Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

Nghề báo nguy hiểm - Bài viết của Đoan Trang

Làm nghề gì mà chẳng nguy hiểm nếu cứ nói và viết đúng sự thật.
Nói đúng hơn là bất cứ ai cứ vô tư nói ra suy nghĩ thật của mình thì thật là nguy hiểm

Nhà báo Nguyễn Đắc Kiên nay đã là nguyên
Hiệu Minh: Vụ việc phóng viên Nguyễn Đắc Kiên của tờ báo Gia Đình và Xã Hội vừa bị đuổi việc sau 24 tiếng, vì đã đăng trên blog Góp ý với TBT về suy thoái chính trị trong nhân dân, chỉ là một trong những chuyện thường ngày ở làng báo Việt Nam.
Mấy năm trước Huy Đức viết báo và blog với những bài nhạy cảm về gia đình Thủ tướng, về Trung Quốc và cuối cùng như giọt nước tràn ly, bài Bức tường Berlin, anh bị đuổi việc ở Sài Gòn Tiếp thị.
Đoan Trang, một phóng viên xông xáo của VietnamNet, viết rất hay về biển đảo và Trung Quốc, từng đi biểu tình, bị tạm giam và cuối cùng bị sa thải. Hiện giờ không biết chị làm tòa soạn nào.
Phóng viên Hoàng Khương bị án 4 năm tù vì dám vuốt râu hùm, đưa ra ánh sáng về những vụ hối lộ trong ngành cảnh sát giao thông. Cuối cùng anh rơi đúng vào cái bẫy do chính anh cài.

Trương Duy Nhất bỏ cả nghề viết báo để chuyển hẳn sang blog cho đồng nghiệp và tòa soạn khỏi bị hệ lụy. Viết blog cũng bị lên bờ xuống ruộng vì các cơ quan chức năng hỏi thăm.
Nguyễn Việt Chiến và vài đồng nghiệp vào tù vì vụ PMU18 trở cở. Hiện anh làm thơ, viết báo văn hóa, giáo dục để kiếm tiền.
Kể ra thì còn rất nhiều. Chung qui là nghề báo nguy hiểm, nhất là phóng viên hành nghề ở một nước mà luật pháp dựa trên cảm tính, mong manh giữa đúng sai nên những người thực thi công lực dễ bề bóp méo luật theo ý của cấp trên hay của chính họ.
Trong lúc chưa có ai bảo vệ mình thì phóng viên, blogger, cần hiểu pháp luật hơn ai hết. Thấy bài này của chị Đoan Trang trên FB, xin đăng lại để giúp bạn đọc hiểu thêm tại sao. Cảm ơn chị Đoan Trang.

Bài viết của Đoan Trang:


(Tất cả các nội dung dưới đây được viết dựa trên giả định rằng nhà báo Nguyễn Đắc Kiên bị đuổi việc là do hành vi gửi bài “Vài lời với TBT ĐCSVN N guyễn Phú Trọng” cho blog Anh Ba Sàm).

Mình có nói rằng, “càng ở trong một quốc gia có xu hướng (và thực tế là) vô luật, người dân càng phải hiểu biết về hiến pháp và luật pháp như là những công cụ bảo vệ công dân, đặc biệt là ý thức được về các quyền của bản thân. Nếu không, họ sẽ bị chính các lực lượng công quyền (như công an) lợi dụng, nhẹ thì bắt nạt, nặng thì hà hiếp, đàn áp”.

Hôm nay, nhân sự kiện nhà báo Nguyễn Đắc Kiên bị đuổi việc, mình xin nhắc lại câu đó, một lần nữa.

Bởi vì, theo luật pháp (của nước CHXHCN Việt Nam), nhà báo Nguyễn Đắc Kiên hoàn toàn có thể gửi đơn khiếu nại, tố cáo, khởi kiện báo Gia đình và Xã hội. (Mình đang nói ở góc độ luật pháp, không xét đến các khía cạnh khác như tình cảm, tình nghĩa, tình đồng nghiệp v.v.)

Bởi vì, theo luật pháp – cụ thể là theo Luật Báo chí nước CHXHCN Việt Nam, báo Gia đình và Xã hội KHÔNG CÓ QUYỀN đuổi việc một phóng viên của mình khi phóng viên đó không viết bài cho báo mà lại viết rồi gửi “ra bên ngoài”, kể cả đứng tên thật và nêu rõ thông tin nhân thân, trong trường hợp này là thông tin “nhà báo Nguyễn Đắc Kiên, báo Gia đình và Xã hội”.

Mọi quy chế hoạt động, hợp đồng lao động của báo với anh Kiên, nếu có điều khoản nào quy định rằng anh Kiên không được viết bài gửi ra bên ngoài với thông tin nhân thân của anh, đều là trái luật và do đó, vô giá trị.
Mình muốn khẳng định điều này: Não trạng tự kiểm duyệt, não trạng nịnh trên nạt dưới, não trạng khúm núm và xúm xít quanh “lãnh đạo Đảng và Nhà nước” của các toà soạn báo Việt Nam đang ở mức báo động.


Chính cách làm đó, cách nghĩ đó mới bôi nhọ chính quyền nhanh hơn bao giờ hết.

Ông Nguyễn Phú Trọng chắc chắn là không có một chỉ đạo cụ thể, trực tiếp nào đến toà soạn báo Gia đình và Xã hội trong trường hợp nhà báo Nguyễn Đắc Kiên.

Chỉ có toà soạn hối hả ra quyết định đuổi việc nhân viên của mình trong vòng chưa đầy một ngày mà thôi (và điều đó có dấu hiệu vi phạm Luật Viên chức).

Vì sao các nhà báo, các vị lãnh đạo toà báo, các toà báo, không chịu nghiên cứu hiến pháp và luật pháp kỹ hơn và sử dụng chính hiến pháp, luật pháp làm công cụ bảo vệ mình? Sao lại để bị cơ quan công quyền bắt nạt?

Mình không biết đã có bao nhiêu lần anh em trong toà soạn mình nhận những lời “hỏi thăm, trao đổi” của “các cơ quan hữu quan” về “trường hợp phóng viên Đ.T.”, nhưng chưa bao giờ mình phải sợ các cơ quan ấy, vì một lý lẽ rất đơn giản mà xác đáng của toà soạn, đại ý là “nếu phóng viên vi phạm pháp luật, xin các đồng chí cứ xử lý theo pháp luật, và có văn bản; còn nếu phóng viên không vi phạm pháp luật thì cô ấy làm gì ngoài cơ quan, là việc của cô ấy”.


HM 28-02-2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét