vậy nên người đặt cứ đặt, người làm cứ làm. Anh chi tiền để tôi làm phim ca ngợi, thì tôi đã ca ngợi, thậm chí còn ca ngợi trên cả mức nhiệt tình. Bằng chứng của việc đạt yêu cầu đó là phim đã được duyệt (do tiền đã rải qua các cửa tới một phần ba, nên việc duyệt phim, nghiệm thu phim chắc cũng có phần thuận lợi).

Hệt như việc anh chi tiền để tôi SX cái ô tô 4 bánh, có hình thức rất đẹp. Nhưng tiền anh bớt xén nên tôi chỉ còn đủ để làm ba bánh thôi, và cái xe đó đã được anh chấp nhận.

Thế là việc tôi xong. Còn cái xe đó có chạy được không, có bán được để thu hồi được vốn hay không thì… không phải việc của tôi, không phải việc của anh, vì chúng ta chẳng bị bất kỳ một ràng buộc nào cả.

Và hậu quả là, bộ phim “Sống cùng lịch sử” đắp chiếu một chỗ, không những tiền mất, mà mục đích ngợi ca cũng không đạt được. Không có người xem, thì đến cả bậc thầy của ngợi ca cũng bất lực.

Vũ Hữu Sự
(Nông Nghiệp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét