Thứ Hai, 4 tháng 2, 2013

Nguyễn Bá Thanh dám nói, NAY VÀO CUỘC LÀM ?

GDVN _ Sau hơn 1 tháng Bộ Chính trị ra quyết định, bắt đầu từ ngày 1/2, Ban Nội chính Trung ương với Trưởng ban Nguyễn Bá Thanh đã chính thứ nhận nhiệm vụ với nhiều thách thức và công việc rất quan trọng sẽ phải thực hiện... Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI, ngày 28/12/2012, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 158-QĐ/TW về việc thành lập Ban Nội chính Trung ương; Quyết định số 159-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Nội chính Trung ương.
Bộ Chính trị cũng ban hành các Quyết định số 655-QĐNS/TW về việc phân công ông Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành uỷ, giữ chức Trưởng ban Nội chính Trung ương.
Đảng tin, dân kỳ vọng
Ngay sau khi các quyết định này được công bố rộng rãi đã có rất nhiều ý kiến bày tỏ sự ủng hộ và đặt niềm tin vào một lãnh đạo được đánh giá “dám nói, dám làm, thẳng thắn, quyết liệt”. Hoan nghênh quyết định tái lập Ban Nội chính, nguyên Phó Chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng khi trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt Nam cũng bày tỏ niềm tin tưởng đối tân trưởng  Nguyễn Bá Thanh. "…Ở TP. Đà Nẵng, đồng chí Thanh đã làm tốt rồi thì khi ra Hà Nội cũng sẽ làm tốt công việc của một Trưởng ban để Ban Nội chính trở thành nòng cốt trong việc phòng, chống tham nhũng".
         Việt Nam đã có nhiều Nghị quyết về phòng, chống tham nhũng. Công tác phòng và chống phải được thực hiện song song với nhau. Phòng là để cán bộ không sa vào nạn tham nhũng, còn chống là khi cán bộ đã đánh mất mình thì phải được xử lý một cách triệt để”, ông Hùng nói.
         
Cũng đánh giá về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Bá Thanh, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức T.Ư Nguyễn Đình Hương cũng cho rằng, dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Bá Thanh, công tác phòng chống tham nhũng của ta sẽ có những khởi sắc.
“Ông Thanh là con người cụ thể, thiết thực, không nói chung chung. Ông ấy ở Đà Nẵng kiểm tra cán bộ rất sát, nhân viên có thể không biết nhưng từ phó giám đốc trở lên là ông kiểm tra công việc rất chặt chẽ, giao việc nào phải làm việc đó, làm hay không làm được, vì sao, không lơ mơ được.
Tôi cho rằng ông là một tướng lĩnh ra trận để chỉ huy, đánh đông dẹp bắc thì rất giỏi. Nếu so với nhân vật trong Tam Quốc diễn nghĩa thì ông là Triệu Tử Long”, ông Hương so sánh.

Còn ông Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện Trưởng Viện Lịch sử Đảng ViệtNam cũng cho rằng: “Nhìn ở các địa phương tôi thấy ông Nguyễn Bá Thanh là người đứng đầu có trách nhiệm.
Từ lãnh đạo một địa phương như vậy, tôi có niềm tin là Nguyễn Bá Thanh sẽ làm tốt công việc của mình ở cương vị Trưởng ban Nội chính. Một lãnh đạo có tầm trí tuệ, có trách nhiệm với Đảng, Nhà nước, với công việc mình được giao và một lòng vì dân thì dù ở vị trí nào cũng thành công”.
Nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị Vũ Oanh cũng bày tỏ: “Tôi biết anh Nguyễn Bá Thanh từ lâu, đó là người dám nói, dám làm. Anh ấy đã làm được nhiều việc cho Đà Nẵng: xây dựng được một thành phố Đà Nẵng sạch đẹp và phát triển mạnh.
Anh ấy ra Hà Nội là một điều tiếc cho Đà Nẵng nhưng tôi hi vọng việc này sẽ phát huy tác dụng trong công tác phòng chống tham nhũng. Anh ấy là người có nhiều suy nghĩ mới”.
Cùng với những ý kiến bày tỏ niềm tin của nhiều bậc lão thành, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân dân Đà Nẵng nói riêng và nhân dân cả nước nói chung đều bày tỏ sự vui mừng và đặt những kỳ vọng vào tân trưởng ban Nguyễn Bá Thanh.

Độc giả Bùi Ngọc Hưng cho biết: “Những lời khen ngợi ông do chính những người dân lao động Đà Nẵng dành tặng cho ông! Kể từ đó, tôi luôn tìm hiểu về con người ông, về những việc ông làm và những câu nói của ông trong nghị trường.
Tôi thật khâm phục ông! Sự điều động vừa qua thể hiện sự quyết đáp vô cùng sáng suốt của Đảng ta. Tôi nghĩ ông sẽ làm tốt và sẽ gánh vác nhiều trọng trách quan trọng hơn nữa! Việt Nam cần những người lãnh đạo như ông”.
Mặc dù, tỏ ý tiếc nuối khi nghe tin Bí thư Nguyễn Bá Thanh sẽ ra Hà Nội nhận nhiệm vụ mới nhưng đa phần người dân Đà Nẵng đều dành tặng những lời chúc, niềm hy vọng vào việc ông Thanh sẽ đạt được những dấu ấn mới ở cương vị được Đảng, Nhà nước giao đảm nhận này.

Không ít thách thức, khó khăn đang chờ…
Bên cạnh niềm vui, tin tưởng, nhiều lãnh đạo, người dân cũng nêu lên những thách thức, khó khăn trong công việc ở cương vị mới mà ông Thanh sẽ phải vượt qua.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc khi trả lời PV Báo GDVN cũng đã nêu ra ba thách thức trực tiếp với tân Trưởng ban Nội chính Nguyễn Bá Thanh.

- “Thứ nhất là về thể chế hoạt động để tổ chức có thể thực thi công việc của mình được tốt.
- Thứ hai là đội ngũ nhân sự để thực hiện sứ mệnh này. Cá nhân ông Nguyễn Bá Thanh là một yếu tố tốt nhưng còn cả một hệ thống tổ chức bây giờ được lập lại là một vấn đề không đơn giản. Đội ngũ cán bộ trong ban phải là những người “tinh nhuệ”, dám nghĩ, dám làm.
- Thứ ba là quy định thẩm quyền của Ban Nội chính Trung ương được thể chế hóa như thế nào để có thể phát huy được hiệu quả trong điều kiện mới trên tinh thần thượng tôn pháp luật chứ không phải được thực hiện bằng các văn bản khác. Đó cũng là ba thách thức trực tiếp”, ông Phúc nói.

Trong khi đó người tiền nhiệm của ông Thanh, ông Phạm Quốc Anh, nguyên quyền Trưởng ban Nội chính Trung ương, hiện là Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam lại cho rằng: “Đồng chí Nguyễn Bá Thanh tuy đã gặt hái được nhiều thành tích ở Đà Nẵng nhưng đây là trong lĩnh vực xây dựng đô thị. Khi chuyển sang đấu tranh với tự bản thân, nội bộ cán bộ đảng viên thì đây là lĩnh vực hoàn toàn mới. Cho nên bản thân đồng chí Nguyễn Bá Thanh cũng gặp rất nhiều khó khăn”.
Nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị Vũ Oanh lại quan ngại về việc: “Nhưng tôi có một điều ngại rằng trong bối cảnh hiện nay, nạn tham nhũng đang hoành hành, nếu không được sự giúp đỡ đắc lực từ các cán bộ khác trong Ban Nội chính Trung ương thì một mình đồng chí Thanh cũng chẳng thể làm gì và như thế thì sẽ thui chột nhân tài”.
Còn độc giả Đinh Thành Trung cũng nhắn gửi: “Bác Thanh ra Hà Nội nhận nhiệm vụ ở cương vị mới vô cùng quan trọng và đầy thách thức. Mong rằng Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tập thể, nhân dân ủng hộ để bác Thanh làm việc một cách chí công vô tư, không khoan nhượng cho bất cứ hành vi phạm tội nào. Vì tiêu cực nó tinh vi và xảo quyệt, tôi mong rằng Bộ Chính trị và Ban Bí thư hết sức tiếp lửa và lắng nghe nhiều hơn nữa từ tân Trưởng ban Nội chính”.
Không ít ý kiến của nhân dân cũng bày tỏ sự quan ngại, lo lắng cho việc ông Nguyễn Bá Thanh chỉ “tay trần” nhưng sẽ phải bắt những con “sâu độc”, sâu có nọc nguy hiểm chết người, đang nấp ở trong nhiều lớp vỏ, lại được che chắn chằng chịt bởi gai, bụi.

Quyết liệt và thẳng thắn
          Dù chưa ra Hà Nội nhận công tác chính thức, nhưng trong hơn 1 tháng được xem là những ngày cuối trên cương vị lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Bá Thanh vẫn thể hiện rõ quan điểm, phong cách làm việc thẳng thắn, quyết liệt, “nói đi đôi với làm”.
Ông điểm mặt, chỉ rõ những tệ quan liêu, làm việc tắc trách, vấn nạn tham nhũng còn đang nhức nhối. Và khi đề cập đến vấn đề Ngân hàng, ông Thanh chỉ rõ: "Tham ô, tham nhũng, lấy tiền ngân hàng ra là như thế đấy. Không có ú ớ gì nữa, không có "vô tình" gì nữa hết. Ổng nâng lên để rồi người vay cho lại mấy tỉ liền, nên ổng nhắm mắt định giá khống. Nên bây giờ mới xảy ra nợ xấu ngân hàng, cả nước lên tới mấy chục tỉ đô la chứ có ít đâu. Chừ ôm cục đất đó khóc, không biết làm chi hết!".

Với tư cách Trưởng Ban Nội chính TƯ, ông Nguyễn Bá Thanh tuyên bố: "Sắp tới tôi sẽ rà vô một số cái (của lĩnh vực ngân hàng - PV), cho "hốt liền", không nói nhiều. Cho nên một số ông giờ đang ngồi run. Mấy cái đó ông lãnh đạo kiểu gì? Ông có phải học sinh mẫu giáo đâu, ổng quá trời lãi nhưng vẫn cố tình làm như thế để kiếm chác. Đó là ăn mà còn phá nữa nhưng chả ai nói gì!".
Khi nhắc chuyện mấy ngày qua, dư luận xôn xao về kết luận của Thanh tra Chính phủ về sai phạm đất đai ở Đà Nẵng với con số được công bố trên 3.400 tỉ đồng, ông Nguyễn Bá Thanh cho rằng: “Chuyện này cứ bình tĩnh giải trình lại với thanh tra, giải trình lại với cơ quan chức năng để hiểu và thông cảm với điều kiện của thành phố như vậy”.

           Từ ngày 2/1,  Ban Nội Chính Trung ương chính thức đi vào hoạt động,  sự kiện đang được rất nhiều người dân trên cả nước quan tâm chú ý.
  Những niềm tin, sự kỳ vọng vẫn tiếp tục được gửi tới tân Trưởng ban Nguyễn Bá Thanh, như bà Bùi Thị An – Đại biểu QH TP. Hà Nội chia sẻ: “Tôi hy vọng đồng chí Nguyễn Bá Thanh với những kinh nghiệm trong đó bao gồm cả những thành công và cả sự va vấp trong quá trình lãnh đạo Nhân dân và Đảng bộ Đà Nẵng vững mạnh sẽ tiếp tục phát huy trên cương vị mới. Đó là người có bản lĩnh và sẽ thể hiện được khả năng của mình trong tầm vĩ mô hơn”.

Cũng như độc giả Bùi Hải đã viết: “Thanh “Thượng phương bảo kiếm” ấy, nếu có, đó chính là bản – thân – ông, chứ không phải một công cụ nào khác. Kinh nghiệm, sự dày dạn, sự cứng cỏi của ông chính là đế kiếm.
Sự sắc sảo, quyết liệt đến cùng, có phương pháp khoa học trong đấu tranh chống tham nhũng của ông, sẽ là lưỡi kiếm sắc bén.
Một thanh kiếm thật vua ban, dù là bảo vật, thì càng dùng nhiều sẽ càng mẻ, cùn, hỏng. Sức bền vật liệu luôn có giới hạn.
Nhưng thanh kiếm làm bằng tài năng, đạo đức, ý chí, phương pháp khoa học của con người, thì rất có thể, càng dùng nhiều càng sắc bén. Sức mạnh đạo đức, ý chí, niềm tin, uy tín thì ngày càng lan tỏa và nhân lên”
.(gdvn)
----------------------------------
*        *        *

Những chia sẻ 
sau ngày đầu tiên hoạt động 
của Ban Nội chính Trung ương
“Thành uỷ, tỉnh uỷ trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng là phải hơn Ban chỉ đạo cấp tỉnh, TP về phòng chống tham nhũng hiện nay”, ông Phạm Anh Tuấn nói.

Chiều tối 1/2, trao đổi với Giáo dục Việt Nam về ngày làm việc đầu tiên của Ban Nội chính Trung ương, ông Phạm Anh Tuấn – Phó Trưởng ban này cho hay:
“Trong chiều ngày 1/2 – ngày đầu tiên Ban Nội chính Trung ương hoạt động, Ban Nội chính Trung ương đã có buổi chuyển giao 22 cán bộ, công chức của Vụ Nội chính và Vụ Pháp luật thuộc Văn phòng Trung ương Đảng về Ban.

Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh
Trước đó, về mặt tổ chức nhân sự, ngày 31/1, đã chuyển 86 cán bộ, nhân viên của Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng sang Ban Nội chính Trung ương. Như vậy về mặt cơ học, Ban Nội chính Trung ương có 108 cán bộ, công chức không tính lãnh đạo Ban”.
Ông Tuấn chia sẻ: “Cũng trong ngày đầu, toàn Ban tập trung cao độ cho phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng vào ngày 4/2. Đó cũng chính là ngày chính thức ra mắt Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và cũng là ngày ra mắt cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng là Ban Nội chính Trung ương”.
Khi được hỏi về lý do không lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh, TP về phòng chống tham nhũng, ông Phạm Anh Tuấn giải thích: “Không phải là chúng ta không tổ chức việc phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh mà để tiếp tục nâng cao hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị có giao nhiệm vụ này trực tiếp cho các Thành uỷ, tỉnh uỷ.

Phó Trưởng Ban Nội chính T.Ư Phạm Anh Tuấn.

Điều này thể hiện rằng Thành uỷ, tỉnh uỷ trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng phải hơn Ban chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố về phòng chống tham nhũng như trong thời gian vừa qua”.
Cũng theo ông Phạm Anh Tuấn, quyết định thành lập Ban Nội chính các Thành uỷ, tỉnh uỷ là quyết định của Bộ Chính trị. Và Ban Nội chính các Tỉnh, Thành uỷ cũng làm việc với tư cách là cơ quan tham mưu cho Thành uỷ, Tỉnh uỷ về những chủ trương chính sách lớn trong lĩnh vực nội chính.
Đồng thời là cơ quan thực hiện nhiệm vụ chuyên trách về công tác phòng, chống tham nhũng. Ở đây không có chỗ trống, không bị ngắt quãng trong công tác phòng, chống tham nhũng. “Đây là một bước tiến chứ không phải bước lùi trong công tác phòng, chống tham nhũng”, ông Phạm Anh Tuấn khẳng định.

6 nhóm nhiệm vụ của Ban Nội chính Trung ương
Thứ nhất là nghiên cứu, đề xuất những quan điểm, định hướng lớn của Đảng về công tác xây dựng pháp luật (trọng tâm là những đề án liên quan đến lĩnh vực nội chính và PCTN); một số chủ trương, chính sách về an ninh quốc gia và PCTN; về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nội chính (được xác định gồm VKS, tòa án, tư pháp và các cơ quan có chức năng tư pháp trong công an, quân đội) và Hội Luật gia VN, Liên đoàn Luật sư VN. Cũng trong nhóm này, Ban Nội chính có nhiệm vụ đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN cho chủ trương, định hướng xử lý một số vụ việc, vụ án.
Thứ hai là hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, theo dõi, đôn đốc các cấp ủy, tổ chức đảng trong lĩnh vực nội chính; phối hợp kiểm tra, giám sát hoạt động ở các cơ quan nội chính và hai tổ chức xã hội nghề nghiệp đã đề cập. Phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn xử lý một số vụ việc, vụ án được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN giao.
Thứ ba là nhiệm vụ thẩm định các đề án về lĩnh vực nội chính và PCTN trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Thứ tư, Ban Nội chính Trung ương sẽ tham gia ý kiến trong việc bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật với các chức danh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý trong các cơ quan nội chính theo phân công, phân cấp, bao gồm cả việc bổ nhiệm kiểm sát viên cao cấp, thẩm phán TAND Tối cao.
Thứ năm, Ban Nội chính Trung ương thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN.
Thứ sáu, Ban sẽ thực hiện một số nhiệm vụ khác do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao.

(GDVN)

Nguồn: http://bvbong.blogspot.ch/2013/02/nguyen-ba-thanh-dam-noi-nay-vao-cuoc-lam.html#more

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét