Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

Lột truồng và vết thương không phai

Đứa trẻ 13 tuổi mà trông bé quá; chắc cuộc sống vật chất của nó cũng quá khổ ?
(Cộng đồng Việt)- Xem hình ảnh đứa bé trai ở Hải Phòng bị cha mẹ lột trần truồng, trói ra ngoài đường giữa trời rét để trừng phạt vì tội trốn học đi chơi điện tử, có lẽ nhiều người như tôi, bị sốc. Sốc vì cuộc sống này không như mình tưởng.
Cứ tưởng cái kiểu hạ nhục người khác bằng cách lột truồng đối phương giữa chợ chỉ có ở chỗ những người đàn bà đánh ghen cuồng nộ theo kiểu ít học, đằng này, một gia đình đã làm điều đó với con mình, trong sự đồng thuận của cả bố và mẹ đứa bé.
Thằng bé gầy gò bị trói ngoài trời lạnh, gào khóc vì xấu hổ nhục nhã, nhưng hàng xóm, người qua đường vô cảm, không ai can thiệp giúp cho. May có đội thanh tra giao thông đi qua thì chú bé mới được cha cởi trói dẫn vào nhà.
Tôi tự hỏi, phải chăng sự vô cảm đã trở thành một thuộc tính của người Việt mình? Hàng xóm, người qua đường tại sao lặng im để mặc một đứa bé bị hành hạ như vậy mà không lên tiếng? Tại sao gia đình ấy lại chọn một phương pháp giáo dục trẻ con tàn nhẫn và độc ác như vậy để mong muốn đứa trẻ đó sẽ nên người?

Theo dõi những phản ứng trên mạng, tôi lại càng ngạc nhiên hơn khi có khá nhiều người ủng hộ cách giáo dục của ông bố, họ nói rằng: “Các vị có con chưa, một đứa con hư như thằng bé ấy, mà đã lên lên án ông bố? Nếu cứ việc giáo dục con cái nào cũng bị xã hội can thiệp như thế này thì khi lớn lên, bọn chúng sẽ thành Lê Văn Luyện hết”.

Không ai lên án việc phải giáo dục một đứa trẻ cứng đầu, trong trường hợp này là một đứa trẻ trốn học chơi điện tử, nhưng cái cách giáo dục độc ác nhẫn tâm như thế này thì đáng lên án vô cùng. Vì nó để lại một vết thương không bao giờ phai trong lòng đứa trẻ.

Ai cũng có lòng tự trọng của bản thân, việc nuôi dưỡng nó, tôn trọng nó mới khiến con người ta tốt đẹp hơn lên, còn như trường hợp này, nó đáng lên án vô cùng. Chú bé thiếu may mắn ấy từ ngày mai, có thể sẽ chừa cái tội trốn học đi chơi game, nhưng nhìn xa hơn, với một vết thương về thể diện bị cha mẹ mình chà đạp và dày xéo như vậy, tôi không dám tin, khi lớn lên, chú bé ấy sẽ trở thành một con người có tâm hồn toàn bích.

Ươm mầm cây non

Tôi thương cho đứa trẻ ấy khi nghĩ tới đứa con trai hơn 2 tuổi của mình, mỗi khi tắm xong, mới chỉ được mặc áo mà chưa kịp mặc quần, bé cũng nhanh thật nhanh lấy tay kéo áo xuống để che khuất cái “quả ớt” xinh xinh vì xấu hổ. Một đứa bé non nớt đã hình thành phản xạ như thế để tự bảo vệ “thể diện” của mình, chứng tỏ từ trong tâm thức sâu xa, con người đã hình thành một phản xạ để tránh phô bày những chỗ nhạy cảm của cơ thể trước người khác. Vậy mà lột trần truồng một đứa bé 13 tuổi ra, trói nó ngoài cột điện để ai đi qua cũng thấy, thì có quá dã man và độc ác hay không?

Tôi không bàn đến khía cạnh pháp lý, vì hành động ấy của người cha đã vi phạm Luật chăm sóc và bảo vệ trẻ em rồi đấy. Nhưng bàn về khía cạnh đạo đức, nhiều người trong chúng ta hình như còn quá mơ hồ khi nghĩ rằng vì mình sinh ra đứa trẻ, nuôi dậy nó, cho ăn học thì có thể đối xử với nó như một nô lệ hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của mình.

Khi một đứa bé sinh ra trên đời, cái quyền đương nhiên nó được hưởng là quyền con người, được tôn trọng, thương yêu và bảo vệ cả về thể xác và tinh thần. Và một khi, nhiều người vẫn chưa hiểu được điều này, vẫn cho rằng vì mình sinh ra, mình có quyền đối xử với con cái thế nào tùy thích, thì cuộc đời vẫn còn nhiều bi kịch như của cậu bé này xảy ra.

Dùng bạo lực để giáo dục một đứa trẻ tức là tiêm nhiễm cho nó một cái mầm bạo lực, đừng nghĩ rằng, khi đứa trẻ bị trừng phạt như thế, lớn lên nó sẽ không trở thành một sát thủ máu lạnh. Thay vì như vậy, hãy chọn cách giáo dục bằng tình thương yêu, hãy tưới cho con cái mình dòng nước mát lành của tình thương yêu, hãy khơi gợi tính hướng thiện trong lòng chúng, hãy sẻ chia và tôn trọng. Tôi tin không đứa trẻ nào được tưới tắm bằng dòng nước tình thương của cha mẹ lại không nên người.

Chợt thấy sợ hãi khi trong cuộc đời, ngoài ông bố này ra, sẽ còn bao nhiêu ông bố khác sẵn sàng lột truồng con mình ra để giáo dục? Bao nhiêu người khác sẽ chọn phương pháp dùng bạo lực thay cho tình thương? Bao nhiêu người sẽ chọn tiếng nói của đòn roi hơn là một lời khích lệ?

Mỗi khi định nổi nóng với con cái vì những lỗi lầm của chúng, tôi thường tự nhắc nhở mình một câu ngạn ngữ rất hay chẳng nhớ đọc được từ đâu đó: “Muốn con cái nên người, mỗi bậc cha mẹ phải tự mình trở thành một vị Bồ Tát”. Chao ôi, thế nên người ta mới bảo, sống ở trên đời thật khó lắm thay.
Mi An
http://baodatviet.vn/van-hoa/cong-dong-viet/201302/Lot-truong-va-vet-thuong-khong-phai-2342164/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét