Tuyến đường do Trung Quốc tài trợ này như một con rắn bò qua hàng chục đường hầm và cây cầu, nối liền phía nam Trung Quốc với Bangkok, thủ đô Thái Lan, và sau đó đi tiếp tới vịnh Bengal ở Myanmar, mở rộng đáng kể hoạt động thương mại vốn đã rất nhộn nhịp của Trung Quốc với Đông Nam Á.
Nhưng ông Vương có thể phải chờ đợi lâu hơn một chút để mong kiếm lợi từ số người Trung Quốc khổng lồ dự kiến sẽ đổ về góc khuất cách biên giới gần nhất với Trung Quốc 50 dặm này. Ngay cả khi dự án vấp phải một số sự phản đối nghiêm trọng của các tổ chức phát triển quốc tế, đa số các chuyên gia vẫn cho rằng dự án cuối cùng sẽ vẫn được thực hiện. Đó là bởi vì Trung Quốc coi đây là bộ phận quan trọng trong chiến lược lôi kéo Đông Nam Á tiến gần hơn vào quỹ đạo của mình và mở ra cho Bắc Kinh một tuyến đường mới vận chuyển dầu lửa từ Trung Đông.
Sợi dây kết nối quan trọng này sẽ chạy qua Oudom Xai, nằm giữa Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam ở phía nam Trung Quốc, với thủ đô Vientiane của Lào.
George Yeo, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Singapore, phát biểu trong bài diễn văn gần đây tại Hội doanh nghiệp Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á tại Bangkok: "Trung Quốc muốn đường sắt cao tốc từ Côn Minh đến Vientiante".
Ông Yeo, đang giữ chức chủ tịch Kerry Logistics Network, một công ty vận tải và phân phối lớn của châu Á, được xem là một trong những chuyên gia thông thạo nhất về quá trình mở rộng các tuyến thương mại mới ở châu Á. "Mục tiêu lớn là Bangkok. Đây là thị trường khổng lồ, với nhiều cơ hội. Từ đó, Bangkok tới Dawei của Myanmar - nó sẽ cho phép Trung Quốc tránh phải đi qua Eo biển Malacca", một chốt chặn nguy hiểm ở giữa Ấn Độ Dương và bờ biển phía đông Trung Quốc.
Nhưng Trung Quốc không thực sự quan tâm chia sẻ phần lớn khối lượng của cải mà tuyến đường sắt này sẽ mang lại. Phần lớn những lợi ích, theo các nhà phê bình, sẽ chảy về Trung Quốc trong khi các phí tổn sẽ chủ yếu do các quốc gia có tuyến đường đi qua phải gánh chịu. Chi phí dự án đường sắt 260 dặm là 7 tỷ USD, Lào sẽ phải vay mượn từ Trung Quốc, gần bằng con số 8 tỷ USD tổng sản phẩm kinh tế hằng năm tại Lào, quốc gia vẫn đang thiếu ngay cả một tuyến đường sắt thô sơ, còn hệ thống đường bộ cũ nát của nước này chủ yếu là phần còn sót lại từ thời Pháp thuộc.
Giữa tháng 11/2012, khi Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tới thăm Vientiane dự hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Á - Âu, ông dự định sẽ tới dự lễ động thổ tuyến đường này. Nhưng buổi lễ đó đã không diễn ra.
Bản đánh gia dự án đường sắt trên của một nhà tư vấn thuộc Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) nói rằng các điều khoản tài trợ mà Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc đưa ra phức tạp đến mức có thể "đe dọa ổn định kinh tế vĩ mô của Lào". Trong khi đó, công trình xây dựng đi qua phía bắc Lào sẽ biến vùng nông thôn này trở thành "bãi rác", báo cáo của nhà tư vấn này nêu. "Một sai lầm phải trả giá đắt", nếu được ký với các điều khoản trên. Tài sản thế chấp cho khoản vay trên sẽ là những khoáng sản, bao gồm Kali và Đồng, cung cấp cho phía Trung Quốc.
Các nhà tài trợ khác cũng đồng ý với nhận định trên. Một nhà ngoại giao của châu Á thể hiện quan điểm lo ngại chung với chính phủ Lào: "Các đối tác, bao gồm Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng thế giới (WB), đều bày tỏ quan ngại, còn Quỹ Tiền tệ quốc tế tại đây nói rằng "'Các bạn nên hết sức cẩn trọng'".
Tuy nhiên, Quốc hội Lào đã phê duyệt dự án thuộc một phần trong thỏa thuận đường sắt xuyên châu Á lớn hơn nhiều đã được ký giữa gần 20 quốc gia châu Á vào năm 2006. Các nhà ngoại giao cho rằng dự án chủ yếu được ủng hộ mạnh mẽ nhất bởi Phó Thủ tướng Somsavat Lengsavad, một người được cho là khá cởi mở với Trung Quốc.
Kim ngạch thương mại nở rộ của Trung Quốc với Đông Nam Á đạt gần 370 tỷ USD trong năm 2011, gấp đôi con số trên của Mỹ với khu vực. Đến năm 2015, khi các quốc gia Đông Nam Á hướng tới hoàn thiện một cộng đồng kinh tế, Trung Quốc dự tính kim ngạch thương mại với khu vực sẽ đạt khoảng 500 tỷ USD.
Dù xuất khẩu phần lớn hàng hóa sang khu vực, Trung Quốc lại phải dựa vào nhập khẩu từ các nước láng giềng Đông Nam Á - gồm tài nguyên thiên nhiên và hàng hóa trung gian - để phục vụ cho cỗ máy xuất khẩu của mình, Yolanda Fernandez Lommen, kinh tế gia trưởng của ADB tại Bắc Kinh, nhận xét.
Cộng đồng châu Âu, Mỹ và Nhật Bản vẫn là các đối tác thương mại chính của Trung Quốc, bà nói, nhưng "Đông Nam Á có tầm quan trọng địa chiến lược và kinh tế với Trung Quốc, một đối tác ngày càng quan trọng trên cả hai khía cạnh thương mại và đầu tư".
Lào cung cấp bệ phóng hoàn hảo cho tham vọng khu vực ngày một lớn của Trung Quốc. Trung Quốc vừa đổ những khoản đầu tư mới vào thủ đô nước này, bao gồm hàng chục biệt thự xa xỉ xây dựng bên bờ sông Mekong để làm nơi nghỉ ngơi của các nhà lãnh đạo châu Âu và châu Á trong dịp tham dự hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 11.
Một tòa hội nghị mới lạ mắt, thuộc tổ hợp mới có tên Thế giới mới Vientiane, tạo cho thủ đô cũ kỹ này một cái vẻ ngoài của thế kỷ 21. Ở Luang Prabang, một địa điểm du lịch nổi tiếng mà tuyến đường sắt sẽ đi qua, Trung Quốc xây dựng nhiều bệnh viện và nâng cấp hệ thống sân bay.
Một số người Lào, không vui vẻ với sự hiện diện không thể nhầm lẫn của Trung Quốc, phàn nàn rằng đất nước họ đang trở thành còn hơn cả một tỉnh của Trung Quốc, hay nói một cách kín đáo hơn là, một chư hầu.
Các cựu chiến binh phong trào du kích Pathet Lào nắm giữ các chức vụ chủ chốt trong chính phủ muốn giữ khoảng cách với Washington. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton đã đến thăm Lào vào tháng 7, chuyến thăm đầu tiên của nhà ngoại giao cấp cao Hoa Kỳ kể từ những năm 1950. Động thái này là một phần trong nỗ lực của chính quyền Obama nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn quan hệ kinh tế và quân sự trong khu vực như một đối trọng với Trung Quốc.
Bất chấp sự phản đối bất ngờ với đường sắt Trung Quốc, một giám đống của một công ty nhà nước Trung Quốc tại Vientiane (từ chối tiết lộ danh tính), nói, ông có mọi kỳ vọng rằng dự án sẽ vẫn diễn ra. Ông nói, chủ tịch sắp mãn nhiệm của Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, "nhất quyết xây dựng tuyến đường từ hai hay ba năm trước".
Một nhà ngoại giao nước ngoài cũng đồng quan điểm, cho rằng Vientiane và Bắc Kinh sẽ tìm cách che đậy bất đồng về tài trợ giữa họ. Ông nói, "Trung Quốc sẽ có cách của họ".
Tại vùng Oudom Xai này, nơi một trường dạy tiếng Trung Quốc do một doanh nhân Trung Quốc thành lập có 400 học viên và 28 giáo viên, được chính phủ Trung Quốc trả lương một phần. Ông Vương, chủ khách sạn, bày tỏ tin tưởng dự án sẽ khởi công trong vòng vài tuần tới. Kể từ khi đến Lào cách đây ba năm, ông Vương cũng đã kịp xây cho mình một nhà máy chế biến gỗ.
Dân nhập cư Trung Quốc đã thuê khoảng một nửa đất nông nghiệp xung quanh thị trấn này, ông nói.
"Bạn có thể thuê đất bao lâu tùy vào số tiền bạn có. Người dân ở đây chỉ cần nhận tiền, còn không quan tâm đến người mới đến là ai".
Trâm Anh theo NYTimes
http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/110490/be-phong-hoan-hao-cho-tham-vong-cua-trung-quoc-.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét