Thứ Tư, 7 tháng 10, 2020

Bộ CA và Bộ QP ‘lạm phát’ thứ trưởng

Đã nhiều lần tôi bức xúc phản ánh trên Blog này việc các Bộ công an, quốc phòng có quá nhiều thứ trưởng, đặc biệt là Bộ công an có lúc có tới 10 thứ trưởng. Đây là ví dụ điển hình của việc không thượng tôn pháp luật của chính ông Thủ tướng vì thứ trưởng là do ông bổ nhiệm. Lãnh đạo bộ nhiều, ông nào cũng muốn thể hiện quyền hành (và qua đó kiếm chác) nên nghĩ ra nhiều chuyện để hành dân, cuối cùng chỉ có người dân là khổ.
Bộ Công an và Bộ Quốc phòng ‘lạm phát’ thứ trưởng
Bộ Công an và Bộ Quốc phòng hiện đang có đến 9 thứ trưởng, vượt 3 người so với quy định trong Luật Tổ chức Chính phủ. Nhà văn Việt kiều Trần Quốc Quân viết: "Trong khi bao đời thủ tướng luôn miệng kêu gọi cải cách hành chính thì bộ máy hành chính ở trung ương lại chẳng hề gương mẫu chút nào. Trong khi hầu hết các nước, thủ tướng không có hoặc chỉ có 1 phó thủ tướng giúp việc thì thủ tướng nước ta có tới 4-5 phó thủ tướng giúp việc". 

Đại tướng Ngô Xuân Lịch (thứ 2 từ phải) chúc mừng 
ba tân Thứ trưởng Bộ Quốc phòng vào tháng 7/2020.
Chính phủ Việt Nam vừa có báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội trong việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, Quốc hội đánh giá việc quản lý biên chế tại nhiều bộ, ngành, địa phương chưa nghiêm; cơ cấu công chức chưa hợp lý, số lượng cấp phó ở một số đơn vị vượt quy định.

Dư luận cho rằng, bộ máy chính phủ Việt Nam là cồng kềnh nhất và có sự so sánh với các quốc gia khác như Nhật Bản.

Theo quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, số lượng thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ không được quá 5; riêng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Ngoại giao không quá 6.

Kết quả thực hiện cho thấy vẫn có một số bộ vượt quá số cấp phó so với quy định. Trong đó, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an là hai bộ có 9 thứ trưởng, vượt 3 so với quy định.

Bộ Nội vụ cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng vượt 1 người so với quy định.

Ngược lại, Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Thông tin Truyền thông là hai bộ chỉ có 3 thứ trưởng, ít hơn 2 so với quy định.

Có 7 bộ, cơ quan ngang bộ có 4 thứ trưởng và tương đương, tức ít hơn 1 so với quy định, gồm bộ Xây dựng; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Y tế; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; và Ủy ban Dân tộc.

Có 8 bộ, cơ quan ngang bộ có 5 thứ trưởng và tương đương (bằng số quy định) gồm: Bộ Tài chính; Bộ Tư pháp; Bộ Công thương; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Giao thông Vận tải; Văn phòng Chính phủ; và Thanh tra Chính phủ.

Báo Thanh Niên trích theo báo cáo, số lượng thứ trưởng nhiều hơn ở một số bộ "chủ yếu là do sắp xếp tổ chức bộ máy và yêu cầu của công tác cán bộ, như thực hiện chủ trương luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo từ địa phương về Trung ương".

Bộ máy chính phủ cồng kềnh là vấn đề được nêu từ nhiều năm qua và các số liệu mới công bố cho thấy nỗ lực "giảm biên chế" vẫn chưa có tiến triển khả quan.

Theo các thống kê chính thức, tháng 8/2011, Việt Nam có 122 thứ trưởng và cấp tương đương, tới tháng 12/2016 con số này là 106 và hiện nay là 110.

Dư luận từ lâu cho rằng bộ máy chính phủ Việt Nam rất cồng kềnh và thiếu hiệu quả.



Trên trang Facebook cá nhân, nhà văn Việt kiều Trần Quốc Quân viết: "Trong khi bao đời thủ tướng luôn miệng kêu gọi cải cách hành chính thì bộ máy hành chính ở trung ương lại chẳng hề gương mẫu chút nào. Trong khi hầu hết các nước, thủ tướng không có hoặc chỉ có 1 phó thủ tướng giúp việc thì thủ tướng nước ta có tới 4-5 phó thủ tướng giúp việc. Trong khi hầu hết các nước chỉ có 10-13 bộ trưởng thì nước ta có tới 22 bộ trưởng.

Trong khi hầu hết các nước mỗi bộ trưởng chỉ có 1 thứ trưởng giúp việc thì nước ta mỗi bộ trưởng có tới 4-6 thứ trưởng giúp việc.

Có thể nói, bộ máy chính phủ nước ta là cồng kềnh nhất và quan chức chính phủ nước ta là nhàn nhã nhất quả đất. Không oan!"

Vào tháng trước, khi tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga thành lập nội các chỉ với 13 bộ trưởng, nhiều công dân mạng Việt Nam lại một lần nữa so sánh quy mô hai nền kinh tế và quy mô bộ máy chính phủ. Nhiều chỉ trích về sự cồng kềnh của bộ máy quản lý lại rộ lên.

Trên trang Facebook cá nhân của mình, bà Nguyễn Thị Bích Hậu, một tác giả có nhiều sách về giáo dục, viết: "Một nước như nước ta có 22 bộ, tức là có 22 ông bà bộ trưởng quản 90 triệu dân và GDP đầu người là 2.740 USD năm. Nước Nhật có 13 bộ, nhưng chỉ có 12 ông bà bộ trưởng và họ kiêm nhiệm rất nhiều trong các lĩnh vực. Nhật có 126 triệu dân và GDP đầu người là 41.000 USD năm. Chỉ 1 thủ tướng và 1 phó thủ tướng thì phải kiêm Bộ trưởng Tài chính. Hiệu quả hay không tự hiểu".

Theo thống kê chính thức, hiện Việt Nam có 110 thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ, trong đó có 4 bộ vượt số lượng cấp phó so với quy định; có 201 Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54431471

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét