Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2012

Nhà nước và Doanh nghiệp: Hãy kiên nhẫn hơn chút nữa

Một bài viết rất hợp với suy nghĩ của tôi:

Nhà nước và Doanh nghiệp:
Hãy kiên nhẫn hơn chút nữa
 
TS. Nguyễn Tú Anh
Chủ Nhật,  15/4/2012
Trong hai tháng đầu năm 2012, chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 34,9% so với cùng thời điểm năm 2011. Tồn kho tăng, sản xuất đình trệ là sức ép cần thiết buộc doanh nghiệp phải tái cơ cấu hoạt động, giảm tỷ lệ đòn bẩy tài chính.
(TBKTSG) - LTS: Doanh nghiệp đang hết sức khó khăn là điều ai cũng thấy, song liệu thời điểm hiện nay có phải là thời điểm tối ưu để can thiệp vào thị trường nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chưa. Đây là vấn đề còn nhiều tranh luận. TBKTSG xin giới thiệu bài viết dưới đây của một chuyên gia kinh tế và mong sẽ nhận được nhiều ý kiến trao đổi.
Giảm lạm phát nhưng kinh tế trì trệ
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng 0,16% so với tháng trước, là mức thấp nhất kể từ tháng 4-2010. Tính chung trong cả quí 1, lạm phát chỉ tăng 2,55%, thấp nhất trong vòng ba năm qua (hình 1). Như vậy, từ tháng 8-2011 đến nay lạm phát liên tục giảm. Như vậy chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô đã có tác dụng rõ rệt.
Tuy nhiên chính sách thắt chặt tiền tệ hiện nay đang được cho là nguyên nhân gây ra những khó khăn cho khu vực doanh nghiệp. Tốc độ tăng trưởng kinh tế quí 1-2012 chỉ có 4%, thấp hơn so với mức tăng 5,84% của quí 1-2010 và 5,57% của quí 1-2011. Hàng tồn kho tăng cao, chỉ số tồn kho tại thời điểm 1-3-2012 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 34,9% so với cùng thời điểm năm trước. Số lượng doanh nghiệp làm ăn thua lỗ dẫn tới phá sản tính đến cuối năm 2011 lên tới 79.000 và trong ba tháng đầu năm nay số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động có thời hạn và dừng nộp thuế vào khoảng 12.000. Thêm vào đó mặc dù lãi suất có xu hướng giảm, nhưng vẫn còn cao và mức giảm không đồng đều, đồng thời khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn.
Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, lãi suất kinh doanh vốn nội bộ của các ngân hàng hiện vẫn dao động quanh mức 16%/năm, lãi suất cho vay phổ biến của các ngân hàng thương mại quốc doanh là 17%/năm và của các ngân hàng thương mại cổ phần là 19%/năm.
Nguyên nhân chính

Như vậy, nền kinh tế Việt Nam đang bộc lộ những chỉ số xung đột nhau. Lạm phát đã tăng lên đến đỉnh điểm vào tháng 8-2011 và giảm dần cho đến nay; lãi suất cao dai dẳng mặc dù gần đây có xu hướng giảm xuống; cầu tín dụng vẫn tăng trong cả năm 2011 và bắt đầu giảm trong ba tháng đầu năm 2012; sản xuất suy giảm, tồn kho tăng.
Về mặt lý thuyết, lãi suất cao sẽ làm giảm nhu cầu tín dụng, do đó sẽ giảm lãi suất huy động và cho vay. Tuy nhiên lãi suất cao tại Việt Nam vẫn dai dẳng hơn một năm nay. Điều này là do nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào tín dụng (năm 2010 tổng mức tín dụng chiếm hơn 120% GDP). Do đó, khi lãi suất cao doanh nghiệp vẫn tiếp tục vay để duy trì hoạt động. Doanh nghiệp chỉ có thể trả được lãi suất này nếu họ kỳ vọng vào lạm phát tiếp tục tăng cao (tức là giá bán của họ sẽ tăng). Nhưng do chính sách thắt chặt tiền tệ, tổng cầu có xu hướng giảm, doanh nghiệp sẽ dần nhận thấy với giá bán cao thì tồn kho tăng lên và buộc phải dừng tốc độ tăng giá. Khi đó lạm phát không cao như kỳ vọng của doanh nghiệp và tồn kho tăng cao hơn dự kiến. Giá bán không tăng như dự kiến thì doanh nghiệp sẽ không thể chi trả mức lãi suất cao. Do đó phải thu hẹp sản xuất và giảm nhu cầu tín dụng và đây là tiền đề để giảm lãi suất.

 
Nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua diễn biến đúng như mô tả trên đây. Điều này cho phép chúng ta tin tưởng rằng lãi suất sẽ tự động giảm xuống trong thời gian tới khi nhu cầu tín dụng tiếp tục giảm. Thêm vào đó tồn kho tăng, sản xuất đình trệ là sức ép cần thiết buộc doanh nghiệp phải tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm tỷ lệ đòn bẩy tài chính.
Theo khảo sát mới đây của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia tại các doanh nghiệp niêm yết thì chi phí tài chính của các doanh nghiệp này trong năm 2011 chỉ tăng khoảng 0,8 điểm phần trăm trong giá thành (từ 4,72% năm 2010 lên 5,56% trong năm 2011, trong đó chi phí lãi suất tăng từ 2,93% giá thành lên 3,61%). Điều này ngụ ý lãi suất cao đang tác động chủ yếu vào những doanh nghiệp không niêm yết thường có cơ cấu kinh doanh phụ thuộc vào tín dụng.

Kiên nhẫn thêm chút nữa
Hiện nay nền kinh tế có suy giảm tốc độ tăng trưởng nhưng vẫn đạt mức 4%. Tổng cầu có giảm nhưng đang có dấu hiệu hồi phục. Số liệu trên hình 1 cho thấy tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ sau khi đã loại trừ yếu tố tăng giá giảm mạnh liên tục cho đến tháng 8-2011. Từ đó đến nay tốc độ này không giảm mà có xu hướng gia tăng nhẹ.
Như vậy có thể nói tốc độ tăng tổng cầu có giảm nhiều trong năm 2011 do chính sách thắt chặt tiền tệ nhưng trong ba tháng đầu năm 2012 mặc dù sức mua này vẫn chưa phục hồi bằng với mức của năm 2010 nhưng cũng có tăng. Diễn biến của lãi suất, tồn kho không có gì bất thường mà theo đúng lộ trình dự tính. Những dấu hiệu này cho thấy Việt Nam đang đi đúng hướng. Mọi sự thay đổi hoặc điều chỉnh chính sách vào lúc này có thể đánh mất lòng tin của thị trường vào quyết tâm cải cách nền kinh tế của Chính phủ, do đó có nguy cơ đẩy nền kinh tế vào một vòng xoáy bất ổn mới.
Thêm vào đó theo hình 1 cho thấy tốc độ tăng thu ngân sách trong ba tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước chỉ đạt 8,2% (chưa loại trừ yếu tố tăng giá). Nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì tốc độ thu ngân sách thực đã giảm. Trong điều kiện này, Việt Nam vẫn phải duy trì mục tiêu giảm bội chi ngân sách dưới 5% GDP, do đó dư địa hiện nay cho chính sách tài khóa trong hỗ trợ doanh nghiệp là không nhiều.
Như vậy thời điểm hiện nay không phải là thời điểm tối ưu để can thiệp vào thị trường để hỗ trợ doanh nghiệp. Thời điểm thích hợp là khi lãi suất cho vay về mức xung quanh 10%. Vào thời điểm đó, những doanh nghiệp còn lại là những doanh nghiệp có sức đề kháng cao cần phải duy trì và phát triển, sự can thiệp của Chính phủ, khi ấy, là cần thiết.
Chính phủ có thể phát hành trái phiếu với lãi suất thấp để huy động tiền nhằm thực hiện chính sách nới lỏng tài khóa như giảm thuế cho các doanh nghiệp, tăng chi tiêu cho các hoạt động xây dựng cơ bản, tăng mua các tài sản bất động sản đang thế chấp của các doanh nghiệp. Việc giải phóng các tài sản thế chấp này một mặt giúp doanh nghiệp cải thiện được tình trạng tài chính của mình, mặt khác giúp ngân hàng thanh toán được các khoản nợ xấu.
Hỗ trợ doanh nghiệp là cần thiết nhưng hãy kiên nhẫn thêm chút nữa.
Hiện nay, tốc độ thu ngân sách thực đã giảm. Trong điều kiện đó, Việt Nam vẫn phải duy trì mục tiêu giảm bội chi ngân sách dưới 5% GDP, vì vậy dư địa cho chính sách tài khóa trong hỗ trợ doanh nghiệp là không nhiều.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét