Thứ Tư, 6 tháng 2, 2013

Nông nghiệp, nông dân đang kiệt sức

Nông nghiệp, nông dân đang kiệt sức

TS Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn cho rằng, nhìn vào thắng lợi của nông nghiệp trong các năm qua, lại thấy đau cho người nông dân

TS Đặng Kim Sơn: Năm 2012 được coi là một năm thắng lợi toàn diện của ngành nông nghiệp (NN) với sản lượng lương thực đạt mức kỷ lục, kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng cao. Tuy nhiên, trong cuộc trò chuyện với NTNN, TS Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn lại cho rằng, nhìn vào thắng lợi của NN trong các năm qua, lại thấy đau cho người nông dân (ND). 
Đã "đẽo" vào tận gốc để tăng trưởng 
Có thể nói, năm 2012 là một năm cực kỳ khó khăn của toàn nền kinh tế, nhưng ngành NN vẫn tiếp tục tăng trưởng. Thành tích đó được thể hiện trên những mặt nào, thưa ông?
- Năm qua là một năm khó khăn của đất nước nhưng một lần nữa, NN tiếp tục là mốc son của nền kinh tế. Nhờ xuất khẩu được nhiều lúa, rồi cà phê, thủy sản..., cán cân thương mại được cải thiện. Sản lượng lương thực, chăn nuôi đều tăng, giúp kìm hãm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở mức thấp nhất trong 8 năm trở lại đây. 
TS Đặng Kim Sơn

Nhiều ý kiến nhận định, CPI thấp là nhờ điều hành chính sách kinh tế vĩ mô tốt, song theo tôi có 2 yếu tố khiến CPI thấp, một mặt là do nền kinh tế suy trầm, dẫn tới sức mua giảm, nhưng quan trọng hơn cả là giá nông sản rẻ, đóng góp lớn kéo thấp chỉ số CPI. Tuy vậy, giá nông sản thấp như con dao hai lưỡi, đối với toàn dân là tốt, nhưng đối với ND lại bị thiệt.

Nói như TS là, NN dù có tăng, có cứu nền kinh tế, nhưng thực chất người ND vẫn thiệt. Đây phải chăng lại một nghịch lý rất đau xót đối với người ND ?

- Nhìn vào thắng lợi của NN trong năm 2012, lại càng thấy đau thêm cho bà con ND. Bởi sự hy sinh của người nông dân vẫn tiếp tục, sức của họ cũng kiệt theo.

Tôi lấy ví dụ như cà phê, phần lớn diện tích đã già cỗi đến lúc phải trồng lại, nhưng vì còn tận thu được nên nông dân không trồng mới. Nếu cứ tiếp tục vắt kiệt như vậy, trong vài năm tới sản lượng cà phê sụt giảm đột ngột thì sẽ ra sao? Ngay cả lúa gạo cũng vậy, chúng ta vẫn tiếp tục sử dụng triệt để các biện pháp tăng vụ, thâm canh để tăng sản lượng.

Vì vẫn tiếp tục tăng trưởng theo mô hình cũ, dựa vào đầu vào và tài nguyên nên tuy sản lượng tăng nhưng thu nhập của ND không tăng nhiều. Tốc độ giảm nghèo gần đây chững lại, là điều chưa từng xảy ra sau nhiều năm trung bình giảm được 2% hộ nghèo mỗi năm, điều này chứng tỏ đời sống của người dân cải thiện chậm. Có thể nói, cung cách tăng trưởng cũ kéo dài đã "đẽo" vào tận gốc của NN, đó là một điều cực kỳ đáng lo ngại.
Đóng góp lớn vào nền kinh tế Việt Nam, nhưng người nông dân đang gánh chịu khó khăn, thiệt thòi nhất.

Như vậy, có nghĩa là chúng ta đang phải trả giá cho sự tăng trưởng của NN trong thời gian qua?

- Thực tế cho thấy, hiện một số loại cây trồng của chúng ta đã vượt ra khỏi diện tích tối ưu về đất trồng và nước tưới, thủy sản gần bờ cạn kiệt, nuôi trồng thủy sản có loại đã ngoài phạm vi kiểm soát, dẫn đến môi trường bị ô nhiễm, bệnh dịch liên miên, mà rõ nhất là dịch bệnh trên tôm trong năm qua. Nhiều dấu hiệu cho thấy, có ngành sản xuất đã đi vào biên giới mất an toàn, nếu tiếp tục tăng trưởng theo chiều rộng, nguy cơ là khó tránh khỏi. Do vậy, chúng ta cần phải có một bước chuyển quan trọng chuyển hẳn sang tăng trưởng theo chiều sâu, điều mà từ người dân đến lãnh đạo đều đã thấy. Nếu chấp nhận để nông nghiệp mất vài năm tăng trưởng chậm lại, cả nền kinh tế cùng ngành NN "tái cơ cấu", thay đổi tới gốc rễ, thì tương lai mới có đà tăng trưởng mạnh hơn và bền vững hơn.

"NN đổ thì không gì cứu được"

Đã có nhiều ý kiến lo ngại, nếu chúng ta cứ dựa vào tài nguyên, sẽ đến lúc NN rơi vào khủng hoảng, kiệt quệ, ông nghĩ sao?

- Điều đó thì hiện mọi người đều biết cả, nhưng đến giờ không có quyết tâm thay đổi. Lý do là, dù thế nào thì NN vẫn có thể tiếp tục chống đỡ, xưa nay người dân ai cũng phải cố tự xoay xở, kiếm sống. Nhưng như tôi đã nói, nếu cứ như thế, sức dân kiệt dần. Khi chưa có rủi ro thì cũng xuất hiện và tích tụ các mâu thuẫn trong NN, nông thôn tạo ra điểm nóng cục bộ. Khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh sẽ xảy ra khủng hoảng.

Tôi xin khẳng định, nếu không xử lý vấn đề tận gốc, để NN suy yếu, thì khó bề cứu được. Trong hoàn cảnh nước ta hiện nay, công, thương, thậm chí binh yếu còn đỡ được bằng NN, nhưng nếu NN mà đổ thì không gì cứu được. Cái cần chính của chúng ta hiện nay là phải có "quyết tâm chính trị", và sự tỉnh táo chiến lược.

Thị trường NN, nông thôn nước ta rất hấp dẫn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam kinh doanh rất thành công. Vậy tại sao các doanh nghiệp trong nước lại không làm được điều này, chỉ toàn thấy kêu khó?

- Vấn đề là ở thị trường. Chúng ta hiện vẫn thiên về làm NN như thời bao cấp, tức Nhà nước vẫn cố giúp dân phần sản xuất như trồng cây gì, nuôi con gì, chỉ đạo thời vụ sản xuất, cấp nước... mà bỏ mặc người ND tự lo tiêu thụ sản phẩm. Trong khi đó, hỏi ra thì người ND nào cũng lo nhất là thị trường và để giải quyết được vấn đề này, họ chỉ biết trông chờ vào doanh nghiệp.

Nhưng ngay bản thân doanh nhân cũng chẳng muốn đầu tư vào NN. Không ít doanh nghiệp trong hay ngoài nước, doanh nghiệp tư nhân hay nhà nước chỉ chăm chăm "hớt váng, hớt ngọn" để thu lời, đẩy phần rủi ro cho người ND. Không thể chê doanh nghiệp làm thế là "xấu" khi Nhà nước đầu tư quá ít vào hạ tầng cơ sở, vào dịch vụ ở nông thôn, chính sách đề ra không bù đắp được khoảng cách thua kém giữa cơ hội đầu tư vào NN so với đầu tư vào kinh tế đô thị, công nghiệp. Trong khi Nhà nước lại đi quản lý doanh nghiệp trực tiếp sản xuất nông nghiệp, làm tập đoàn trực tiếp kinh doanh nông sản.

Xin cảm ơn ông!

http://tintuc.xalo.vn/news/tl/Nong-nghiep-nong-dan-dang-kiet-suc/1809650-2-1-20-373603.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét