Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013

Nghèo nhưng sĩ diện với tiền lẻ

Nghèo nhưng sĩ diện với tiền lẻ


Có lẽ, người Việt chúng ta là đại diện tiêu biểu cho phong trào xem nhẹ giá trị của tiền lẻ, nếu không nói là “nói không với tiền lẻ”.
Lý do đầu tiên của xu hướng này có lẽ là tâm lý hào phóng, cho rằng 500 đồng, 1000 đồng hay 2000 đồng chẳng đáng là bao, nên nhiều khi trong lúc mua hàng, thanh toán, nhiều người thường không đặt nặng việc tính toán một cách chi ly, sòng phẳng.
Hoặc đôi khi vì quá vội vàng trong công việc, một bộ phận người tiêu dùng thường bỏ qua việc nhận lại tiền thối, vì cho rằng mấy đồng lẻ cũng chẳng để làm gì.
Ở người Nhật, tâm lý này thì hoàn toàn ngược lại. Họ không ngần ngại khi đứng đợi để được nhận lại đồng 1 yên khi chi tiêu. Bởi theo quan điểm của họ, tiền mệnh giá thấp hay cao đều là của quốc gia, do nhà nước phát hành và đều có giá trị, là thứ thiêng liêng, là sản phẩm từ chính công sức lao động của họ làm ra.
Hiện tại, 1 yên Nhật tương đương khoảng 260 đồng Việt Nam, thế nhưng đồng 1 yên vẫn rất phổ biến.
Thu nhập bình quân một giờ của người lao động phổ thông Nhật Bản là khoảng 1.300 yên. Vậy, thử tưởng tượng xem, 1 yên nhỏ như thế nào (1/1300), thế mà họ vẫn lưu thông và rất trân trọng.
Và nếu tính tương đương, hiện tại lương bình quân của lao động phổ thông ở Việt Nam rơi vào khoảng 25.000 đồng một giờ, vậy thì giá trị của 100 đồng cũng là khá lớn (1/250)!

Mặt khác, trong kinh doanh, nhất là đối với các mặt hàng tiêu dùng, nhu yếu phẩm, các doanh nghiệp Nhật thường đưa ra các mệnh giá lẻ trong hóa đơn bán hàng.
Nó vừa có tác dụng đánh vào cảm giác giá rẻ nơi tâm lý mua sắm của khách hàng, vừa tạo điều kiện cho tiền lẻ được sử dụng bình đẳng như tiền có mệnh giá lớn. Thay vì quy tròn thành 100 yên, họ thường định giá 96, 97 yên.
Trong khi đó, ở hầu hết các sản phẩm bán buôn của chúng ta, doanh nghiệp thường làm tròn giá 100 ngàn, 120 ngàn, 140 ngàn. Tại các siêu thị hay nhà sách, người bán hàng thường có thói quen trả lại tiền thừa cho khách (tiền lẻ, mệnh thấp) bằng các thỏi kẹo cao su (?!).
Thậm chí, một số nơi còn từ chối nhận những tờ 200, 500 đồng. Đây cũng là một lý do mà tiền lẻ ở nước ta “không có đất sống”.
Ngoài ra, tại Nhật, từ lâu đã tồn tại dịch vụ đổi tiền lẻ hay hệ thống máy đổi tiền cũng được sử dụng phổ biến. Còn ở nước ta, vấn đề này chưa được chú trọng, do đó theo tâm lý chung, chúng ta đang tiêu tiền theo kiểu “nhà nghèo mà sĩ diện”, vung tay quá trán.
Một lý do nữa khiến cho tiền lẻ đang dần mất đi là tình trạng lạm phát. Khoảng 5 năm trước, những tờ tiền lẻ như 500 đồng đang còn có giá trị với một vài bó rau, quả chanh, quả ớt. Còn hiện tại thì thật khó để cầm nó ra chợ mua các mặt hàng này, có chăng chỉ để cho trẻ con mua kẹo và… gửi xe.
Trong một bộ phận giới trẻ, kể cả những người chưa làm ra tiền (học sinh, sinh viên) cũng chưa thực sự coi trọng, nâng niu tiền lẻ – những đồng tiền cũng xuất phát từ công sức lao động, từ mồ hôi, nước mắt của cha mẹ.
Họ cũng vô tư chi tiêu, thậm chí đối với tiền lẻ, họ còn vứt vương vãi ở ngăn kéo bàn học, nóc tủ, góc giường… Theo đó, nếu cứ một người dân chỉ cần vứt đi 500 đồng, tính trên gần 90 triệu người ở nước ta, chúng ta sẽ mất đi nhiều lắm!
Thời gian gần đây, trên các diễn đàn báo chí, người ta đang bình luận hết sức sôi nổi về xu hướng sính ngoại của người Việt như chạy đua về gu thẩm mỹ thời trang, thưởng thức nghệ thuật và cả Tây hóa phong cách, lối sống.
Thiết nghĩ, biết học hỏi những cái mới, tiến bộ là tốt. Nhưng học hỏi cái gì, bắt chước của ai cho phù hợp với điều kiện kinh tế, phong tục tập quán, văn hóa của chúng ta mới là điều cần lưu ý.
Tại sao chúng ta lại không cầu thị quan điểm của họ về “văn hóa sử dụng tiền lẻ”?!
Có quá nhiều lý do buộc chúng ta cần phải có những thay đổi đồng bộ. Trước tiên, để tiền lẻ luôn phát huy được giá trị của nó trong đời sống và tiêu dùng, các doanh nghiệp phải sớm thay đổi chiến lược kinh doanh, không xa xôi gì, hãy học từ ngay người Nhật Bản.
Ngoài ra, cần phát triển các dịch vụ đổi tiền, phục vụ tốt cho nhu cầu đổi tiền của người dân, nhằm sử dụng và phát huy tối đa giá trị của đồng tiền từ những mệnh giá nhỏ nhất. Quan trọng hơn hết đó là sớm điều chỉnh lại tâm lý, nhận thức, quan điểm của chính bản thân chúng ta về tiền lẻ và cách tiêu tiền lẻ.
Không phải ai cũng giàu có bền lâu, một lúc làm ra cả đống tiền. Sự giàu có ấy phải được xuất phát từ cách chắt bóp, tiết kiệm, nghĩa là phải bắt đầu từ những đồng tiền lẻ.
Nước ta đang nghèo nên hơn ai hết, chúng ta phải học cách tiêu tiền của nhà nghèo. Vì vậy, hãy đừng quên cầu thị điều này ở các nước bạn.

http://www.facebook.com/tuoitrehomnay

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét