Chuyên gia hỏi khó: Cán bộ 'du học' sao vẫn chưa giỏi?
Hàng ngàn cán bộ đi học nước ngoài về giám sát DNNN, quản lý vốn nhà nước tốn tiền ngân sách nhưng kết quả giám sát lại rất tồi. Theo kết quả thanh tra, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức nhiều đoàn đi nước ngoài không nằm trong chương trình, kế hoạch hoạt động đối ngoại được duyệt; còn nhiều đoàn đi với nội dung đi khảo sát, học tập kinh nghiệm nhưng thực chất là kết hợp đi tham quan, du lịch; nhiều đoàn thuộc ngành y tế, giáo dục đi nước ngoài theo thư mời đài thọ của doanh nghiệp.
Cán bộ đi nước ngoài thì nhiều mà kết quả
giám sát DNNN lại rất tồi. Ảnh minh họa
Tại hội thảo về Đổi mới cơ chế giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) diễn ra ngày 19/7, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phát biểu, từ khi Luật Doanh nghiệp năm 1999 có hiệu lực đến nay đã có hàng ngàn cuộc hội thảo, chuyến đi khảo sát trong và ngoài nước với hàng ngàn cán bộ học tập về giám sát DNNN, học tập kinh nghiệm quản lý vốn nhà nước. Tốn rất nhiều tiền của ngân sách, của doanh nghiệp cho hoạt động này nhưng kết quả giám sát DNNN lại rất tồi.Bà Lan đặt câu hỏi: “Phải chăng chúng ta là một học trò dốt? Học biết bao nhiêu thầy, sách vở nhưng không hề học được thực tiễn để làm được việc. Hoặc các kiến thức được học về cũng bị áp dụng máy móc theo kiểu “thầy đọc, trò chép”, không hiểu một cách thực tế, linh hoạt nên có đưa vào luật cũng không đạt được hiệu quả cao. Thế nên đừng tiếp tục tiêu tốn tiền dân vào đó nữa”.
Nỗi trăn trở của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan là có thể hiểu được khi nhìn vào các con số mà Thanh tra Chính phủ đưa ra mới đây khi kết luận thanh tra việc cử đoàn đi nước ngoài giai đoạn 2012 - 2016 của 4 bộ ngành, 6 địa phương.
Cụ thể, theo kết luận, trong giai đoạn 2012-2016 (thời gian tương đương một nhiệm kỳ), các Bộ Tài chính, Công Thương, Thông tin Truyền thông và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành 20 kế hoạch tổ chức đoàn đi nước ngoài. Sáu tỉnh là Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Đồng Nai và Tiền Giang ban hành 22 kế hoạch tổ chức đoàn đi nước ngoài.
Các đơn vị này đã cử trên 17.500 đoàn, gần 53.000 lượt cán bộ với tổng kinh phí trên 1.200 tỷ đồng. Trong đó 4 bộ ngành cử trên 14.600 đoàn, gần 42.000 lượt cán bộ và tổng kinh phí trên 1.000 tỷ đồng.
Kết luận của cơ quan thanh tra nêu, Bộ Công Thương dẫn đầu trong danh sách cử các đoàn đi công tác; đứng thứ hai là Bộ Tài chính.
Hầu hết các bộ ngành, địa phương đều có lãnh đạo đi nước ngoài quá 2 lần mỗi năm, vẫn có đoàn bố trí hai lãnh đạo chủ chốt của cùng bộ, địa phương đi chung đoàn; có đoàn số lượng trên 10 người đi, thời gian hơn 10 ngày; nhiều lãnh đạo cơ quan tham gia các đoàn do doanh nghiệp mời; nhiều đoàn có thành phần tham gia là người chuẩn bị nghỉ hưu hoặc đã nghỉ hưu (mang tính tri ân).
Một số trường hợp cá biệt được kết luận chỉ ra như: ông Vũ Huy Hoàng khi làm Bộ trưởng Công Thương vào năm 2014 đã tham gia 23 đoàn đi nước ngoài; năm 2015 tham gia 22 đoàn với tổng thời gian đi nước ngoài 163 ngày (chiếm hơn nửa thời gian làm việc trong năm); bà Phan Thị Mỹ Thanh, cựu Phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai có năm đi nước ngoài trên 10 lần (có cả việc riêng, việc công, cả đối tác mời).
Theo kết quả thanh tra, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức nhiều đoàn đi nước ngoài không nằm trong chương trình, kế hoạch hoạt động đối ngoại được duyệt; còn nhiều đoàn đi với nội dung đi khảo sát, học tập kinh nghiệm nhưng thực chất là kết hợp đi tham quan, du lịch; nhiều đoàn thuộc ngành y tế, giáo dục đi nước ngoài theo thư mời đài thọ của doanh nghiệp.
Minh Thái (Tổng hợp)
http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/chuyen-gia-hoi-kho-can-bo-du-hoc-sao-van-chua-gioi-3362169/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét