Thứ Năm, 7 tháng 2, 2013

Sự thật ít biết về "dâm thần" ở VN

Sự thật ít biết về "dâm thần" ở VN

(Kienthuc.net.vn) - Ở nhiều làng quê Việt nay vẫn tồn tại tục thờ các “dâm thần”, cùng việc tổ chức lễ hội phồn thực vô cùng độc đáo.
Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian lý giải, xuất phát từ việc người dân Việt thờ phụng các vị thủy tổ của mình, thờ phụng hành vi giao phối của họ, sau này là dưới dạng thờ các vị thần phồn thực hay các “dâm thần”. Những vị thần được thờ tương đối phổ biến là ông Khiu, bà Khiu, ông Cồ, bà Cộc, hay ông Đùng, bà Đà...
Ở nhiều làng quê Việt vẫn thờ những "dâm thần" không rõ tên tuổi như việc thờ “dâm thần” ở làng Chảy (Hà Nam), thần đa tình ở Hoài Bão (Bắc Ninh), hay việc thờ một cặp "dâm thần" ở Đồng Kỵ (Bắc Ninh), thờ Chúa trai, Chúa gái ở nhiều làng thuộc các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ...
Từ truyền thuyết...
Tại làng An Xá, xã An Viên, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên nay vẫn lưu giữ tục thờ ông Đùng bà Đà. Hàng năm, người dân nơi đây còn tổ chức lễ hội với các trò diễn diễn lại các hành động mang tính giao phối rõ rệt vào các ngày 4-12/4 âm lịch. 

Tục thờ đó xuất phát từ truyền thuyết. Tương truyền, lâu lắm rồi, ở một ngôi làng nọ có hai chị em sinh đôi, sinh ra đã có vóc dáng to lớn khác người. Không chịu được những lời chê bai của làng xóm nên bố mẹ đã bỏ hai chị em ra ngoài bìa rừng. Càng lớn, hai chị em càng có thân hình to dị thường, bị dân làng xa cách nên không thể kết hôn với người trong làng được. Hai chị em quyết định bỏ làng ra đi và hẹn nhau trên đường nếu gặp người nào hợp duyên thì kết hôn với người đó. Họ chia tay mỗi người theo một hướng, đi vòng quanh một quả núi. 

 Một lễ hội ở Hưng Yên. (Ảnh minh họa). 

Sau bao ngày tìm kiếm vất vả mà chẳng gặp một ai, cuối cùng họ gặp lại nhau. Cho đó là định mệnh, hai người sống với nhau như vợ chồng. Sau đêm tân hôn, họ đều cảm thấy tội lỗi. Vì thế, nhiều lần người vợ đã bỏ trốn, người chồng phải đi tìm về. Và cứ thế họ sống với nhau trong mặc cảm tội lỗi và sự chê bai của xóm làng. 

Tin đồn hai chị em ruột lấy nhau đến tai nhà vua. Biết chuyện, nhà Vua đã xử họ tội loạn luân và đem ra chém để răn đe mọi người. Sau khi chết, dân làng lập đền thờ phụng và coi họ là Thành hoàng làng. 

Hàng năm, nhân dân trong làng mở hội diễn lại tích ông Đùng bà Đà với những hành động được cho là thiêng liêng. Thực chất việc diễn lại những hành động hoà hợp giữa ông Đùng bà Đà trong đêm hội nhằm tái hiện đêm tân hôn của hai người. Thêm vào đó, họ cắt từng bộ phận của tượng, hay còn gọi là nghi lễ hiến sinh đôi trai gái đang trong trạng thái giao hoan cùng cực để dâng lên vị thần nông nghiệp.

Yếu tố phồn thực của tục thờ ông Đùng bà Đà còn được thể hiện trong cả tục rước và trò diễn. Đó là hành động hai hình nhân ông Đùng bà Đà công khai ôm chầm lấy nhau tỏ rõ sự hoan lạc của quan hệ nam nữ trong đám rước mà người dân vẫn gọi là múa “hèm”, cùng với việc trai gái làng “tranh thủ” lúc này để được đụng chạm vào nhau. 

Trong lễ hội, người ta còn cắt đầu tượng Ông nhét vào thân dưới của tượng Bà khi diễn lại cảnh hành hình hai người. Khi đó, nam nữ trong làng cũng được tự do quan hệ yêu đương, bất kể đã có gia đình, trong đêm làm lễ triệt đăng.

Tương tự, tại làng Quang Lang, xã Thuỵ Hải, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình, hàng năm vẫn tổ chức lễ hội Đùng vào ngày 12-14/4 âm lịch. Trong ngày hội làng, khi tiến hành nghi lễ rước Đùng, dân làng chạy theo sau Đùng, đa số là những nam nữ thanh thiếu niên và trẻ con, vừa xô đẩy hò reo vừa nô đùa chọc ghẹo, sờ soạng nhau một cách thoải mái tạo nên một không khí hội làng vui nhộn. 

 Lễ hội ở Thái Bình. 

Trong lúc múa Đùng, các hình Đùng có kích thước khá lớn được làm cẩn thận bằng tre lắc lư, chao đảo theo nhịp trống. Cứ một lúc lắc lư như vậy thì từng đôi một Đùng nam và Đùng nữ lại “chập chập cheng cheng” mặt áp mặt, thân áp thân thể hiện hành động tính giao. Dân làng thấy vậy hò reo tán thưởng trong khi một loạt các Đùng nhỏ do các gia đình, ngõ xóm cũng “bắt chước” chập vào nhau. Đặc biệt, nhân cơ hội đó, trai gái trong làng lại được dịp đụng chạm vào nhau để thể hiện cách tỏ tình thân mật.

... Đến quan niệm hiện nay

Nếu xét về việc thờ hành vi giao phối của thần linh, thì đây là mô tuýp chung của nhân loại. Nhưng nếu xem lại truyền thuyết thì thấy rằng, đây là sự loạn luân khởi nguyên và mục đích người dân thờ cúng là để ôn lại, để nhớ về những ngày đầu tiên của lịch sử loài người.

Tục thờ các hành vi giao phối với các nghi thức và trò diễn phản ánh hành động tính giao nam nữ đã bộc lộ công khai và nguyên hình cổ tục phồn thực dưới dạng nguyên thủy nhất, thể hiện ước vọng sinh sôi nảy nở, an khang, vật thịnh của những người nông dân trong xã hội cổ truyền. 

Người dân cho rằng, tôn thờ hành vi giao phối và thực hành, phô diễn lại những hành vi hợp thân của nam nữ trên đất cỏ trong lễ hội cúng thần linh mang ý nghĩa “ma thuật”, làm mẫu để kích động cây cối, nhắc nhở trời đất. Từ đó, hạt giống, cây trồng cũng như các sinh vật khác “bắt chước” mà sinh sôi, nảy nở để người dân có được vụ mùa bội thu, cuộc sống no đủ. 

Đó cũng chính là lý do, người dân không thể bỏ qua những động tác giao hoan thể hiện sự hòa hợp âm-dương trong lễ hội. Việc thờ các vị thần phồn thực ở nhiều làng quê Bắc Bộ dường như là cách thờ cúng nguyên bản và phổ biến nhất với tộc người thờ tín ngưỡng phồn thực. 

* Bài viết có tham khảo tư liệu từ cuốn sách “Tín ngưỡng phồn thực trong lễ hội dân gian người Việt ở châu thổ Bắc Bộ” của TS.Vũ Anh Tú. 



http://kienthuc.net.vn/giai-ma/201301/Su-that-it-biet-ve-dam-than-o-VN-893983/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét