Đất đai của nông dân phải được mua bán theo nguyên tắc thị trường
PGS.TS VŨ TRỌNG KHẢI - Loạt bài “Văn Giang hậu thu hồi đất” đăng tải trên các số Báo NNVN trong tuần này đã tạo được sự chú ý, quan tâm đặc biệt của dư luận, nhất là các chuyên gia về nông nghiệp, nông thôn. Báo NNVN đã có buổi trao đổi với PGS.TS Vũ Trọng Khải, chuyên gia độc lập về kinh tế nông nghiệp, quanh vấn đề này.PGS.TS Vũ Trọng Khải cho rằng, những vụ việc liên quan đến thu hồi đất đai ở Văn Giang, Dương Nội, Thủ Thiêm… đều là điển hình sự về câu kết giữa nhà đầu tư và bộ máy công quyền để lấy đất của dân một cách hợp pháp nhưng lại vô đạo lý. Hợp pháp là vì Điều 62 của Luật Đất đai hiện hành cho phép chính quyền địa phương được thu hồi đất của dân cho các dự án, giải phóng mặt bằng và đền bù theo khung giá của Nhà nước, chứ không phải theo giá thị trường. Ở đây không có chuyện thuận mua vừa bán. Khi người nông dân không đồng ý thì bị cưỡng bức bằng vũ lực. Điều đó đã gây ra bất bình lớn trong xã hội.
Khi phát triển một dự án kinh tế - xã hội, nước nào cũng phải lấy đất từ nông nghiệp. Điều đó là khó tránh khỏi. Nhưng một nguyên tắc ai cũng biết là tái định cư cho người nông dân mất đất không chỉ là chỗ ở mà là tái lập cuộc sống của người ta chí ít cũng bằng như trước khi họ mất đất. Đấy là nguyên tắc sơ đẳng. Nhưng đằng này, ở dự án Ecopark cũng như nhiều dự án khác ở nước ta, người ta lấy đất của nông dân mà không quan tâm đến tái định cư, không quan tâm đến tái tạo cuộc sống, kế sinh nhai của nông dân, khiến nông dân bị bần cùng hóa đến tột độ.
Không những thế, ở nhiều dự án, người ta còn dùng những thủ đoạn “khủng bố”, trả đũa đối với những hộ nông dân khiếu nại như Báo NNVN đã nêu trong loạt bài “Văn Giang hậu thu hồi đất”. Những thủ đoạn như thế không những là vi phạm pháp luật mà còn là hành vi vô đạo đức, đồng thời cho thấy bộ máy hành pháp ở các địa phương đó đã bị tê liệt. Trên thế giới, không có ở nước nào mà nông dân khiếu nại về thu hồi đất lại bị chính quyền địa phương từ chối chứng nhận vào hồ sơ, lý lịch để xin việc làm, kết hôn …, bị hành hung, đe dọa bởi đám côn đồ.
Thực tế phát triển các khu công nghiệp ở nước ta trong những năm qua cho thấy, có rất nhiều khu công nghiệp chỉ tận dụng được 40-50% diện tích, còn lại đang bị bỏ hoang. Như vậy là lãng phí tài nguyên đất đai. Lãng phí này không chỉ của nhà đầu tư mà còn là lãng phí chung của cả xã hội, cả đất nước. Người nông dân mất đất, bị bần cùng hóa vì không có kế sinh nhai mới mà lại để đất đai bị lãng phí như thế là không thể chấp nhận được.
Thưa ông, hậu thu hồi đất ở Văn Giang cũng như tại nhiều địa phương, đến bây giờ vẫn gây ra những bức xúc lớn từ các hộ nông dân bị mất đất. Chính quyền ở các địa phương đó cần phải làm gì để giải quyết những hậu quả từ việc thu hồi đất đai cho các dự án?
Tôi cho rằng, bộ máy công quyền ở các địa phương đã thu hồi đất cho các dự án phải vào cuộc để giải quyết những bức xúc của người dân mất đất, mà trước hết là phải chủ động đối thoại với nông dân. Theo dõi các vụ khiếu nại lớn của nông dân liên quan đến thu hồi đất cho các dự án, tôi vẫn luôn thắc mắc tại sao chính quyền các địa phương lại không đối thoại với nông dân mất đất?
Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân, thì tại sao chính quyền ở các địa phương mà nông dân trên địa bàn đang bức xúc, khiếu nại về thu hồi đất, lại không dám đối thoại với nông dân? Đối thoại sẽ tìm ra lẽ phải, ra chân lý, ra giải pháp. Trong các vụ khiếu nại, không phải người dân lúc nào cũng đúng. Cũng có thể họ sai. Nhưng để chỉ ra cho nông dân thấy cái sai để họ tâm phục khẩu phục thì không gì bằng đối thoại. Tại sao chính quyền địa phương không làm việc đó?
Còn những gì chính quyền làm sai thì phải sửa chữa, khắc phục. Là nhà nước của dân, vì dân và do dân, thì chính quyền phải đối thoại với người dân và tìm cách giải quyết những hậu quả do chính bộ máy công quyền gây ra.
Như ông đã nói, một điểm chung của các dự án gây ra bất bình lớn của nông dân bị mất đất là nhà đầu tư câu kết với bộ máy công quyền để lấy đất của dân một cách hợp pháp nhưng lại vô đạo lý. Phải làm gì để chấm dứt tình trạng này?
Trong lúc chưa thể sửa chữa được căn bản Luật Đất đai theo hướng thừa nhận người dân có quyền sở hữu đất đai, thì chí ít cũng phải xem xét bỏ điều 62 trong Luật Đất đai hiện hành đi. Theo đó, cái quyền sử dụng đất của nông dân phải được coi là quyền sở hữu tài sản, được mua bán theo nguyên tắc thị trường, tức là thuận mua vừa bán. Khi ấy, sẽ không còn có chuyện nhà đầu tư liên kết với bộ máy công quyền để “cướp” đất của nông dân như hiện nay.
Xin cám ơn ông!
Ảnh: PGS.TS Vũ Trọng Khải
THANH SƠN
https://nongnghiep.vn/nhung-quyet-dinh-than-toc-giup-ecopark-danh-up-nong-dan-van-giang-post222337.html
https://nongnghiep.vn/nhan-tien-den-bu-du-an-ecopark-vi-gia-canh-qua-bi-dat-va-so-bi-tan-cong-tra-thu-post222222.html
https://nongnghiep.vn/that-xot-xa-voi-nhung-ho-hau-giao-dat-cho-du-an-ecopark-bi-liet-vao-danh-sach-den-post222444.html
https://nongnghiep.vn/xot-xa-dau-don-canh-lam-thue-tren-manh-dat-cua-minh-post222167.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét