Thứ Sáu, 11 tháng 6, 2021

Đường sắt Cát Linh – Hà Đông: AN TOÀN – CAM KẾT ?

AN TOÀN – CAM KẾT
FB 
Nguyễn Chánh - Cá nhân lãnh đạo nào khi ký kết quyết định nghiệm thu đưa tuyến đường sắt này vào hoạt động (mặc dù đã có cảnh báo từ nhà tư vấn ACT) phải cam kết (thể hiện bằng văn bản và công bố trên phương tiện thông tin chính thống) chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu những cảnh báo của nhà tư vấn trở thành hiện thực (khi đưa tuyến đường sắt vào hoạt động). Sự cam kết này phải có được sự bảo đảm (bằng chức vụ; tài sản cá nhân…) từ cá nhân người ký quyết định.
Có câu “Sự bất quá tam”, và tôi cũng đã không dưới 3 lần viết về vấn đề đường sắt Cát Linh – Hà Đông, nhưng thật sự tôi không thể dừng viết tiếp về vấn đề này vì nó liên quan đến kinh tế xã hội; thể diện quốc gia và nhất là sự an toàn của hàng triệu người dân khi sử dụng (nếu tuyến đường sắt này đi vào hoạt động).

1- Đơn vị tư vấn ACT đánh giá như thế nào về an toàn hệ thống đường sắt này?

- Đúng như nhận định của tôi trong những lần viết trước đây: ”Khi chưa có các hồ sơ minh chứng nguồn gốc xuất xứ cũng như chất lượng vật tư; thiết bị của hệ thống thì có đơn vị kiểm định độc lập có uy tín nào dám xác nhận an toàn hệ thống không?”, và mặc dù bỏ qua việc thiếu sót này, các đơn vị tư vấn đã thể hiện thiện chí bằng việc thử nghiệm đánh giá qua thực tế nhưng cuối cùng vẫn phải đánh giá hệ thống không an toàn: 

“Theo tư vấn ACT, hệ thống đường sắt Cát Linh – Hà Đông không bảo đảm an toàn hệ thống điện kéo, hệ thống phanh điện; hệ thống chưa sẵn sàng xử lý tình huống khẩn cấp trong khai thác, khi thử nghiệm 10 quy trình khẩn cấp của hệ thống có 8 quy trình thất bại. Tổng thầu EPC – Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc không cung cấp đủ tài liệu liên quan tới an toàn vận hành hệ thống; hệ thống an toàn cháy nổ nhà ga trên tuyến không bảo đảm; an toàn hệ thống cầu cạn cũng chưa bảo đảm”.

- Đơn vị tư vấn đã “đưa ra 16 khuyến cáo về nguy cơ mất an toàn trong vận hành thương mại tuyến đường sắt này” và đã cảnh báo cho VN: “ATC nhấn mạnh nếu vận hành hệ thống đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, chủ đầu tư (Bộ giao thông vận tải/ Ban quản lý dự án đường sắt) phải chấp nhận các rủi ro và hệ quả tương ứng”.

2- Thái độ của Bộ GTVT như thế nào trước đánh giá này?

- Mặc dù với những kết luận đánh giá như trên từ phía đơn vị tư vấn, nhưng với “quyết tâm chính trị” cao để đưa tuyến đường sắt này vào hoạt động, Bộ GTVT đã có lập luận giải nguy hộ cho phía tổng thầu TQ như sau:

“Bộ GTVT cho rằng 16 cảnh báo của ACT xuất phát từ những khác biệt về tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn trong đầu tư, khai thác, vận hành hệ thống metro giữa châu Âu và Trung Quốc”

- Để tăng tính thuyết phục cho lập luận này, Bộ GTVT cũng đã viện dẫn đến nhiều đơn vị khác:

+ “Tuy nhiên, theo giải thích của Bộ Giao thông vận tải, 13 đoàn tàu của tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã được Cục đăng kiểm Việt Nam kiểm tra, cấp chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường”

+ “Bên cạnh đó, Cục cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đã cấp chứng nhận an toàn phòng cháy chữa cháy cho hệ thống; 

+ TUV cấp chứng nhận chất lượng an toàn cho hệ thống phanh điện, điện kéo; 

+ Tổng thầu EPC Trung Quốc và nhà sản xuất đoàn tàu BSR đã cam kết chất lượng và an toàn kỹ thuật cho các đoàn tàu, …”

3- Không khó để thấy được các lãnh đạo Bộ GTVT hiện đang cố giải nguy cho nhà thầu TQ qua các biện bạch nêu trên.

- Qua 40 năm làm việc, tôi đã trực tiếp đàm phán ký kết và thực hiện rất nhiều các hợp đồng kinh tế- kỹ thuật với các đơn vị đối tác (trong và ngoài nước). Khi thương thảo ký kết tôi luôn quan tâm và xem xét thật kỹ các điều khoản về yêu cầu chất lượng công việc; phương thức nghiệm thu…, trong đó tôi đặc biệt coi trọng điều khoản quy định tiêu chuẩn để dựa vào đó đánh giá nghiệm thu cùng với đơn vị (thứ 3) thực hiện đánh giá nghiệm thu (nếu có). 

Với công trình cấp quốc gia như tuyến đường đường sắt CL- HĐ này và với dàn cán bộ biết bao là TS-GS ở Bộ GTVT thế thì kinh nghiệm đàm phán ký kết HĐ chắc chắn là phải cao hơn tôi hàng trăm lần. Và như thế thì tiêu chuẩn để đánh giá nghiệm thu cũng như đơn vị tư vấn đánh giá ắt hẳn đã được quy định rõ trong hợp đồng ký kết giữa 2 bên.

+ Vậy tại sao giờ đây Bộ GTVT lại cho rằng: “ACT đã đánh giá dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông theo tiêu chuẩn Châu Âu trong khi dự án được thiết kế xây dựng theo tiêu chuẩn Trung Quốc, nên có nhiều tiêu chuẩn không đạt”?

+ Vậy tại sao khi tư vấn ACT đánh giá hệ thống đường sắt Cát Linh – Hà Đông không bảo đảm an toàn hệ thống điện kéo, hệ thống phanh điện thì Bộ GTVT lại biện bạch “TUV cấp chứng nhận chất lượng an toàn cho hệ thống phanh điện, điện kéo”? (TUV là đơn vị tư vấn nào? Năng lực ra sao? Khi ký kết ban đầu với nhà thầu TQ thì có đưa tên đơn vị này vào không?...).

+ Vậy tại sao khi tư vấn ACT đánh giá hệ thống an toàn cháy nổ nhà ga trên tuyến không bảo đảm; an toàn hệ thống cầu cạn cũng chưa bảo đảm thì Bộ GTVT lại biện bạch Cục cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đã cấp chứng nhận an toàn phòng cháy chữa cháy cho hệ thống?

- Sự biện bạch còn thể hiện rõ qua sự đánh tráo khái niệm:

+ Tuyến đường sắt CL-HĐ là một hệ thống tổng thể bao gồm nhiều thiết bị; nhiều hạng mục … cấu thành. Như thế tính an toàn của “hệ thống” đường sắt này được tạo nên từ tính an toàn của tất cả các “hạng mục thành phần”, chớ không thể lấy tính an toàn của một hạng mục mà kết luận toàn bộ hệ thống an toàn.

+ Một hệ thống gồm nhiều hạng mục, chỉ cần một hạng mục không an toàn thì hệ thống đó phải xem là không an toàn. Ở đây “khi thử nghiệm 10 quy trình khẩn cấp của hệ thống có 8 quy trình thất bại” thế thì có thể kết luận hệ thống an toàn hay không?

+ Tư vấn ACT khi đưa ra cảnh báo cho VN là dựa vào đánh giá “an toàn hệ thống”, tuyến đường sắt nhưng Bộ GTVT lại biện bạch bằng cách cho rằng “13 đoàn tàu của tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã được Cục đăng kiểm Việt Nam kiểm tra, cấp chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường”.

- Và thật buồn cười cho lời biện bạch “tổng thầu EPC Trung Quốc và nhà sản xuất đoàn tàu BSR đã cam kết chất lượng và an toàn kỹ thuật cho các đoàn tàu”

Qua biết bao công trình từ phía các nhà thầu TQ (như công trình cải tạo kênh Nhiêu Lộc; nhà máy đạm Ninh Bình; dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2; v.v…) hay chính ngay quá trình thi công thực hiện tuyến đường sắt CL-HĐ này vẫn chưa cho các lãnh đạo Bộ GTVT bài học kinh nghiệm nào về “sự cam kết của các nhà thầu TQ” à?

4- Trong các bài diễn văn; trong các bài tham luận chính trị … các quan chức lãnh đạo VN luôn nói “Nhà nước của dân, do dân, vì dân”, “Con người là vốn quý của xã hội” v.v… Trong các ngành công nghiệp đều luôn nêu lên khẩu hiệu “An toàn là trước hết”, và chính ngay Bộ GTVT đã quy định trên mỗi phương tiện kinh doanh vận tải phải dán decal khẩu hiệu “Tính mạng con người là trên hết”

- Vậy với số lượng lớn hành khách trên mỗi đoàn tàu (tối đa khoảng 1000 khách/đoàn tàu) thì vấn đề an toàn hệ thống có được đặt ra trước tiên không?

- Đơn vị tư vấn ACT đã làm tròn chức năng tư vấn của mình khi cảnh báo “nếu vận hành hệ thống đường sắt đô thị CL-HĐ chủ đầu tư phải chấp nhận các rủi ro và hệ quả tương ứng”. Vấn đề tiếp theo là Bộ GTVT có làm tròn chức năng của mình không? Có xem tính mạng của con người là trên hết không?

- Mỗi một người dân đều có quyền yêu cầu đồng tiền thuế của họ đóng phải được sử dụng chính đáng. Cụ thể với công trình tuyến đường sắt CL-HĐ này họ có quyền yêu cầu:

+ Lãnh đạo Bộ GTVT khi cân nhắc để quyết định nghiệm thu đưa tuyến đường sắt này vào hoạt động phải xem sự an toàn của hàng triệu người dân (hành khách) là trên hết.

+ Cá nhân lãnh đạo nào khi ký kết quyết định nghiệm thu đưa tuyến đường sắt này vào hoạt động (mặc dù đã có cảnh báo từ nhà tư vấn ACT) phải cam kết (thể hiện bằng văn bản và công bố trên phương tiện thông tin chính thống) chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu những cảnh báo của nhà tư vấn trở thành hiện thực (khi đưa tuyến đường sắt vào hoạt động). Sự cam kết này phải có được sự bảo đảm (bằng chức vụ; tài sản cá nhân…) từ cá nhân người ký quyết định.

P/S:
1. Đầu tiên báo cho chạy tít (title): “Tư vấn Pháp cảnh báo đường sắt Cát Linh-Hà Đông tiêu chuẩn Trung Quốc mất an toàn” nhưng sau đó sửa lại “Tư vấn Pháp khuyến cáo an toàn đường sắt Cát Linh-Hà Đông, Bộ GTVT nói gì?”. Việc thay đổi tít bài báo (không biết lý do tại sao?) cũng nói lên được nhiều điều.

2. Ý nghĩa của “Cảnh báo” và “Khuyến cáo”
- Cảnh báo: Báo trước cho biết việc nguy cấp có thể xảy ra
- Khuyến cáo: Đưa ra lời khuyên.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét