Hành trình mua thị trấn Mỹ của doanh nhân Việt
Đang lưu lại Mỹ hoàn tất thủ tục pháp lý sau khi mua được thị trấn Buford, tối qua, doanh nhân Phạm Đình Nguyên gửi tới VnExpress bài viết chia sẻ hành trình đấu giá và kế hoạch khi trở thành thị trưởng mới của thị trấn.
Kinh doanh tại thị trấn Mỹ mới về tay người Việt
Tình cờ tôi đọc được bản tin rao đấu giá thị trấn “nhỏ nhất nước Mỹ” Buford trên VnExpress.net với giá khởi điểm là 100.000 USD nên bắt đầu quan tâm. Thú thật lúc đó tôi cũng chưa có suy nghĩ nhiều về việc mua để làm gì. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, rằng IDS là công ty phân phối, nếu có những “bàn đạp tinh thần” như thế này ở Mỹ thì việc phát triển thương hiệu và giới thiệu sản phẩm ở Mỹ cũng sẽ thuận lợi hơn.
Vấn đề còn lại là tài chính, tôi may mắn nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè và người thân nên quyết tâm thực hiện kế hoạch này.
Đầu tiên tôi phải xin visa vào Mỹ. Sau khi điền mẫu đơn trên mạng, tôi xin hẹn phỏng vấn. Lịch hẹn chỉ có thể từ ngày 15/4, trong khi ngày đấu giá là 5/4!. Coi như thua, tôi định là sẽ đấu giá trên mạng, thay vì phải đi đến đó. Tuy nhiên, tôi cũng viết email xin phỏng vấn gấp mà chẳng có hy vọng gì. Chỉ 4 tiếng sau, đại sứ quán Mỹ trả lời là tôi có thể được phỏng vấn bất cứ lúc nào vào tuần sau!
Phạm Đình Nguyên, ông chủ mới và là tân thị trưởng thị trấn Buford nhỏ nhất nước Mỹ. Ảnh: Phạm Đình Nguyên. |
Lần đầu tiên đến Mỹ
Wyoming là một bang rộng thứ 10 nước Mỹ nhưng lại chỉ có hơn nửa triệu người sống. Cheyenne là thủ phủ bang, nơi tôi bay đến cũng chỉ có hơn 70.000 người. Khi làm thủ tục ở quầy vé, nhân viên hãng hàng không còn hỏi đi hỏi lại: “Anh có chắc là đi đến Cheyenne? Chỗ này ở đâu mà em chưa thấy ai đi?”
Đón tôi ở sân bay Cheyenne là người đại diện của tôi, cô Rosie Weston. Đây lại là một may mắn nữa khi tôi được làm việc với Rosie, một người không chỉ chuyên nghiệp, có trách nhiệm mà còn rất là hiếu khách.
Còn công ty tổ chức đấu giá là Williams & Williams, có trụ sở ở bang Oklahoma. Theo quy định, hãng đấu giá này sẽ tính thêm 3% chi phí môi giới đối với người mua. Họ sẽ trích một nửa (1,5%) cho công ty đại diện cho người mua (cô Rosie).
Sáng hôm sau, Rosie đến đón chúng tôi cùng đi Buford, cách Cheyenne khoảng 60 km. Ngày hôm đó, thời tiết rất xấu. Đã sang tháng tư rồi mà tuyết vẫn còn, gió thì lạnh như cắt..
Hôm đó cũng là ngày mà khách đấu giá được vào xem. Một người bảo vệ được hãng đấu giá thuê đã có mặt ở đó, để mở cửa cho chúng tôi vào vì ông Don Sammons (chủ thị trấn) đã không còn ở đây từ tháng Giêng năm nay. Nghe nói, ông đã dọn nhà sang bang Colorado, giáp với Wyoming.
Trong cửa hàng tiện lợi bán rất nhiều những mặt hàng, chủ yếu là nhắm đến những khách vãng lai lái xe xuyên bang hoặc một cư dân sống ở những thị trấn gần bên. Họ đến đổ xăng, uống một cốc cà phê nóng, mua một ít thức ăn cũng như đồ lặt vặt. Tại đây còn bán những chiếc áo thun hoặc chiếc cốc lưu niệm “Buford: thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ”. Nhân viên bảo vệ cho biết, trong những ngày này có rất nhiều người muốn vào mua những chiếc áo thun in hình Don Sammons với giá 15 USD trước khi thị trấn có thị trưởng mới.
“Xin chúc mừng!”
Ngay buổi sáng hôm đấu giá, các đài truyền hình lớn như CNN, CBS đã đưa tin về cuộc đấu giá báo hiệu một ngày bận rộn của báo chí. Điều này quả không sai.
Từ 10h sáng, trong khi chỉ có lác đác một số người đến làm thủ tục đấu giá thì các phóng viên, đài truyền hình lớn, thậm chí có cả đài CCTV (Trung Quốc) cũng đã “dàn binh bố trận” sẵn. Họ tranh thủ ghi hình từ pa-nô chỉ đường, trạm xăng, bên trong ngôi nhà cho đến các hôp thư bưu điện, các xe kéo, xe dọn tuyết…
Vì buổi đấu giá tổ chức ngoài trời bên ngoài cửa hàng tiện lợi, nên hãng còn thuê thêm 4 chuyên viên đấu giá khác đứng 4 góc để không rời mắt khỏi 20 người tham gia đấu giá.
Theo quy định, nếu đấu giá online thì người đấu giá sẽ phải đóng tiền đặt cọc 50.000 USD trước buổi đấu giá. Còn đấu giá tại chỗ, thì người đấu giá thắng cuộc buộc phải đặt cọc 10% ngay sau được thông báo thắng cuộc. Họ sẽ viết liền cái cheque và trao ngay cho hãng đấu giá và hoàn tất thanh toán sau 30 ngày.
Cuộc đấu giá diễn ra rất nhanh, chỉ khoảng 11 phút. Người chủ trì liên tục đưa ra giá, và nếu ai đồng ý tham gia thì đưa thẻ màu vàng lên. Đầu tiên, mức giá mỗi lần nâng lên là 50.000 USD, sau đó càng về sau giảm xuống, thấp nhất là 10.000 USD. Người xướng giá liên tục đọc thông tin về giá đang đấu làm cho cuộc đấu giá rất sôi động. Đó cũng là lý do mà hầu hết những cuộc đấu giá chỉ gói gọn trong 3 phút.
Khi giá được nâng lên 750.000 USD, chỉ còn có tôi và một người đấu giá trên mạng. Và khi lên đến 900.000 USD thì tôi là người chiến thắng. Lúc đó, người chủ trì đấu giá đã bước về phía tôi và hét lớn “chúc mừng”. Tất cả như vỡ òa. Chúng tôi ôm nhau, không có gì vui hơn thế nữa.
Sau này nhiều người cho rằng với cái giá 900.000 USD quả là hớ khi giá khởi điểm chỉ có 100.000 USD. Thực ra giá chung kết bao giờ cũng cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm. Thường các hãng đấu giá thường đưa ra giá khởi điểm thấp nhằm thu hút người tham gia.
Và vì đây là đấu giá, nên khó có thể nói đắt hay rẻ. Mỗi người tự đặt cho mình một cái giá mà mình nghĩ là hợp lý. Tôi nghĩ, mỗi người nhìn ở một góc độ khác nhau nên chuyện bình luận đắt rẻ là điều dễ hiểu.
|
"Cuộc trốn chạy"
Với ý định dùng Buford làm bàn đạp cho việc phát triển IDS nên tôi đã yêu cầu bên đại diện không tiết lộ thông tin cá nhân.
Sau khi thắng cuộc, chỉ có ông Don Sammons và đại diện Williams & Williams, cô Rosie Weston (đại diện cho tôi) ở lại để trả lời báo chí.
Tôi được Ban tổ chức nhanh chóng đưa vào trong cửa hàng để tránh tiếp xúc với báo chí. Do có nhiều phóng viên bên ngoài nên tôi đã được 4 bảo vệ “áp tải” bí mật dẫn ra cửa sau của cửa hàng, leo qua hàng rào thấp và nhanh chóng lên xe về khách sạn.
Phạm Đình Nguyên
Theo dòng sự kiện: |
Doanh nhân Việt mua thị trấn Mỹ chưa xin phép đầu tư
Hiện Bộ Kế hoạch & Đầu tư chưa nhận được hồ sơ đầu tư ra nước ngoài của ông Phạm Đình Nguyên. Điều này có thể khiến ông gặp khó nếu muốn thanh toán vụ đấu giá thị trấn Buford (Mỹ) từ nguồn tiền Việt Nam.
> Độc giả Mỹ tranh cãi chuyện người Việt mua Buford
Trao đổi với báo chí sau khi dành phần thắng trong cuộc đấu giá thị trấn Buford, Giám đốc Công ty Dịch vụ phân phối tổng hợp quốc tế (IDS) cho biết mặc dù chưa có ý tưởng kinh doanh cụ thể nào với tài sản này nhưng ông dự kiến sẽ sử dụng thị trấn này như một “bàn đạp” để phát triển kinh doanh tại Mỹ.
Cũng theo ông Nguyên, với số tiền 900.000 USD phải trả để sở hữu thị trấn Buford, ông mới đặt cọc 100.000 USD bằng tiền hỗ trợ của người thân tại Mỹ. Số còn lại sẽ trả trong vòng 30 ngày. Tuy nhiên ông Nguyên sẽ thanh toán nốt 800.000 USD bằng nguồn nào đang là câu hỏi được nhiều người quan tâm, bởi chuyển tiền từ Việt Nam đi hiện vẫn rất khó khăn kể cả trong trường hợp ông Nguyên đầu tư tài sản này với tư cách cá nhân hay doanh nghiệp.
Doanh nhân Việt có thể kiếm lợi từ việc chỉnh trang và bán lại thị trấn. Ảnh: Jezebels |
Theo luật sư Chu Khang (Văn phòng Luật sư Hà Nội) trong trường hợp mua đất phục vụ kinh doanh cho doanh nghiệp, Công ty IDS của ông Nguyên sẽ phải lập dự án, được Bộ Kế hoạch & Đầu tư phê duyệt trước khi Ngân hàng Nhà nước cấp phép chuyển tiền ra nước ngoài để thực hiện dự án. Việc chuyển tiền này cũng phải được thông qua ngân hàng để đảm bảo các quy định của luật Việt Nam cũng như Mỹ.
Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress.net, một nguồn tin từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết cơ quan này vẫn chưa nhận được hồ sơ nào của doanh nghiệp liên quan đến việc đầu tư, mua thị trấn Buford tại Mỹ. Nguồn tin này cũng cho biết trên thực tế, do cuộc đấu giá diễn ra bất ngờ, số tiền đặt cọc do người nhà ông Nguyên nộp ngay tại Mỹ nên sau khi giành được quyền mua thị trấn, doanh nghiệp có thể mang giấy tờ về Việt Nam để làm thủ tục đầu tư thì vẫn không trái luật.
“Tuy vậy, nếu thời gian nộp tiền chỉ trong vòng 30 ngày, trong khi dự án còn chưa được xây dựng thì khâu thẩm định, cấp phép sẽ rất khó khăn”, chuyên gia này nói thêm.
|
Ở góc độ cá nhân, tuy việc sở hữu bất động sản ở nước ngoài không còn là chuyện hiếm nhưng vướng mắc phổ biến mà người mua gặp phải hiện vẫn liên quan đến khâu chuyển tiền. Theo luật sư Chu Khang, hiện pháp luật Việt Nam mới chỉ cho phép cá nhân chuyển tiền ra nước ngoài với mục đích học tập, chữa bệnh, đi công tác, du lịch, trợ cấp cho thân nhân, thừa kế… Ngay cả trong những trường hợp này, mức tiền được chuyển tương đối hạn chế và cần có đầy đủ giấy tờ chứng minh mục đích sử dụng (giấy báo học phí, viện phí…) và hiện chưa có cơ chế chuyển tiền đầu tư bất động sản.
Với các mục đích chuyển tiền khác, một con đường khác thường được nhắc tới là kênh phi chính thức (chuyển tiền “chui” với mức phí 3-4% giá trị). Tuy nhiên, đa phần các ý kiến đều cho rằng khả năng này rất thấp bởi cơ quan chức năng tại Mỹ giám sát rất chặt nguồn gốc tiền đầu tư vào bất động sản để tránh rửa tiền. “Trong trường hợp cá nhân ông Nguyên sử dụng tiền của người nhà hoặc có sẵn tiền tại nước ngoài thì việc mua bán có thể thực hiện được mà không cần quan tâm tới việc chuyển tiền”, chuyên gia của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết.
Mặc dù còn nhiều rắc rồi về mặt thủ tục nhưng theo các chuyên gia kinh tế, đầu tư vào bất động sản tại các nước phát triển, đặc biệt là Mỹ hiện là một lựa chọn “không tồi” trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Theo Tiến sĩ Alan Phạm - Kinh tế trưởng của VinaCapital, hiện nay tại Mỹ, tình trạng các ngân hàng đua phát mãi tài sản của người cầm cố để thu hồi vốn khá phổ biến, khiến giá bất động sản về mức hấp dẫn. “Nhiều căn biệt thự trước đây mua giá 2 - 3 triệu USD, nay họ chỉ bán khoảng một triệu USD” - ông lấy ví dụ.
Tuy vậy, chuyên gia kinh tế này cũng cho rằng nhà đầu tư có “tiền thật” thì hãy tham gia vào thị trường này do các điều kiện vay mượn hiện rất ngặt nghèo và không được khuyến khích. Riêng với trường hợp ông Phạm Đình Nguyên, Tiến sĩ Alan Phạm cho rằng, đây là “một bước đi khôn ngoan” bởi sở hữu một đơn vị hành chính, dù nhỏ, cũng là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển kinh doanh, hoặc sớm kiếm lời nếu muốn bán lại trong một cuộc đấu giá tương tự.
Chia sẻ quan điểm với Tiến sĩ Phạm, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, việc đầu tư bất động sản tại Mỹ đang là lựa chọn được nhiều cá nhân cũng như doanh nghiệp Việt Nam cân nhắc. Theo ông Thành thì mặc dù vẫn còn nhiều vướng mắc về cơ chế, thủ tục nhưng hành lang pháp lý cho việc đầu tư ra nước ngoài hiện đã cởi mở, thông thoáng hơn. “Vừa rồi tôi biết có ngân hàng đã chuyển hơn 20 triệu USD cho một doanh nghiệp thực hiện đầu tư bất động sản tại California (Mỹ). Còn với tư cách cá nhân thì cũng đã có hàng chục, hàng trăm người”, chuyên gia này cho biết.
Nhật Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét