Căng thẳng địa chiến lược thế giới càng ngày càng căng như dây đàn, đến lúc căng nhất thì chắc chắn sẽ đứt. Hôm 24/2 đã điểm đứt đã nổ ra ở Nga. Khi Nga không còn khả năng chịu đựng được nữa thì phải vùng lên. Dĩ nhiên, như một trò chơi domino, từ Nga sẽ kéo theo phản ứng của hàng loạt nước khác. Hôm nay là Đức. Khi nước Đức chính thức chuyển từ trung lập sang tái vũ trang và cùng với Mỹ lãnh đạo thế giới phương tây thì cả thế giới sẽ bước vào thời đại chạy đua vũ trang mới. Trung Quốc, Ấn Độ. Pakistan, Iran và các nước lớn khác chắc chắn sẽ phải tăng cường sức mạnh quân sự của mình. Từ sau chiến tranh thế giới thứ 2, chưa bao giờ tương lai thế giới trở nên bất ổn như bây giờ.
Một nước Đức mới
Trong vòng một tuần, Đức đã trải qua một bước chuyển mình mạnh mẽ, từ bỏ chính sách đối ngoại miễn cưỡng và ôn hòa, đồng thời cam kết tăng mạnh chi tiêu quốc phòng. Cú sốc trước chiến dịch quân sự của Nga đã thúc đẩy Berlin gửi hàng nghìn vũ khí chống tăng và phòng không tới Ukraine.Đức - một quốc gia bị các đồng minh chỉ trích vì làm quá ít, quá muộn đang tìm cách trở lại vị thế dẫn đầu để đảm nhận vai trò lãnh đạo an ninh châu Âu. Berlin hiện đang tìm cách cô lập và trừng phạt Nga, sau nhiều thập kỷ tìm cách xoa dịu và tạo điều kiện cho cường quốc phía đông. Hơn nữa, Đức sẽ cố gắng thoát khỏi tình trạng phụ thuộc năng lượng từ Nga bằng cách tạo ra các nguồn năng lượng mới trong nước.
“Rõ ràng là chúng ta phải đầu tư nhiều hơn nữa vào an ninh của đất nước, để bảo vệ tự do và nền dân chủ của chúng ta", Thủ tướng Olaf Scholz phát biểu tại một phiên họp đặc biệt của quốc hội hôm Chủ nhật tuần trước.
Với một bài phát biểu duy nhất, Scholz đã mở ra một kỷ nguyên thay đổi lớn đối với một đất nước vốn đã thoải mái với hiện trạng của châu Âu trong ba thập kỷ. Ngoại trưởng Annalena Baerbock nói rằng "có lẽ vào ngày này, Đức đang để lại một hình thức kiềm chế đặc biệt và duy nhất trong chính sách đối ngoại và an ninh."
Di sản đáng xấu hổ của Đức trong thế kỷ 20 đã tạo ra một tư duy coi đối thoại và chủ nghĩa đa phương là chìa khóa và thường là công cụ duy nhất của chính sách đối ngoại. Một nỗi sợ hãi về bản thân không lành mạnh là trung tâm của sự hoài nghi của người Đức đối với quyền lực cứng.
Các liên minh từng được thiết kế với mục đích kiềm chế các quốc gia nhưng đồng thời cũng nhằm kiềm chế Đức, một đất nước luôn lo ngại sự cám dỗ mới đối với chủ nghĩa đơn phương có vũ trang.
Việc Đức quay trở lại với quỹ đạo chung của phương Tây đã nhận được sự cổ vũ và hoan nghênh nhiệt liệt từ các thành viên của các đảng chính thống trong quốc hội. "Đã quá đủ rồi. Trò chơi đã kết thúc”, lãnh đạo phe đối lập bảo thủ Friedrich Merz nhắn nhủ thông điệp tới Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Chính phủ trung tả mới ở Berlin không bao giờ có ý định từ bỏ cách tiếp cận chính sách đối ngoại của cựu Thủ tướng Angela Merkel nhằm cân bằng nhu cầu an ninh với lợi ích thương mại, cũng như từ bỏ tư tưởng chống xung đột quân sự vốn đã tồn tại từ thời hậu chiến.
Nhưng đối với Đức, chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đã thay đổi mọi thứ. Khi còn sống, nhà sử học Fritz Stern, người đã thoát khỏi thảm họa diệt chủng Holocaust khi gia đình ông rời Đức đến Mỹ năm 1938, đã từng viết về “năm nước Đức” ông biết: Cộng hòa Weimar, Đệ tam Quốc xã, Tây Đức, Đông Đức, và nước Đức thống nhất sau khi Bức tường Berlin sụp đổ. Những gì thế giới thế giới đang chứng kiến là sự ra đời của một nước Đức thứ sáu, một đất nước sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự để bảo vệ các giá trị dân chủ tự do.
Một nước Đức không ngây thơ
Trong vài ngày qua, một số điều cấm kỵ chính trị lâu đời tại Đức đã bị phá bỏ. Việc ngừng dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 và gửi vũ khí sát thương tới Ukraine chỉ là hai trong số các chính sách được chính phủ mới ở Berlin thực hiện. Đáng chú ý hơn, nước Đức đã bị sốc bởi thực tế rằng quyền lực cứng là một công cụ cần thiết để bảo vệ nền dân chủ.
Trong nhiều thập kỷ, một chủ đề lặp đi lặp lại trong chính sách đối ngoại của Đức là sẽ không có hòa bình trên lục địa nếu quay lưng với nước Nga. Học thuyết này bao gồm ý tưởng rằng sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế sẽ giúp ổn định mối quan hệ. Nó cũng dẫn đến sự kiên nhẫn vô tận với Điện Kremlin, ngay cả sau bài phát biểu của ông Putin tại Hội nghị An ninh Munich năm 2007, khi ông cáo buộc Mỹ gây bất ổn an ninh toàn cầu. Tiếp đó là xung đột quân sự giữ Nga và Gruzia năm 2008 và động thái sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.
Mặc dù Đức dẫn đầu xu hướng trừng phạt của châu Âu sau khi Nga sáp nhập Crimea và ủng hộ phong trào ly khai của vùng Donbas của Ukraine, chính quyền Berlin đã nhanh chóng cân bằng những động thái này với đề nghị xây dựng dự án Nord Stream 2 trong năm 2015.
Ngay cả khi đối mặt với sức ép từ các đồng minh NATO và chính phủ Ukraine, không nhiều người nghĩ Đức sẽ tiến hành các động thái cứng rắn đối với Nga. Tại hội nghị An ninh Munich hồi tháng 2, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã chỉ ra bài học từ lịch sử: cung cấp vũ khí cho một khu vực mà quân Đức đã giết hàng triệu người trong Thế chiến thứ hai chỉ có thể dẫn đến tội lỗi nhiều hơn.
Hôm Chủ nhật, chính phủ Đức tuyên bố rằng họ sẽ đứng lên chống lại chiến dịch quân sự của Nga và mạnh mẽ bảo vệ chủ nghĩa tự do. Việc Thủ tướng Scholz kêu gọi một nền ngoại giao Đức không ngây thơ có lẽ là một động thái tự phê bình.
Sự lạc quan trong việc lôi kéo các cường quốc xét lại đi theo chiến lược Wandel durch Handel (thay đổi thông qua thương mại) dưới thời Angela Merkel đã biến mất. Thay vào đó, nước Đức đã chọn cách dốc toàn lực để ngăn cản tham vọng thay đổi cán cân quyền lực ở châu Âu của ông Putin.
Sự biến chuyển đắt đỏ
Việc nước Đức "lột xác" sẽ đi kèm với cái giá lớn, đặc biệt là đối với lĩnh vực năng lượng phụ thuộc vào nhập khẩu của Đức. Nhưng như Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner của Đảng Dân chủ Tự do đã nói với quốc hội, tổn thất này sẽ được coi là “cái giá của tự do”.
Thủ tướng Scholz tuyên bố rằng Đức sẽ độc lập khỏi khí đốt của Nga. Đức sẽ xây dựng ngay hai cảng cho khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), tích trữ than và khí đốt dự trữ quốc gia, tìm kiếm các hợp đồng giao hàng dài hạn hơn trên thị trường năng lượng quốc tế và đẩy nhanh hơn nữa việc sản xuất năng lượng tái tạo.
Để đảm bảo có đủ năng lượng dự trữ, các nhà máy điện hạt nhân còn lại của Đức có thể tiếp tục phải hoạt động sau năm 2022, vốn được ấn định đóng cửa như một phần của việc Đức từ bỏ năng lượng hạt nhân. Phần lớn chiến lược độc lập năng lượng này sẽ phụ thuộc vào việc liệu Nga có trả đũa Đức bằng việc cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hay không.
Giờ đây, Đức sẽ tự do chi tiêu cho an ninh. Khi Thủ tướng Scholz tuyên bố đầu tư 100 tỷ euro vào quân đội và ý định làm cho chi tiêu quốc phòng vượt quá 2% tổng sản lượng kinh tế - mục tiêu đặt ra cho các nước thành viên NATO - ông đã gây sửng sốt cho cộng đồng chính sách đối ngoại, đất nước và thậm chí nhiều thân cận của mình, những người không biết gì về quyết định chớp nhoáng này.
Ông Scholz nói rõ rằng Đức không chỉ cần máy bay bay, tàu chiến và binh lính được trang bị tốt mà còn cần các lực lượng vũ trang được hiện đại hóa đầy đủ. Trong bài phát biểu của mình, tân Thủ tướng Đức đã nêu ra những khả năng từng gây tranh cãi, chẳng hạn như việc sử dụng máy bay không người lái có vũ trang và tham gia vào các thỏa thuận chia sẻ vũ khí hạt nhân của NATO.
Ngay cả việc mua máy bay chiến đấu F-35 do Mỹ sản xuất cũng được đưa ra bàn thảo. Đồng thời, ông Scholz cũng tuyên bố chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu mà Đức đang phát triển cùng với Pháp và Tây Ban Nha. Như Bộ trưởng Bộ Tài chính Lindner đã nói, Đức sẽ hướng tới mục tiêu biến quân đội của mình “thành một trong những lực lượng vũ trang có năng lực nhất, mạnh mẽ nhất và được trang bị tốt nhất tại châu Âu". Nếu phải nghe về tuyên bố này trong năm ngoái, ông Lindner chắc chắn sẽ cho rằng đó là tư tưởng "hiếu chiến".
Đáng chú ý, chính quyền Scholz đã cam kết “bảo vệ từng mét vuông lãnh thổ NATO cùng với các đồng minh của chúng ta”. Tuyên bố gần như gây sốc với dư luận Đức, bởi phần đông người dân nước này vẫn còn lưỡng lự về Điều khoản số 5 của NATO, trong đó tuyên bố rằng một cuộc tấn công vũ trang chống lại một quốc gia thành viên sẽ được coi là một cuộc tấn công chống lại tất cả liên minh. Chỉ trong một tuần, nước Đức đã thay đổi 180 độ.
Gã khổng lồ thức giấc
Thủ tướng Scholz, người nhậm chức vào tháng 12 năm ngoái, từng bị nhiều nhà phân tích đánh giá thấp qua các động thái khi mới lên nhậm chức. Bài phát biểu của ông Scholz và các quyết định cơ bản của nó đã thổi luồng sinh khí mới vào chính phủ của ông.
Cách tiếp cận quyết đoán của ông thu hẹp khoảng cách giữa Đức và các đối tác, đồng thời mở ra nhiều cơ hội chính sách đối ngoại mới. Trong vòng một tuần, Đức đã đưa quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương với Mỹ lên một nấc thang mới.
Chính quyền Joe Biden đã coi Đức là một đối tác không thể thiếu ở châu Âu, điều cốt yếu đối với tuyên bố rằng các liên minh tăng cường sức mạnh cho Mỹ chứ không chỉ đơn giản là gánh nặng cho Washington. Nhưng không phải ai cũng tin vào Nhà Trắng. Với sự trợ giúp nhỏ từ Putin, nước Đức hiện đang khiến phe chỉ trích Berlin trong Quốc hội Mỹ phải câm lặng. Chính phủ Pháp cũng tỏ ra rất vui mừng vì Đức hiện có thể trở thành đối tác an ninh nghiêm túc mà họ đã tìm kiếm từ lâu.
Nhưng quyết định này sẽ có tác động rõ ràng nhất đối với phía đông Berlin. Nó cho phép Đức sửa chữa các mối quan hệ của mình với các nước Baltic và các đồng minh NATO khác ở sườn phía đông, vốn đã bắt đầu coi Đức là kẻ ích kỷ và đôi khi quá thân thiện với Nga.
Việc cử các đơn vị bổ sung đến Lithuania, triển khai quân trên đất Slovakia lần đầu tiên và mở rộng kiểm soát trên không ở Romania chỉ là bước khởi đầu của một quá trình dài cho sự hiện diện quân sự của Đức ở Đông Âu hơn. Xu hướng này có thể tăng nhanh khi NATO quyết định từ bỏ Đạo luật thiết lập quan hệ NATO-Nga năm 1997, nhằm mục đích hạn chế việc triển khai quân ở các quốc gia thành viên ở Đông Âu.
Nhiều quyết định mà Thủ tướng Scholz mô tả sẽ cần phải được viết ra, bắt đầu với một kế hoạch mua sắm khẩn cấp và sẵn sàng cho các lực lượng vũ trang. Hiện nay, hầu hết các đơn vị quân đội Đức không có trang bị riêng mà phải xin, mượn của các đơn vị khác khi được NATO giao nhiệm vụ ở nước ngoài. Một chương trình khẩn cấp sẽ tìm cách thay đổi vị thế khó xử này của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Chiến lược An ninh Quốc gia mà chính quyền Scholz đã bắt đầu soạn thảo sẽ cần phải được bãi bỏ và một chiến lược mới được bắt đầu lại từ đầu. Và Khái niệm chiến lược mới của NATO, cũng đang nằm trên bàn thảo luận, sẽ cần được đánh giá lại để tính đến vị thế mới của Đức.
Nước Đức mới này, nơi mà sử gia Fritz Stern không còn sống để chứng kiến, sẽ sử dụng ngân sách quốc phòng lớn nhất châu Âu cho đến nay. Việc nước Đức tái vũ trang lần này lại được được chào đón và thậm chí được khuyến khích bởi tất cả những người hàng xóm trực tiếp. Không chỉ nước Đức đang chuyển mình, mà nhận thức về Đức cũng vậy.
Vào năm 2011, Radoslaw Sikorski, cựu Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao Ba Lan, từng có một phát biểu gây chú ý: “Tôi có thể sẽ là ngoại trưởng Ba Lan đầu tiên trong lịch sử nói ra điều này: nhưng tôi sợ một nước Đức trì trệ hơn là một nước Đức quyền lực."
Phải mất 11 năm sau, khi Nga động binh tại Ukraine, thì châu Âu thời hậu chiến mới cảm thấy an tâm trước sức mạnh quân sự của Đức.
https://baomoi.com/mot-nuoc-duc-moi/c/41906017.epi
O Duc khong phai di linh nghia vu -chinh vi vay linh Duc phan lon la thanh nien dot nat ,nghe nghiep khong on dinh nen dang ki di linh thoi han la 8 nam ,hang thang linh luong cao ,on dinh----vi the chat luong QD Duc nhu vuon tre .Linh sang di toi ve ,thu 7 chu nhat nghi o nha ---doanh trai khong phai gac ma thue cac cong ty bao ve gac ngay dem .Ma thoi moi nguoi tim hieu gia co phieu cua cac cong ty san xuat xe tang ,tau thuy ,may bay chac se lai to .
Trả lờiXóa